Quyền sở hữu súng tại Hoa Kỳ. Kỳ cuối: Bản tango lập pháp của lưỡng đảng

Vào ngày 24/6 vừa qua, Thượng viện Hoa Kỳ đã thông qua dự luật lưỡng đảng dài 80 trang. Đây là sản phẩm của một thỏa hiệp về đảm bảo an toàn súng thành công nhất trong ba thập kỷ vừa qua tại một quốc gia có tỷ lệ sở hữu súng trên đầu người cao nhất thế giới và số vụ xả súng hàng loạt hằng năm cũng cao nhất trong số các quốc gia phát triển.

Vào đầu tháng 6, cuộc diễu hành “Vì cuộc sống của chúng ta” do các học sinh dân đầu, quy tụ đến 5.000 người yêu cầu thắt chặt quyền sở hữu súng và đảm bảo an toàn trong trường học. Trong ảnh là đám đông trên đại lộ Pennylvania ở thủ đô Washington.

Dù có nhiều bất đồng liên quan đến bản chất của các tranh luận về luật kiểm soát súng tại Hoa Kỳ là vấn đề pháp lý, chính trị hay văn hóa, không thể phủ nhận được rằng chủ đề này cũng gây chia rẽ sâu sắc giữa những người ủng hộ Đảng Dân chủ và Đảng Cộng hòa khi bàn luận đến việc cho phép mang theo súng giấu kín đến các khu vực công cộng và thậm chí cho phép giáo viên chính thức mang súng trong trường học. Cụ thể, khảo sát của Trung tâm nghiên cứu Pew năm 2017 cho thấy có đến 72% người ủng hộ Đảng Cộng hòa đồng ý việc cho phép mang theo súng giấu kín ở nhiều nơi hơn và 69% chấp nhận giáo viên và nhân viên được mang súng trong trường học. Trong khi đó, chỉ có 26% người ủng hộ phe Dân chủ chấp nhận các đề xuất này.

Lý do cơ bản là vì Đảng Cộng hòa và Đảng Dân chủ có những quan điểm khác biệt rõ rệt về nguyên nhân của bạo lực súng đạn và tính nghiêm trọng của loại bạo lực này tại nước Mỹ. Khảo sát trên cũng thể hiện rằng, trong khi 65% người theo Đảng Dân chủ đồng tình bạo lực súng đạn là vấn đề nghiêm trọng của cả nước, chỉ 32% phe Cộng Hòa công nhận điều đó vì đa số cho rằng mức độ đáng quan tâm của vấn đề này tùy thuộc vào tình hình quản lý tại địa phương. Ngoài ra, Đảng Cộng hòa và Đảng Dân chủ cũng có quan điểm khác nhau về việc liệu quyền sở hữu súng có ảnh hưởng đến tình hình tội phạm và các vụ xả súng hàng loạt ở Mỹ hay không. Trong khi 51% đảng viên Dân chủ tin vào việc kiểm soát và giới hạn quyền sở hữu súng thì 56% đảng viên Cộng hòa lại cho rằng phải cho phép nhiều người sở hữu súng hơn thì tội phạm mới giảm và xã hội mới bình ổn.

Tuy nhiên, những vụ bạo lực súng đạn đau thương gần đây đã phần nào tác động đến quan điểm đối lập nhau của hai đảng. Sau thảm kịch xả súng ở một trường tiểu học tại Uvalde, bang Texas hôm 24/5/2022 khiến 19 trẻ nhỏ và hai giáo viên bị giết đã làm rúng động xã hội Mỹ. Vào đầu tháng sáu, cuộc diễu hành “Vì cuộc sống của chúng ta” bởi các học sinh quy tụ đến 5.000 người yêu cầu thắt chặt quyền sở hữu súng và đảm bảo an toàn trong trường học, được những người tham gia kỳ vọng sẽ kiến tạo nên sự thay đổi lớn lao. Thật vậy, các chính trị gia đã nhanh chóng vào cuộc nỗ lực vận động lập pháp. Hai ngày sau sự cố tại Uvalde, có bốn chính khách đại diện cho hai đảng tổ chức cuộc họp tại Capitol nhằm phác thảo một thỏa thuận luật mới về súng. Các thành viên của cả hai bên nhanh chóng đồng ý rằng việc tăng cường tài trợ cho những người gặp vấn đề sức khỏe tâm thần và đảm bảo an ninh trường học sẽ là trọng tâm của thỏa thuận. Nhưng quan trọng hơn, hai bên đã tìm được một điểm chung thỏa thuận về việc siết chặt việc sở hữu súng đạn hơn. Trong đó, dự thảo luật mới về súng này đề ra một cơ chế khuyến khích các bang thông qua luật “cảnh báo đỏ” (red flag) cho phép tòa án ra lệnh ngăn chặn người có khả năng gây nguy hiểm cho chính mình hoặc người khác được sở hữu hay sử dụng súng, và quy định kiểm tra thông tin của người mua súng từ 21 tuổi trở xuống.

