Can thiệp y tế để được công nhận chuyển giới: Quyền tự quyết về cơ thể?

LTS: Bộ Y tế đang xây dựng Luật Chuyển đổi giới tính nhằm bảo đảm cho người có nhận diện giới khác giới tính hiện có được sống đúng với giới tính mà họ mong muốn và cho phép người chuyển giới có đủ quyền và nghĩa vụ công dân bình thường, như kết hôn, đi nghĩa vụ quân sự... Nhưng một trong những điểm mấu chốt của dự luật là điều kiện phải có can thiệp y tế mới được công nhận là người chuyển đổi giới tính lại ảnh hưởng tới quyền tự quyết cơ thể.

Câu chuyện của Nhiên 

Đối với hầu hết phụ nữ, “sống làm người phụ nữ bình thường” là điều hiển nhiên nhưng với Nhiên, một giảng viên đại học ở TP HCM, lại là điều có nhiều trắc trở nhất cho đến giờ. Nhiên sinh năm 1985 với giới tính trên giấy tờ là nam giới nhưng từ nhỏ Nhiên luôn nghĩ mình là con gái. Đến tuổi dậy thì, khi bắt đầu cảm nhận được sự khác biệt với bạn bè đồng lứa, chị nhầm tưởng mình là người đồng tính vì thiếu nguồn kiến thức về giới (người chuyển giới là trạng thái một người nhận thức bản thân thuộc về một giới tính khác với giới tính sinh học của cơ thể). Sau này, nhờ đọc sách báo, tài liệu, chị mới nhận ra mình là người chuyển giới và bắt đầu tìm hiểu, liên lạc khắp nơi để tìm nguồn thuốc hoóc-môn. Việc sử dụng hoóc-môn không đem lại được cho Nhiên sự tự tin hoàn toàn và nhiều bất tiện (vì hầu như không có cơ sở tư vấn hoặc giúp chị tiêm hoóc-môn) nhưng Nhiên cũng chưa thể phẫu thuật chuyển giới. Lý do mà Nhiên vẫn chưa thực hiện phẫu thuật là vì muốn chờ “mọi thứ được hợp pháp hóa, có quy trình cụ thể”(1).

“Chờ có quy trình cụ thể”, vì Nhiên và những người chuyển giới như chị (ước tính Việt Nam có khoảng gần 500 nghìn người) đã đề xuất, đưa ra những vấn đề của cộng đồng chuyển giới cùng vô vàn thách thức mà họ gặp phải và chứng kiến những lần vận động, sửa đổi quy định từ khoảng hơn 10 năm trước. Sau nhiều hội thảo khoa học, vận động chính sách kể từ khoảng năm 2010, đến năm 2015, Quốc hội đã thông qua Điều 37, Bộ Luật Dân sự sửa đổi, thừa nhận pháp luật Việt Nam cần ghi nhận quyền chuyển đổi giới tính. Một năm sau, Chính phủ ban hành Quyết định triển khai thi hành Bộ Luật Dân sự, trong đó giao Bộ Y tế xây dựng văn bản quy phạm pháp luật về chuyển đổi giới tính.

Dù qua sáu năm nghiên cứu và tham vấn ý kiến chuyên gia, cộng đồng chuyển giới, dự thảo Dự thảo Luật chuyển đổi giới tính, tuy nhiên còn những điểm mấu chốt vẫn chưa ngã ngũ. Dự thảo hiện nay quy định yêu cầu phải sử dụng hoóc-môn tối thiểu hai năm, phẫu thuật một phần hoặc toàn bộ thì mới được công nhận là người chuyển đổi giới tính. Đây là vấn đề đang được thảo luận sôi nổi trong cộng đồng chuyển giới vì ảnh hưởng rất lớn tới cơ thể, sức khỏe và tinh thần của người chuyển giới.

