Mô hình nào để công nhận quá trình học phi chính quy?

Nếu không kịp thời tái cấu trúc cách tiếp cận, tăng cường đầu tư vào hệ thống đánh giá và xây dựng cơ chế công nhận năng lực đã có từ trước của người học thì sẽ không mang lại chuyển biến thực chất nào cho năng lực cạnh tranh của nguồn nhân lực Việt Nam.

Mo hinh hoc tap suot doi anh 1: Shutterstock

Một nhu cầu cấp bách

Tại Việt Nam, nhu cầu về một hệ thống giáo dục và đào tạo linh hoạt đang trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết trong bối cảnh khoa học – công nghệ phát triển nhanh, mô hình việc làm thay đổi liên tục và người lao động cần thường xuyên cập nhật kỹ năng mới. Trên thực tế, trong số hơn 21 triệu người học nghề từ 2014 đến 2023, trên 80% lựa chọn các chương trình học ngoài chính quy như các chứng chỉ, ngắn hạn….và chỉ 20% học các chương trình đào tạo nghề chính quy dài hạn (trung cấp và cao đẳng).

Xu hướng này phản ánh hai thách thức lớn của hệ thống giáo dục nghề nghiệp (TVET) hiện tại: (1) Hình thức đào tạo chính quy đang chậm thích nghi với nhịp độ thay đổi của thị trường lao động và công nghệ; (2) Khoảng cách ngày càng lớn giữa đào tạo và nhu cầu thực tế từ doanh nghiệp – đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ và vừa (SMEs), vốn chiếm tới 98% tổng số doanh nghiệp tại Việt Nam, thường cần các chương trình huấn luyện ngắn, chuyên sâu, linh hoạt. Trong bối cảnh đó, tư tưởng giáo dục suốt đời – do UNESCO khởi xướng lại càng trở nên thời sự: mọi hình thức học tập đều cần được đánh giá và công nhận một cách khách quan, linh hoạt và phù hợp với thực tiễn. Tiếc là ở Việt Nam các hình thức học tập không chính quy, phi chính quy, đào tạo tại doanh nghiệp và kinh nghiệm làm việc vẫn chưa được hệ thống hóa hoặc công nhận chính thức, dẫn đến lãng phí nguồn lực, hạn chế khả năng di chuyển nghề nghiệp và tạo rào cản đối với học tập suốt đời.

Để thay đổi điều này, Việt Nam cần phải kết hợp khung trình độ quốc gia (KTĐQG) với kiểm định trong và ngoài chương trình đào tạo và cơ sở đào tạo trở thành không chỉ là một cấu trúc kĩ thuật, mà còn là nền tảng chiến lược để thiết kế các mô hình công nhận kết quả học tập đa dạng, bao gồm học tập chính quy, phi chính quy, không chính quy, online và cả kinh nghiệm nghề nghiệp. KTĐQG, theo định nghĩa của OECD là công cụ quy chiếu giúp phân loại và đánh giá trình độ đào tạo dựa trên kết quả đầu ra (Learning outcomes) – bao gồm kiến thức, kỹ năng và mức độ năng lực thực hành. Công cụ này được kỳ vọng tạo ra sự liên thông giữa các bậc học và loại hình đào tạo khác nhau, từ đó xây dựng hệ sinh thái học tập linh hoạt và hội nhập. KTĐQG của Việt Nam ra đời năm 2016 cùng lúc với quá trình đổi mới và hội nhập sâu rộng, khi toàn bộ hệ thống giáo dục nghề nghiệp được chuyển giao từ Bộ Giáo dục và Đào tạo về Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội quản lý (Đã giải thể năm 2025), rất tiếc trong gần 10 năm qua, đã chưa thể thực hiện được mục tiêu này.

Việt Nam cần phải kết hợp khung trình độ quốc gia (KTĐQG) với kiểm định trong và ngoài chương trình đào tạo và cơ sở đào tạo trở thành không chỉ là một cấu trúc kĩ thuật, mà còn là nền tảng chiến lược để thiết kế các mô hình công nhận kết quả học tập đa dạng, bao gồm học tập chính quy, phi chính quy, không chính quy, online và cả kinh nghiệm nghề nghiệp.