Vụ xả súng ở Uvalde vào tháng 5 vừa qua khiến 21 người tử vong và 18 người bị thương. Ảnh: texasmonthly.com

Vẫn có những “lằn ranh” không cho phép việc kiểm soát súng đạn đi sâu hơn. Cụ thể, đại diện cho phe Cộng hòa đã khẳng định rằng phía họ không muốn thương lượng về vấn đề tăng độ tuổi được sở hữu và sử dụng súng, cũng như thời gian chờ bắt buộc để được cấp phép súng, thông qua dự luật liên bang hay cấm mua bán loại súng nào. Phe Cộng hòa cho rằng hỗ trợ người có vấn đề tâm thần và cung cấp tài chính cho lực lượng đảm bảo an ninh là đã đặt “những chiếc van an toàn vào đúng chỗ”. Trong khi đó, phe Đảng Dân chủ thì thấy rằng yêu cầu đó của phe Đảng Cộng hòa không thể hiện đủ thái độ quyết liệt giải quyết vấn đề. Ngoài ra, có hai vấn đề quan trọng khác trong dự luật khiến hai bên mâu thuẫn. Thứ nhất, thành viên hai đảng mâu thuẫn về cách xử lý lỗ hổng pháp lý trong quy định về kiểm soát súng hiện tại được gọi là “boyfriend loophole”. Theo đó, chỉ những ai bị kết án vi phạm luật bạo hành trong gia đình và đã làm đám cưới, đang sống chung, hoặc có con với nạn nhân thì mới bị cấm mua và sở hữu súng, vì vậy bỏ qua việc kiểm soát súng của người có hành vi bạo lực nhưng chỉ trong mối quan hệ hẹn hò với nạn nhân. Trong khi Đảng Dân chủ muốn bổ sung định nghĩa về “mối quan hệ hẹn hò” giữa người từng bị kết án có hành vi bạo lực và nạn nhân để mở rộng đối tượng điều chỉnh của luật kiểm soát súng, phía đảng đối lập lại tỏ ra nao núng còn các nhà soạn thảo luật lại rất băn khoăn về việc diễn giải các câu từ quy định sao cho hợp lý. Vấn đề gây tranh cãi thứ hai là đạo luật “cảnh báo đỏ”.  Đạo luật đến nay đang có hiệu lực tại 19 tiểu bang, phe Cộng hòa không muốn thúc đẩy đạo luật này được mở rộng cho nhiều bang hơn nữa mà chỉ muốn tập trung vào hỗ trợ chương trình tư vấn, chăm sóc sức khỏe tâm thần để hạn chế những người bị mắc các bệnh tâm lý gây ra bạo lực súng đạn. Trong khi đó, phía Dân chủ muốn có cơ chế riêng khuyến khích càng nhiều bang thông qua đạo luật “cảnh báo đỏ” càng tốt, độc lập với chương trình về sức khỏe tâm thần trong dự luật.

Phía Đảng Dân chủ dường như phải đối mặt với nhiều áp lực hơn trong cuộc tranh luận này. Dù giành quyền kiểm soát Thượng viện, song Đảng Dân chủ vẫn phải vận động sự ủng hộ tuyệt đối của 50 thành viên đảng này cũng như ít nhất 10 nghị sĩ thuộc Đảng Cộng hòa để các dự luật trên chính thức trở thành luật, theo một mốc thời gian rất chặt chẽ. Ở thời điểm đó, nếu Thượng viện muốn thông qua một dự luật về kiểm soát súng, cần phải thực hiện điều này trước ngày 23/6/2022 là thời điểm các thượng nghị sĩ bắt đầu kỳ nghỉ hai tuần nhân dịp Quốc khánh 4/7. Do đó, nếu các cuộc đàm phán kéo dài và không chốt được các điểm neo cần thiết, các bên sẽ mất đà kiểm soát và thất bại. Trong khi đó, nội bộ giữa các thành viên Đảng Dân chủ cũng bị chia rẽ khi một số người muốn thỏa hiệp sớm để đẩy nhanh tiến độ, số khác lại bảo thủ hơn khi chỉ trích việc thỏa hiệp sớm sẽ dẫn đến không bảo vệ được những điều khoản trọng tâm, rồi sẽ chỉ khiến văn bản luật sau này chỉ mang tính hình thức.