Yếu thế trong nhóm yếu thế

Đề xuất bắt buộc phải có can thiệp y tế này khởi phát từ quan ngại rằng Việt Nam chưa đủ tiến bộ, nhận thức của xã hội về người chuyển giới còn chưa cao để thừa nhận giới tính pháp lý cho người chuyển giới mà chưa trải qua can thiệp y tế. Nếu chưa trải qua can thiệp y tế, một người có vẻ bề ngoài là nam, tự nhận bản thân là nữ và thay đổi giấy tờ sang nữ thì sẽ gây ra khó nhận dạng trên căn cước công dân. Hoặc điều này sẽ tạo ra xáo trộn trong sử dụng các không gian công cộng như nhà vệ sinh, doanh trại, trại giam… nếu người đó chưa có thể hiện giới như giới tính mà họ thay đổi. Nhưng vấn đề này đòi hỏi phải có phương án xây dựng, phân loại các không gian dành cho người chuyển giới thay vì đẩy trách nhiệm lên chính người chuyển giới, đòi hỏi họ phải thực hiện can thiệp y tế.

Trong những năm gần đây, người chuyển giới ngày càng có nhiều hoạt động chung để kết nối, thể hiện mong muốn của mình, kêu gọi cộng đồng tránh kỳ thị người chuyển giới. Ảnh: Đại sứ quán Thụy Điển

Trong thực tế, những quan ngại cho rằng sẽ xảy ra sự xáo trộn nếu có người chuyển giới chưa trải qua can thiệp y tế tham gia vào những khu sinh hoạt chung như ở doanh trại quân đội hay trại giam cũng tương tự vấn đề mà các nhóm khác thuộc cộng đồng LGBTIQA+ (đồng tính nam, đồng tính nữ, song tính, chuyển giới, có bản dạng giới khác) gặp phải. Bởi các nhóm khác thuộc cộng đồng LGBTIQA+ cũng gặp các vấn đề tương tự, và trong một số trại giam có phạm nhân là người đồng tính, song tính, chuyển giới, khi có đề nghị được ở riêng (2), họ đang phải sử dụng phòng biệt giam. Do vậy, can thiệp y tế không thể giải quyết được vấn đề khi các nhóm khác thuộc cộng đồng LGBTIQA+ cũng tiềm ẩn cùng khó khăn.

Trong khi không giải quyết được tận gốc vấn đề của riêng nhóm chuyển giới hay cả cộng đồng LGBTIQA+, thì yêu cầu can thiệp y tế lại dẫn tới sự phân biệt đối xử trong chính cộng đồng người chuyển giới, đẩy những người mong muốn được công nhận giới tính pháp lý nhưng không có điều kiện về kinh tế, sức khỏe để can thiệp y tế trở nên thiệt thòi hơn những người khác cùng nhóm chuyển giới. Việc can thiệp y tế thường dẫn tới nhiều hệ lụy về sức khỏe cho người chuyển giới, một nghiên cứu tại Hà Lan cho thấy người chuyển giới nữ sử dụng hoóc-môn (3) sẽ tăng nguy cơ ung thư vú trong thời gian ngắn. Đối với những người chuyển giới có bệnh nền như bị bệnh tim, dị ứng thuốc gây mê (4), nếu can thiệp y tế rất nguy hiểm. Chưa kể, không phải người chuyển giới nào cũng đủ khả năng tài chính chi trả can thiệp y tế. Trong khi, theo khảo sát của Viện Nghiên cứu xã hội, kinh tế và môi trường (iSEE), sử dụng hormone hai năm liên tục tốn hơn 30 triệu (5) và chi phí cho phẫu thuật chuyển giới dao động trên dưới 100 triệu (6).

Quyền tự quyết về cơ thể?

Với các trường hợp như của Nhiên, khi bức bối giới đạt đỉnh điểm, can thiệp y tế sẽ giúp người chuyển giới giảm phiền muộn giới và có được ngoại hình mong muốn, giúp họ cảm thấy dễ được xã hội chấp nhận hơn, không còn những ánh mắt hoài nghi trong cuộc sống thường ngày, thậm chí là khó khăn trong quá trình xin việc (4). Tuy nhiên không phải ai cũng giống Nhiên, nhiều người chuyển giới không có nhu cầu hoặc chưa đủ bức bối để can thiệp y tế. Trong một nghiên cứu thực hiện trên 408 người chuyển giới trong đó có 306 người chuyển giới nam và 102 người chuyển giới nữ về nhu cầu chuyển đổi giới tính, 22,7% số người chuyển giới nam và và 26,3% người chuyển giới nữ cho biết chưa có quyết định can thiệp y tế dù từng nghĩ đến (7). Đối với nhóm này, bị ép buộc can thiệp y tế mới được thừa nhận là người chuyển giới lại tiếp tục gây chấn thương tâm lý cho họ. Những người vốn chịu áp lực và sự bất công, thậm chí bị lề hóa trong xã hội lại chịu thêm cả những bất công từ chính quy định về can thiệp y tế?

