IAEA phân tích nước đã qua xử lý từ nhà máy điện hạt nhân Fukushima Daiichi
Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) đang tiến hành phân tích độc lập và chứng thực dữ liệu liên quan đến việc xả nước đã qua xử lý từ Nhà máy điện hạt nhân Fukushima Daiichi để xác thực dữ liệu do Nhật Bản báo cáo. Các hoạt động này là một thành phần của đánh giá an toàn về ba thành phần đang được thực hiện bởi Lực lượng Đặc nhiệm IAEA, do Tổng Giám đốc Rafael Mariano Grossi thành lập vào năm 2021. Lực lượng Đặc nhiệm IAEA có 11 chuyên gia quốc tế từ khắp nơi trên thế giới (Việt Nam có TS. Nguyễn Hào Quang, cán bộ Viện Khoa học và Kỹ thuật hạt nhân, Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam – VINATOM tham gia) và các nhân viên của IAEA. Hai thành phần còn lại đánh giá kỹ thuật về tính an toàn và bảo vệ công chúng và xem xét quy trình quản lý, đều đang diễn ra và sẽ có một báo cáo toàn diện vào năm 2023, trước khi xả nước đã qua xử lý.
Trước đó, vào tháng 4 năm 2021, Nhật Bản công bố Chính sách cơ bản về xả nước đã qua xử lý tại Fukushima Daiichi, tùy thuộc vào các phê duyệt của cơ quan quản lý trong nước. Nước tích tụ tại khu vực kể từ vụ tai nạn năm 2011 đã được xử lý thông qua một quy trình lọc được gọi là Hệ thống xử lý chất lỏng tiên tiến (ALPS) bằng cách sử dụng một loạt các phản ứng hóa học để loại bỏ 62 hạt nhân phóng xạ khỏi nước. Tuy nhiên, ALPS không thể loại bỏ tritium khỏi nước bị ô nhiễm (xem thêm chú thích về tritium ở dưới bài này).
Các cơ quan chức năng của Nhật Bản đã yêu cầu sự hỗ trợ từ IAEA để giám sát và xem xét các kế hoạch và hoạt động liên quan đến việc xả nước đã qua xử lý để đảm bảo rằng các kế hoạch này sẽ được thực hiện một cách an toàn và minh bạch. Tổng Giám đốc của IAEA đã thành lập Lực lượng Đặc nhiệm để đánh giá an toàn khách quan và dựa trên khoa học về các hoạt động xả thải tại địa điểm. Kể từ đó, nhóm hơn 25 chuyên gia, bao gồm cả chuyên gia từ khu vực, đã gặp nhau tám lần và đã thực hiện năm chuyến thăm thực địa đến Fukushima Daiichi.
Đầu năm nay, Lực lượng Đặc nhiệm IAEA đã công bố báo cáo đầu tiên về mức độ an toàn của việc xả nước theo kế hoạch, và vào tháng 6, báo cáo thứ hai về các vấn đề pháp quy đã được công bố. Từ đầu năm tới nay, IAEA đã thực hiện lấy mẫu nước qua xử lý từ Fukushima Daiichi để Cơ quan này và các phòng thí nghiệm của bên thứ ba phân tích. Các chiến dịch lấy mẫu bổ sung từ Fukushima Daiichi và môi trường biển xung quanh được lên kế hoạch trong những tháng và năm tới. Báo cáo thứ ba dự kiến sẽ được công bố vào cuối năm nay sẽ cung cấp một cái nhìn toàn diện về các hoạt động đã được lên kế hoạch của IAEA để chứng thực dữ liệu phóng xạ liên quan trong quá trình đánh giá an toàn rộng hơn…
Quá trình phân tích nước đã qua xử lý nhằm chứng thực đặc tính phóng xạ do Công ty Điện lực Tokyo (TEPCO) – Nhà điều hành nhà máy điện hạt nhân Fukushima Daiichi, cung cấp. TEPCO khẳng định rằng nước sau khi xử lý đã loại bỏ 62 hạt nhân phóng xạ là phù hợp để xả ra biển. Kể từ vụ tai nạn Fukushima Daiichi năm 2011, nước được sử dụng để làm mát nhiên liệu tan chảy và các mảnh vụn nhiên liệu đã được xử lý và lưu trữ tại chỗ. IAEA sẽ vẫn tiếp tục đánh giá ngay cả sau khi bắt đầu xả nước đã qua xử lý, như một phần trong cam kết của Tổng Giám đốc Grossi là tiếp tục tham gia trước, trong và sau khi xả nước đã qua xử lý.
