Các khái niệm trong chính trị học của Hannah Arendt 

Lúc này không còn đặt vấn đề về việc giới thiệu các tác phẩm của Hannah Arendt ở Việt Nam muộn hay không nữa, vì rõ ràng là đã quá muộn với một triết gia mà cuộc đời phản ánh những vấn đề trọng đại nhất trong thế kỷ của bà. Triết học chính trị của Arendt cần được giới thiệu và nghiên cứu ở Việt Nam, bởi dù sao cũng phải rút ngắn khoảng cách với thế giới, nhất là trong lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn.

Hannah Arendt (1906 – 1975) là một triết gia và lý thuyết chính trị gia người Đức. Bà được xem là một trong những triết gia chính trị quan trọng nhất của thế kỷ 20.

Làm quen với một số khái niệm của Arendt

Hannah Arendt, người phụ nữ Do Thái gốc Đức, kể từ năm 1933 đến 1950 trải nghiệm thân phận lưu vong, không quốc gia, không giấy tờ, không quốc tịch, dưới sự truy đuổi của phát xit Đức. Tới năm 1944, bà được bổ nhiệm làm Giám đốc Nghiên cứu, kiêm Giám đốc Điều hành của Ủy ban Tái thiết Văn hóa Do Thái châu Âu (Commission on European Jewish Cultural Reconstruction – CEJCR). Sau hai năm, Arendt rời CEJCR để làm biên tập cho Schocken Books, một công ty xuất bản về sau đã in nhiều công trình của bà. Tháng 8/1949, bà quay trở lại làm việc ở CEJCR, và giữ vị trí thư ký Ban điều hành của tổ chức này từ 1952 cho đến tận cuối đời. Công việc này cho phép bà tiếp xúc với nhiều tư liệu để phân tích các vấn đề của người Do Thái cũng như để nghiên cứu về chủ nghĩa toàn trị. Arendt xuất bản cuốn The Origins of Totalitalianism (Những nguồn gốc của chủ nghĩa toàn trị) năm 1951, sau gần chục năm nghiên cứu về đề tài toàn trị, công trình này ngay lập tức khiến bà được thừa nhận như một nhà chính trị học xuất sắc. Sau khi bà qua đời, nhiều tiểu luận tiếp tục được xuất bản, trong đó có cả công trình quan trọng The Life of the Mind (Đời sống tinh thần), và đặc biệt là các trao đổi thư tín.

Người Pháp dịch Arendt và giới thiệu các tác phẩm của bà ở Pháp vào thập kỷ 1960 nhưng hầu hết các tác phẩm của bà phải đợi đến thập kỷ 1970 và 1980 mới được dịch và in ở Pháp. Một năm sau khi bà mất, 1976, mới xuất hiện bài giới thiệu đầu tiên đề cập đến các công trình của bà trong tính tổng thể của chúng, in lại trong tạp chí Etudes philosophiques sau khi đã được đưa vào Encyclopaedia. Năm 1979 hội thảo đầu tiên về Arendt tại Pháp được tổ chức bởi Trung tâm Văn hóa Mỹ. Năm 1980, tạp chí Esprit xuất bản số đặc biệt về Arendt. Kể từ đó bắt đầu có các nghiên cứu sinh làm luận án tiến sĩ về Arendt trong các trường đại học Pháp và bắt đầu xuất hiện các chuyên gia về Arendt. Người Pháp tự nhận như thế là quá muộn đối với một tác giả tầm cỡ như bà.

Nói chuyện ở Pháp để nhìn về Việt Nam mà thấy rằng, Arendt mới chỉ bắt đầu xuất hiện năm 2016, qua cuốn “Chát với Hannah Arendt” của Bùi Văn Nam Sơn, thuộc tủ sách Triết học dành cho bạn trẻ của Nhà xuất bản Trẻ. Hai công trình đầu tiên của Arendt được dịch ra tiếng Việt là cuốn Giữa quá khứ và tương lai (Between Past and Future), xuất bản năm 2020, và cuốn Eichmann ở Jerusalem (Eichmann in Jerusalem), xuất bản năm 2021.

Các khái niệm này tạo thành một mạng lưới với những mối quan hệ chằng chịt. Chúng liên kết với nhau, liên quan tới nhau, mắc nối vào nhau, khái niệm này định nghĩa khái niệm kia. Đọc Arendt, muốn hiểu khái niệm “quyền lực” thì phải hiểu khái niệm “hành động”, “hành động” lại liên quan chặt chẽ đến “tự do”, và cả “tự do” lẫn “hành động” không thể được hiểu nếu bị tách rời khỏi “chính trị”.

