Quyền riêng tư: Một phả hệ tư tưởng (kỳ 1)
Lần lại lịch sử của khái niệm quyền riêng tư, bài viết tìm kiếm những di chỉ triết lý về riêng tư của người phương Tây, nỗ lực dựng lên “phả hệ” của khái niệm quyền riêng tư để giới thiệu đến độc giả Việt Nam. Khái niệm “quyền riêng tư” mới bắt đầu tư phương Tây bước vào Việt Nam và vẫn còn xa lạ với phần đông người Việt. Trên thực tế, khái niệm quyền riêng tư cũng trải qua chuỗi thảo luận rất phức tạp nhiều thập niên, và việc tôn trọng quyền riêng tư cũng đòi hỏi một quá trình lịch sử lâu dài.
Từ một vụ khiếu tố hoàng gia
Vào năm 1848, dưới triều trị vì thịnh vượng của Nữ hoàng Victoria, một chuyện ly kì xảy ra. Jasper Tomsett Judge, một tác giả có ít nhiều tên tuổi, đã xuất bản một quyển sách với nhan đề Vài nét phác thảo về gia đình Nữ hoàng, tiết lộ nhiều chi tiết liên quan đến thu nhập, chi tiêu, và tình hình tài chính trong gia đình Nữ hoàng Victoria. Thậm chí, Judge còn định tổ chức một buổi triển lãm công khai để công bố những bức ký họa về khung cảnh gia đình Nữ hoàng, và nhà xuất bản William Strange đã cho in năm mươi quyển catalogue để phân phát công khai. Hai quyển trong số đó được gửi thẳng đến trình diện hoàng gia.
Hóa ra, vợ chồng Nữ hoàng có thú vui ký họa, ghi lại những khoảnh khắc trong đời sống thường nhật, và cho khắc những bức ký họa này lên đĩa đồng để tặng cho người thân, bạn bè. Tuy nhiên, một nhân viên nhà in đã tuồn một vài bản sao ra ngoài để bán lại cho Judge.
Ngay sau đó, Hoàng tế Albert đã khởi kiện Strange ra tòa. Tòa thượng thẩm đại pháp quan đã tuyên Hoàng tế thắng kiện, buộc Judge phải từ bỏ những bản vẽ ông đang nắm giữ, cấm tổ chức buổi triển lãm, và cấm phát hành những bức ký họa nêu trên.
Hành động của Judge đã vi phạm điều gì? Vì những nét ký họa này là sản phẩm của vợ chồng Nữ hoàng, nếu chúng được xuất bản công khai trái với ý muốn của họ thì sẽ cấu thành một sự xâm phạm quyền tài sản. Bên cạnh đó, nếu hình ảnh đời tư có khả năng gây ảnh hưởng đến danh dự của Hoàng gia thì hành vi này có thể đã xâm phạm các giá trị nhân phẩm, có thể cấu thành hành vi phỉ báng.
Nhưng Warren và Brandeis nghĩ khác. Trong tiểu luận xuất bản năm 1890 trên tạp chí Harvard Law Review, hai tác giả đã lần lại những lập luận trong phán quyết trên và chỉ ra rằng các thẩm phán đã ngụ ý sự hiện hữu của một thứ quyền khác, cao hơn, đó là quyền được “để yên một mình”. Quyền này, nếu được thừa nhận, sẽ ngăn cản mọi người công bố rộng rãi những thông tin trong đời sống của người khác. Hai ông đi xa hơn: “nguyên tắc giúp bảo vệ những ghi chép cá nhân và bất kì những sản phẩm nào khác của trí tuệ và cảm xúc, chính là quyền về sự riêng tư”1.
Quyền riêng tư xuất phát từ nhu cầu kiểm soát, bảo vệ thông tin về mình để không ai khác ngoài mình được biết.
