Kinh tế mở trong thế giới không ổn định

Mấy năm qua thế giới đã và vẫn đang trải qua những biến cố chưa từng thấy trong ít nhất vài thế hệ. Bước sang năm 2023, cuộc chiến Nga-Ukraine vẫn tiếp tục căng thẳng, đại dịch Covid-19 vẫn cản trở nhiều hoạt động thương mại, và xác suất cao thế giới sẽ phải trải qua một cuộc suy thoái để khỏi tình trạng lạm phát cao. Tuy nhiên, cùng với những khó khăn và thách thức, bối cảnh trên cũng tạo ra các ảnh hưởng trung và dài hạn đến chính sách thương mại quốc tế và thị trường quốc tế nói chung với những cơ hội cho triển vọng phát triển của một nền kinh tế mở như Việt Nam.

Trong ngành sản xuất, đầu tư nước ngoài trực tiếp tăng 26% còn tỷ lệ TFPG – một chỉ số đo lường tăng trưởng kĩ nghệ tăng đến 24% mỗi năm.

Vốn vật chất, kỹ nghệ, và năng suất lao động

Mục tiêu hợp lý của một chính sách phát triển là tăng thu nhập của mỗi người dân. Thu nhập có thể tăng nếu năng suất lao động tăng. Trong nhiều ngành, tăng trưởng năng suất lao động đến chủ yếu từ hai nguồn, vốn vật chất và kỹ nghệ. Vốn vật chất như máy móc và nhà xưởng nếu được tăng thêm thì một đơn vị lao động có thể sản xuất nhiều hơn. Một nền kinh tế đang phát triển thường có ít vốn vật chất và tương đối nhiều lao động. Hầu hết lao động tham gia ngành nông nghiệp nhưng vì đất nông nghiệp giới hạn, năng suất lao động trong ngành nông nghiệp rất thấp – tình trạng thường được gọi là “lao động dư thừa”. Đó cũng là thực trạng của nền kinh tế Việt Nam vào đầu thập niên 1990 sau đổi mới khi nông nghiệp chiếm tới 80%-90% GDP còn ngành công nghiệp sản xuất thì có vốn vật chất thiếu kém.   

Khi nền kinh tế mở cửa, vốn đầu tư nước ngoài được thu hút bởi mức lương trung bình thấp hơn so với các nước khác. Kinh tế được công nghiệp hóa – nhà máy được xây dựng, lao động tìm đến các khu công nghiệp từ những vùng nông thôn. Vốn đầu tư làm tăng nhu cầu lao động nhưng vì vùng nông thôn còn nhiều lao động dư thừa, mức lương trong ngành công nghiệp không tăng nhanh như mức tăng trưởng GDP.  Nếu mức lương không tăng, năng suất lao động trong ngành công nghiệp không nhất thiết cần tăng, kinh tế vẫn thu hút được vốn nước ngoài và tiến trình công nghiệp hóa tiếp tục. Với mô hình này, kinh tế tăng trưởng nhanh chóng nhưng thu nhập và mức sống lao động đều tăng nhưng ở mức chậm. Tuy nhiên, khi vốn đầu tư đã tăng đến độ nguồn lao động từ nông thôn bắt đầu khan hiếm, lúc đó mức lương phải tăng nhanh hơn để thu hút nhân công vào ngành công nghiệp. Trong tình trạng này, nếu năng suất lao động không tăng kịp, thì mức lời trên vốn đầu tư phải giảm. Trong nền kinh tế toàn cầu, nguồn vốn đầu tư sẽ tìm đến những nơi khác với mức lời cao hơn. Đầu tư sẽ giảm và tăng trưởng GDP phải giảm theo.  Đây là tình trạng thường được gọi là “bẫy thu nhập trung bình” của một kinh tế đang phát triển.

Kinh tế mở chỉ là điều kiện cần cho việc tiếp thu kĩ nghệ. Điều kiện đủ là dân trí, năng lực lao động cũng như cơ chế tạo động lực khuyến khích tiếp thu và thích nghi với kỹ nghệ đó.

