Lý Chính Đạo, người thách thức định luật bảo toàn, qua đời
Ở tuổi 31, ông và đồng nghiệp là Dương Chấn Ninh đã giành giải Nobel Vật lý năm 1957 cho khám phá ra rằng các hạt hạ nguyên tử, không giống như các nhà khoa học nghĩ, không phải lúc nào cũng đối xứng.
Lý Chính Đạo, một nhà vật lý Mỹ gốc Trung Quốc đã vượt qua điều mà từ lâu đã được coi là một quy luật cơ bản của tự nhiên – các hạt luôn luôn đối xứng – đã qua đời ngày 6/8 tại nhà ở San Francisco ở tuổi 97. Viện Lý Chính Đạo tại ĐH Giao thông Thượng Hải và Trung tâm nghiên cứu KH&CN tiên tiến Trung Quốc ở Bắc Kinh cùng ra thông cáo về sự qua đời này.
Lúc sinh thời, Robert Oppenheimer đã từng ca ngợi Lý Chính Đạo là một trong những nhà vật lý lý thuyết xuất sắc nhất thời đại với “sự tươi mới, linh hoạt và phong cách khác thường”.
Lý Chính Đạo sinh tại Thượng Hải ngày 24/11/1926, người con thứ ba trong gia đình mà người cha là thương gia, mẹ theo đạo Thiên Chúa, theo báo Wenhui Daily. Sau khi học năm thứ hai tại ĐH Quốc gia Chiết Đại ở Quý Châu, ông nhận được học bổng của chính phủ Trung Quốc tới Mỹ.
Giữa năm 1946 và 1950, ông nghiên cứu tại ĐH Chicago dưới sự hướng dẫn của chính Enrico Fermi. Sau đó, ông là giáo sư trẻ ở Columbia, nơi ông được bổ nhiệm giáo sư toàn phần ở tuổi 29 — độ tuổi trẻ nhất trong lịch sử của trường ở thời điểm đó.
Lý thuyết mà ông vượt qua được gọi là định luật bảo toàn chẵn lẻ, lý thuyết cho rằng từng hiện tượng và hình ảnh đối xứng gương của nó phải hành xử chính xác như nhau. Tại thời điểm ông thách thức lý thuyết đó, năm 1956, thì nó đã được cộng đồng khoa học chấp nhận trong vòng ba thập niên.
Ông bị thu hút bởi một vấn đề bao gồm sự phân rã của K mesons, vốn gồm các hạt hạ nguyên tử. Các hạt này phân rã mọi lúc, hình thành nên các electron, neutrino và photon. Các thực nghiệm chứng tỏ là khi K mesons phân rã, một số hạt đã thay đổi, qua đó cho thấy là có sự khác biệt giữa các hạt với nhau. Oái oăm một điều là chúng có khối lượng và thời gian sống giống nhau, chỉ dấu là chúng lại giống nhau.
Sự mâu thuẫn rõ ràng này đã làm nảy sinh một câu hỏi hóc búa cho các nhà vật lý. Họ giả định là các lực hạt nhân, như phân rã meson, tuân theo quy luật bảo toàn chẵn lẻ như hai lực cơ bản khác chi phối vật lý lượng tử: lực hạt nhân mạnh liên kết proton và neutron với nhau trong hạt nhân, và lực điện từ chi phối lực hút và đẩy của điện tích và hành xử của ánh sáng. Nói cách khác, các nhà khoa học giả định, sự định hướng của lực hạt nhân yếu có thể luôn luôn nghịch đảo.
Giáo sư Lý Chính Đạo đã đề nghị một nhóm nghiên cứu tại Columbia thực hiện một thí nghiệm đơn giản để xem xem liệu trường hợp này có thế không. Kết quả cho thấy là nó dường như không phải.
Ông đề nghị Dương Chấn Ninh, một giáo sư tại Viện nghiên cứu tiên tiến ở Princeton, và cùng với nhau, họ thực hiện nhiều nghiên cứu và thực nghiệm bao gồm lực yếu. Hai ông đã đi đến kết luận là chỉ có một câu trả lời hợp lý cho vấn đề được dấy lên từ phân rã K meson: Không giống như lực hạt nhân mạnh và lực điện từ, lực hạt nhân yếu không tuân theo định luật bảo toàn chẵn lẻ. Đó là một ý tưởng cách mạng bởi vì điều đó có nghĩa là trong tự nhiên, một số hạt là thuận tay phải trong khi những hạt khác lại thuận tay trái.
Ngoài giải Nobel, ông còn giành được nhiều giải thưởng khác như giải Albert Einstein trong khoa học, huy chương Galileo Galilei và huy chương G. Bude, cũng như tiến sĩ danh dự và danh hiệu ở nhiều tổ chức trên toàn thế giới.
Giáo sư Lý Chính Đạo còn phát triển một mô hình cho nghiên cứu vô số hiện tượng lượng tử và được đặt tên là “mô hình Lý”.
Anh Vũ dịch từ chuyên trang Vật lý
Nguồn: https://phys.org/news/2024-08-nobel-prize-physicist-tsung-dao.html