Trong bối cảnh những công nghệ ghi như máy ghi âm, máy ảnh, máy ghi hình, và ngành công nghiệp truyền thông dần trở nên thịnh hành, bài tiểu luận trên không những để lại tầm ảnh hưởng sâu rộng đến lý thuyết luật học nói chung, mà còn trực tiếp đóng góp vào diện mạo hệ thống luật thực định của những nhà nước hiện đại. Sẽ không ngoa khi cho rằng đây là viên gạch đầu tiên trong công cuộc xây dựng nên chế định quyền riêng tư như trong những bản hiến chương và những văn kiện lịch sử về quyền con người ở bình diện luật quốc tế. Định nghĩa trên cũng chính là cột mốc đầu tiên trong dòng chảy lý thuyết hiện đại về quyền riêng tư.
Riêng tư và tự do
Từ sau tiểu luận của Warren và Brandeis, các nhà luật học phương Tây đã dần quan tâm nhiều hơn đến thứ quyền trừu tượng, khó hiểu, song chưa khi nào thôi được tranh luận này. Nhưng rồi hai cuộc thế chiến, xen giữa là những dông bão của đời sống kinh tế chưa cho phép quyền riêng tư xác lập chỗ đứng như một ngành nghiên cứu chuyên biệt của khoa học pháp lý. Những vấn đề nhân đạo, mang tính hình sự để giải quyết tội ác chiến tranh, hay những nghiên cứu về khung khổ luật quốc tế thời hậu chiến, đã chiếm lĩnh tâm trí và giấy mực những nhà nghiên cứu luật học. Một thời gian dài, lý luận và thực hành quyền riêng tư phải xếp sau những diễn ngôn pháp lý lớn lao hơn về hòa bình, hợp tác, thương mại đa phương và ổn định trật tự, thiết lập kỉ cương trong nội bộ quốc gia.
Nhưng những năm cuối thập niên 60 của thế kỉ trước đã đánh dấu một sự thay đổi trong phả hệ lý thuyết về quyền riêng tư. Alan F. Westin, giáo sư luật học ở Đại học Columbia đã xuất bản cuốn sách Riêng tư và tự do vào năm 1967, sau này sẽ là cuốn sách gối đầu giường của nhiều thế hệ luật gia về quyền riêng tư2. Năm 1968, tiểu luận nổi tiếng có tên Quyền riêng tư của giáo sư Charles Fried được công bố trên Yale Law Journal3.
Westin đã rút ra những đặc tính phổ quát của quyền riêng tư bằng cách kết quyện những phương pháp trong ngành nhân học khảo cổ, chính trị học, luật học và nhân học văn hóa. Mở đầu tác phẩm, ông đã khảo sát sự thực hành quyền riêng tư của những sinh vật sống trong tự nhiên và của những tộc người man dã. Kết quả cho thấy, để chống lại thiên tai, thú dữ và những mối đe dọa từ bên ngoài, các thành viên trong thị tộc buộc phải hình thành tập quán trao đổi, thu thập thông tin và chia sẻ thông tin với nhau. Tuy nhiên, khi quan sát những hoạt động chia sẻ thông tin này, các nhà xã hội học phát hiện một vài cá thể có hành vi che giấu, thu mình, và tìm kiếm không gian tách biệt khỏi những cá thể còn lại. Westin nêu bật một luận điểm quan trọng: riêng tư là tri nhận mang tính tự nhiên của sinh vật, và nó xuất hiện khi cá thể chịu nhiều áp lực từ hoạt động chia sẻ từ tập thể. Quyền riêng tư xuất phát từ nhu cầu kiểm soát, bảo vệ thông tin về mình để không ai khác ngoài mình được biết.
Đóng góp lớn nhất của Riêng tư và tự do là đã tổng hợp và xác lập bốn trạng thái riêng tư của con người trong xã hội hiện đại. Trạng thái thứ nhất là sự đơn độc của cá nhân khi được tách rời khỏi các hội nhóm, và được giữ bí mật thông tin khỏi người khác. Song sự đơn độc, “ở một mình” không nhất thiết phải là sự cô lập của cái tôi khỏi xã hội. Một người vẫn có thể “rủ” người khác đào thoát khỏi xã hội cùng với mình, và niềm thân mật được tạo nên giữa hai người này chính là trạng thái riêng tư thứ hai. Trạng thái thứ ba của sự riêng tư là mong muốn được đối xử như một người lạ ngay cả trong những khung cảnh quen thuộc nhất. Trạng thái này cũng bao gồm cả mong muốn được thể hiện quan điểm một cách ẩn danh hoặc dưới một cái tên khác. Cuối cùng, trạng thái thứ tư là thái độ bảo lưu về mặt tâm lý, cá nhân yêu sách được giữ kẽ, kiệm lời, hoặc được “giãn cách” khỏi những mối quan hệ xã hội, và được bảo toàn những quan điểm của mình khỏi con mắt phán xét của người khác.
