Kiến trúc sư cần tái định vị công việc trong xã hội hiện đại
Lịch sử kiến trúc đã chứng minh chỉ khi xã hội hiểu biết và tôn trọng kiến trúc, thì kiến trúc mới có đất tốt để nở hoa kết trái. Ngày nay, các kiến trúc sư Việt Nam hay “phàn nàn” về sự “lệch pha” với chủ đầu tư công trình. Căn nguyên sâu xa của sự “lệch pha” này là gì và giải pháp nào để giảm bớt sự khác biệt giữa người thiết kế với chủ đầu tư và công chúng? Đó là nội dung cuộc trao đổi giữa KTS Vũ Hiệp với KTS Vương Đạo Hoàng trên Tia Sáng.
Sự “lệch pha” giữa kiến trúc sư với chủ đầu tư
KTS Vũ Hiệp: Thưa KTS Vương Đạo Hoàng, trong quá trình hành nghề thiết kế kiến trúc, anh đã gặp những tình huống xung đột với chủ đầu tư chưa?
KTS Vương Đạo Hoàng: Tôi chắc rằng, không chỉ tôi, mà bất cứ kiến trúc sư nào cũng gặp phải các mức độ xung đột khác nhau với chủ đầu tư, thậm chí bỏ dự án vì không thể nào tìm được tiếng nói chung.
Tôi đã gặp không ít chủ đầu tư đã từng đi du lịch, công tác khắp nơi thế giới, nói rất hăng về kiến trúc năm châu, và bảo kiến trúc sư phải làm thế này thế kia cho giống nơi họ từng đến, cứ như kiến trúc sư chỉ là “thợ vẽ” cho các “ý tưởng” của họ.
Rõ ràng, việc thiết kế kiến trúc không đơn giản như vậy. Các ý tưởng, phương án phải được cân nhắc rất kỹ với nhiều tham số, điều kiện khác nhau. Hãy tưởng tượng, dự án kiến trúc như một cái lưới nhện, anh thay đổi một nút giao, chắc chắn toàn bộ cái mạng nhện không còn như cũ nữa rồi và kết quả là có thể anh sẽ mất tiền, mất thời gian và mất thời cơ.
Kiến trúc không chỉ là vẻ đẹp hình thức như cách hiểu của phần lớn người ngoài nghề. Bậc thầy kiến trúc hiện đại Le Corbusier từng nói: “Nhà là cái máy để ở”, với nội hàm đề cao tính khoa học và tính công nghệ của kiến trúc. Nó cần đảm bảo tính chính xác, hợp lý của các không gian kết nối với nhau nhằm phục vụ nhu cầu, hành vi của người sử dụng, phải đáp ứng yếu tố bối cảnh bao gồm thẩm mỹ, kinh tế, chính trị, xã hội, công nghệ, văn hóa mà nó được sinh ra.
Tuy thời đại nào cũng có độ vênh giữa kiến trúc sư với chủ đầu tư, nhưng dường như độ vênh hiện nay lớn hơn hẳn. Tại sao vậy?
Sau Đổi mới, kinh tế nước ta phát triển mạnh mẽ, đặc biệt là khối tư nhân. Các dự án xây dựng của chủ đầu tư tư nhân ngày một gia tăng, từ nhà ở riêng lẻ cho đến khách sạn, chung cư, cao ốc văn phòng, nhà máy… Thế nhưng, sự phát triển kinh tế lại không tương ứng với nhận thức của xã hội về kiến trúc. Người dân chưa kịp thời được trang bị kiến thức về kiến trúc trong thời đại mới. Khi có tiền, người ta nghĩ rằng có quyền quyết định kiến trúc ngôi nhà, tòa nhà của mình theo cách của mình.
Tôi còn nhớ ở giai đoạn đầu Đổi mới, một thời cả Hà Nội theo đuổi phong cách kiến trúc Pháp “rởm” với mái “củ hành, củ tỏi”. Hiện nay, một số “đại gia” ở các địa phương vẫn say sưa với những lâu đài vòm chóp, hoa văn uốn lượn, thứ họ nhìn thấy nơi một cung điện nào đó ở châu Âu mấy trăm năm trước.
Trong khi đó kiến trúc sư lại chịu nhiều áp lực, từ khách hàng của mình, từ các nhà phê bình cho đến xã hội. KTS Renzo Piano nói rằng: “Nếu một nhà văn viết dở, người ta chỉ cần gập cuốn sách vào và không đọc nữa là xong; còn một kiến trúc sư thiết kế dở, xã hội phải chịu đựng cái xấu đó cả trăm năm”.
Đấy, công trình xấu thì người ta quy trách nhiệm cho một mình kiến trúc sư chịu. Còn nếu như công trình đẹp thì cả kiến trúc sư và chủ đầu tư đều được ca ngợi.