Trong mắt của nhiều người, đạo luật này có bản chất là một bản thỏa hiệp của hai đảng hơn là một nỗ lực của lưỡng đảng trong việc thực sự cố gắng giải quyết tận cùng vấn đề, đặc biệt khi nhắc đến những nội dung được chấp nhận và không được chấp nhận luật hóa.

Nhưng trong cái rủi có cái may. Năm 2022 vừa rồi cũng là thời điểm chín muồi cho Đảng Dân chủ thảo luận các vấn đề kiểm soát sở hữu và sử dụng súng vì họ đã có kinh nghiệm vận động điều này từ trước đó và bởi toàn nước Mỹ đang rúng động trước những vụ xả súng đau thương liên tiếp. Các thành viên trong ban đàm phán thuộc phe Dân chủ đã từng tham gia vận động chính sách pháp luật về kiểm tra lý lịch, thông qua đạo luật “cảnh báo đỏ” và “boyfriend loophole” vừa từ năm 2019. Dù những chiến dịch này đều không thành công, họ đã cũng hiểu được cách thương lượng và yêu cầu của phe đối phương. Thượng nghị sĩ John Cornyn – trưởng nhóm đàm phán thuộc Đảng Cộng Hòa đã chia sẻ rằng: “Đây là một vấn đề gây chia rẽ phần lớn người dân trong nước, tùy vào nơi bạn sống, và thậm chí có thể gây chia rẽ những người sống trong cùng một gia đình. Nhưng tôi nghĩ rằng chúng tôi đã tìm thấy một số không gian để thỏa hiệp và cũng nhận thấy rằng có một số lằn ranh đỏ không thể chấp nhận một vùng đệm nào.” Bản thân ông cũng là một người “của hai thế giới” khi vừa có mối quan hệ thân thiện với các nhóm có quan điểm đối lập vì từng là cựu chiến binh nhưng cũng vừa là người ủng hộ thắt chặt các quy định về súng khi là cựu thẩm phán của Tòa án Tối cao và chứng kiến hậu quả thảm khốc của nhiều cuộc xả súng tại quê nhà Texas, đặc biệt là sự cố bạo lực súng tại Uvalde vừa mới xảy ra.

Các cuộc thảm sát về súng diễn ra sau sự cố Uvalde khiến cho vấn đề trở nên nóng bỏng và cấp thiết, khi liên tục trong năm ngày quanh thời điểm cuộc thảo luận diễn ra, khắp nước Mỹ xảy ra thêm 13 vụ xả súng hàng loạt. Các nhà đàm phán cần phải tranh thủ thời gian lẫn sự ủng hộ của nhân dân khi nhiệt lượng của vấn đề còn đang tăng cao. Trong quá trình thương lượng còn đang bế tắc, Everytown – nhóm được tài trợ nhiều nhất trong mạng lưới các tổ chức kiểm soát súng – đã cho các thành viên liên hệ với các thượng nghị sĩ với hơn 1 triệu cuộc gọi và tin nhắn, gửi hàng nghìn kiến nghị tại các văn phòng nhà nước, thậm chí tổ chức nhiều cuộc biểu tình trên Đồi Capitol và thực hiện một chiến dịch quảng cáo trị giá 400.000USD với một thông điệp cứng rắn dành cho các nhà lập pháp: “Đừng ngó lơ”.