Dễ thấy quan niệm trên về quyền riêng tư bị chi phối bởi tư tưởng chủ nghĩa cá nhân đến mức nào. Ngay cả Westin cũng thừa nhận điều này: “Chủ nghĩa cá nhân kiểu Mỹ … đã tạo ra một xung lực lớn cho sự riêng tư kiểu Hoa Kỳ”. Thực chất, từ trước Westin, đã có cuộc bút chiến giữa giáo sư Prosser và giáo sư Bloustein về mối liên hệ giữa quyền riêng tư và chủ nghĩa cá nhân. GS. Bloustein cho rằng, khi một người buộc phải sống từng phút giây trong đời giữa người khác, và mọi nhu cầu, suy nghĩ, mong muốn, ảo vọng và hài lòng đều phụ thuộc vào sự soi xét của công chúng, thì người ấy đã bị tước đoạt cá nhân tính và phẩm giá con người, từ đó đánh mất quyền riêng tư4.
Bốn trạng thái riêng tư ở trên có thể được tóm gọn lại thành nhu cầu giữ gìn thông tin của mình, để người khác không nắm được những thông tin liên quan đến đời tư của mình.
Chống giám sát, giành kiểm soát: nỗi ám ảnh của trường phái Mỹ
Từ thập niên 50 trở về sau, công nghệ giám sát như nghe lén, quay lén, và theo dõi dần được thương mại hóa. Các hãng công nghệ liên tục tung ra những sản phẩm giám sát nhỏ hơn, tinh vi hơn, mang lại thông tin chính xác hơn, cùng những lời quảng cáo đánh vào tâm lý nghi kị của người tiêu dùng. Alan Westin đã khảo cứu công phu sự xâm lược của công nghệ vào đời sống Mỹ từ sau Thế chiến II đến thập niên 70 của thế kỉ trước, và phơi bày bức tranh đáng sợ: chính quyền Mỹ nghe lén người dân, thương nhân đánh hơi nhau, chủ theo dõi người lao động, các luật sư thăm dò nhau, vợ chồng theo dõi nhau, chủ hàng soi mói khách, các chính trị gia rình rập nhau. Đỉnh điểm, chỉ năm năm sau Riêng tư và tự do, vụ Watergate tai tiếng đã bại lộ: vụ xâm phạm riêng tư lớn nhất trong lịch sử chính trị Hoa Kỳ. Không những đời sống riêng tư trong xã hội bị xói mòn đến mức không thể cứu vãn, mà chính giá trị bản ngã của mỗi người đã bị đẩy tới bờ vực thẳm.
Westin lập luận rằng, cuộc hôn phối giữa công nghệ thông tin với những hình thức giám sát về mặt vật lý, tâm lý, và về dữ liệu trong nhà nước hiện đại đơn giản chỉ làm trầm trọng thêm những mô thức giám sát xưa nay của nhân loại, và rằng chủ thể nào có nhiều quyền lực hơn trong xã hội sẽ luôn có xu hướng xâm lấn quyền riêng tư của người khác. Nếu không có nỗ lực đáng kể để chống lại xu hướng giám sát có hệ thống, giá trị tự ngã của mỗi người sẽ bị suy giảm đến mức không còn lại gì nữa. Đồng quan điểm, Thomas Fried kết luận trong bài báo của mình: “…luật pháp không chỉ là công cụ để bảo vệ quyền riêng tư; nó là nhân tố mấu chốt, trong văn hóa của chúng ta, của chính định chế ấy. Khái niệm về sự riêng tư đòi hỏi… cảm quan về kiểm soát và một thứ quyền năng nhằm kiểm soát những phương diện trong hoàn cảnh của một cá nhân”. Như vậy, tư tưởng của Westin và Fried gặp nhau ở việc cho rằng: quyền riêng tư pháp lý là quyền kiểm soát toàn diện thông tin về chính mình.