Kể ra cũng không công bằng thật. Kiến trúc sư và chủ đầu tư đều phải cùng chịu trách nhiệm với xã hội về sản phẩm mà họ tạo ra. KTS Roger K. Lewis từng nói: “Một số kiến trúc sư nghĩ rằng khách hàng chỉ là nguồn công việc và thu nhập nhưng hầu hết các kiến trúc tốt trên thực tế là kết quả của sự hợp tác thiết kế thành công giữa một kiến trúc sư tài năng và một khách hàng có động lực và truyền cảm hứng”. Ở Việt Nam cũng vậy, vẫn có không ít chủ đầu tư “thông minh” và có khả năng gợi mở những “tứ” hay cho kiến trúc sư. Vấn đề có lẽ xuất phát từ cả hai phía chăng?
Đúng vậy. Khoảng vênh giữa kiến trúc sư và chủ đầu tư bộc lộ hai vấn đề. Thứ nhất, chủ đầu tư (người dân, nhà quản lý) chưa được cung cấp những kiến thức căn bản về kiến trúc để có thể trao đổi, hiểu, đồng cảm hoặc phản biện các phương án thiết kế trên cùng một nền nhận thức với kiến trúc sư.
Thứ hai, kiến trúc sư chưa thực sự bắt nhịp được với những biến động của xã hội, chưa thấu hiểu các nhu cầu của con người đương đại, chưa tự tin với khả năng sáng tạo của mình. Kinh nghiệm của nhiều người cho thấy sự tự tin là cơ sở quan trọng để thuyết phục khách hàng.
Kiến trúc sư cũng cần soi lại mình để lý giải tại sao lại có khoảng cách giữa bản thân với xã hội, chủ đầu tư.
Sự chuyển đổi “hệ hình” của nghề kiến trúc
Cá nhân anh đã tìm cách thu hẹp khoảng cách giữa nghề kiến trúc với xã hội, chủ đầu tư như thế nào?
Khi kiến trúc sư và công chúng có cùng một nền nhận thức thì khả năng thông cảm và đồng điệu sẽ tăng lên trong khi sự hình thành của nhận thức có vai trò rất quan trọng từ việc tiếp nhận thông tin.
Vì thế, tôi thành lập trang tin Kiến Việt, không chỉ với mục đích thu hẹp khoảng cách giữa kiến trúc sư với xã hội, mà còn cung cấp thông tin kiến trúc thế giới đương đại thật nhanh đến với kiến trúc sư trong nước, tức là thu hẹp khoảng cách giữa trong nước với quốc tế, ít nhất về mặt thông tin.
Sau khi tốt nghiệp ngành kiến trúc trường Đại học Kiến trúc, năm 2004, tôi làm việc cho một công ty nước ngoài mấy năm. Trong thời gian đó, tôi nhận ra rằng có một khoảng cách giữa kiến trúc sư Việt Nam với kiến trúc sư thế giới về kiến thức, tác phong, kỹ năng. Những năm đó, nước ta mới hội nhập với thế giới, nên nhiều cái còn bỡ ngỡ; thông tin hoạt động và các xu hướng kiến trúc đương đại trên thế giới còn khá xa lạ với các kiến trúc sư trong nước, ví dụ kiến trúc Hậu hiện đại, Tối giản, vv. Các KTS của chúng ta đa phần được đào tạo theo chương trình của Liên Xô và Đông Âu, các tiêu chuẩn, quy chuẩn được tham khảo từ sách của khối XHCN. Các phương pháp tiếp cận sáng tác và nghiên cứu cũng chịu ảnh hưởng từ khối XHCN. Khi đất nước mở cửa, các công ty đến từ các nước tư bản đã đem tới những cách tiếp cận kiến trúc khác, từ quy chuẩn, tiêu chuẩn cho đến cách thể hiện hồ sơ kiến trúc, quản lý văn phòng kiến trúc, vv…
Từ thực trạng khoảng vênh giữa kiến trúc sư trong nước với kiến trúc sư thế giới, và giữa kiến trúc sư với người dân mà tôi đã lập ra trang tin kienviet.net vào năm 2007 nhằm giảm bớt khoảng vênh đó. Lúc đầu, việc xây dựng trang tin rất tốn kém và mất nhiều thời gian, công sức. Ban ngày tôi làm việc ở công ty, tối về nhà tranh thủ viết bài, dịch bài từ tạp chí kiến trúc nước ngoài để đăng. Thấy vất vả quá, năm 2008 tôi bỏ việc ở công ty nước ngoài để tập trung vào việc tổ chức nhân sự và nội dung cho Kiến Việt.
Bằng cách nào anh có thể nuôi sống một trang tin chuyên sâu về kiến trúc?