Tuy nhiên không dễ cảm thụ được những tâm huyết của Arendt. Do đó, tôi hướng tới việc giới thiệu các khái niệm trong chính trị học của Hannah Arendt, thông qua cuốn “Các khái niệm chính trị của Hannah Arendt”. Phải nhấn mạnh là các khái niệm này tạo thành một mạng lưới với những mối quan hệ chằng chịt. Chúng liên kết với nhau, liên quan tới nhau, mắc nối vào nhau, khái niệm này định nghĩa khái niệm kia. Hệ khái niệm của Arendt có cùng đặc điểm của hình thái rhizome trong triết học Deleuze. Bản thân các khái niệm của Deleuze cũng ở trong tình trạng tương tự: các khái niệm mắc vào nhau như trong một chùm rễ, muốn hiểu khái niệm này, cần hiểu khái niệm kia. Đọc Arendt, muốn hiểu khái niệm “quyền lực” thì phải hiểu khái niệm “hành động”, “hành động” lại liên quan chặt chẽ đến “tự do”, và cả “tự do” lẫn “hành động” không thể được hiểu nếu bị tách rời khỏi “chính trị”. Và chính điều này tạo ra khó khăn khi tìm cách cắt nghĩa rõ ràng từng khái niệm. Khó khăn là ở chỗ không thể đặt các khái niệm một cách biệt lập để tường giải, mà chúng cần được sử dụng để soi chiếu lẫn nhau, vì thế có thể tạo nên cảm giác lặp đi lặp lại một số điều đã nói.

Hơn nữa, có thể nhận diện một đặc điểm khác trong phương pháp mà Arendt sử dụng thường xuyên: bà đặt các hiện tượng chính trị trong những đối sánh và liên hệ lẫn nhau với mục đích phân biệt chúng một cách rõ ràng nhất. Điều này khiến tôi phải hết sức cân nhắc về việc sắp đặt thứ tự các khái niệm, khái niệm nào nên nói trước và khái niệm nào nói sau trong cuốn “Các khái niệm chính trị của Hannah Arendt”. Chẳng hạn, bạo lực và quyền lực là hai khái niệm thông thường rất dễ bị lẫn lộn, và Arendt tự đặt nhiệm vụ làm sáng tỏ cả hai phương diện: cả sự lẫn lộn và sự khác biệt giữa chúng. Vì thế, không dễ dàng trong việc lựa chọn trình bày về quyền lực trước hay trình bày về bạo lực trước. Lô-gic của sự lựa chọn rốt cuộc là ở chỗ làm thế nào để giảm thiểu sự trùng lặp ở mức tối đa và làm nổi bật được đặc thù của mỗi khái niệm. Cũng trong lô-gic này mà tôi quyết định đặt chương bàn về khái niệm chính trị của Arendt ở cuối cuốn sách.

Những đề nghị về khái niệm

Nhân việc đề cập đến khái niệm rhizome của Deleuze, tôi muốn đưa ra ở đây ba đề nghị:

1/ Trong trường hợp đối với một số khái niệm của khoa học xã hội và nhân văn, do rất khó tìm một từ tương đương trong tiếng Việt, khi muốn bảo toàn các nghĩa phức tạp của chúng, ta nên dùng hình thức phiên âm và giải nghĩa. Chẳng hạn, hãy thử hình dung chữ rhizome được phiên âm thành ri-zôm (chúng tôi sẽ trở lại giải thích rõ hơn về khái niệm này vào một dịp khác). Những thế hệ trước đã Việt hóa rất thành công những từ như từ “savon”, “auto” (viết tắt của automobile) trong tiếng Pháp, biến các từ đó thành “xà phòng” hoặc “xà bông”, “ô-tô”, nghe rất thuần Việt, hoàn toàn không ảnh hưởng gì đến nghĩa của từ hay đến cách thức sử dụng. Có vô số những ví dụ Việt hóa như thế trong tiếng Việt, vậy, trong những trường hợp quá khó để dịch, tại sao không Việt hóa các khái niệm gốc và bằng cách đó làm phong phú thêm cho tiếng Việt, đồng thời giải quyết những khó khăn đặc thù của các thuật ngữ? Nếu auto có thể Việt hóa thành ô-tô thì, cùng một cơ chế, tại sao rhizome không thể Việt hóa thành ri-zôm? Mong rằng các nhà chuyên môn sẽ suy nghĩ và cân nhắc về phương án Việt hóa các khái niệm khi cần.