Kinh nghiệm của thế giới

Cốt lõi của quy trình công nhận năng lực từ đa dạng các loại hình học tập ở các quốc gia đều giống nhau: Người học sẽ cung cấp nhiều bằng chứng khác nhau để thể hiện tri thức và kinh nghiệm mình đã tích lũy được. Sau đó, các nhà chuyên môn sẽ căn cứ vào đó để “xếp loại” người học dựa trên khung trình độ quốc gia. Cuối cùng, người học sẽ được nhận “bằng cấp”, “chứng chỉ” phù hợp với trình độ của mình hoặc học tiếp chính quy để đạt được trình độ mong muốn.

Sự khác biệt giữa các quốc gia trong quy trình này nằm ở việc họ yêu cầu bằng chứng gì từ các ứng viên, ai được nhà nước ủy quyền trong việc đánh giá người học và người học có thể sử dụng kết quả đánh giá cuối cùng như thế nào. Hiểu một cách nôm na, quy trình nào có khả năng công nhận càng đa dạng phương thức thu nhận tri thức; đánh giá minh bạch và người học có càng nhiều cơ hội học tập và việc làm sau khi được công nhận năng lực thì quy trình đó càng thành công.

1. Nam Phi là nước tiên phong sử dụng khung trình độ quốc gia (National Qualifications Framework – NQF) như một công cụ để tái thiết lại toàn bộ hệ thống đào tạo sau thời kỳ apartheid (Apacthai). Mô hình “Công nhận năng lực đã có từ trước” (Recognition of Prior Learning – RPL) được triển khai trong khuôn khổ khung trình độ quốc gia, do Cơ quan trình độ Nam Phi điều phối. Bước đầu tiên (đầu vào) của quy trình công nhận là người học hoặc người lao động nộp hồ sơ đăng ký RPL tại một cơ sở được ủy quyền – thường là trường đào tạo nghề, tổ chức phi chính phủ, hoặc trung tâm phát triển kỹ năng được cơ quan trình độ Nam Phi công nhận. Trong hồ sơ, họ cung cấp “portfolio of evidence” một dạng CV – bao gồm tài liệu, sản phẩm công việc, xác nhận của đồng nghiệp/cấp trên, video, hình ảnh, thư giới thiệu… nhằm chứng minh năng lực, kinh nghiệm và kỹ năng đã tích lũy qua quá trình làm việc thực tế, học tập không chính quy, phi chính quy, hoặc hoạt động cộng đồng.

Bước xử lý dữ liệu tiếp theo là quá trình rà soát, phân tích và đối chiếu bằng chứng với các chuẩn đầu ra quốc gia (learning outcomes) nằm trong hệ thống NQF. Quá trình này sử dụng bộ tiêu chí đánh giá chuẩn hóa quốc gia, được quy định bởi các cơ quan chuyên ngành. Việc đánh giá được thực hiện bởi chuyên gia đánh giá được đào tạo bài bản và được cấp phép hành nghề, dựa trên nguyên tắc minh bạch, công bằng và lấy người học làm trung tâm. Quá trình đánh giá có thể bao gồm phỏng vấn, thực hành tay nghề, kiểm tra viết hoặc thuyết trình – tùy theo ngành nghề.

Nếu kết quả đánh giá đạt yêu cầu, người học sẽ được công nhận chính thức: có thể nhận chứng chỉ tương đương trình độ cụ thể trong hệ thống NQF, được miễn một phần hoặc toàn bộ học phần nếu đang học tiếp, hoặc được tiếp cận cơ hội nghề nghiệp mới. Đây là một mô hình RPL có tính hòa nhập cao, nhằm giảm bất bình đẳng xã hội và tạo cơ hội học tập suốt đời cho mọi công dân, đặc biệt nhóm yếu thế như người thất nghiệp, người học không và phi chính quy, người làm việc trong khu vực phi chính thức.

80% người học nghề ở Việt Nam là học các khóa ngắn hạn. Trong ảnh là một khóa đào tạo thiết kế đồ họa ngắn hạn ở Trung tâm Color ME, TP.HCM. Ảnh: Fanpage Color ME Sài Gòn

2. Pháp triển khai mô hình công nhận kinh nghiệm tích lũy thông qua hệ thống Validation des Acquis de l’Expérience (VAE) – được luật hóa năm 2002, và hiện là một trong những cơ chế RPL có tính pháp lý mạnh mẽ nhất thế giới. Bước đầu vào của mô hình là cá nhân có ít nhất một năm kinh nghiệm liên quan (dù trả lương hay không trả lương) trong một lĩnh vực nghề nghiệp cụ thể, nộp đơn xin đánh giá tại một cơ sở giáo dục hoặc tổ chức có thẩm quyền. Trong hồ sơ, người học trình bày hồ sơ mô tả công việc và kinh nghiệm tích lũy, đi kèm tài liệu minh chứng như hợp đồng lao động, bảng mô tả nhiệm vụ, ảnh chụp, báo cáo công việc, thư giới thiệu, hoặc sản phẩm thực tế.