Hai tác phẩm của Westin và Fried đã đặt tảng đá đầu tiên cho những nhà lý thuyết Mỹ về sau: quyền riêng tư là sự bảo toàn giá trị tự thân, là nỗ lực thường trực nhằm chống lại những thực thể có quyền lực giám sát bằng cách giành quyền kiểm soát những thông tin về mình. Sau Westin và Fried, lớp lớp thế hệ luật gia về quyền riêng tư như Posner, Gavison, Lessig, Moore, Schwartz, Solove, đến cả Nissenbaum và Cohen, dù theo hay chống Westin, đều phải tiền-giả định một sự đe dọa của quyền lực giám sát khi xây dựng cơ sở lý thuyết của họ. Đôi khi chủ thể (của quyền lực) này là nhà nước, song sự xuất hiện của những nền tảng mạng xã hội, vốn thu thập rất nhiều thông tin của người dùng, cũng trở thành đối tượng công kích của thế hệ luật gia Mỹ hiện đại. Cũng vì vậy mà pháp luật bảo vệ quyền riêng tư ở Mỹ luôn tiếp cận theo hướng bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng qua những quy định cho phép người dùng kiểm soát thông tin, với lập trường cho rằng bên có nguồn lực thì dễ xâm phạm quyền hơn.
Tán loạn và bất nhất
Khi xây dựng lý thuyết về sự riêng tư, các nhà luật học Mỹ đã vô tình kết hợp những thuộc tính của sự riêng tư với quyền tự do phổ quát của con người trong khoa học chính trị. Với người Mỹ, một người tự do ắt có quyền tự chủ, tự quyết với những gì thuộc về bản ngã chính mình. Hành động chống lại hoặc làm suy giảm những quyền này là xâm phạm quyền riêng tư. Những ý niệm đậm đặc màu sắc chủ nghĩa cá nhân về con người như những hữu thể tự do, tự quyết đã ảnh hưởng sâu sắc đến lý luận về quyền riêng tư của trường phái Mỹ.
Mặt khác, hệ thống thông luật Hoa Kỳ, vốn mang nặng truyền thống tiền lệ pháp, không đưa ra một định nghĩa pháp lý thống nhất về quyền riêng tư. Những vụ khiếu tố về quyền riêng tư phần lớn được xem xét theo mỗi lần xét xử cụ thể, và luôn lấy sự tự do của chủ thể làm thước đo. Do đó, chỉ trích công khai, chụp ảnh chưa xin phép, ghi âm không được phép, vu khống trên mạng xã hội, nói xấu sau lưng, cắt ghép ảnh chụp, theo dõi hành tung, đọc lén thư từ tin nhắn, công bố tên họ và lý lịch người được phỏng vấn trên báo chí mà không xin phép, cài đặt cookies theo dõi lịch sử duyệt web người dùng, lưu giữ thông tin khách hàng khi đăng ký tài khoản trên sàn thương mại điện tử mà không xin phép, bôi nhọ danh dự gia đình… đều có thể bị xem là vi phạm quyền riêng tư. Thậm chí, án lệ Rode v Wade kinh điển xác lập quyền được phá thai ở Hoa Kỳ cũng viện dẫn cả… quyền riêng tư của người mang thai làm cơ sở! Hậu quả thật rõ ràng: bức tranh luật học về quyền riêng tư trong thế giới thông luật (common law) bị méo mó vì khái niệm về sự riêng tư không ngừng được mở rộng, định nghĩa lại, xem xét trong những tình huống cụ thể, dựa trên hệ quy chiếu duy nhất là giá trị tự do của người bị xâm phạm.
