Scandal cờ vua: AI có đủ sức phát hiện gian lận?
AI từng đánh bại nhà vô địch cờ vây thế giới, cách đây gần tám năm. Vậy AI có thể phân định được ai đúng – ai sai trong scandal cờ vua Sinquefield Cup diễn ra mới đây, khi siêu sao Magnus Carlsen (Na Uy) tuyên bố kỳ thủ tuổi 19 Hans Niemann (Mỹ) gian lận?
Hiện tại làng cờ vua thế giới vẫn còn không thôi bàn cãi và chia rẽ quanh hành động bất ngờ bỏ cuộc giữa chừng của Magnus Carlsen. Tình thế khó hiểu bắt đầu khi Carlsen trong ván đối đầu trực tuyến với kỳ thủ tuổi 19 Hans Niemann (Mỹ) bằng nền tảng Chess24 qua phần mềm Microsoft Teams. Camera của Carlsen đột ngột tắt, dù vài giây trước người ta còn thấy anh đang nhìn vào đồng hồ chờ nước đi thứ hai.
“Chuyện gì xảy ra thế này? gì vậy?”, đại kiện tướng quốc tế Peter Leko, một nhà phân tích trận đấu rất điềm tĩnh cũng phải thốt lên kinh ngạc. Tình huống xảy ra đột ngột khiến kiện tướng quốc tế Tania Sachdev, nhà phân tích trận đấu thứ hai, chỉ có thể giải thích ngắn gọn với các khán giả đang theo dõi trực tuyến. “Chúng tôi đang cố gắng cập nhật tình hình, Magnus Carlsen mới bỏ cuộc. Đứng dậy và rời đi. Tắt camera, và đó là tất cả những gì chúng tôi biết”. Leko cảm thán đế thêm “Ồ, không một lời nói nào ư?”.
Trong sự nghiệp lừng lẫy của mình, chưa khi nào vua cờ hành xử như vậy, vì vậy người ta có thể phỏng đoán là hẳn Carlsen có lý do chính đáng. Một ngày sau, Carlsen lên tiếng trên tài khoản Twitter của mình là anh thích chơi cờ ở Sinquefield Cup và mong muốn trở lại trong tương lai. Tuy nhiên, clip mà anh đính kèm mới khiến thiên hạ bối rối, với câu nói năm 2021 của huấn luyện viên bóng đá José Mourinho “Tôi thực sự không muốn nói ra. Nếu nói, tôi sẽ gặp rắc rối”.
Dòng tweet của Carlsen ngụ ý Niemann có một số hành vi bất chính trong khi thi đấu. Điều này được đại kiện tướng quốc tế Hikaru Nakamura nói thẳng trong một cuộc trao đổi qua nền tảng Twitch “Tôi nghĩ là Magnus tin Hans hầu như là đang dối trá. Anh rút ra khỏi ván đấu để chứng tỏ quan điểm mà không cần phải nói toạc ra quan điểm của mình”.
Một cơn bão thực sự đã được châm ngòi và khuấy đảo toàn bộ làng cờ.
Vua cờ và tay chơi mới
Scandal Carlsen – Niemann ngay lập tức đã được các tờ báo lớn trên thế giới theo sát, không phải chỉ để khỏa lấp nỗi chán chường hậu đại dịch hay tạm quên đi căng thẳng về khủng hoảng năng lượng do xung đột Nga – Ukraina. Quan trọng hơn, đó là câu chuyện về Magnus Carlsen, người gần 20 năm nay khiến làng cờ không thôi kinh ngạc về năng lực phi thường của mình.
Trên thực tế, dẫu máy tính tính toán tốt hơn và lựa chọn nước đi tốt hơn con người thì nhiều thế cờ máy chọn cũng không thể đảm bảo sẽ dẫn đến thắng hay hòa. Có thể sẽ không bao giờ chứng minh được sự gian lận – một sự kiểm chứng đòi hỏi quá nhiều phép tính, kiểm tra từng cái lá trong một cây theo hàm mũ.