Từ ngày 29 tháng 8 đến ngày 2 tháng 9, Lực lượng Đặc nhiệm đã họp tại Vienna và đến Seibersdorf, Monaco để thăm tất cả bốn phòng thí nghiệm. Họ đã thảo luận về các kỹ thuật phân tích để đánh giá hàm lượng các nhân phóng xạ của các mẫu, tiến trình thực hiện công việc và các phân tích trong tương lai đối với các mẫu phát sinh thêm.
Lần này, ba trong số bốn phòng thí nghiệm của IAEA sẽ tham gia đánh giá là các phòng thí nghiệm về môi trường: Phòng thí nghiệm Thủy văn đồng vị ở Vienna; Phòng thí nghiệm Hóa phóng xạ Môi trường trên Mặt đất ở Seibersdorf, cách Vienna 35 km về phía nam; và Phòng thí nghiệm Đo phóng xạ ở Monaco. Phòng thí nghiệm còn lại là Phòng thí nghiệm Dịch vụ Kỹ thuật An toàn Bức xạ ở Vienna.
“Các phòng thí nghiệm của IAEA đang cùng nhau hợp tác để đảm bảo phân tích khoa học toàn diện và chứng thực dữ liệu từ TEPCO. Chúng tôi đang tích cực nghiên cứu để đảm bảo những kết quả ban đầu này có thể được cung cấp cho cộng đồng quốc tế trước khi bắt đầu xả nước vào năm 2023”, Gustavo Caruso, phụ trách lực lượng đặc nhiệm cho biết.
Lực lượng Đặc nhiệm cũng thảo luận về các phương pháp và sự chuẩn bị để chứng thực khả năng bảo vệ chống bức xạ nghề nghiệp của TEPCO và Nhà máy điện hạt nhân Fukushima Daiichi. Việc xem xét và đánh giá kỹ thuật được đề xuất dựa trên các yêu cầu về đánh giá phơi nhiễm nghề nghiệp được quy định trong tài liệu Hướng dẫn An toàn Chung số GSG-7.
Chú thích về Tritium:
Tritium là một dạng phóng xạ tự nhiên của hydrogen được tạo ra trong khí quyển khi các tia vũ trụ va chạm với các phân tử không khí và có tác động phóng xạ thấp nhất trong tất cả các hạt nhân phóng xạ tự nhiên trong nước biển. Tritium cũng là một sản phẩm phụ của vận hành các nhà máy điện hạt nhân để sản xuất điện.
Tritium là một đồng vị của hydrogen, và nước chứa tritium có các tính năng hóa học gần như đồng nhất với nước có chứa hydrogen thông thường. Về mặt kỹ thuật, rất khó loại bỏ nước đã bị tritium hóa khỏi nước.
Tritiun có chu kỳ bán rã phóng xạ là 12, 32 năm. Điều này có nghĩa là đối với bất kỳ lượng tritium nhất định nào, sau 12,32 năm sẽ chỉ còn lại một nửa do sự phân rã phóng xạ. Nước triti có thời gian bán hủy sinh học tương đối ngắn trong cơ thể con người từ 7 đến 14 ngày. Thời gian bán hủy sinh học của hóa chất (ví dụ như thuốc) trong cơ thể sống là thời gian cần thiết để một nửa hóa chất đó bị cạn kiệt hoặc bị đào thải khỏi cơ thể.
Thu Hà dịch
Nguồn: https://www.iaea.org/newscenter/news/iaea-laboratories-conduct-analysis-of-treated-water-from-fukushima-daiichi
(Visited 8 times, 1 visits today)