Không khó hiểu khi cho đến tận nay, các nhà lý thuyết vẫn chưa thể đưa ra một khái niệm phổ quát về quyền riêng tư. Như triết gia Judith Jarvis Thomson tuyên bố: “Dường như không một ai có bất kì ý niệm rõ ràng nào về việc nó [riêng tư] là gì.” Không dễ lý giải ngay nguyên nhân vì sao có sự đa dạng này, song các luật gia từ những trường phái khác nhau đều thống nhất với quan điểm vốn đã được Westin đưa ra từ năm 1967: sự khác biệt này là do cách mà những nền văn hóa khác nhau tác động lên những mối quan hệ giữa người với người. Hãy cùng nhớ lại giải thích của Cohen: tại vì người ta cứ đi tìm những giá trị phổ quát, lấy chủ thể làm trung tâm, mà quên mất rằng quyền riêng tư bảo vệ những giá trị khác nhau tùy thuộc vào bối cảnh văn hóa của anh!5 Một minh họa rõ ràng hơn cho sự bất nhất trong khái niệm quyền riêng tư là sự khác biệt giữa cách giải thích của trường phái Mỹ với trường phái luật học châu Âu lục địa.
Châu Âu lục địa
Theo Whitman, luật về quyền riêng tư ở châu Âu lục địa bắt nguồn phần lớn từ truyền thống dân luật, theo đó bất cứ luật nào được định ra là sản phẩm của những suy tư lập pháp. Cho rằng phẩm giá con người bị tha hóa đi bởi hai lực lượng chính, đó là quyền tự do báo chí quá mức và thị trường tự do quá mức. Khi báo chí thực hiện quá lố quyền của mình, cuộc sống riêng tư của cá nhân dễ bị phơi trần lên mặt báo, danh dự của một người không còn.
Trong bài báo nổi tiếng “Hai văn hóa phương Tây về sự riêng tư: Phẩm giá với Tự do” công bố năm 2003, Giáo sư James Q. Whitman ở Đại học Yale đã khẳng định: người Mỹ và người Âu châu lục địa hiểu rất khác về quyền riêng tư. Một ví dụ lý thú cho quan điểm này: ở một số vùng của Đức, khỏa thân phơi nắng là chuyện hết sức bình thường cho cả nam lẫn nữ; thậm chí, đi bãi biển mà không… lột đồ thì mới là bất thường. Nhưng ở Mỹ, trái với suy nghĩ của nhiều người, cơ quan sinh dục được xem là “riêng tư”, việc cởi trần gần như là không tưởng (dù người Mỹ thảo luận khá thoải mái về vấn đề tình dục). Một ví dụ khác: số liệu cho thấy tỉ lệ nghe lén ở Pháp, Đức cao gấp 20-30 lần so với Mỹ, nhưng người dân lại chẳng mấy khi có những hành động pháp lý để bảo vệ quyền lợi của mình, trái ngược hoàn toàn với trào lưu chống giám sát ở Mỹ.6
Về sự tác động của thị trường tự do đến quyền riêng tư, có thể kể ra một câu chuyện lý thú sau. Vào năm 1867, Alexander Dumas cha đã chụp một sê-ri ảnh “nhạy cảm” cùng người tình là Adah Isaacs Menken (và mẹ cô), trong đó hai người thể hiện những hành động thân mật quá mức. Một vài bức ảnh trong số đó khá thiếu vải. Người thợ ảnh, sau khi hoàn thành công việc, lập tức đến cơ quan có thẩm quyền để đăng kí quyền sở hữu trí tuệ đối với những bức ảnh trên, với mong muốn bán lại lấy lời. Mặc dù cơ quan đăng kí cấm ông này trưng bày những bức ảnh thiếu vải của Menken, họ vẫn chấp thuận yêu cầu của ông này. Sau đó, ông đã rao bán những bức ảnh này trên thị trường, gây nên một scandal chấn động chưa từng có. Dumas khởi kiện. Với hệ thống luật thực định thời đó, rất khó để tác động vào một quyền tài sản đã xác lập sở hữu. Tuy nhiên, tòa án trong vụ Dumas đã xác định Dumas có một dạng “quyền riêng tư” mới, có hiệu lực ngang bằng với những yêu sách tuyệt đối của luật tài sản. Tòa còn xác định: mặc dù một cá nhân đã ngầm đồng ý cho phép công bố những bức ảnh đáng xấu hổ về mình, cá nhân ấy tất yếu vẫn giữ lại quyền được rút lại sự đồng ý của mình! Với những lập luận trên, Tòa đã tuyên bố quyền tài sản của nhiếp ảnh là vô nghĩa về mặt hiệu lực và buộc ông ta phải bán lại mọi quyền liên quan đến những bức ảnh ấy cho Dumas.