Bước xử lý dữ liệu diễn ra thông qua quá trình kiểm định và phân tích nội dung hồ sơ, sử dụng hệ thống chuẩn đầu ra nghề nghiệp quốc gia – được định nghĩa trong Répertoire National des Certifications Professionnelles (RNCP). Việc đánh giá được thực hiện bởi một hội đồng chuyên môn – bao gồm đại diện từ cơ sở đào tạo, ngành nghề liên quan, và chuyên gia độc lập. Hội đồng này có nhiệm vụ so sánh năng lực thực tiễn với chuẩn đầu ra đào tạo, tổ chức phỏng vấn (nếu cần), và ra quyết định cuối cùng.

Nếu người học đáp ứng được toàn bộ tiêu chí, họ sẽ được cấp bằng cấp tương đương chính thức, hoàn toàn giống với người học qua chương trình đào tạo chính quy. Đây là điểm khác biệt nổi bật của mô hình Pháp: VAE cho phép bằng cấp hóa kinh nghiệm nghề nghiệp thực tiễn, tạo điều kiện di chuyển nghề nghiệp và tăng giá trị thị trường lao động cho cá nhân mà không cần quay lại ghế nhà trường.

 3. Scotland được đánh giá là hình mẫu hàng đầu thế giới trong việc xây dựng một hệ thống công nhận năng lực linh hoạt, liên thông và phù hợp với triết lý học tập suốt đời. Ngay từ đầu những năm 2000, Scotland đã phát triển Khung tín chỉ và trình độ quốc gia SCQF (Scottish Credit and Qualifications Framework) – một hệ thống mở, trong đó mọi kết quả học tập, dù đến từ trường học, đại học, trung tâm đào tạo nghề, doanh nghiệp hay cộng đồng, đều có thể được quy đổi thành tín chỉ và xếp vào các cấp độ cụ thể. Một điểm nổi bật của SCQF là cơ chế công nhận học tập trước (RPL) rất linh hoạt. Cụ thể:

– Học viên có thể sử dụng kinh nghiệm làm việc, kỹ năng tự học, các khóa đào tạo nội bộ hoặc hoạt động tình nguyện để được xét miễn môn học, rút ngắn thời gian đào tạo, hoặc thậm chí được tuyển thẳng vào chương trình chính quy.

– Sự tham gia rộng rãi của các tổ chức trung gian như SCQF Partnership, các trường cao đẳng, doanh nghiệp và các tổ chức cộng đồng trong việc xây dựng tiêu chí đánh giá và triển khai các chương trình “được chuẩn hóa theo SCQF” ngoài hệ thống giáo dục chính quy. Nhờ đó, ranh giới giữa “học ở trường” và “học từ thực tiễn” được xóa nhòa, tạo nên một hệ sinh thái nơi mọi hình thức học tập đều có thể được công nhận nếu đáp ứng các tiêu chuẩn rõ ràng.

Dưới đây là quy trình công nhận năng lực và bằng cấp tại Scotland, với vai trò trung tâm của Bảng tương tác (Interactive Framework) giúp hệ thống công nhận năng lực trở nên dễ tiếp cận, thân thiện và hiệu quả với người học:

– Bắt đầu, người được công nhận truy cập vào “Bảng tương tác trực tuyến”, nơi hiển thị rõ:

+ Cấu trúc của khung trình độ quốc gia gồm 12 cấp độ: từ kỹ năng cơ bản (cấp 1) đến trình độ tiến sĩ (cấp 12). Mỗi cấp độ được định nghĩa bằng các kết quả học tập cụ thể về kiến thức, kỹ năng và mức độ tự chủ, đảm bảo mọi loại hình học tập – chính quy, phi chính quy hay không chính quy và online – đều được công nhận trong một hệ thống thống nhất do SCQF Partnership xây dựng.