Để đáp ứng mức lương tăng, năng suất lao động cũng phải tăng nhưng điều đó chỉ có thể xảy ra nếu kỹ nghệ sản xuất tăng. Ở đây chúng ta có thể hiểu “kỹ nghệ” có nghĩa bao gồm vốn nhân lực, kiến thức khoa học, quản trị, tổ chức, v.v., áp dụng vào sản xuất.  Giả sử kỹ nghệ tăng, thí dụ qua khả năng sản xuất một ngành mới với giá trị cao hơn, mức lời vốn đầu tư vào một nhà máy trong ngành này có thể cao hơn tuy phải trả lương cao hơn để mướn công nhân. Vốn đầu tư tăng theo tăng trưởng kỹ nghệ và mức lương tăng vì nhu cầu lao động tăng và năng suất lao động tăng.  Trong nền kinh tế thị trường, tăng trưởng kỹ nghệ là yếu tố tối quan trọng để có thể tăng mức lương lao động và thu nhập của dân.

Tăng trưởng kỹ nghệ cần kinh tế mở

Bảng 1 trình bày mức và tỷ lệ tăng trưởng GDP từ năm 1990 đến 2007 cho ba khối nước và Việt Nam. Tỷ lệ tăng trưởng GDP trên đầu người khối nước thu nhập trung bình là cao nhất (bình quân 3,2% mỗi năm), khối thu nhập cao đứng nhì (2,0% mỗi năm), và khối thu nhập thấp tăng trưởng chậm nhất (1,0%). Theo mô hình lý thuyết tăng trưởng của giáo sư Robert Solow, tỷ lệ tăng trưởng GDP trên đầu người trong dài hạn (Bảng 1 trình bày tăng trưởng trong 18 năm, coi như dài hạn) sẽ phản ánh tỷ lệ tăng trưởng kỹ nghệ. Ví dụ, nhiều nghiên cứu tính tỷ lệ tăng trưởng “năng suất của tổng yếu tố” (Total Factor Productivity Growth – TFPG), một chỉ số đo lường tăng trưởng kỹ nghệ, cho một số nước thu nhập cao, là khoảng 2% – ngang với tỷ lệ tăng trưởng GDP trên đầu người trình bày trong Bảng 1.

Khối Nước GDP trên đầu người (USD theo giá 2015) Tăng trưởng hàng năm (%)
  1990 2007 1990-2007
Thu Nhập Cao 27.329 38.048 1,99
Thu Nhập Trung bình 1.925 3.390 3,23
Việt Nam 673 1.765 5,67
Thu Nhập Thấp 637 797 1,04

Khái niệm “kỹ nghệ” trừu tượng hơn những yếu tố sản xuất như vốn vật chất, đất, hay lao động nhưng “tăng trưởng kỹ nghệ” của một kinh tế thường được hiểu đến bằng hai cách: khám phá những kỹ nghệ mới và mô phỏng và thích nghi những kỹ nghệ đã có trên thị trường. Sự khám phá những kỹ nghệ mới cần đầu tư nhiều vào hoạt động R&D:  một hạ tầng cơ sở gồm các viện nghiên cứu nhà nước, công ty tư nhân lớn, các trường đại học, và nguồn tài chánh công và tư để hỗ trợ những hoạt động nhiều khi không mang lại lợi tức trong ngắn hạn. Hoạt động R&D rất tốn kém và hầu hết đến từ một số nhỏ nước thu nhập cao. Vào năm 2000, hai-phần-ba chi phí R&D toàn cầu (725 tỷ USD) đến từ Bắc Mỹ và Tây Âu1.  Vì thế, việc khám phá kỹ nghệ mới phần lớn sẽ thuộc một số nước thu nhập cao và tăng trưởng kinh tế của khối nước thu nhập cao sẽ phản ánh tốc độ khám phá kỹ nghệ mới. Khi những kỹ nghệ mới đã được đưa vào thị trường, sau một thời gian, các nước thu nhập trung bình và thu nhập thấp sẽ mô phỏng kỹ nghệ từ nước ngoài. Đối với các nước này, nền kinh tế mở đặc biệt quan trọng để tiếp cận với các nguồn kỹ nghệ mới. Sự chênh lệch tỷ lệ tăng trưởng giữa các nước thu nhập trung bình (3,2%), thu nhập thấp (1,0%), Việt Nam (5,7%) phản ánh độ mở của kinh tế. Tuy nhiên cần nói thêm rằng kinh tế mở chỉ là điều kiện cần cho việc tiếp thu kĩ nghệ. Điều kiện đủ là dân trí, năng lực lao động cũng như cơ chế tạo động lực khuyến khích tiếp thu và thích nghi với kỹ nghệ đó.