Như vậy, yêu cầu can thiệp y tế đã đặt nhóm người chuyển giới không có điều kiện kinh tế, sức khỏe vào tình thế “tiến thoái lưỡng nan”, nhóm thiểu số này buộc phải chấp nhận việc tiếp tục bị xã hội bỏ quên, bị giới hạn quyền và lợi ích hợp pháp của mình. Khi xây dựng dự thảo để bảo vệ quyền cho một nhóm người nhưng vô hình trung lại giới hạn quyền của nhóm đó, thậm chí chạm đến quyền tự quyết về cơ thể của họ, đòi chúng ta phải thảo luận lại kỹ lưỡng.

Trong khi yêu cầu can thiệp y tế không mang lại lợi ích thực sự nào về sức khỏe và tinh thần cho người chuyển giới thì lại “cổ xúy” cho những kiến thức sai lệch đang hiện hữu về người chuyển giới. Trong xã hội vẫn còn tồn tại một khuôn mẫu sai lệch về người chuyển giới: người chuyển giới phải là người đã can thiệp y tế, đặc biệt là đã phẫu thuật. Nhưng trên thực tế, việc một người nhận dạng bản thân có phải người chuyển giới hay không nằm ở ý chí chủ quan của người đó chứ không phụ thuộc vào tình trạng cơ thể. Cách hiểu sai lệch này càng bị khắc sâu khi công chúng xã hội thấy quy định yêu cầu can thiệp y tế để được công nhận là người chuyển đổi giới tính. Từ đó, nhóm người chuyển giới mong muốn được công nhận giới tính nhưng không có điều kiện can thiệp y tế sẽ bị lãng quên, gia tăng bức bối giới khi vẫn tiếp tục chịu áp lực từ định kiến trên. Do vậy, cần tác động đúng nhu cầu của cộng đồng để luật có tính khả thi cao.

Nhu cầu và nguyện vọng của cộng đồng người chuyển giới?

Khi chúng tôi tham vấn lấy ý kiến về Dự thảo Luật Chuyển đổi giới tính với 26 người chuyển giới, những người được tham vấn cho biết đều rất quan tâm đến phương án trao quyền tự quyết về thân thể cho người chuyển giới. Linh – một người chuyển giới nam 17 tuổi cho rằng: “… trao quyền tự quyết về thân thể có lợi về mặt tài chính hơn và công bằng, bình đẳng hơn… nó sẽ có một cái rất là tiến bộ, tức là khẳng định không phải cứ phẫu thuật, thì mới gọi là trans, bởi vì cái quan niệm đấy thì nó sẽ phủ định sự tồn tại của những người như em …” (4) (trans: thuật ngữ tiếng anh viết tắt cho Người chuyển giới).

Khi can thiệp y tế trở thành yêu cầu bắt buộc thì quyền tự quyết về thân thể của người chuyển giới sẽ bị tước đi, họ buộc phải hy sinh một quyền cơ bản để được quyền thừa nhận bản dạng của mình. Ngay trong Dự thảo Luật Chuyển đổi giới tính cũng ghi “người đề nghị chuyển đổi giới tính là người có giới tính sinh học hoàn thiện, có nhận diện giới khác với giới tính sinh học hiện có…”. Rõ ràng, chính Dự thảo cũng đã mâu thuẫn khi đặt xuất phát “từ sự tự cảm nhận bản thân là nam hay nữ (8)” nhưng để đảm bảo được quyền lợi của người chuyển giới phải cần đến can thiệp y học.