+ Giải thích hệ thống tín chỉ: 1 tín chỉ SCQF tương đương với 10 giờ học, giúp người học hiểu cách chuyển đổi kinh nghiệm làm việc của mình thành tín chỉ.

– Tiếp theo, người học tự xem xét kỹ năng, kiến thức và kinh nghiệm tích lũy từ nhiều nguồn khác nhau như đào tạo tại nơi làm việc, học tập không chính thức hoặc các khóa học trực tuyến. Bảng tương tác hướng dẫn họ đối chiếu năng lực của mình với các cấp độ trong khung trình độ quốc gia, để xác định mức độ phù hợp.

– Sau đó, người học so sánh kỹ năng của mình với tiêu chuẩn từng cấp độ. Ví dụ, cấp độ 5 yêu cầu “kỹ năng phát triển tốt với sự giám sát không trực tiếp”, trong khi cấp độ 7 đòi hỏi “giám sát các hoạt động phức tạp với trách nhiệm lớn”. Việc này giúp chuẩn hóa quá trình xác định năng lực, đảm bảo tính nhất quán dù xuất phát điểm của người học khác nhau.

– Tiếp tục, người học liên hệ với một cơ quan đánh giá tín chỉ (như cơ quan chứng chỉ Scotland hoặc trường cao đẳng địa phương), nộp các bằng chứng về quá trình học tập trước đây như danh mục công việc, thư giới thiệu từ nhà tuyển dụng, hoặc các chứng chỉ đã có, để được đánh giá chính thức.

– Người đánh giá sẽ sử dụng các tiêu chí của khung trình độ quốc gia để xem xét bằng chứng, có thể thông qua các bài trình diễn thực tế hoặc phỏng vấn trực tiếp. Nhờ các tiêu chuẩn rõ ràng của SCQF, việc đánh giá này đảm bảo công bằng và nhất quán, bất kể kiến thức, kỹ năng và kinh nghiệm làm việc được tích lũy từ đâu.

– Cuối cùng, nếu đánh giá đạt yêu cầu, người học sẽ được cấp điểm tín chỉ và bằng cấp chính thức. Nhờ sự liên kết với các khung trình độ châu Âu, các tín chỉ và bằng cấp này được công nhận trên toàn Scotland và cả quốc tế.

“Tiêu chuẩn Kỹ năng nghề Quốc gia” vẫn chưa được tích hợp với Khung trình độ Quốc gia khiến những kinh nghiệm, trải nghiệm của học viên thông qua các khóa học nghề ngắn hạn không thể được đánh giá và công nhận. Ảnh: Fanpage TVET Vietnam

Thách thức của Việt Nam

Về mặt lý thuyết, luật Giáo dục Nghề nghiệp năm 2014 đã thiết lập nền tảng pháp lý cho việc công nhận các hình thức học tập đa dạng – chính quy, phi chính quy và không chính quy. Trọng tâm của luật là khái niệm “liên thông”, cho phép người học chuyển tiếp giữa các trình độ hoặc ngành đào tạo mà không phải học lại những nội dung đã hoàn thành. Ba trình độ trong hệ thống giáo dục nghề nghiệp bao gồm sơ cấp, trung cấp và cao đẳng, với hai hình thức đào tạo là chính quy và thường xuyên.
Trong đó, đào tạo thường xuyên là hình thức linh hoạt nhất, bao gồm học bán thời gian, đào tạo từ xa, tự học có hướng dẫn, học tại nơi làm việc, các khoá ngắn hạn và chương trình chuyển giao công nghệ. Luật cũng cho phép công nhận kiến thức, kỹ năng tích lũy từ kinh nghiệm làm việc – dưới dạng mô-đun, tín chỉ hoặc môn học – để miễn học lại, nếu được đánh giá phù hợp, với cơ chế là phân quyền, quyết định các nội dung được miễn học lại được giao cho người đứng đầu cơ sở đào tạo, dựa trên chương trình đào tạo cụ thể. Bên cạnh đó, việc kiểm định chất lượng chương trình và cơ sở đào tạo được xem là yếu tố quan trọng để đảm bảo tính nhất quán, liên thông, hỗ trợ tuyển dụng, hay đầu tư.