Tất cả những gì liên quan đến Magnus Carlsen đều hấp dẫn, ngay từ khi mới là cậu bé vô địch thế giới lứa tuổi 12 và ở tuổi 13 giành chuẩn đại kiện tướng đầu tiên ở một giải đấu danh giá như Corus Chess (2004) 1. Danh hiệu “Mozart của cờ vua” đã gắn liền với Carlsen khi cậu vượt qua các siêu sao làng cờ để giành ngôi vô địch Corus Chess 2008 2; một năm sau, ở tuổi 18 trở thành kỳ thủ trẻ nhất đạt hệ số Elo trên 2800 và lọt vào top bốn thế giới; tuổi 19, giữ vị trí số một thế giới và cũng là kỳ thủ trẻ nhất trong lịch sử làm được điều này. Magnus Carlsen đã vượt khỏi cái bóng thần đồng để trở thành vua cờ dưới sự dẫn dắt của Garry Kasparov, huyền thoại sống vô địch thế giới từ năm 1985 đến năm 2000 và từng bị cậu bé 13 tuổi Carlsen cầm hòa một ván ở giải Aeroflot 2004 – một sự hợp tác mà người ta gọi là “hoàng đế trao vương miện cho hoàng tử”.
Đế chế cờ vua toàn hoàn nằm dưới tay của Carlsen. Hầu như mọi sự kiện cờ vua mà anh tham gia, đặc biệt là giải vô địch thế giới, đều ghi nhận mức kỷ lục người theo dõi, ví dụ cuộc đấu giữa Magnus Carlsen với Viswanathan Anand ở Chennai năm 2013 là cuộc thi được theo dõi nhiều nhất kể từ màn đấu mang tính biểu tượng vào năm 1972 trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh ở Reykjavík, Iceland, giữa Bobby Fischer (Mỹ) và Boris Spassky (Nga). Ai cũng quan tâm đến việc vua cờ sẽ chiến đấu như thế nào hoặc quan trọng hơn, ai có thể đánh bại được anh. Không dễ làm được điều này, dù thi thoảng thì vua cờ cũng thất bại nhưng từ trước đến nay cũng chỉ có bốn người làm được điều đó tới hai lần.
Dường như ai cũng không khỏi thán phục vua cờ. Một trong số đó là chính là Kasparov “Carlsen có năng lực đánh giá chính xác bất kỳ thế trận nào, điều mà trước đó chỉ Karpov mới tự hào có được”. Một nhà cựu vô địch thế giới khác, Viswanathan Anand, thì nhấn mạnh vào sự linh hoạt và bí ẩn của anh “Magnus có một trực giác bên trong lạ thường… Chủ yếu các ý tưởng đến với anh ấy hoàn toàn tự nhiên. Anh ấy rất linh hoạt, biết mọi cấu trúc và có thể chơi ở hầu hết mọi thế cờ”. So sánh với chính Boris Spassky, một trong những tên tuổi vĩ đại nhất mọi thời đại, Anand cho rằng “Magnus có thể làm được tất cả… Ngay cả khi không đốt tất cả các cây cầu [để tự chặn đường rút quân của mình] thì Magnus cũng vẫn hết sức nguy hiểm”. Có lẽ đây cũng là lý do khiến nhà toán học kiêm kỳ thủ Jon Speelman nhận xét, biệt tài của vua cờ là sự không sợ hãi và khả năng dẫn dắt đối thủ đến chỗ mắc lỗi, “điều này khiến anh ấy trở thành một quái vật và khiến đối thủ suy sụp”.
Mặc dù từng trao đổi với báo chí Nga về việc “đã nghiên cứu lối chơi và phong cách của tất cả các nhà vô địch thế giới cũng như nhiều kỳ thủ mạnh ở những thời đại khác nhau” nhưng Carlsen nói anh không sao chép lối chơi của ai mà chỉ cố gắng tạo phong cách cho chính mình, phân tích từng thế cờ từ khai cuộc, tìm hiểu các biến thể, những nước đi hay nhất và đi đến quyết định dựa trên sự tích hợp hiểu biết sâu sắc và trực giác của chính mình. Nhận xét về Carlsen, Anish Giri, một thần đồng Hà Lan gốc Nga, nói “Magnus và tôi rất gần gũi về phong cách nhưng cách tiếp cận của chúng tôi toàn hoàn đối nghịch. Magnus cố gắng đặt dấu ấn lên cách chơi, vượt thoát khỏi những gì đã chuẩn bị cho cuộc đấu còn tôi chủ yếu dựa vào sự chuẩn bị”.