Vấn đề hơi khác đi một chút ở Đức, một nước dân luật anh em với Pháp. Tiếp nối truyền thống của các triết gia cổ điển Đức, những khái niệm về “bản thể”, “nhân cách” đã được cụ thể hóa thành những quyền cơ bản của con người. Điều 2, Hiến pháp Đức năm 1949 đã khẳng định rằng “Mọi người có quyền được tự do phát triển nhân cách của anh ta, trong chừng mực anh ta không làm phương hại đến những quyền của người khác”. Đây chính là cơ sở hiến định nền tảng cho việc lập ra những quy định liên quan đến bảo vệ quyền riêng tư, như một quyền nhân thân cốt lõi, trong luật thực định Đức hiện đại.
Như vậy, luật bảo vệ quyền riêng tư ở châu Âu lục địa được thể hiện qua những quy định “cứng” của luật về bảo vệ phẩm giá cá nhân, và đặt ra nghĩa vụ phải tôn trọng phẩm giá của người khác. Quyền riêng tư ít khi được ghi nhận thẳng vào trong luật, thay vào đó, nó được cụ thể hóa thành quyền đối với hình ảnh, tên gọi và danh dự, cùng một quyền đặc biệt là quyền tự quyết về thông tin. Ở các nước châu Âu lục địa, quyền riêng tư được xem như một thành viên trong đại gia đình các quyền thực định, tất cả đều nhằm bảo vệ sự tôn trọng lẫn nhau giữa người với người trong xã hội, và bảo toàn phẩm giá, danh dự con người. Hiểu theo cách này, ta sẽ lý giải được ngay vì sao mà một thứ quyền đặc biệt như quyền được lãng quên và quyền rút lại sự đồng ý lại có thể đâm chồi và sinh trưởng trong hệ thống pháp luật châu Âu hiện đại. Nếu ta xem hệ thống dân luật ở châu Âu lục địa là truyền thống mang tính tiếp nối của luật học thông diễn, thì sự ra đời của các quy định mới sẽ bắt nguồn từ những học thuyết gắn liền với luật đi trước. Hiểu theo cách này, dường như quyền riêng tư như là quyền về phẩm giá con người mới là trực hệ, còn quyền riêng tư như bảo vệ sự tự do kiểu Mỹ chỉ là chi phái mà thôi. □ (còn tiếp)
——–
1 Samuel D Warren and Louis D Brandeis, ‘The Right to Privacy’ (1890) 4 Harvard Law Review 193 <https://www.jstor.org/stable/1321160> accessed 13 April 2022.
2Alan F Westin, Privacy and Freedom (Bodley Head 1970).
3 Charles Fried, ‘Privacy’ (1968) 77 The Yale Law Journal 475 <https://www.jstor.org/stable/794941?origin=crossref> accessed 15 June 2022.
4 Edward J Bloustein, ‘Privacy as an Aspect of Human Dignity: An Answer to Dean Prosser’ (1964) 39 New York University Law Review 962 <https://heinonline.org/HOL/Page?handle=hein.journals/nylr39&id=974&div=&collection=>.
5 Huỳnh Thiên Tứ, ‘Lộn trái quyền riêng tư: Một cách tiếp cận hiệu quả hơn?’, Tạp chí Tia Sáng, số 10-20.5.2022.
6 James Q Whitman, ‘The Two Western Cultures of Privacy: Dignity versus Liberty’ The Yale Law Journal 72.