Trên thế giới, các nước ngày càng giã từ quy định về chuyển giới ảnh hưởng tới quyền tự quyết thân thể này. Các quy định bắt buộc phải trải qua phẫu thuật, triệt sản hay thậm chí cam kết độc thân đang dần được nới lỏng, xóa bỏ vì được cho là vi phạm nhân quyền, nguyên tắc tự do cơ thể (9). Một số quốc gia đã thay thế quy định này nhằm hạn chế tác động lên cơ thể, như quy định về giấy chứng nhận của bác sĩ tâm thần/tâm lý; quy định sống thử với giới tính mình mong muốn trong thời gian từ sáu tháng đến một năm như ở Vương quốc Anh, Iceland, Ý, Ba Lan, Áo, Estonia, Thụy Điển, Cộng hòa Nam Phi, Ecuador,… hay trường hợp của Argentina, Luật Bản dạng Giới của quốc gia này quy định rõ, trong hồ sơ đề nghị chuyển đổi giới tính không cần có bất kỳ bằng chứng gì về việc đã trải qua can thiệp y tế, người chuyển giới có nhu cầu chuyển đổi và được thừa nhận giới tính pháp lý chỉ cần cung cấp bằng chứng đã đủ 18 tuổi, Đơn đề nghị chuyển đổi và tên mong muốn (10).

Theo Báo cáo Hiện trạng thừa nhận giới tính pháp lý của người chuyển giới trên thế giới (IT’S T TIME, 10/2021), có 71/193 quốc gia, chiếm 36,78% tổng số quốc gia trên thế giới đã có quy định về chuyển đổi giới tính, riêng ở khu vực châu Á đã có 17/53 quốc gia. Không chỉ vậy, số lượng quốc gia không yêu cầu can thiệp y học để được thừa nhận giới tính pháp lý chiếm 50% trong tổng số đã có quy định về chuyển đổi giới tính – 36 quốc gia chưa bao gồm Úc và Hoa Kỳ là quốc gia có nhà nước Liên bang. Việc bãi bỏ/không bắt buộc can thiệp y tế trong thừa nhận giới tính pháp lý của người chuyển giới đã và đang diễn ra trên mọi khu vực của thế giới.

***

Nhìn chung, các nhà làm luật cần cẩn trọng với tính tuyên truyền, phổ biến và dự báo của chính sách, pháp luật để lựa chọn giải pháp phù hợp với quá trình phát triển của xã hội. Suy cho cùng, mong muốn cơ bản nhất của cộng đồng là được thừa nhận bởi pháp luật để họ được thay đổi giới tính trên giấy tờ và sự chấp nhận của xã hội với quyền được tự do thể hiện bản dạng của mình.□

——

* Tác giả là cán bộ vận động chính sách tại It’s T Time.

Bài viết có sự đóng góp nội dung của Chu Thanh Hà, Trần Thị Minh Ngọc, Bùi Mai Anh Thư

Chú thích:

(1) Hiện trạng trải nghiệm y tế và nhu cầu chuyển đổi giới tính của người chuyển giới ở Việt Nam, Viện nghiên cứu Xã hội, Kinh tế và Môi trường, 2017.

(2) Điều 18, Luật Thi hành tạm giữ, tạm giam 2015

(3) BMJ 2019;365:l1652

(4) Tham vấn cộng đồng người chuyển giới và đa dạng giới về Dự thảo Luật Chuyển đổi giới tính tại Việt Nam, Viện Nghiên cứu Xã hội, Kinh tế và Môi trường, IT’S T TIME, 2022

(5) Báo cáo đánh giá tác động của chính sách đối với Đề nghị xây dựng Dự án Luật Chuyển đổi giới tính

(6) Hiện trạng trải nghiệm y tế và nhu cầu chuyển đổi giới tính của người chuyển giới ở Việt Nam, Viện Nghiên cứu Xã hội, Kinh tế và Môi trường, 2018, tr.9

(7) Hiện trạng trải nghiệm y tế và nhu cầu chuyển đổi giới tính của người chuyển giới ở Việt Nam, Viện Nghiên cứu Xã hội, Kinh tế và Môi trường, 2018, tr.62

(8) Khoản 5, Điều 2, Dự thảo Luật Chuyển đổi giới tính, 11/2022

(9) Kỷ yếu hội thảo khoa học – Kinh nghiệm một số quốc gia trên thế giới về pháp luật chuyển đổi giới tính và bài học cho Việt Nam – PGS.TS Vũ Công Giao, tập thể Giảng viên Khoa Luật – Đại học Quốc gia Hà Nội, Viện Nghiên cứu Xã hội, Kinh tế và Môi trường (iSEE), 2018

(10) Điều 4 Luật Bản dạng Giới 2012, Cộng hòa Argentina.

Tác giả

(Visited 13 times, 1 visits today)