Tuy nhiên trên thực tế, những kiến thức và kĩ năng thu được từ các chương trình đào tạo phi chính quy, đặc biệt là “học tại nơi làm việc”, “học ngắn hạn” đều không được công nhận toàn quốc và nếu người học muốn học lên cao hơn, chính quy thì điều đó là bất khả. Mặc dù, đáng lẽ các kiến thức và kĩ năng này có thể được công nhận và chuyển đổi thành tín chỉ trong chương trình chính quy theo điều 40 và 44 của Luật Giáo dục Nghề nghiệp 2014, Lý do cho mâu thuẫn này là, hai câu hỏi quan trọng: “khung nào” có thể dùng để quy đổi tri thức của người học thành văn bằng, chứng chỉ được công nhận toàn quốc? Và ai sẽ là người thực hiện vai trò đánh giá, quy đổi đó? – đều chưa có câu trả lời thỏa đáng.

Trên thực tế, những kiến thức và kĩ năng thu được từ các chương trình đào tạo phi chính quy, đặc biệt là “học tại nơi làm việc”, “học ngắn hạn” đều không được công nhận toàn quốc và nếu người học muốn học lên cao hơn, chính quy thì điều đó là bất khả.

Ban đầu, bộ khung dùng để đối chiếu và xếp loại trình độ của người học là “Tiêu chuẩn Kỹ năng nghề Quốc gia” (National Occupational Skill Standard – NOSS). Quá trình xây dựng NOSS bắt đầu từ năm 2008, thông qua Luật Việc làm năm 2013 và việc triển khai NOSS được hướng dẫn chi tiết tại các văn bản dưới luật, đặc biệt là Thông tư 56/2015/TT-BLĐTBXH quy định về nguyên tắc, quy trình xây dựng, thẩm định và công bố tiêu chuẩn kỹ năng nghề quốc gia.

Dưới sự tư vấn của các tổ chức quốc tế như UNESCO và Tổ chức Lao động Quốc tế, NOSS được kỳ vọng trở thành nền tảng chuẩn hóa năng lực lao động. Cụ thể, NOSS bao gồm ba thành phần chính: mô tả nghề, danh mục công việc, và tiêu chí đánh giá, giúp hệ thống hóa quy trình đào tạo và công nhận kỹ năng trên toàn quốc. Theo đánh giá của UNESCO: “NOSS là nền tảng để hình thành Khung trình độ quốc gia, chuẩn hóa năng lực lao động theo yêu cầu doanh nghiệp và hội nhập quốc tế. Hơn nữa, NOSS hướng đến hội nhập quốc tế bằng cách áp dụng các tiêu chuẩn kỹ năng dựa trên năng lực (competency-based) của châu Âu và mô hình đánh giá kiểu Nhật Bản. Điều này tạo ra sự linh hoạt trong công nhận trình độ. Theo báo cáo của JICA, nhấn mạnh: “NOSS là công cụ quan trọng để phát triển chương trình đào tạo và đánh giá kỹ năng lao động, đáp ứng yêu cầu của các ngành công nghiệp hiện đại”.

Tới năm 2016, bên cạnh NOSS, thuộc quyền quản lý của Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, Việt Nam còn có thêm khung trình độ quốc gia do Bộ Giáo dục và Đào tạo đưa ra. Khung trình độ quốc gia là một trong các công cụ của Bộ công cụ TVET (Giáo dục nghề nghiệp) toàn cầu, được các tổ chức quốc tế  uy tín như Ngân hàng Thế giới (World Bank) và Tổ chức Lao Động quốc tế (ILO) hỗ trợ đưa từ các nước phát triển về Việt Nam. Như đã nói ở trên, NOSS đáng lẽ phải là nền tảng của Khung trình độ quốc gia, nhưng hai khung tham chiếu này trong suốt nhiều năm tồn tại song song mà không có sự liên kết từ lúc hình thành đến khi triển khai. NOSS chỉ được ứng dụng để đánh giá tại khu vực đào tạo nghề còn khung trình độ quốc gia dùng để đánh giá giáo dục học thuật và bằng cấp. Một học viên trải qua nhiều năm theo đuổi các khóa học nghề ngắn hạn, và trải nghiệm thực tế tại doanh nghiệp cần phải được xếp loại theo khung trình độ quốc gia thì mới có thể học lên cao hơn để lấy bằng cấp chính quy. Nhưng sự lệch pha giữa hai bộ khung không cho phép điều đó.