Những nghiên cứu về chuyển giao công nghệ và lan tỏa đến các đơn vị sản xuất trong nước thường chú tâm vào hai kênh: đầu tư nước ngoài trực tiếp và hoạt động xuất khẩu. Đối với đầu tư nước ngoài, đầu tư vào ngành khai thác tài nguyên thiên nhiên có ít khả năng chuyển giao và lan tỏa kỹ nghệ hơn ngành sản xuất. Bài nghiên cứu của Bình, Hoài, Văn (2016)2 cho thấy, đối với những nước không xuất khẩu tài nguyên thiên nhiên, thêm 3% đầu tư nước ngoài trực tiếp khiến tỷ lệ tăng trưởng TFPG 0,3-0,5%. Nhưng ở những nước xuất khẩu tài nguyên thiên nhiên chiếm hơn 10% GDP, thêm 3% đầu tư nước ngoài trực tiếp lại khiến TFPG giảm gần 1%. Tại Việt Nam từ 2003-2009, đầu tư nước ngoài trực tiếp vào ngành khai thác mỏ tăng 135% trong khi tỉ lệ TFPG chỉ tăng 3% mỗi năm. Tuy nhiên, trong ngành sản xuất, đầu tư nước ngoài trực tiếp tăng 26% còn tỷ lệ TFPG tăng đến 24% mỗi năm.

Kỹ nghệ cũng có thể chuyển giao và lan tỏa qua kênh xuất khẩu. Hoạt động xuất khẩu không chỉ tạo việc làm và nguồn ngoại tệ mà còn là cách để tiếp cận với thị trường quốc tế để thu thập những thông tin và kiến thức mới. Đối với kênh này, có sự khác biệt giữa các thị trường xuất khẩu đích. Nghiên cứu của Kauffman và Văn (2022)3 báo cáo các xí nghiệp trung và nhỏ tại Việt Nam xuất khẩu đều có tỷ lệ tăng trưởng năng suất tăng nhanh hơn những xí nghiệp không xuất khẩu, nhưng ảnh hưởng mạnh nhất nằm ở xí nghiệp xuất khẩu đến Nhật và Mỹ. 

Kinh tế mở trong thế giới không ổn định

Một chiến lược phát triển dựa trên kinh tế mở sẽ chịu ảnh hưởng không nhỏ vào bối cảnh kinh tế quốc tế. Liệu các luận điểm trên có thể áp dụng trong hiện tại và tương lai khi hoàn cảnh rất khác với thế giới những năm sau 1990?

Đối với đại dịch Covid-19, chúng ta chỉ có thể hy vọng cơn bão đã qua và sinh hoạt kinh tế sẽ trở lại bình thường trong 2023. Cuộc suy thoái trong năm 2023 có thể đến nhưng đến rối cũng đi và sau đó, có nhiều lý do kinh tế quốc tế sẽ hồi phục mạnh mẽ hơn. Nếu Federal Reserve Mỹ thành công trong việc đưa mức lạm phát xuống mục tiêu gần 2%, kỳ vọng thị trường sẽ giữ vững ở mức đó, lãi suất sẽ giảm nhiều và đầu tư và tiêu thụ sẽ tăng kéo theo xuất khẩu và kinh tế thế giới.