2/ Đã đến lúc đặt vấn đề về sự thống nhất trong việc lựa chọn dịch các khái niệm sang tiếng Việt. Nghĩa là cần khắc phục tình trạng: đối với một khái niệm, mỗi dịch giả khi dịch ra tiếng Việt lại cố tìm cho được một từ riêng của mình. Ví dụ, cần chọn một từ tiếng Việt để dịch khái niệm “Being”. Hiện nay khái niệm “Being” (tiếng Anh) hoặc “Être” (tiếng Pháp), thuộc phạm vi bản thể học, lúc thì được dịch thành “hữu thể”, lúc thì được dịch thành “tồn tại”, cũng có người dịch thành “tính thể”. Hoặc khái niệm “Ontology” lúc thì được dịch thành “bản thể học”, lúc thì được dịch thành “hữu thể học”… Một khái niệm khác, hermeneutics, cũng ở trong tình trạng mỗi người dịch một kiểu, thành ra có nhiều từ tiếng Việt được dùng để chỉ khái niệm này: thông diễn học, diễn giải học, chú giải học, tường giải học, thuyên thích học… Điều này phản ánh một thực tế không thể phủ nhận là chúng ta chưa có một nền triết học, và cũng chưa hình thành được một “giới chuyên môn” về triết học, tất cả đều đang trong tình trạng manh mún, rời rạc. Sự phát triển một nền triết học đòi hỏi giới chuyên môn phải xây dựng cả hệ thống khái niệm được sử dụng đồng bộ, hay ít nhất, các khái niệm nền tảng, quan trọng, phải được sử dụng đồng bộ. Dĩ nhiên, khi lựa chọn một khái niệm nào đó để có thể cùng sử dụng thống nhất thì cần phải dựa trên các cơ sở nội hàm của khái niệm, chứ không thể lựa chọn một cách ngẫu nhiên. Đồng thời, ở một khía cạnh khác: khi có thể 1 nên dùng một từ tiếng Việt và đưa vào từ đó các nghĩa khác nhau có trong khái niệm gốc được dịch.

Đề nghị này của tôi xuất phát từ các lý do sau đây:

Thứ nhất là vì lợi ích của độc giả. Việc sử dụng thống nhất một từ tiếng Việt để dịch cùng một khái niệm tạo thuận lợi cho độc giả tiếp cận với triết học hoặc các lý thuyết về khoa học xã hội và nhân văn, vốn đã rất khó hiểu. Nếu một khái niệm lại được dịch ra bằng nhiều từ khác nhau thì khiến cho việc tiếp nhận càng khó khăn hơn. Nói cách khác, nếu các dịch giả có thể thống nhất chọn cùng một từ trong tiếng Việt để dịch một khái niệm thì sẽ giúp cho quá trình truyền bá và tiếp thu triết học trở nên dễ dàng hơn. Có thể hình dung là nếu từ hermeneutics được dịch thành “thông diễn học” ở mọi nơi thì độc giả sẽ hiểu dễ dàng hơn; còn nếu trong sách này dịch là “thông diễn học”, trong sách kia lại dùng “thuyên thích học”, rồi trong một sách khác lại dịch là “giải thích học”, thì dĩ nhiên việc tiếp nhận sẽ khó khăn hơn, đặc biệt là đối với những độc giả không chuyên.

Lý do thứ hai: các khái niệm vốn rất phức tạp, mang chứa nhiều nghĩa, và có tính khái quát cao, vì khái quát nên đa nghĩa. Trong lúc đó tiếng Việt lại có xu hướng biểu đạt cái cụ thể, thiếu tính khái quát. Nếu chúng ta chọn dịch cùng một khái niệm thành nhiều từ tiếng Việt khác nhau thì đáp ứng được tình trạng: mỗi một từ tiếng Việt biểu hiện một phương diện nghĩa của khái niệm gốc (ở đây đã loại trừ việc mỗi dịch giả muốn ghi dấu ấn cá nhân bằng việc chọn dịch một từ khác với từ đã được dùng quen thuộc). Tuy nhiên nếu chúng ta dùng một từ tiếng Việt và cấp cho nó các nghĩa trừu tượng và khác nhau được bao hàm trong khái niệm (ví dụ, nếu ta chọn từ “tồn tại” và cấp cho nó các nghĩa vốn được chuyển dịch sang tiếng Việt bằng những từ khác như: hiện hữu, hữu thể, tính thể…) thì từ tiếng Việt đó sẽ trở nên vừa trừu tượng vừa đa nghĩa.