Trái ngược với Carlsen, Hans Niemann chỉ là một tên tuổi mới, thậm chí với nhiều người, trước cuộc đấu với Carlsen, không mấy người biết Niemann là ai. Trang chessbase.com nhận xét, trong một thế giới nhiều tài năng và nhiều thần đồng từng nổi danh thì sự nổi lên của cái tên Hans Niemann ở tuổi 19 chẳng có gì ghê gớm. Nhưng sau scandal, người ta thấy có rất nhiều điểm đáng ngờ xung quanh Niemann, không chỉ ở việc từng chơi 360 ván cờ tiêu chuẩn trong vòng hai năm mà còn ở chính lời thú nhận từng hai lần gian lận trong thi đấu, một lần vì trẻ con, một lần vì ham thắng lợi. Vài năm trước, trang Chess.com đã cáo buộc Niemann gian lận do nghi ngờ sử dụng một chương trình máy tính hỗ trợ mình và cấm kỳ thủ này tham gia các cuộc đấu trực tuyến do mình tổ chức. Năm 2017, Chess.com cũng cấm Maxim Dlugy, huấn luyện viên của Niemann, vì lý do này.
Dù chưa xác định được chính xác Niemann có gian lận trong cuộc đấu với Carlsen hay không nhưng câu chuyện gian lận trong cờ vua không mới. Một câu hỏi đặt ra ở đây là “có thể làm gì để xác định gian lận? AI có khả năng này hay không?
Câu hỏi khó trong thế giới 64 ô vuông
Bàn cờ với 64 ô vuông đen trắng là một thế giới kỳ lạ, nơi mỗi kỳ thủ bước vào đều có nhịp tim đập ở mức cao gấp ba bình thường. Nói một cách hài hước là về cơ bản, họ lật tung bàn cờ, tạo ra các nước đi và những người như Carlsen thì lạnh lùng đẩy đối thủ vào bước đường cùng.
Có thể Carlsen rồi cũng thua cuộc các cỗ máy, vào một ngày nào đó. Bởi nếu xét về góc độ dẻo dai và bền bỉ trong tính toán lẫn thể chất thì con người không thể nào so sánh được với các cỗ máy trong khi các giải đấu cờ vua lại là nơi vắt kiệt thể lực. Đại kiện tướng 21 tuổi người Nga Mikhail Antipov đốt cháy 560 calo trong hai giờ chỉ ngồi và chơi cờ – tương đương với mức tiêu hao của Roger Federer trong vòng một giờ chơi quần vợt.
So với nhiều lĩnh vực khác, cờ vua đi tiên phong trong rất nhiều ứng dụng những công nghệ mới. Không phải đến khi đại dịch xuất hiện mới có những giải đấu cờ vua trực tuyến. Từ nhiều năm nay, sự hỗ trợ của công nghệ đã đem lại nhiều cuộc thi qua mạng internet, tạo điều kiện cho các kỳ thủ có thể tham gia mà không cần phải xách vali di chuyển tới nơi thi đấu. Trước đó, các nền tảng công nghệ đã giúp các kỳ thủ và các huấn luyện viên có thể trao đổi trực tuyến với nhau, ví dụ vào đầu những năm 2010, đại kiện tướng Lê Quang Liêm đã mời một kỳ thủ kỳ cựu của Nga huấn luyện theo cách này.
