Thạch Chính Lệ và nguồn gốc COVID-19 (Kỳ 1)

LTS: Cho đến hiện nay, đã có ít nhất hai nghiên cứu độc lập chứng minh rằng nguồn gốc của COVID-19 là từ chợ hải sản ở Vũ Hán. Giả thuyết virus này rò rỉ từ phòng thí nghiệm - như rất nhiều người dân và nhà khoa học tin tưởng trong hai năm qua giờ có thể “ngủ yên”. Bài viết dưới đây là về Thạch Chính Lệ, con người trong trung tâm của cuộc tranh cãi về nguồn gốc của virus đã khiến ít nhất năm triệu người thiệt mạng trong hơn hai năm qua. Câu chuyện cũ này vẫn là lời nhắc nhở chúng ta rằng, định kiến và sự phán xét vội vã có thể khiến chúng ta rời xa khoa học như thế nào.

Bà Thạch Chính Lệ phóng sinh một con dơi ăn quả sau khi lấy mẫu máu của nó. Ảnh: Scientific American.

Nhà khoa học Thạch Chính Lệ tại Viện Virus Vũ Hán đã nghiên cứu về các chủng virus corona ký sinh trên dơi nhiều năm nay. Khi cả thế giới đang cố gắng tìm hiểu nguồn gốc của COVID-19, công trình của bà đã phải chịu sự chỉ trích dữ dội.

Một buổi sáng tờ mờ đầu tháng hai năm ngoái, hàng chục cánh nhà báo từ khắp nơi trên thế giới tụ tập ngoài Viện Nghiên cứu Virus Vũ Hán. Một số thì đi qua đi lại để tìm kiếm vị trí đặt máy ảnh tốt nhất, một số khác thì leo thang để hé nhìn vào trụ sở của viện đang bị rào lại, chỉ thấy thấp thoáng những tòa nhà xây bằng gạch đỏ ẩn nấp sau lớp sương mù dày đặc. Nhân viên an ninh trong đồng phục xanh dương xếp hàng xuyên suốt lối đi ngoằn ngoèo vào tận cổng chính.

Đám đông này đứng đây để chờ sự xuất hiện của nhóm thanh tra về bệnh truyền nhiễm quốc tế được tuyển chọn từ Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) nhằm săn tìm nguồn gốc của covid-19.

“Một phút nữa họ sẽ tới nơi”, một nhà báo đến từ Đài Phát thanh Truyền hình Tokyo cho hay sau khi kiểm tra điện thoại của cô. Giọng cô vừa hứng khởi và có đôi chút run rẩy, đôi mắt sáng lên với sự vui mừng chen lẫn hồi hộp. “Các đồng nghiệp của tôi vừa mới báo. Họ đang đuổi theo xe hơi của WHO”.

Không cần chờ lâu, chiếc xe máy dẫn đoàn bỗng vụt xuyên qua màn sương. Khi chiếc xe vừa tới cổng chính của viện, một nhà báo trong chiếc áo khoác phao xanh mang khẩu trang trắng chạy ra nhanh như chớp, chĩa chiếc máy quay đến những chiếc ô tô, khiến chiếc ba lô trên lưng anh không ngừng nhún nhảy. Hàng chục phóng viên ảnh lũ lượt tiến đến xe ô tô đầu đoàn, chen chúc xô đẩy nhau và khiến đoàn hộ tống phải dừng lại. Các nhân viên bảo vệ cố gắng hướng họ ra ngoài để dòng xe tiếp tục đi. Nhiều nhà báo hét lên “Hãy phát biểu gì đi chứ!”

Một năm sau chuyến đi thăm Vũ Hán của WHO, những điều tra viên về bệnh tật vẫn chưa tìm ra động vật thủ phạm hay bằng chứng xác quyết về nguồn gốc tự nhiên của virus.