Trở lại với khái niệm rhizome, một thuật ngữ sinh học, dùng để chỉ các loại cây có thân rễ hoặc rễ chùm. Deleuze mượn thuật ngữ này và phát triển nó trong lĩnh vực triết học để xây dựng lý thuyết của ông. Trường hợp này của Deleuze cho thấy rất rõ rằng không cần phải tạo ra một từ mới, mà trên cơ sở từ đã có, hoàn toàn có thể thêm vào những nội dung mới và biến nó thành một khái niệm triết học. Một trong những đặc tính của ngôn ngữ là được hình thành từ thói quen sử dụng. Sau một thời gian các khái niệm đi vào đời sống ngôn ngữ và tư tưởng, chúng ta sẽ thấy rằng tiếng Việt cũng là một ngôn ngữ có tính trừu tượng như các ngôn ngữ khác, bởi vì giá trị ngôn ngữ và đặc điểm ngôn ngữ chính là giá trị sử dụng và đặc điểm sử dụng. Về mặt tiềm năng, tiếng Việt hoàn toàn có thể diễn tả các ý niệm trừu tượng như bất kỳ mọi ngôn ngữ nào khác. Chính cách sử dụng của chúng ta sẽ góp phần làm cho tiếng Việt trở nên trừu tượng.

3/ Danh từ hóa động từ khi có thể. Chữ Être trong tiếng Pháp là một ví dụ cho việc danh từ hóa động từ, ở trường hợp này động từ être được sử dụng như là danh từ. Hoặc ta có ví dụ khác, động từ apparaître (xuất hiện) cũng được danh từ hóa thành l’apparaître (cái xuất hiện); và còn nhiều ví dụ như vậy trong tiếng Pháp. Trong tiếng Việt, động từ “tồn tại” đã được danh từ hóa thành công đến mức giờ đây “tồn tại” được sử dụng như là danh từ một cách phổ biến và dường như không còn chút băn khoăn nào về khái niệm “Tồn tại”, khái niệm căn bản của bản thể học. Trường hợp danh từ hóa của khái niệm “tồn tại” là một trường hợp rất thú vị trong tiếng Việt. Danh từ hóa động từ cũng là một cách để chúng ta có thể làm cho tiếng Việt trở nên trừu tượng và có khả năng diễn đạt những ý tưởng trừu tượng. Dĩ nhiên, không thể làm việc này một cách tùy tiện, mà cần dựa trên các điều kiện về ngôn ngữ để xác định khi nào thì có thể danh từ hóa động từ, và khi nào thì không thể.

Chúng ta cũng đối diện với đòi hỏi phải có một vài cuốn từ điển triết học mới, không những để đáp ứng nhu cầu hệ thống hóa kiến thức nền tảng, mà còn để đáp ứng việc hình thành hệ thống khái niệm triết học căn bản mà giới chuyên môn có thể sử dụng một cách thống nhất.

Những đề nghị như thế này, nếu muốn được chấp nhận, cần đưa ra thảo luận rộng rãi trong cộng đồng những người có chuyên môn. Đồng thời, những người trong giới phải xây dựng được một “ý chí chung” (volonté générale) theo nghĩa của Rousseau, còn nếu không sẽ rất khó đạt tới sự đồng thuận, khi mà việc dịch thuật chỉ phụ thuộc vào ý chí riêng của từng cá nhân. Tình huống này cũng cho ta thấy một Viện Hàn lâm đủ uy tín và thẩm quyền trong các vấn đề ngôn ngữ cần thiết và có ý nghĩa như thế nào đối với một dân tộc, bởi vì ngôn ngữ không chỉ có chức năng giao tiếp hằng ngày, ngôn ngữ còn đặc biệt thể hiện trình độ tư duy của dân tộc đó. Một sự thống nhất về cách sử dụng khái niệm như đề xuất trên đây, chỉ duy nhất cơ quan thẩm quyền và đủ uy tín, là Viện Hàn lâm của một đất nước, mới có thể thực hiện được; bởi vì, về nguyên tắc, Viện Hàn lâm là nơi tập hợp các chuyên gia hàng đầu trong các lĩnh vực, và được nhà nước cấp cho các nguồn lực cần thiết để thực hiện chức trách và nhiệm vụ của họ.