Bên cạnh sự không liên kết giữa hai bộ khung, bản thân trong nội bộ của NOSS và khung trình độ quốc gia cũng có những vấn đề riêng. Tiến độ xây dựng và áp dụng NOSS chậm chạp là một vấn đề lớn. Theo chính báo cáo của Tổng cục Dạy nghề (2018) chỉ ra: “Việc sửa đổi NOSS tiến triển chậm, chưa đáp ứng nhu cầu đa dạng của thị trường lao động”. Quy trình đánh giá NOSS còn nhiều thiếu sót, thể hiện ở việc thiếu sự tham gia của doanh nghiệp và người lao động. Còn KTDQG – nằm trong Bộ công cụ TVET toàn cầu lại chưa được hiểu một cách thấu đáo. Hệ thống giáo dục Việt Nam chưa thực sự tường tận về bản chất nội hàm của từng từ ngữ và phương thức vận hành của từng công cụ trong Bộ công cụ TVET toàn cầu, được đặt trong bối cảnh nền kinh tế, văn hóa và chính trị đặc trưng của quốc gia, cũng góp phần gây trở ngại. Ví dụ, câu hỏi đặt ra là: Khung trình độ quốc gia liên kết như thế nào với việc đảm bảo chất lượng chương trình đào tạo và cơ sở giáo dục đào tạo nghề?

Chưa kể, còn có sự mâu thuẫn giữa Luật Giáo dục Nghề nghiệp 2014 và các văn bản dưới luật. Dù luật thúc đẩy mô hình công nhận năng lực nhưng Thông tư 01/2024/TT-BLĐTBXH mới đây nhất về xây dựng chương trình đào tạo, không đề cập đến cơ chế công nhận học tập trước đây (Recognition of Prior Learning – RPL), dẫn đến việc thiếu khung pháp lý và hướng dẫn kỹ thuật cụ thể cho các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trong việc đánh giá và công nhận kỹ năng thực tiễn của người học. Bởi vậy, dù có sự linh hoạt khi trao quyền cho hiệu trưởng quyết định việc miễn học, nhưng nếu thiếu chuẩn mực chung, điều này có thể gây ra sự thiếu công bằng và minh bạch.

Trái ngược với thực trạng ở Việt Nam, tại Australia – nơi phát minh và triển khai Bộ công cụ TVET toàn cầu – mối quan hệ giữa khung trình độ quốc gia và hệ thống đảm bảo chất lượng là chặt chẽ và mang tính hai chiều tương hỗ và bổ sung cho nhau (Lý thuyết – thực tiễn – lý thuyết). Khung trình độ quốc gia đặt ra các chuẩn đầu ra rõ ràng cho từng bậc trình độ, làm nền tảng cho xây dựng chương trình đào tạo, đánh giá năng lực và cấp bằng. Các cơ quan như TEQSA và ASQA giám sát quá trình thực hiện AQF, đảm bảo mọi chương trình đào tạo đều đạt tiêu chuẩn quốc gia. Đồng thời, Hệ thống kiểm định phản hồi thực tiễn, giúp AQF liên tục được cải tiến và duy trì tính cập nhật, minh bạch, và khả năng đối sánh quốc tế. Nhờ đó, bằng cấp của Australia có tính thống nhất và được công nhận toàn cầu.

Hoàn thiện quy trình công nhận năng lực có thể là cơ hội để Việt Nam lưu giữ các tri thức làng nghề truyền thống. Ảnh: Shutterstock

Có cách nào thay đổi?

Điều kiện tiên quyết để Việt Nam có thể triển khai mô hình công nhận năng lực đó là phải tích hợp NOSS và khung trình độ quốc gia thành một chuẩn năng lực thống nhất, làm cơ sở cho quy đổi giữa các hình thức học. Điều này càng trở nên bức thiết khi Bộ Lao động Thương binh và  Xã hội đã giải thể và lĩnh vực đào tạo nghề được sáp nhập vào Bộ Giáo dục và Đào tạo đầu năm nay. Đây cũng là cơ hội để hệ thống giáo dục Việt Nam nhìn nhận lại khung trình độ quốc gia, vốn được vay mượn từ các mô hình quốc tế (thông qua Bộ công cụ TVET toàn cầu) trong bối cảnh văn hóa, truyền thống, kinh tế đặc trưng của Việt Nam.