Trong xe, Peter Daszak – nhà sinh thái học bệnh tật và chủ tịch EcoHealth Alliance, một tổ chức phi lợi nhuận có trụ sở tại New York đang hợp tác với các nhà khoa học trên khắp thế giới để nghiên cứu về những virus trên động vật hoang dã – đang dùng điện thoại để quay lại cảnh tượng này.

Ông là thành viên trong nhóm điều tra của WHO. Khi chúng tôi có cuộc trao đổi vào một tuần trước đó, ông cảnh báo rằng chuyến đi đến Vũ Hán chỉ là bước đi đầu tiên trong nỗ lực khám giá Covid-19 đến từ đâu. “Có thể mất nhiều năm hay nhiều thập kỷ mới tìm ra nguyên nhân của một bệnh truyền nhiễm mới,” Daszak cho hay. Ông đã cộng tác với Viện Virus Vũ Hán hơn 15 năm và giờ đang vướng vào cuộc tranh luận về nguồn gốc của căn bệnh này. “Đôi khi chúng ta chẳng bao giờ biết được”.

Nhưng thế giới muốn có câu trả lời sớm.

Trong câu chuyện về đại dịch Covid-19, Viện Virus Vũ Hán giữ một vị trí thiết yếu. Vốn là trung tâm đi đầu về nghiên cứu virus corona, đây là nơi đầu tiên phân lập virus mới cũng như giải trình tự genome của nó. Một trong những phòng thí nghiệm ở đây được dẫn dắt bởi nhà virus học Thạch Chính Lệ tập trung vào những dòng virus corona sống trên dơi. Họ đã dành nhiều năm để giải trình tự hệ gene của virus, phân lập virus sống, thông qua quá trình pha tạp gen (genetic mixing) và bắt cặp gene (genetic matching), để nỗ lực tìm hiểu tại sao chúng lại có thể tiến hóa để có khả năng lây truyền cho con người. Trong suốt 18 năm, đội của bà đã thu thập hơn 20,000 mẫu từ các quần thể dơi khắp Trung Quốc.

Quang cảnh trước Viện Virus Vũ Hán khi đoàn của WHO tới điều tra nguồn gốc virus vào tháng 2/2021.

Công trình của Chính Lệ đã đưa đến cho bà biệt danh “Nữ người dơi Trung Hoa”, đang là tâm điểm của cuộc tranh cãi này. Một bộ phận cho rằng những mẫu phẩm về dơi của Shi có thể là nguồn gốc của COVID-19, mà các nhà khoa học gọi là SARS-CoV-2. Họ cho rằng virus đã “đi nhờ” đến Vũ Hán bằng cách lây bệnh cho một thành viên trong nhóm của bà khi đi điền dã thu thập mẫu phẩm từ dơi. Một nhóm khác thì phỏng đoán rằng những virus sống mà nhóm bà nuôi cấy trong phòng thí nghiệm, đáng lo ngại hơn là bao gồm cả những chủng được chế tạo bằng cách sửa chữa di truyền (genetic tinkering), có thể là nguồn gốc của đại dịch.

Mọi cặp mắt đổ dồn vào WHO – cơ quan sức khỏe công cộng dẫn đầu thế giới, để  khám phá nguồn gốc COVID-19. Nhiệm vụ của nhóm là nghiên cứu mốc thời gian và địa điểm bắt đầu đại dịch và cách loài virus mới này truyền từ động vật sang người. Báo cáo được đưa ra vào tháng ba năm ngoái, kết luận rằng “cực kỳ khó có khả năng” covid-19 bị gây ra bởi một tai nạn trong phòng thí nghiệm. Tình huống mà nhóm đánh giá có khả năng xảy ra cao nhất là chủng virus này lây từ dơi qua con người thông qua một số động vật trung gian. Kết quả này được ủng hộ bởi nghiên cứu đã xuất bản trong các tạp chí khoa học có bình duyệt (peer-reviewed journals) và cả những nghiên cứu đang diễn ra, cho rằng đại dịch có thể bắt đầu từ chợ hải sản đầu mối Hồ Nam ở trung tâm Vũ Hán – nơi buôn bán và trao đổi các động vật sống có vú và là nơi đa phần các ca covid-19 đầu tiên xuất hiện.