Ngoài ra, chúng ta cũng đối diện với đòi hỏi phải có một vài cuốn từ điển triết học mới, không những để đáp ứng nhu cầu hệ thống hóa kiến thức nền tảng, mà còn để đáp ứng việc hình thành hệ thống khái niệm triết học căn bản mà giới chuyên môn có thể sử dụng một cách thống nhất. Sẽ không dễ dàng cho việc xây dựng và phát triển một nền khoa học xã hội, khi mà mỗi khái niệm lại phải khoác lên mình cùng một lúc nhiều vỏ chữ khác nhau; bởi khái niệm không phải là trang phục, mà nó vừa là công cụ tư duy vừa là nội dung tư duy; các triết gia phải suy tư bằng khái niệm, và nội dung suy tư của các triết gia được kết tinh vào trong khái niệm. Một lần nữa phải nhắc lại rằng, công việc thống nhất hệ thống khái niệm trong các lĩnh vực là nhiệm vụ đặc thù của đội ngũ chuyên gia tại các Viện Hàn lâm hoặc được Viện Hàn lâm mời cộng tác, với sự hỗ trợ của các chính sách thích đáng của Nhà nước.

Những đề xuất trên đây cũng xuất phát từ thực tế của các vấn đề mà tôi gặp phải khi tiến hành nghiên cứu cụ thể này và trong công việc dịch thuật nói chung. Đứng trước một khái niệm, đôi khi mất rất nhiều thời gian để quyết định xem nên chọn từ nào trong số các từ tiếng Việt khác nhau đã được các dịch giả sử dụng. Nếu như trong lĩnh vực nghệ thuật dấu ấn riêng của nghệ sĩ là đòi hỏi mang tính tất yếu, thì trong lĩnh vực học thuật, sự thống nhất về khái niệm lại là yêu cầu quan trọng nhằm thúc đẩy nền học thuật phát triển; và nhiệm vụ xây dựng nền học thuật đôi khi đòi hỏi các dịch giả phải hy sinh dấu ấn riêng của mình. Một lần nữa trở lại với Deleuze ở hai ý sau đây: 1/ Thay vì chọn một từ tiếng Việt, việc giữ nguyên từ gốc của Deleuze với phiên âm “ri-zôm” sẽ mang lại nhiều lợi ích cho triết học và độc giả. Nói điều này để nhắc lại đề nghị về phiên âm khái niệm. 2/ Deleuze và Guattari viết chung nhiều tác phẩm triết học, trong đó mỗi người đã tự loại bỏ bản sắc riêng của mình, tự loại bỏ dấu ấn riêng của mình, để đạt tới một phong cách trung tính, phong cách của thế giới học thuật. Hiện tượng này được người Pháp gọi là “écriture à quatre mains” (“viết bằng bốn tay”- dịch sát từ, hay “viết chung” – dịch sát nghĩa). Còn nhiều “cặp đôi bốn tay” khác, như Martine Leibovici và Anne-Marie Roviello, cùng thực hiện công trình nghiên cứu Le pervertissement totalitaire. La banalité du mal selon Hannah Arendt, NXB Kimé, 2017.

Và hiện tượng “viết bốn tay” không chỉ dừng lại ở phạm vi học thuật, trong lĩnh vực sáng tác cũng có những nhà văn cùng viết chung tác phẩm, như hai anh em nhà Goncourt, thế kỷ 19, đã cùng nhau viết nhiều cuốn tiểu thuyết; André Breton và Philippe Soupault viết chung cuốn Les Champs magnétiques, xuất bản năm 1920; Khúc đồng diễn Maximalist! được hai nhà soạn nhạc Thierry de Mey và Peter Vermeersch cùng sáng tác năm 1983. Thêm một trường hợp của thế kỷ 21, Marie Despleschin và Lydie Violet, đồng tác giả của tiểu thuyết La vie sauve, được giải thưởng Médicis, năm 2005. Tóm lại, cả trong lĩnh vực nghệ thuật, cũng có những tác giả không đặt vấn đề phong cách cá nhân lên trên hết, mà tìm kiếm sự hợp tác trong sáng tạo.

Vậy thì, trong lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn, các dịch giả Việt Nam có nên hy sinh dấu ấn riêng của mình, khi có thể, để cùng nhau xây dựng một hệ thống thuật ngữ thống nhất? Câu hỏi này cần được đặt ra, cùng với nhận thức về vai trò, tầm quan trọng và nhiệm vụ của Viện Hàn lâm trong việc phát triển nền học thuật của đất nước.□

——

* Tác giả là TS. triết học và văn chương.

1. Tôi nhấn mạnh “khi có thể” vì không phải lúc nào cũng làm được điều này, do đặc tính cụ thể và các nghĩa đã quen dùng của từ tiếng Việt nên thường xuyên xảy ra trường hợp cùng một từ trong bản gốc tiếng nước ngoài khi dịch ra phải dùng nhiều chữ khác nhau trong tiếng Việt.

Tác giả

(Visited 69 times, 1 visits today)