Chính sách friendshoring của Mỹ sẽ đem đến những cơ hội bứt phá cho một nền kinh tế mở của Việt Nam.

Điều không ổn định nhất là ảnh hưởng dài hạn đến thể chế thương mại quốc tế của những biến cố gần đây. Trước cuộc chiến Nga-Ukraine, đã có nhiều dấu hiệu diễn biến toàn cầu hóa không tiếp tục như mấy thế kỷ trước. Donald Trump trong bài diễn văn khai mạc khi nhậm chức Tồng thống năm 2016 đã nói “nước Mỹ sẽ bảo hộ [mậu dịch] để đưa đến thịnh vượng”.  Nhưng còn trước đó nữa, trong cuộc tranh cử tổng thống, đối thủ của ông Trump, bà Hillary Clinton, cũng đã lên tiếng chống hiệp định TPP. Khó đoán trước cơ cấu thương mại quốc tế sẽ được định hình cụ thể ra sao nhưng chắc chắn sẽ không trở lại mô hình toàn cầu hóa của thời WTO vào thế kỷ trước – cũng nên nhắc đến vòng họp Doha bắt đầu năm 2001 vẫn chưa kết thúc và không có kết quả. 

Gần đây, Janet Yellen, Bộ trưởng Tài chính Mỹ, bắt đầu nói đến chính sách thương mại “friend-shoring”, được hiểu là kết nối với các nước “bạn”, trong đó có Việt Nam, để bảo đảm chuỗi cung ứng không bị gián đoạn trong tương lai. Đây có thể được coi là cơ hội để Việt Nam tiếp tục tận dụng lợi thế của một nền kinh tế mở và những luận điểm nói trên vẫn còn nhiều ý nghĩa. Trong đó, Việt Nam cần tập trung thu hút nguồn vốn đầu tư trực tiếp của nước ngoài vào các lĩnh vực sản xuất thay vì khai thác tài nguyên thiên nhiên. Đặc biệt, nền kinh tế chỉ có thể bứt phá nếu nhà nước phát triển nguồn nhân lực, đầu tư vào khoa học công nghệ, đặc biệt là cơ chế để có thể hấp thụ và thích nghi với kỹ nghệ mới của các nước đối tác. Lịch sử gần nhất với kịch bản này có thể là những năm 1970-1990 khi ấy Trung Quốc chưa mở cửa, khối nước Liên-Xô vẫn tồn tại, và chuỗi cung ứng xuất khẩu đến Bắc Mỹ và châu Âu chỉ gồm một số kinh tế châu Á được gọi “Asian Tigers” (Những con hổ châu Á). Kinh tế Hàn Quốc vào năm 1970, GDP trên đầu người là 1.977 USD (tính theo giá 2015), mỗi năm sau đó tăng trưởng 8,12%, chỉ 20 năm sau, GDP trên đầu người gấp gần năm lần, lên đến 9.365 USD. Kinh nghiệm Đài Loan, Singapore và Hồng Kông cũng tương tự như vậy. Chiếu theo dòng lịch sử này, tuy thế giới còn nhiều điều bất ổn, nền kinh tế mở của Việt Nam có nhiều lý do để lạc quan trong những năm tới.□

Tài liệu tham khảo: 

1 National Science Foundation (2022) “Research and Development: U.S. Trends and International Comparisons,” Science and Engineering Indicators, National Center for Science and Engineering Statistics (NCSES), Alexandria, VA, USA.

2 Quân Minh Quốc Bình, Nguyễn Trọng Hoài, and Phạm Hoàng Văn (2016) “Bad FDI? Resource Extraction and Technology Gains,” mimeo.

3 Steven Kauffman and Phạm Hoàng Văn (2022) “Productivity Spillovers from Export Destinations to Domestic Firms, a Networks Analysis,” in International Trade, Economic Development, and the Vietnamese Economy: Essays in Honor of Binh Tran-Nam, Cuong Le Van, Pham Hoang Van, and Makoto Tawada (eds.), Springer Nature Publishing, 2022.

Tác giả

(Visited 31 times, 1 visits today)