Không phải tất cả mọi người đều đồng tình với nhận định này, nhưng đại đa số những nhà virus học và chuyên gia bệnh truyền nhiễm, đặc biệt những ai đang làm việc trực tiếp với câu hỏi về nguồn gốc đều hướng đến lí giải này, trừ khi có sự xuất hiện của bằng chứng mới thuyết phục họ.

Sự lây truyền từ động vật sang người “là cách khởi phát của hầu hết các đại dịch lớn trong nhiều thập kỉ vừa qua”, ông Vương Lâm Phát, người hợp tác lâu năm với Chính Lệ, chuyên gia về bệnh truyền nhiễm mới nổi tại Trường Y khoa Duke – Đại học Quốc gia Singapore và là thành viên của đội ngũ WHO trong năm 2003 khi điều tra nguồn gốc của SARS – bệnh truyền nhiễm chết người gây ra bởi tác nhân coronavirus được biết với cái tên SARS-CoV-1. Căn bệnh này đã lây cho 8000 người khắp thế giới và khiến 800 người tử vong trong giai đoạn từ năm 2002 đến 2004. “Đây là con đường phổ biến và được ghi chép rõ ràng nhất”, ông cho hay.

Nhưng một năm sau chuyến đi thăm Vũ Hán của WHO, những điều tra viên về bệnh tật vẫn chưa tìm ra động vật thủ phạm hay bằng chứng xác quyết về nguồn gốc tự nhiên của virus. Những người chỉ trích thắc mắc về kết luận của đội điều tra của cơ quan này, một phần vì một thành viên trong đó – Daszak, là người ủng hộ nổi trội của thuyết nguồn gốc tự nhiên, có những xung đột lợi ích tiềm tàng. Phỏng đoán về khả năng nguồn gốc của virus là một tai nạn trong phòng thí nghiệm dần nổi lên. Đổ thêm dầu vào lửa cho những ngờ vực là sự lo ngại về quy trình an toàn sinh học tại Phòng Thí nghiệm Vũ Hán, là những xung đột căng thẳng chính trị giữa Trung Quốc và Mỹ, và thái độ ngờ vực đối với Chính phủ Trung Quốc.

Peter Daszak (trái) vừa là người trong đoàn điều tra của WHO và cũng vừa là cộng sự nghiên cứu của Thạch Chính Lệ. Bởi vậy, người ta nghĩ ông có xung đột lợi ích. Ông là người ngay từ đầu đã cho rằng COVID-19 xuất phát từ tự nhiên chứ không phải từ phòng thí nghiệm.

Những nhà khoa học như David Relman, chuyên gia về vi sinh và an toàn sinh học tại Đại học Stanford cảm thấy thất vọng về việc nhiều người gạt đi giả thuyết rò rỉ phòng thí nghiệm. Ông hỗ trợ tổ chức một nhóm 18 nhà khoa học cùng ký tên trên lá thư đăng tải trên tạp chí Science tháng năm năm ngoái, kêu gọi điều tra sâu xa hơn về một tai nạn có thể đã xảy ra. (Ít nhất hai trong số những người liên quan về sau tránh xa khỏi vụ việc khi thấy lá thư được sử dụng để quảng bá cho thuyết rò rỉ phòng thí nghiệm). Ngay sau đó, Tổng thống Joe Biden điều phối Cộng đồng tình báo Hoa Kỳ tăng cường việc truy tìm nguồn gốc đại dịch. Báo cáo tiết lộ được công bố vào tháng mười cho thấy chưa có kết luận nào chắc chắn.

