EU muốn cùng Mỹ xây dựng bộ quy tắc cho trí tuệ nhân tạo
Bà Margrethe Vestager, ủy viên phụ trách vấn đề cạnh tranh của Ủy ban châu Âu muốn tạo ra “một không gian xuyên Đại Tây Dương cho việc phát triển các thuật toán trí tuệ nhân tạo (AI) đáng tin cậy”. Bà tin rằng EU và Mỹ có thể cùng nhau xây dựng một bộ quy tắc chung về AI để các công ty tuân thủ hướng dẫn.
Phát biểu của bà Vestager được đưa ra trước thềm cuộc họp lần thứ ba của Hội đồng Thương mại và Công nghệ EU-Mỹ diễn ra vào ngày 5/12, tiến xa hơn bao giờ hết trong việc đồng bộ các quy tắc về công nghệ AI. Nếu Mỹ và EU có thể đồng tình về một bộ hướng dẫn chung cho AI, đây sẽ trở thành tiêu chuẩn toàn cầu nhờ sức ảnh hưởng của hai nền kinh tế.
Nhưng từ trước đến nay, Brussels và Washington đang có cách tiếp cận khác nhau. Các tổ chức của EU đang xây dựng Đạo luật AI (AI Act), trong đó có những ràng buộc pháp lý để cấm sử dụng AI cho một số mục đích, chẳng hạn như nhận dạng khuôn mặt theo thời gian thực trong không gian công cộng.
Mỹ tự hào có những gã khổng lồ công nghệ có khả năng phát triển các hệ thống AI tiên tiến hàng đầu, đã yêu cầu Viện Tiêu chuẩn và Công nghệ Quốc gia (NIST) đưa ra các hướng dẫn tự nguyện để dẫn dắt ngành công nghiệp phát triển sản phẩm AI. Tháng 10 vừa qua, Nhà Trắng đã đưa ra thêm một mục trong chiến lược AI của mình là Dự luật Nhân quyền trong thời đại AI (AI Bill of Rights). Dự thảo này đưa ra các nguyên tắc không ràng buộc để bảo vệ công chúng khỏi các hệ thống [AI] không an toàn và không hiệu quả, các thuật toán phân biệt đối xử, vi phạm quyền riêng tư và các quyết định không giải thích được. Nó cũng đảm bảo người dùng có một lựa chọn không tham gia [vào hệ thống sử dụng AI], thay vào đó là nói chuyện với con người.
Bà Vestager cho rằng có thể điều chỉnh Đạo luật AI của EU và Tuyên ngôn nhân quyền AI của Mỹ. “Khi nhìn vào hoạt động pháp chế […] ở mỗi khu vực tài phán, ta sẽ thấy có khá nhiều phạm vi để có được một hướng dẫn chung, một quan điểm chung có giá trị trong thực tiễn”, bà nhận xét. Dưới sự bảo trợ của Hội đồng Thương mại và Công nghệ EU-Mỹ, bà đang cố gắng giúp các doanh nghiệp “nhẹ gánh” bằng cách thúc đẩy áp dụng một bộ quy định duy nhất. Nó sẽ tạo ra một thị trường AI rộng lớn và cho phép giao dịch, đầu tư xuyên Đại Tây Dương nhiều hơn.
Nhưng nhiều người hoài nghi về việc bắc cầu khoảng cách AI xuyên Đại Tây Dương, ít nhất là trong tương lai gần. Risto Uuk, một nhà nghiên cứu chính sách tại Viện Future of Life, cho biết:“Chúng tôi không thấy có nhiều sự tương đồng giữa Đạo luật AI ở EU và Dự luật Nhân quyền AI của Mỹ. Đạo luật AI là một quy tắc toàn diện [có sự ràng buộc pháp lý], Tuyên ngôn Nhân quyền AI là một tập hợp các nguyên tắc”.
Tuy nhiên, UuK cho rằng có nhiều tiềm năng hơn trong việc liên kết Đạo luật AI của EU với các hướng dẫn của NIST. Future of Life đã vạch ra những điểm chung giữa chúng trong một báo cáo đầu năm nay.
“Tôi tin rằng một cách tiếp cận chung là có thể, nhưng sẽ mất một vài năm mới có thể đạt được,” Andrea Renda, nhà nghiên cứu cấp cao tại Trung tâm nghiên cứu chính sách châu Âu và là một trong những người tổ chức sự kiện mà Vestager phát biểu cho biết. Ông nói rằng các hướng dẫn của Mỹ từ NIST vẫn còn “khá chung chung” và Đạo luật AI của EU “còn lâu mới được hoàn thiện”. Chuyên gia này bổ sung, tổ chức OECD có thể đứng ra làm trung gian giữa các quy định của Mỹ và EU.
Bất chấp sự lạc quan về các quy tắc chung của AI, những bất đồng về một chính sách mới đưa ra của Mỹ hồi tháng 8 mang tên Đạo luật Giảm lạm phát (Inflation Reduction Act) có thể làm lu mờ các cuộc đàm phán của trong Hội đồng Thương mại và Công nghệ EU-Mỹ. EU lo ngại đạo luật này – với khoản tài trợ 500 tỷ USD cho mọi thứ, từ ô tô điện đến dược phẩm sẽ gây bất lợi cho các công ty EU vì chúng trợ cấp cho các đối thủ cạnh tranh ở Mỹ hoặc khiến các công ty EU bị thu hút để chuyển hoạt động sang Mỹ.
Trang Linh lược dịch
Nguồn: https://sciencebusiness.net/news/eu-hopes-build-aligned-guidelines-artificial-intelligence-us