Thời thế ngày càng ngả về phía ủng hộ thắt chặt kiểm soát súng khi nhóm vận động bảo vệ quyền sở hữu và sử dụng súng đang phải đối mặt với nhiều thách thức và bị chia rẽ. Vài ngày sau vụ xả súng gây nên kinh hoàng và phẫn nộ tại Uvalde, Hiệp hội súng trường quốc gia (NRA) vẫn tổ chức hội nghị thường niên tại Houston, Texas, bất chấp nhiều diễn giả và nghệ sĩ tuyên bố rút khỏi hội nghị năm nay. Điều này đã làm giảm đáng kể uy tín và hình ảnh của NRA trong mắt dân chúng, chưa kể tới các scandal khác liên quan tới lợi ích nhóm của hội này. Ngoài ra, NRA và các nhóm ủng hộ sở hữu súng khác như Hội những người sở hữu súng tại Hoa Kỳ (Gun Owners of America) và Quỹ Bắn súng Thể thao (Shooting Sports Foundation) cũng không còn sát cánh với nhau trong các chiến dịch vận động. Trước cuộc thảo luận liên quan đến luật kiểm soát sở hữu súng, NRA thì im lặng, các nhóm còn lại thì lên tiếng nhưng tỏ vẻ dè dặt. Nguồn tin của Reuters cũng cho biết đằng sau cánh gà chính trường, các thành viên của nhiều hội bảo vệ quyền đối với súng vẫn âm thầm liên lạc với các chính khách thuộc Đảng Cộng hòa để cố gắng đảm bảo cục diện thương lượng có lợi cho họ. Tuy nhiên, đứng trước bối cảnh mới này, các chính trị gia đều nhận thấy rằng đây không còn là lúc để có thể mạnh dạn phủ quyết bất kỳ điều khoản thắt chặt nào khi nhiệt độ của lò phản ứng xã hội đang vẫn còn tăng rất cao. Do đó, các bên đều phải tham gia vào một bản tango lập pháp với những bước tiến lui nhịp nhàng, nhưng vẫn phải cố gắng cho ra đời một tác phẩm hoàn chỉnh trước khi giai điệu kết thúc.

Nhóm Everytown – tổ chức ủng hộ việc kiểm soát sở hữu súng mạnh nhất Hoa Kỳ. Ảnh: ABC News

Vào ngày 21/6, nhóm 20 thượng nghị sĩ thuộc cả Đảng Dân chủ và Đảng Cộng hòa đã công bố bản thảo chính thức của dự luật lưỡng đảng  nhằm giải quyết bạo lực súng đạn ở Hoa Kỳ sau quá trình thảo luận căng thẳng. Với sự áp đảo của các yếu tố thuận lợi và nỗ lực vận động chính sách lập pháp, Thượng viện Hoa Kỳ vào ngày 24/6 đã thông qua dự luật lưỡng đảng dài 80 trang. Với kết quả bỏ phiếu 65-33, trong đó có 15 thành viên Đảng Cộng hòa và 50 thành viên Đảng Dân chủ bỏ phiếu thuận, đây là sản phẩm của một thỏa hiệp về đảm bảo an toàn súng thành công nhất trong ba thập kỷ vừa qua tại một quốc gia có tỷ lệ sở hữu súng trên đầu người cao nhất thế giới và số vụ xả súng hàng loạt hàng năm cũng cao nhất trong số các quốc gia phát triển. Tổng thống Joe Biden đã ngay lập tức bày tỏ sự vui mừng rằng “Đạo Luật lưỡng đảng này sẽ giúp bảo vệ người Mỹ. Trẻ em trong trường học và cộng đồng sẽ được an toàn hơn.” Sau khi được Quốc hội Mỹ thông qua, dự luật được Tổng thống Joe Biden ký ban hành vào sáng ngày 25/6.

Đạo luật mới về kiểm soát súng: Viên đạn bạc trong bối cảnh hiện tại?

Về mặt nội dung, Đạo luật Cộng đồng An toàn hơn của Lưỡng đảng tăng cường kiểm tra lý lịch đối với những người mua súng từ 18 đến 21 tuổi, khuyến khích các bang ban hành luật “cảnh báo đỏ” cho phép tạm thời tịch thu súng từ những người được coi là nguy hiểm và cung cấp hàng trăm triệu USD cho sức khỏe tâm thần và an toàn trường học. Đạo luật mở rộng phạm vi điều chỉnh và có hiệu lực liên bang quy định những người có hành vi bạo lực, kể cả đang trong mối quan hệ hẹn hò với nạn nhân, bị cấm mua và sử dụng súng. Dù vậy, trong mắt của nhiều người, đạo luật này có bản chất là một bản thoả hiệp của hai đảng hơn là một nỗ lực của lưỡng đảng trong việc thực sự cố gắng giải quyết tận cùng vấn đề, đặc biệt khi nhắc đến những nội dung được chấp nhận và không được chấp nhận luật hóa.