Không chỉ trao cho các kỳ thủ khả năng giao tiếp mới, công nghệ còn mở ra rất nhiều cơ hội khác, đó là hỗ trợ chuẩn bị cho các giải đấu quan trọng. Người ta nói rằng, trước giải vô địch thế giới 2018 với Carlsen, Ian Nepomniachtchi và nhóm cố vấn của mình đã dùng đến cả siêu máy tính Zhores của Viện Công nghệ Skolkovo ở Moscow. Zhores được thiết kế để giải những bài toán khó trong học máy và mô hình hóa dựa trên dữ liệu với năng lực một petaflop mỗi giây (một petaflop là 1.000 tỉ phép tính). Nhiều kỳ thủ đã sử dụng máy tính và các kỹ thuật AI nguồn mở để phân tích các màn khai cuộc, phân tích các sơ hở, lùng sục một ngân hàng các ý tưởng mới để cố đặt ra những thế trận mà người khác chưa khám phá được.
Nhưng sự hỗ trợ của công nghệ với cờ vua không chỉ có vậy. Những tiến bộ vượt trội trong việc làm ra những thiết bị ngày một thông minh hơn, nhỏ gọn hơn và nhạy bén hơn đã được một số kỳ thủ tận dụng để gian lận. Vào năm 1993, trong giải World Open ở New York, một kỳ thủ chưa được xếp hạng đã gây bất ngờ khi cầm hòa một đại kiện tướng. Kỳ thủ này cuối cùng đã bị phát hiện sử dụng tai nghe để được mách nước. Kể từ đó, việc sử dụng công nghệ trái quy định đã ảnh hưởng đến cờ vua ở nhiều mức độ. Vào năm 2011, một nhóm ba kỳ thủ Pháp đã bị nghi ngờ là nhận trợ giúp qua tin nhắn được mã hóa. Bốn năm sau, ban tổ chức giải Dubai mở rộng lần thứ 17 đã phát hiện một nhà vô địch người Georgia giấu kín một điện thoại iPhone trong nhà vệ sinh. Thậm chí có những tiến triển trong cách sử dụng người ta khó có thể nghĩ ra: vào năm 2015, kỳ thủ nghiệp dư Arcangelo Ricciardi sử dụng các tín hiệu mã hóa morse trong nách để nhờ chuyên gia mách nước.
Những vụ việc như thế này khiến nhiều người đặt câu hỏi: có bao nhiêu trường hợp gian lận trót lọt mà không bị phát hiện. Ngày nay, công nghệ ngày một vượt trội với những đột phá không thể tưởng tượng được như các loại vải, cảm biến thông minh có khả năng thu phát, truyền tín hiệu ngày một đa dạng…, nó khiến người ta hễ hình dung ra một kỳ thủ chỉ cần ung dung ngồi vào bàn, đón nhận hướng dẫn từ một kẻ ngồi bên một cỗ máy tính toán hiệu năng cao là có thể sẵn sàng đương đầu với cả đại kiện tướng. Có lẽ, scandal của Carlsen – Niemann, dù chưa được phân định đúng sai, cũng trở thành một phần của vấn nạn này, ít ra dưới con mắt của đại kiện tướng Srinath Narayanan (Ấn Độ), người mới đây đã viết lên tài khoản cá nhân của mình “Chúng ta đều biết rõ gian lận là một vấn đề nghiêm trọng trong cờ vua. Chúng ta đều biết là nó đang lan tràn. Nhưng chúng ta đã giữ im lặng vì không biết chính xác cách nào để nói về nó. Magnus đã nói về nó theo cách khiến cả thế giới không thể làm ngơ”.
Trong lúc những tin đồn và những trường hợp sử dụng công nghệ để gian lận trong cờ vua còn chưa được phơi bày hết ra ánh sáng thì cũng có một vài nền tảng cố gắng tự giải quyết. Vài năm trở lại đây, Chess.com đã tự quyết định ai gian lận trong số những người truy cập nền tảng của mình để chơi cờ và loại hàng trăm kỳ thủ mỗi ngày. Họ tuyên bố “Dẫu các quy định về luật khiến chúng tôi không tiết lộ toàn bộ dữ liệu, các chỉ số và các công cụ giúp đánh giá các ván cờ bằng công cụ của chúng tôi nhưng lõi của hệ thống Chess.com là mô hình thống kê có thể đánh giá xác suất của người chơi xem nó có khớp với những lựa chọn hàng đầu của máy móc không, và liệu có vượt trội so với lối chơi của một số kỳ thủ cờ vua vĩ đại nhất trong lịch sử hay không”.