Tháng 12/2020, một tháng trước khi có cuộc đến thăm của WHO, tôi cũng đã lên đường tìm kiếm câu trả lời. Tôi đã nói chuyện với hàng tá nhà khoa học hàng đầu và các chuyên gia an toàn sinh học trên toàn thế giới. Tôi dành ra sáu tuần ở Vũ Hán để phỏng vấn Chính Lệ và đội ngũ của bà ấy với thời gian tổng cộng hơn 40 giờ đồng hồ. Tôi có một cuộc họp riêng với ba thành viên của phái đoàn WHO. Tôi thăm Viện Virus Vũ Hán khoảng sáu lần, thường là đột xuất, và còn cùng với các nhà khoa học tham gia một chuyến lấy mẫu virus từ một hang dơi. Bằng việc cố gắng hiểu quá trình và bối cảnh trong công việc của Chính Lệ, cũng như để biết xem bà là ai, tôi muốn biết “Nữ người dơi Trung Quốc” có vai trò gì trong nguồn gốc của COVID-19.

Nghiên cứu về cội nguồn của Covid-19 không chỉ giúp chúng ta hiểu cách coronavirus hoạt động mà còn soi rọi những điều chưa biết hành vi con người, bao gồm cả những hình thức nghiên cứu khoa học, có rủi ro gây ra đại dịch trong tương lai.

Cũng giống như nhóm của WHO, tôi chưa kiểm tra những tủ đông của Chính Lệ hay những bản nhật kí ghi lại hành trình nghiên cứu của bà, do đó tôi không thể đưa ra thái độ tán thành hay phản đối trước quan điểm liệu những hoạt động liên quan đến nghiên cứu của bà có gây ra đại dịch hay không. Bài viết này hướng về việc cung cấp thêm những khía cạnh bổ sung: bằng cách lắng nghe Chính Lệ và đồng đội kể về câu chuyện của mình một cách công khai, chi tiết nhất có thể, để thế giới có thể hiểu hơn làm thế nào cuộc tranh cãi gay gắt này đã đi đến đâu và làm thế nào chúng ta có thể bước tiếp.

Gặp gỡ `Nữ người dơi’ Trung Quốc 

Tôi gặp Thạch Chính Lệ ngoài đời lần đầu tiên vào một buổi chiều lạnh lẽo tháng 12/2020. Trước đó, chúng tôi từng trao đổi về một bài báo được đăng tải trên Scientific American. Cơ hội được gặp bà thật hết sức quý giá. Bà hiếm khi nói chuyện với giới truyền thông, và tương tác của bà với các nhà báo phương Tây đa phần gói gọn trong email và tin nhắn. Chính Lệ nói bà chịu nói chuyện với tôi vì tôi có nền tảng khoa học vững vàng nên sẽ tiếp thu nhanh chóng những điều tinh tế và phức tạp trong công việc của bà, và bởi vì tôi hiểu Trung Quốc, và bởi chúng tôi có thể nói chuyện bằng tiếng Trung – tiếng mẹ đẻ của mình – cũng là ngôn ngữ mà tôi sử dụng để thực hiện cuộc phỏng vấn.

Chúng tôi cùng ăn trưa, sau đó đi dạo một vòng ở công viên gần đó. Vài ngày sau, tôi đến thăm trụ sở thành phố của viện nằm ở trung tâm Vũ Hán, cách xấp xỉ 12 dặm từ trụ sở ở ngoại ô mà đoàn WHO đến thăm sau đó. Phòng thí nghiệm của Chính Lệ nằm trên lầu hai trong một tòa nhà sơn màu kem trang trọng. Phòng chính có những băng ghế để đầy cân điện tử, thùng đá giữ nhiệt và máy ly tâm phòng thí nghiệm. Hàng chục chai lọ hóa chất và dung dịch được đặt sát nhau trên kệ. Một sinh viên đang gõ máy tính đầy chăm chú, trong khi sinh viên khác đang hút pipet một lượng rất nhỏ chất lỏng không màu từ một ống nghiệm này sang ống nghiệm khác. Khung cảnh đưa tôi trở về cảm giác hoài niệm – vì tôi đã từng dành cả một thập kỷ làm việc với vai trò là nhà sinh học phân tử, bao gồm sáu năm ở vị trí postdoc. Nó khiến tôi nhớ đến những ngày còn ở phòng thí nghiệm.