Ban đầu tất cả vẫn đến từ nội dung diễn giải. Về nhân lực, tôi đã xây dựng được hệ thống cộng tác viên khá tốt. Hóa ra, nhiều đồng nghiệp cũng cùng quan điểm với những vấn đề của kiến trúc Việt Nam mà tôi đã nói ở trên, nên họ rất vui vẻ và kiên trì cộng tác với Kiến Việt. Ngoài ra, một số bạn trẻ không phải kiến trúc sư cũng đóng góp bài dịch, bài viết khá đều đặn. Hình như ở đâu đó trong mỗi con người đều có một nhu cầu chia sẻ thông tin.
Khó khăn nhất vẫn là vấn đề tài chính. Trong 10 năm đầu, tôi phải dùng những nguồn thu khác từ bất động sản, thiết kế phí, thi công… để “nuôi” trang kienviet.net. Sau này, vào năm 2010, TS. KTS Ngô Doãn Đức ở Hội Kiến trúc sư VN thấy chúng tôi làm việc nghiêm túc nên đưa chúng tôi về tham gia Hội, từ đó kienviet.net trở thành trang tin kiến trúc trực thuộc Hội.
Từ năm 2018 trở đi, trang tin mới tự nuôi nó được.
Trang tin hiện giờ có thể tự nuôi được nó thì chứng tỏ lượng độc giả quan tâm đến kiến trúc đã đủ nhiều để các công ty, nhãn hàng tin tưởng quảng cáo trên kienviet.net. Cơ chế thị trường đã tạo ra những điều kiện tích cực để thông tin kiến trúc lan tỏa tốt hơn đến cộng đồng. Ở đây, chúng ta chợt nhận ra vai trò của một đối tượng nữa: các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực xây dựng- kiến trúc. Để làm việc hiệu quả với các đối tác, doanh nghiệp, kiến trúc sư cũng phải là một doanh nhân nhỉ?
Từ lâu, kiến trúc sư đã là một nghề liên ngành: nghệ sĩ, nhà kỹ thuật, nhà xã hội, nhà tâm lý… Đối với cơ chế thị trường hiện nay, kiến trúc sư còn là một doanh nhân nữa. Những kỹ năng quản lý, làm việc với các đối tác, cân đối tài chính, marketing… cũng rất cần thiết đối với kiến trúc sư. Xã hội thay đổi, yêu cầu đối với kiến trúc sư cũng thay đổi theo. Những kiến thức ở trường đại học bị chậm so với thực tế xã hội. Và cần có những diễn đàn, nguồn thông tin, khóa đào tạo nghiệp vụ để kiến trúc sư hoàn thiện mình trong quá trình hành nghề, đáp ứng nhu cầu xã hội.
Hình như đang có sự chuyển đổi hệ hình của nghề kiến trúc, từ tư cách nghệ sĩ được bao bọc trong thế giới duy mỹ và cảm xúc cá nhân chuyển đổi thành tư cách doanh nhân và nhà hoạt động xã hội, trực tiếp va chạm với thực tế cuộc sống, xử lý các tình huống cụ thể liên quan đến bối cảnh của từng dự án. Vậy, bên cạnh việc “phàn nàn” về chủ đầu tư, giới kiến trúc sư cũng cần tái định vị công việc của mình trong xã hội đương đại?
Từ trước tới giờ, cộng đồng kiến trúc sư là một cộng đồng tương đối đóng, không tham gia sâu vào xã hội như các ngành âm nhạc, điện ảnh, văn chương. Giới kiến trúc sư cũng chưa có cách tiếp cận phù hợp trong việc phổ biến kiến thức kiến trúc cho đại chúng. Anh thấy đấy, ngày nay con người rất ít đọc. Công nghiệp hóa, chủ nghĩa tiêu dùng và internet đã làm con người ít có ham muốn tìm hiểu bản chất các vấn đề. Sau những giờ làm việc căng thẳng ở công ty, người ta tìm đến cái gì đó vui vẻ (nếu có đọc thì cũng đọc cái gì vui vẻ) để cân bằng lại cuộc sống, chứ thời gian đâu mà lại tiếp tục “đau đầu” với những kiến thức chuyên môn kiến trúc. Chuyện đó rất dễ hiểu.
Vậy nếu con người không có thời gian để đọc sách báo chuyên sâu thì có cách nào đưa kiến trúc đến với công chúng?
Đăng tải và hệ thống hóa dữ liệu, các thông tin, kiến thức lên internet, mạng xã hội là một phương án. Gần đây có một số nhóm tạo ra các trang, kênh trên Facebook, Youtube, Tiktok với nội dung phổ biến kiến thức về kiến trúc có số lượng người theo dõi tương đối tốt.