Theo quan điểm của người viết, các giá trị cốt lõi trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp chính là những kiến thức và kỹ năng đã được người Việt tích lũy và thực hành qua hàng trăm, thậm chí hàng nghìn năm. Đây mới thực sự là “linh hồn” của kỹ năng lao động người Việt – yếu tố đã tạo nên một nền kinh tế với 98% doanh nghiệp là siêu nhỏ, nhỏ và vừa, nổi bật với đặc điểm linh hoạt cao. Mô hình công nhận năng lực của Việt Nam cần thiết phải tính tới làm sao để bảo tồn và kế thừa những tinh hoa lao động truyền thống, và lấy đây làm nền tảng để phát triển các kĩ năng hiện đại, phù hợp với yêu cầu của thời đại mới.

Điều kiện tiên quyết để Việt Nam có thể triển khai mô hình công nhận năng lực đó là phải tích hợp NOSS và khung trình độ quốc gia thành một chuẩn năng lực thống nhất, làm cơ sở cho quy đổi giữa các hình thức học.

Dưới đây là mô tả mô hình công nhận năng lực mang tính khái quát và bao trùm do chúng tôi xây dựng dựa trên các mô hình công nhận năng lực trên thế giới phù hợp với khung trình độ quốc gia Việt Nam. Mô hình này gồm: (1) E-portfolio, (2) AI, và (3) hội đồng chuyên gia để đảm bảo hệ thống công nhận minh bạch theo đúng các chuẩn đầu ra của khung trình độ quốc gia.

Bước 1: Định hướng

Bước đầu tiên giúp người tham gia hiểu rõ quy trình và chuẩn bị hồ sơ. Họ được (1) cung cấp tài liệu hướng dẫn về cấu trúc 8 bậc của khung trình độ quốc gia và tiêu chuẩn kỹ năng, cùng với (2) hướng dẫn xây dựng E-portfolio – một hồ sơ số ghi lại quá trình học tập và kinh nghiệm của họ. Bên cạnh đó, họ có thể (3) kết nối với cố vấn để đặt mục tiêu, ví dụ như đạt trình độ trung cấp hoặc cao đẳng. AI đóng vai trò quan trọng bằng cách cung cấp chatbot hoặc hệ thống tự động trả lời câu hỏi và gợi ý tài liệu phù hợp với nhu cầu cá nhân, giúp quy trình dễ tiếp cận và được cá nhân hóa.

Bước 2: Xác định Năng lực

Tiếp theo, người tham gia đánh giá kỹ năng hiện tại và so sánh với nhu cầu thị trường. Họ trả lời bảng câu hỏi trực tuyến, nơi AI phân tích điểm mạnh và điểm yếu, chẳng hạn như nhận diện khả năng sử dụng máy may công nghiệp cho vai trò kỹ thuật viên. Đồng thời, các doanh nghiệp cung cấp thông tin về kỹ năng cần thiết cho từng vị trí, như vận hành máy may công nghiệp. Một nền tảng AI sau đó so sánh kỹ năng của người tham gia với tiêu chuẩn KTDQG và yêu cầu ngành, đề xuất lộ trình học tập phù hợp để cải thiện những khoảng trống.

Bước 3: Xây dựng E-Portfolio

Ở bước này, người tham gia tổng hợp E-portfolio để thể hiện năng lực của mình. Hồ sơ bao gồm các chứng chỉ chính quy như bằng nghề, các dự án thực tế hoặc video thao tác kỹ thuật, và phản hồi từ cộng đồng như ý kiến từ đồng nghiệp hoặc khách hàng. Ví dụ, một thợ điện có thể tải lên video sửa chữa hệ thống điện và chứng chỉ an toàn lao động. AI hỗ trợ bằng cách tự động sắp xếp tài liệu và gợi ý bổ sung những bằng chứng còn thiếu, đảm bảo hồ sơ đầy đủ bao gồm tất cả các loại hình đào tạo, hay kinh nghiệp làm việc.

Bước 4: Đánh giá Năng lực

Giai đoạn đánh giá so sánh E-portfolio với tiêu chuẩn KTĐQG. AI đối chiếu hồ sơ vào các kết quả đầu ra của từng bậc VQF và tạo báo cáo chi tiết nêu rõ điểm mạnh, điểm yếu, và gợi ý học tập hay vị trí làm việc. Hội đồng chuyên gia sau đó tiến hành phỏng vấn trực tuyến hoặc trình diễn thực tế. Hội đồng kết luận bằng cách xác nhận trình độ, ví dụ “Đạt cấp 4 KTĐQG – Kỹ thuật viên trung cấp.”