“Nơi đây chắc là không khác so với chỗ cô từng làm là mấy”, Chính Lệ nói như thể bà có thể đọc được suy nghĩ của tôi.

Chính Lệ có vóc người nhỏ bé, với mái tóc ngắn lượn sóng được chải gọn gàng. Giọng bà cao và mảnh với hơi hướm của một soprano (bà là người hát dân ca nghiệp dư). Trong buổi gặp gỡ ấy, Chính Lệ mặc chiếc áo len màu be và quần bò. Khi chúng tôi đến xem những thứ khác trong phòng lab – tủ đông lạnh sâu lưu giữ mẫu phẩm của loài dơi, và các phòng nuôi cấy tế bào trong đĩa thí nghiệm, bà giải thích rằng đội nghiên cứu của mình có khoảng 36 nhà nghiên cứu. Đó được coi là một sĩ số lớn so với một phòng thí nghiệm ở Trung Quốc, nhưng không phải là một bộ máy khổng lồ như những người ngoài cuộc tưởng tượng. “Tôi không hề có một đội quân nghiên cứu lớn và nguồn lực vô hạn”, bà nói. Cho đến khi đại dịch xảy ra, nghiên cứu về coronavirus không phải là chủ đề mang tính thời sự và không dễ thu hút tài trợ nghiên cứu.

Chính Lệ là một trong những nhà virus học hiếm hoi tỏ ra thoải mái với cả công việc trên thực địa lẫn trong phòng thí nghiệm. Lớn lên trong ngôi làng nhỏ ở tỉnh Hà Nam miền Trung Trung Quốc và dành hầu hết thời thơ ấu lang thang trên các ngọn đồi, bà không đánh giá bản thân mình là người tham vọng. Khi tốt nghiệp từ Đại học Vũ Hán danh giá vào cuối năm 1987,  bà cho rằng, “Tôi nghĩ mình đã đạt được mục tiêu sự nghiệp và bước kế tiếp là lấy chồng và sinh con.” Lý do chính nhà khoa học này tiếp tục đi học ở Viện Virus học Vũ Hán là để ở chung thành phố với người trở thành bạn trai bà sau đó. Nhưng khi Trung Quốc đầu tư cho việc gửi những nhà khoa học trẻ tài năng ra nước ngoài để học tiến sĩ, Chính Lệ bắt lấy cơ hội.

Năm 2000, bà nhận bằng PhD tại Đại học Montpelliern 2 ở Pháp. Việc học ở đây là quyết định bất thường vì trước đó Chính Lệ không nói tiếng Pháp, và cũng là quyết định khó khăn vì bà phải để lại đứa con trai nhỏ lại Trung Quốc khi đi du học,  tiền phụ cấp không đủ để hỗ trợ gia đình trẻ. Nhưng trải nghiệm nơi đấy để lại một dấu ấn tính cực, Chính Lệ đặc biệt trân trọng văn hóa phương Tây đề cao “tư duy phản biện, tư duy độc lập, và không chạy theo số đông”. “Bạn không thể tạo nên công trình khoa học vĩ đại mà thiếu những phẩm chất trên. Đây là điều Trung Quốc cần phải làm tốt hơn”.

Một thời gian sau, Chính Lệ quay lại Viện Vũ Hán, tập trung nghiên cứu chủ yếu vào sinh vật gây hại môi trường biển cho đến năm 2004. Ở thời điểm đó, thế giới vẫn còn run rẩy sau dịch SARS. Lâm Phát, chuyên gia bệnh truyền nhiễm thuộc Duke – Đại học Quốc gia Singapore đang làm việc tại Úc và cần tìm một nhà virus học ở Trung Quốc để giúp săn tìm nguồn gốc của căn bệnh mới. Bà dấn thân vào cơ hội này, gia nhập đội ngũ quốc tế thu thập máu, nước tiểu, nước bọt và phân từ những quần thể dơi ở nhiều vùng núi khắp Trung Quốc. Họ tìm ra những coronavirus giống như SARS trong dơi trong vòng một năm, nhưng mất gần cả một thập kỷ để chứng minh rằng loài dơi là nguồn gốc của sự lây nhiễm. Qua sự hợp tác này, Chính Lệ và Lâm Phát trở thành bạn, họ nổi tiếng trong giới đồng nghiệp như một một cặp song ca karaoke đầy ăn ý. Và từ công trình trên, họ có biệt danh lần lượt là “nữ người dơi” và “người dơi”.