Một giải pháp khác là thiết kế, lắp đặt các pavilion1 ở các không gian công cộng để tương tác với công chúng. Mấy năm gần đây, khi tổ chức các sự kiện liên quan đến kiến trúc tôi nhận ra rằng pavilion là một dạng thức kiến trúc có thể truyền tải tốt các thông điệp đến với công chúng, bởi trước hết nó tiếp cận người xem bằng sự bất ngờ, tươi mới, ít nhất để check-in đăng mạng xã hội. Nó còn mang đến cơ hội cho kiến trúc sư thể hiện tài năng, nhất là đối với kiến trúc sư trẻ, chưa thể tiếp cận các dự án lớn.
Pavilion là một hình thức kiến trúc “tạm” mà tôi nghĩ có khả năng làm biến đổi đô thị trong một thời gian ngắn nhưng tác động tới công chúng rất sâu sắc bởi họ có thể tương tác với công trình theo nhiều cách khác nhau.
Anh có thể kể tên một số pavilion mà anh đã thực hiện?
Tôi là người tổ chức các sự kiện, đôi thi làm thi công, còn thiết kế các pavilion thì tôi mời các kiến trúc sư khác tham gia làm. Đầu tiên phải kể đến HanoiAr Pavilion năm 2017 – Triển lãm kiến trúc của một nhóm kiến trúc sư tại Hà Nội, kỷ niệm 50 năm thành lập trường Đại học Xây dựng Hà Nội do Nghia Architects thiết kế với ý tưởng là một đám mây cách điệu giữa đô thị. Sau đó là các pavilion cho chương trình ALP Lixil (2021, Nghia Architects thiết kế) với thông điệp sự đảo ngược quá trình đô thị hóa để quay trở lại thiên nhiên, chương trình kỷ niệm 75 năm thành lập Hội Kiến trúc sư Việt Nam (2023, 1+1˃2 thiết kế) thông điệp về làn sóng của kiến trúc Việt Nam lan tỏa mạnh mẽ, Vietnam Architecture Expo ở Phú Quốc (2023, Doãn Thế Trung & Fein Architecture thiết kế) với ý tưởng nêu bật được yếu tố bản địa trong bối cảnh hội nhập. Những pavilion của các kỳ Top 10 Awards, năm 2022 ở Hồ Gươm (SAA thiết kế) với thông điệp lan tỏa tính bền vững của kiến trúc.
Đặc biệt, pavilion Top 10 Awards 2022 được dựng vào tháng 5/2023 với hộp gương kính bao bọc đài phun nước ở vườn hoa Con Cóc đã thu hút sự quan tâm rất lớn đối với người dân thủ đô. Công trình có tên là “Tỉnh thức”. Bề mặt gương phản chiếu các di sản kiến trúc xung quanh và “giấu” Đài phun nước Con Cóc ở bên trong với mục đích khơi dậy nhận thức về di sản. Nó khiến người xem phải soi mình để khám phá điều gì đó sâu xa hơn bên trong mình và bên ngoài xã hội.
Hình như công chúng cũng không hiểu các triết lý thiết kế đó lắm, nhưng đúng là họ thích check-in ở đó. Ngay cả khi kiến trúc có thể đi vào xã hội, tương tác được với người dân thì chúng ta cũng phải thừa nhận rằng không thể “áp đặt” ý tưởng của người thiết kế vào tâm trí người xem được. Công chúng, nhà phê bình hiểu tác phẩm kiến trúc khác với ý tưởng của tác giả là việc bình thường, đôi khi còn cần thiết nữa vì nó mở ra một cách “đọc” khác cho công trình, thậm chí “thú vị” hơn cách diễn giải của kiến trúc sư.
Tất nhiên, kiến trúc sư phải chấp nhận khả năng người xem có thể hiểu ý đồ công trình theo một hướng khác. Nhưng quan trọng là công chúng thích tương tác với công trình. Với một pavilion, người ta cũng nhận ra rằng kiến trúc nhiều khi là sự lãng mạn và trách nhiệm xã hội: có thể dựng lên một thứ không ra tiền, tồn tại một vài tuần rồi dỡ bỏ, chỉ để gửi gắm một thông điệp xã hội nào đó.
Và điểm chung của các thông điệp mà kiến trúc sư muốn gửi gắm trong công trình của mình có lẽ đều là mong muốn kiến trúc sẽ gần hơn với cuộc sống, có trách nhiệm với xã hội. Cám ơn anh về cuộc trò chuyện này! □
Vũ Hiệp thực hiện
—
Chú thích
1 Pavilion: hình thức kiến trúc quy mô nhỏ ở các không gian công cộng, ví dụ gian trưng bày, chòi, tạ, rạp. Pavilion thường là công trình tạm thời, nhưng cũng có thể tồn lại lâu dài.