Bước 5: Công nhận và cấp chứng chỉ

Sau khi đánh giá thành công, người tham gia nhận chứng chỉ chính thức ghi rõ trình độ và kỹ năng đạt được. Chứng chỉ hay bằng cấp này liên kết với khung tham chiếu trình độ ASEAN để đảm bảo công nhận quốc tế. AI tiếp tục hỗ trợ bằng cách gợi ý các bước tiếp theo, như khóa học hay vị trí việc làm ở các ngành công nghiệp khác nhau.

Bước 6: Ứng dụng thực tế

Cuối cùng, người tham gia sử dụng kết quả công nhận để phát triển sự nghiệp, dùng E-portfolio để xin việc, đàm phán lương, hoặc học lên cao hơn. Doanh nghiệp hưởng lợi bằng cách sử dụng E-portfolio làm cơ sở tuyển dụng, giảm chi phí đào tạo. Hệ thống có vòng phản hồi, nơi AI cập nhật xu hướng kỹ năng mới, thông báo cho người dùng và điều chỉnh tiêu chuẩn VQF, đảm bảo mô hình luôn phù hợp với thực tế.

Ý nghĩa của Mô hình công nhận năng lực

Mô hình này mang tính cách mạng trong tư duy công nhận năng lực, bởi nó đặt ra một cách tiếp cận toàn diện, bao trùm mọi hình thức học tập và trải nghiệm – từ chính quy đến phi chính quy, từ học trực tuyến, trực tiếp cho tới kinh nghiệm làm việc thực tế. Đây là bước tiến đột phá trong việc xây dựng một hệ thống công nhận phù hợp với bối cảnh phát triển mạnh mẽ của trí tuệ nhân tạo (AI), cũng như thực trạng kinh tế Việt Nam – nơi mà 98% doanh nghiệp là siêu nhỏ, nhỏ và vừa.

Điểm nổi bật đầu tiên của mô hình là khả năng ứng dụng AI, đặc biệt là các công nghệ như xử lý ngôn ngữ tự nhiên, để phân tích nhanh chóng và chính xác hồ sơ học tập điện tử (E-portfolio) của người học. Nhờ đó, quá trình công nhận năng lực trở nên minh bạch, hiệu quả và có thể mở rộng trên quy mô lớn.

Thứ hai, mô hình hỗ trợ xây dựng một cơ sở dữ liệu kỹ năng toàn diện của người lao động Việt Nam, ghi nhận mọi hình thức học tập – kể cả học qua kinh nghiệm, qua làm việc, qua các dự án cộng đồng hoặc các khóa học ngắn hạn. Cơ sở dữ liệu này không chỉ giúp nhà nước hoạch định chính sách nhân lực, mà còn giúp doanh nghiệp hiểu rõ hơn năng lực thực tế của lao động, từ đó giải quyết hiệu quả khoảng cách kỹ năng.

Quan trọng hơn, mô hình này còn mang ý nghĩa nhân văn và văn hóa sâu sắc. Nó cho phép các nghệ nhân làng nghề – như Bát Tràng (gốm), Vạn Phúc (lụa), hay các thợ bạc truyền thống – ghi lại tri thức, kỹ năng và phương pháp làm nghề của mình thông qua E-portfolio: đó có thể là video ghi lại kỹ thuật chế tác, phản hồi từ khách hàng, hoặc bản mô tả chi tiết quy trình sản xuất. Ví dụ, video “Bắc Bling” của ca sĩ Hòa Minzy và nghệ sĩ Xuân Hinh là minh chứng sống động cho việc kết hợp văn hóa truyền thống với công nghệ số, giữ gìn bản sắc dân tộc và là cái đã có.

Với mô hình này, chúng ta không chỉ công nhận năng lực người lao động, mà còn bảo tồn và truyền lại những tinh hoa văn hóa truyền thống cho thế hệ sau, tạo cầu nối giữa di sản và tương lai. Đồng thời, mô hình cũng đưa ra một thông điệp rất rõ: phải hiểu rõ “chúng ta đang có gì” và nội lực đến đâu, để từ đó mới có thể tiếp nhận hiệu quả các tri thức mới từ thế giới. Không có nền tảng vững chắc bên trong, thì mọi nỗ lực tiếp thu bên ngoài sẽ thiếu tính bền vững.□

* Bài đăng Tia Sáng số 13/2025

Authors

(Visited 49 times, 49 visits today)