Sẽ đến lúc, thế giới cờ vua có thể khám phá ra là AI hay công nghệ mới không thể giải quyết những vấn đề mới hiệu quả hơn sự thực hành cổ điển của con người: mã hóa danh dự, tính liêm chính, sự phát triển của lương tri… trong các nước cờ trước khi có sự can thiệp của công nghệ.
Nhưng liệu cách làm của Chess.com có khả quan? hay nói cách khác dùng AI có thể phát hiện được kỳ thủ nói dối không? Không hoàn toàn. AlphaGo đã được dạy dự đoán các nước đi của con người từ bất kỳ nước đi nào của họ. Dự đoán nước đi hay chuyển động của người là vấn đề “cơm ăn, nước uống” của học máy. DeepMind đã dạy AI ước tính xác suất một người có thể đi nước cờ từ thế trận cho trước. Tuy nhiên để tự tin xác nhận ai đó gian dối trong một ván cờ, anh phải nhìn vào rất nhiều nước đi, ví dụ các nhà nghiên cứu từng tìm hiểu rất nhiều nước đi của một kỳ thủ để có thể phân tích và dò ra những điểm bất thường. Chess.com sử dụng học máy để dự đoán những bước đi có thể của một kỳ thủ. Một nghiên cứu cho thấy, để dự đoán các nước đi, điều quan trọng là cần tính thêm được nước đi đó tốt như thế nào. Điều này trùng khớp với cách làm của Chess.com.
Nhưng liệu anh có đảm bảo là các bước đi này tốt hơn nước đi khác? Về lý thuyết, một thế cờ cũng có thể là thắng, hòa hoặc thua và một nước đi tốt có thể không đẩy bạn tới tình huống xấu hơn. Trên thực tế, dẫu máy tính tính toán tốt hơn và lựa chọn nước đi tốt hơn con người thì nhiều thế cờ máy chọn cũng không thể đảm bảo sẽ dẫn đến thắng hay hòa. Có thể sẽ không bao giờ chứng minh được sự gian lận – một sự kiểm chứng đòi hỏi quá nhiều phép tính, kiểm tra từng cái lá trong một cây theo hàm mũ.
Người máy – máy người
Đằng sau câu chuyện công nghệ và cờ vua, còn ẩn chứa một câu hỏi lớn hơn: các cỗ máy có thể hoàn toàn chiến thắng con người không?
Từ lâu, các nhà khoa học đã mơ ước làm ra cỗ máy có thể đánh bại những người thông minh nhất thế giới. Năm 1996, Deep Blue của IBM đã tranh tài với Kasparov trong sáu ván và thua cuộc bốn ván. Sau một năm nâng cấp, Deep Blue đã đánh bại Kasparov sát nút, thắng ba, hòa một, thua hai ván và trở thành cỗ máy đầu tiên đánh bại nhà vô địch thế giới. Sau hai thập kỷ, một cỗ máy khác tiếp tục đánh bại con người: AlphaGo của Deep Mind (IBM) đã hạ nhà vô địch cờ vây thế giới Lee Sedol vào năm 2017. Vậy tiếp theo nữa là gì? AI có thể vượt trội những bộ óc thông minh khác không, ví dụ Carlsen chẳng hạn?
Có thể Carlsen rồi cũng thua cuộc các cỗ máy, vào một ngày nào đó. Bởi nếu xét về góc độ dẻo dai và bền bỉ trong tính toán lẫn thể chất thì con người không thể nào so sánh được với các cỗ máy trong khi các giải đấu cờ vua lại là nơi vắt kiệt thể lực. Nghe điều này có vẻ đáng ngờ, bởi cờ vua là một cuộc chơi chiến thuật chứ không phải chạy đua thể lực. Nhưng bản thân cờ vua đòi hỏi rất nhiều ở thể chất, việc sút tới năm cân hay nhiều hơn nữa ở một giải đấu là điều có thể. Giải vô địch thế giới năm 1984 đã bị tạm hoãn sau 48 ván đấu vì Anatoly Karpov – nhà vô địch thế giới từ năm 1975 đến 1985 và từ năm 1993 đến 1999, mất gần 10 cân trong cuộc đối đầu với Garry Kasparov3. “Trông ông ấy như chết rồi”, nhà bình luận kiêm đại kiện tướng Maurice Ashley nhớ lại.
