Không nên sạc ô tô điện tại nhà vào ban đêm

Trong nghiên cứu mới được công bố ngày 22 tháng 9 trên tạp chí Nature Energy, các nhà khoa học tại ĐH Stanford đã xây dựng một mô hình mới nhằm xem xét tình trạng của lưới điện trên toàn bộ khu vực phía Tây Hoa Kỳ vào năm 2035, trong bối cảnh ngày càng nhiều người sử dụng ô tô điện để di chuyển. Họ nhận thấy, chỉ trong hơn một thập kỷ, tốc độ tăng trưởng nhanh chóng của ô tô điện có thể làm gia tăng nhu cầu điện trong giờ cao điểm lên tới 25% - giả định mọi người vẫn tiếp tục việc sạc điện vào ban đêm trong khu dân cư.


 Ảnh: Amy Adams / Đại học Stanford

Các nhà nghiên cứu cho biết, để hạn chế các rủi ro liên quan đến lưới điện và giảm thiểu lượng điện cần dự trữ, người lái xe nên chuyển sang sạc vào ban ngày tại nơi làm việc hoặc các trạm sạc công cộng, điều này cũng sẽ giảm lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính. Phát hiện này giúp chính quyền có được cái nhìn tổng quan hơn trong quá trình ra quyết định, đặc biệt là kể từ khi California quyết định cấm bán ô tô và xe tải nhẹ chạy bằng xăng từ năm 2035.

“Chúng tôi nghĩ các nhà hoạch định chính sách nên xem xét điều này để khuyến khích người dân sạc xe vào ban ngày, thúc đẩy đầu tư cơ sở hạ tầng sạc xe để các tài xế chuyển sang sạc ở công ty thay vì ở nhà”, đồng tác giả của nghiên cứu, phó giáo sư Ram Rajagopal, chuyên về kỹ thuật dân dụng và môi trường tại Stanford, cho biết.

Trong tháng 2 năm nay, doanh số bán ô tô điện ở California đã đạt mốc 1 triệu chiếc, chiếm tỷ lệ khoảng 6% ô tô và xe tải nhẹ bán ra thị trường. Chính quyền bang đã đặt mục tiêu sẽ có 5 triệu ô tô điện lăn bánh trên đường vào năm 2030. Khi số xe điện chạm mốc 30% đến 40% trên tổng số ô tô trên đường, hệ thống lưới điện sẽ lâm vào cảnh quá tải – nếu không có các khoản đầu tư lớn nhằm nâng cấp cơ sở hạ tầng và người dân thay đổi thói quen sạc pin, Rajagopal cho biết. Việc xây dựng hạ tầng đòi hỏi nhiều thời gian và công sức, không thể thực hiện trong một sớm một chiều.

Một khi 50% ô tô trên đường ở miền Tây Hoa Kỳ đều chạy bằng điện, sẽ cần hơn 5,4 gigawatt năng lượng dự trữ để đáp ứng thói quen sạc pin vào ban đêm (Số dân sống ở California chiếm khoảng một nửa dân số miền Tây Hoa Kỳ). Đó là công suất tương đương với 5 lò phản ứng điện hạt nhân lớn. Nếu người dân chuyển sang sạc pin tại nơi làm việc thay vì ở nhà, số năng lượng dự trữ cần thiết để sạc ô tô điện sẽ giảm xuống còn 4,2 gigawatt.

Khuyến khích thay đổi

Theo nhóm nghiên cứu, biểu giá điện theo từng khung giờ hiện nay khuyến khích người dân dùng điện vào ban đêm (giá điện giảm từ sau 9 giờ tối) chẳng hạn như dùng máy rửa bát và sạc xe điện. Biểu giá đó chỉ phù hợp trong khoảng thời gian trước đây, khi chúng ta chưa có nguồn cung cấp điện mặt trời và năng lượng gió ổn định, vì nhu cầu sử dụng điện vào ban ngày quá cao nên mọi người được khuyên nên dùng điện vào ban đêm.

Hiện tại, California thừa điện vào gần giờ trưa và đầu giờ chiều, chủ yếu nhờ vào nguồn năng lượng mặt trời ổn định. Nếu hầu hết các ô tô đều được sạc trong thời gian này thì nguồn điện thừa sẽ được tận dụng thay vì để lãng phí. Ngoài ra, nếu người dân vẫn tiếp tục sạc xe điện vào ban đêm, thì California sẽ cần nhiều máy phát điện hơn — có khả năng chúng chạy bằng khí đốt— hoặc dự trữ một số lượng lớn nguồn năng lượng đắt đỏ.

Ở cấp độ khu vực, nếu một phần ba số nhà trong khu phố có ô tô điện và hầu hết các chủ xe đều đặt thời gian sạc bắt đầu từ lúc 11 giờ đêm, hoặc bất cứ thời điểm nào khi giá điện giảm, thì lưới điện địa phương có thể sẽ bị ảnh hưởng.

“Bài báo đưa ra hai kết luận quan trọng: thứ nhất là biểu giá điện hiện tại có thể ảnh hưởng tiêu cực đến lưới điện. Thứ hai, nghiên cứu kêu gọi chính quyền xem xét đầu tư vào cơ sở hạ tầng sạc điện khu vực công sở”, Ines Azevedo, đồng tác giả của công báo mới và là phó giáo sư về khoa học năng lượng và kỹ thuật tại ĐH Stanford, kết luận.

Hoàng Nhi lược dịch

Nguồn: Charging cars at home at night is not the way to go, study finds

Tác giả

(Visited 4 times, 1 visits today)