Thứ nhất, hồ sơ lý lịch của trẻ vị thành niên, bao gồm cả những hồ sơ liên quan đến sức khỏe tâm thần, lần đầu tiên được yêu cầu đối với những người có tiềm năng mua súng dưới 21 tuổi và các nhà chức trách được quy định thời hạn kiểm tra lâu hơn là 10 ngày, tăng ba ngày so với hiện tại. Chính quyền liên bang sẽ phải kiểm tra với cơ quan thực thi pháp luật tại địa phương và xem xét hồ sơ được lưu tại tiểu bang nhằm xác định xem liệu người mua có tiền sử tội phạm hoặc sức khỏe tâm thần ở độ tuổi vị thành niên, từ đó không đáp ứng điều kiện mua súng hay không. Nếu xét thấy có khả năng như vậy, họ sẽ chuyển hồ sơ cho FBI điều tra thêm. Tuy nhiên, dự luật này không cấm bất kỳ người nào dưới 21 tuổi mua vũ khí bán tự động, vốn có sức sát thương rất cao.

Thứ hai, dự luật sẽ cung cấp 750 triệu USDtừ ngân sách liên bang cho các bang thông qua luật “cảnh báo đỏ”. Khoản tài trợ này cũng sẽ được sử dụng cho các chương trình can thiệp phòng ngừa khủng hoảng của tòa án để chăm sóc sức khỏe tinh thần và đảm bảo an ninh. Dù vậy, mong muốn nhà nước tài trợ một dự án luật “cảnh báo đỏ” cấp toàn liên bang của phe Dân chủ thì vẫn còn bỏ ngỏ. Luật “cảnh báo đỏ” vẫn chỉ dừng lại ở cấp tiểu bang. Hơn nữa, người bị thu hồi súng theo luật “cảnh báo đỏ” vẫn được trao nhiều quyền lợi để có thể tiếp tục sử dụng súng. Vì, trong quá trình thực thi luật “cảnh báo đỏ”, các tiểu bang bắt buộc phải đảm bảo tiến trình theo đúng thủ tục pháp lý – bao gồm quyền được điều trần trực tiếp trước tòa án của người bị thu hồi súng, quyền được biết về những chứng cớ mà tiểu bang sử dụng để biện minh cho lệnh thu hồi súng và quyền được thuê luật sư bào chữa.

Thứ ba, đạo luật chấp nhận định nghĩa mở rộng lấp đầy lỗ hổng pháp lý cố hữu của “boyfriend loophole”, xem xét đến cả những hành vi bạo lực của một người khi đang trong mối quan hệ hạn hò với người khác. Tuy nhiên, Đảng Cộng hòa cũng đã lồng vào những điều khoản để duy trì khả năng mua súng cho những người này. Cụ thể, nếu một người phạm tội lần đầu và hành vi tội phạm là bạo lực ở mức độ nhẹ, lệnh cấm tiếp cận vũ khí sẽ hết hiệu lực vào năm năm sau khi bản án hình sự của họ kết thúc, miễn là họ không thực hiện thêm hành vi phạm tội nào trong thời gian này. Các nhà đàm phán cũng đồng ý không quy định điều khoản “cảnh báo đỏ” này có hiệu lực hồi tố trước khi dự luật có hiệu lực.

Thượng nghị sĩ John Cornyn, người đã có đóng góp đáng kể vào dự luật lưỡng đảng về siết chặt việc sở hữu súng đạn ở Mỹ. Ảnh: Francis Chung/E&E News/POLITICO/AP

Thứ tư, dự luật sẽ phân bổ hàng tỷ USD cho các trường học và cộng đồng để mở rộng các chương trình tư vấn, chăm sóc sức khỏe tâm thần. Khoản tài trợ này cũng nhằm mục đích thúc đẩy an toàn trong trường học. Ngoài ra, khoản tài trợ cũng phục vụ cho việc đào tạo nhân viên trường học và người lớn tương tác với trẻ vị thành niên nhằm ứng phó với các vấn đề về sức khỏe tâm thần. Các thành viên Đảng Cộng hòa đã đàm phán để khoản tài trợ này thấp nhất có thể, chốt lại ở mức 13,2 tỷ USD.

Thứ năm, dự luật kiểm soát chặt chẽ hơn những người mua trung gian hoặc những người mua súng cho những người không đủ điều kiện sở hữu, sử dụng. Đây là một sự bổ sung đáng kể đối với pháp luật hiện hành, ngoài ra còn đưa mức hình phạt mang tính răn đe rất nghiêm khắc. Cụ thể, dự luật phạt tù lên đến 15 năm hoặc 25 năm nếu súng được sử dụng liên quan đến hoạt động tội phạm nghiêm trọng như buôn bán ma túy hoặc khủng bố, giúp ngăn chặn và điều tra các loại giao dịch này. Dù vậy, dự luật không bao gồm các biện pháp áp đặt kiểm tra lý lịch phổ quát hoặc cấm bán các tạp chí với nội dung chủ yếu về súng, cũng như từ chối thỏa hiệp về các biện pháp kiểm soát súng sâu rộng hơn được Đảng Dân chủ ủng hộ, chẳng hạn như quy định cấm súng trường hoặc băng đạn công suất lớn.