Vào tháng 10/2018, trong giải quốc tế Isle of Man, những đo đạc của Polar, một công ty công nghệ có trụ sở ở Mỹ, được hiển thị trên một màn hình lớn tiết lộ thông tin khiến người xem bị sốc: đại kiện tướng 21 tuổi người Nga Mikhail Antipov đốt cháy 560 calo trong hai giờ chỉ ngồi và chơi cờ – tương đương với mức tiêu hao của Roger Federer trong vòng một giờ chơi quần vợt.
Ngoài ra, theo hai nhà khoa học tâm lý Mỹ Leroy DuBeck và Charlotte Leedy, những người đầu tiên theo dõi các kỳ thủ thi đấu bằng các cảm biến và kiểm tra mối liên hệ giữa suy nghĩ và hành động, thì nhịp thở tăng vọt, adrenaline tăng vọt, xung thần kinh phi nước đại, cơ bắp co rút trong khi các kỳ thủ đều ngồi im. Điều này khiến chúng ta nhớ đến một điểm mạnh của Carlsen, theo lời Vladimir Kramnik, một cựu vô địch thế giới, “thể chất tuyệt vời của Carlsen” giúp anh tránh được “những suy sụp về tâm lý” và luôn giữ phong độ ổn định trong các ván đấu dài và ở giai đoạn cuối giải đấu, khi năng lượng của người khác đã cạn. Ashley, người bình luận rất nhiều trận đấu của Carlsen, lưu ý “nhiều lần nhìn thấy Magnus thắng ở giờ thứ năm của ván đấu. Cậu ấy trông tươi tỉnh như mới bắt đầu trong khi đối thủ như bị bị rút kiệt sinh lực”.
Cờ vua còn là cuộc chơi cân não, đôi khi vượt quá sức chịu đựng của con người bằng xương bằng thịt. “Điều đơn giản nhất là họ chỉ nghĩ đến cờ vua”, Ewan C. McNay, trợ lý giáo sư tâm lý học về chương trình khoa học thần kinh hành vi tại Đại học Albany, nhận xét với ESPN. Căng thẳng còn dẫn đến thay đổi các giấc ngủ, vốn là nguyên nhân dẫn đến mệt mỏi nhiều hơn. Sự vận hành của một bộ não theo hướng ngủ ít hơn, dẫu chỉ hụt đi một giờ, đòi hỏi mất nhiều năng lượng hơn để giữ tỉnh táo khi chơi cờ. Nhiều đại kiện tướng cho biết toàn mơ về cờ vua, khổ sở về những gì họ đã làm trong giấc ngủ và thức dậy trong tình trạng kiệt sức. Đó là lý do Carlsen chỉ ấn định chơi khoảng 6 đến 8 giải đấu mỗi năm trong khi trung bình, một kỳ thủ xuất sắc có thể chơi 12 đến 14 giải mỗi năm để giữ thứ hạng của mình. “Ngay cả không sút cân nhưng Magnus hiểu hệ thần kinh của mình căng thẳng sau mỗi giải và cần mất thời gian để phục hồi sự cân bằng”, cha của Carlsen tiết lộ.
Rõ ràng, con người phải chịu đựng những sức ép lớn về thể chất và tinh thần khi chơi cờ vua, điều mà những cỗ máy tối tân hoàn toàn miễn nhiễm. Nhưng về bản chất, cờ vua là một hoạt động mang dấu ấn cá nhân, gắn liền với những quyết định trong tức thời, nghĩa là gắn liền với cả cảm xúc. “Tôi chiến đấu, tôi không bỏ cuộc và nếu tôi tin mình đúng, tôi sẽ chiến đấu, tôi phụ thuộc vào nguyên tắc của chính tôi. Đó không phải là một bàn cờ, một ván cờ, đó là cuộc đời”, Anatoly Karpov từng chia sẻ.