Khi Chính Lệ dẫn tôi một vòng quanh phòng thí nghiệm, bà chỉ tay vào những chiếc tủ đông sâu mà cả đội lưu giữ hàng chục nghìn mẫu phẩm dơi trong súp hóa học. Bà chỉ cho tôi những mẫu vật chứa virus được bảo quản đông sâu như thế nào trên thực địa, thường đặt trên đá khô hay nitơ lỏng trước khi được chuyển đến tủ đông sâu hai lớp khóa chuyên biệt ở phòng thí nghiệm Vũ Hán. Chỉ có chuyên viên được chỉ định mới có thể tiếp cận với những bệnh phẩm này, họ cần sự đồng ý từ hai nhân viên cấp cao trong đó mỗi người chịu trách nhiệm cho một chìa khóa riêng biệt của từng lớp khóa. Mọi tiếp cận đến mẫu bệnh phẩm đều được ghi nhận lại.

Chính Lệ giải thích rằng cốt lõi trong nghiên cứu của mình trong hơn 18 năm là để tìm kiếm những virus trong dơi có mối liên hệ gần gũi với SARS-CoV-1 và để hiểu làm cách nào chúng có thể tiến hóa với những đặc tính mới cho phép chúng lây sang cho người. Bà chia sẻ với tôi toàn bộ quá trình đó, bắt đầu với từ việc xét nghiệm từng mẫu dơi để xem nếu mẫu có chứa virus corona hay không bằng việc sử dụng công nghệ dựa trên PCR như bao xét nghiệm covid-19 khác. Mọi loại virus corona chứa một gene mã hóa một enzyme gọi là RNA polymerase phụ thuộc vào RNA hay nói tắt là RdRp, giúp virus nhân lên bằng cách tạo thêm nhiều bản sao của hệ gene của chúng. Nếu RdRp đặc thù xuất hiện trên mẫu phẩm dơi, đó là dấu hiệu tiết lộ rằng có sự hiện diện của coronavirus.

Thoạt đầu, tôi lo ngại số ượng thu thập mẫu khổng lồ của Chính Lệ – hơn 20,000 mẫu dơi. Nhưng bà giải thích rằng trung bình chỉ có 10% trong số mẫu thu thập chứa coronavirus, và chỉ 10% trong mẫu chứa coronavirus có mối quan hệ gần gũi với SARS-CoV-1: trong từng ấy năm, đội mới chỉ phát hiện xấp xỉ 220 virus như vậy. Nhà virus học Edward Holmes của Đại học Sydney cho rằng những phát hiện này đã cung cấp thêm chiều sâu giá trị về lịch sử tiến hóa của coronavirus và cách chúng sản xuất ra những biến thể di truyền.

Chính Lệ bảo rằng bất kỳ lúc nào đội tìm kiếm được loài dơi liên hệ với SARS-CoV-1, cô đều hỏi họ một câu hỏi: Nó đe dọa những loài động vật khác bao gồm cả con người đến mức nào? Điều gì khiến virus có thể gây ra đại dịch như SARS-CoV-1? □

Phạm Vĩnh Anh dịch

Nguồn: https://www.technologyreview.com/2022/02/09/1044985/shi-zhengli-covid-lab-leak-wuhan/?fbclid=IwAR0uvGZfOAMyXpBWkid7JXrAm4P9RZzf3vuuyMyZ5RHpNpZkWnbGQ5qSK3U

Tác giả

(Visited 9 times, 1 visits today)