Do đó, cách tiếp cận của dự luật này có thể được xem là thắng lợi cho cả hai phe trong bối cảnh hiện tại. Đây là cột mốc thành công trong việc vận động chính sách pháp luật về súng của Đảng Dân chủ sau hàng chục năm liên tiếp thất bại, trong khi Đảng Cộng hòa vẫn không bị xem là phe thua cuộc khi vẫn giành được nhiều không gian chính sách có lợi cho họ. Bên cạnh các nội dung mang tính thỏa hiệp về chính trị, khả năng thực thi dự luật này cũng phải đối đầu với nhiều thách thức trên thực tế. Một ngày trước khi dự luật được mang ra bỏ phiếu thông qua trước Quốc hội Hoa Kỳ, phán quyết của Tòa án Tối cao vào ngày 23/6 ra quyết định bãi bỏ một điều luật siết chặt kiểm soát súng đạn của bang New York vì cho rằng quy định mang tính hạn chế quyền tự do này là vi hiến. Cụ thể, Tòa án Tối cao, với đa số các thành viên thuộc phe bảo thủ, đã bác bỏ quy định luật của bang New York về việc hạn chế mang theo súng ngắn giấu kín khi ra khỏi khuôn viên nhà ở. Điều luật này cũng quy định những cá nhân muốn mang súng ra khỏi nhà phải chứng minh được họ có lý do chính đáng dựa trên nhu cầu tự vệ đặc biệt. Tòa án lập luận rằng quy định pháp luật này, vốn được ban hành vào năm 1913, đã vi phạm quyền “giữ và mang vũ khí” của một người theo Tu chính án thứ hai của Hiến pháp Hoa Kỳ. Điều này được các thành viên NRA kỳ vọng sẽ đủ khả năng làm thay đổi cách tiếp cận về luật của bảy tiểu bang còn lại đang duy trì loại quy định này, được xem là xâm phạm quyền bảo vệ bản thân của người dân, cũng như ảnh hưởng đến kết quả bỏ phiếu cho dự luật kiểm soát súng mới.

Rất may, kết quả bỏ phiếu cho thấy điều ngược lại. Bộ Tư pháp Mỹ cũng bày tỏ sự không đồng tình với phán quyết này của Tòa án Tối cao, đồng thời khẳng định cam kết của Bộ này đối với việc thực thi và bảo vệ các đạo luật liên bang về kiểm soát súng đạn. Ngoài ra, biện pháp tư pháp này của Tòa án tối cao khó lòng ảnh hưởng tới hiệu lực thực thi của luật mới được thông qua ngay sau đó, cũng như hiệu ứng của các quy định bắt buộc tạo nên tâm lý tuân thủ đối với người dân. Mặt khác, sự kiện này cũng cho thấy, để đạo luật lưỡng đảng này được chấp nhận áp dụng rộng rãi và thực thi thống nhất ở phạm vi liên bang, đòi hỏi nhiều công sức hơn nữa để những quy định không chỉ là các con chữ trên giấy tờ. Có thể thấy đúng như tên gọi của đạo luật là nhằm hướng đến việc xây dựng một cộng đồng “an toàn hơn”, các bên liên quan vẫn còn phải nỗ lực rất nhiều để đạt được mục tiêu cuối cùng là đảm bảo một cộng đồng thật sự “an toàn”.□

——

TÀI LIỆU THAM KHẢO

New York Times (2022), Here’s what is in the Senate’s gun bill — and what was left out, https://www.nytimes.com/2022/06/23/us/politics/senate-gun-bill.html.

Reuters (2022), U.S. Supreme Court expands gun rights, strikes down New York law, https://www.reuters.com/legal/government/us-supreme-court-strikes-down-new-york-limits-concealed-handguns-2022-06-23/.

Tẽas Tribune (2022), How John Cornyn and the U.S. Senate defied 26 years of inaction to tackle gun violence, https://www.texastribune.org/2022/06/25/senate-gun-violence-bill/.

Tác giả

(Visited 52 times, 1 visits today)