“Các thuật toán đề xuất” có thể giải quyết được một số vấn đề nhưng chúng không thể khiến chúng ta thông minh hơn hoặc mạnh hơn. Không phải mọi thứ tính theo xác suất đều đáng tin cậy. Vì vậy khi được hỏi là liệu công nghệ là tốt hay xấu với cờ vua, Nakamura nói “Ồ, điều này phụ thuộc vào việc câu hỏi đặt ra cho ai. Với tôi, tôi thực sự thoải mái khi nghiên cứu trận đấu mà không cần đến ý kiến từ bên ngoài, kể cả ý kiến xuất sắc hoặc hoàn hảo hơn. Tôi không thích các chương trình máy tính, dẫu tôi nghĩ rằng thật tốt khi mở rộng biên giới hiểu biết của chúng ta. Song nếu bạn có những chương trình máy tính được huấn luyện để vượt trội con người và có thể là trong một nước đi, có thêm sự thăng tiến và giành thắng lợi chỉ còn là vấn đề thời gian”.
Cờ vua không chỉ là những cuộc chiến của trực giác, chiến thuật và sức mạnh giữa con người với con người mà còn là một sân khấu nghệ thuật. “Với tôi, nghệ thuật và cờ vua rất gần gũi với nhau, cả hai với tôi đều có những hình thức hiển thị cái đẹp và sức biểu đạt”, đại kiện tướng Vladimir Kramnik từng nói như vậy. “Trong cờ vua không ai có thể kiểm soát được mọi thứ, thi thoảng ván đấu sẽ tới một điểm bất ngờ, nơi cái đẹp bắt đầu ló rạng”. Cái nhìn của anh trùng hợp với cái nhìn của họa sĩ Marcel Duchamp “Các quân cờ là những chữ cái định hình tư duy; và các tư duy đó, dẫu tạo ra một thiết kế trực quan trên bàn cờ, đều biểu hiện cái đẹp của mình một cách mơ hồ, như một bài thơ”.
Sẽ đến lúc, thế giới cờ vua có thể khám phá ra là AI hay công nghệ mới không thể giải quyết những vấn đề mới hiệu quả hơn sự thực hành cổ điển của con người: mã hóa danh dự, tính liêm chính, sự phát triển của lương tri… trong các nước cờ trước khi có sự can thiệp của công nghệ. Nói như đại kiện tướng Alexander Grischuck, người từng lên tiếng về sự bùng nổ của cờ trực tuyến và các công cụ giúp kỳ thủ gian lận, cuối cùng thì “tất cả đều phụ thuộc vào việc chấp hành những nguyên tắc mà con người đã đề ra”. □
——————
1. Thông thường, để được FIDE công nhận danh hiệu đại kiện tướng quốc tế (grandmaster GM), các kỳ thủ phải trải qua các giải đấu đạt một số quy định (số lượng các đại kiện tướng quốc tế tham gia) và giành được kết quả nhất định (hiệu suất thi đấu, điểm số…). Kỳ thủ nào có đủ ba chuẩn mới được chính thức công nhận danh hiệu này. Tương tự với các danh hiệu kiện tướng quốc tế (international master IM), đại kiện tướng quốc tế nữ (WGM)…
2. Năm 2004, Magnus Carlsen dự giải Corus Chess, bảng C; năm 2008, anh trở lại giải đấu này nhưng đăng ký thi đấu bảng A cùng nhiều kỳ thủ tên tuổi lừng lẫy và giành giải nhất cùng với kỳ thủ đàn anh Levon Aronian.
3. Giải đấu năm 1984 bị hủy khi Karpov đang dẫn điểm. Sau đó một năm, cuộc thi được tổ chức lại với chiến thắng cuối cùng thuộc về Kasparov 22 tuổi, nhà vô địch thế giới trẻ nhất thời điểm đó.