Thế lưỡng nan trong làm luật thời đại AI
Công nghệ mới đã tạo ra cuộc hủy diệt mang tính sáng tạo khi phá vỡ hàng loạt những định chế pháp luật truyền thống, đòi hỏi quy định mới, cách ứng xử mới. Điều đó dẫn đến tình thế lưỡng nan trong việc lựa chọn cách thiết kế hệ thống pháp luật chặt chẽ hay linh hoạt để ứng phó với những quan hệ xã hội và vấn đề pháp lý mới phát sinh.
Từ cơn bão của công nghệ đột phá…
Từ nửa sau của thế kỷ 18, khi động cơ hơi nước James Watt bắt đầu được sử dụng trong nhiều ngành công nghiệp, “hủy diệt” ngành dệt may thủ công và mở đường cho sản xuất công nghiệp, cuộc cách mạng công nghiệp đầu tiên xuất hiện. Vòng tròn của sự sáng tạo, huỷ diệt và tái lập này cũng lặp lại trong cuộc cách mạng công nghiệp lần hai vào năm 1908, khi Henry Ford bắt đầu dây chuyền sản xuất hàng loạt ô tô Model T, khiến cho xe ngựa thồ trở thành dĩ vãng, cơ cấu lao động, công nghiệp, dịch vụ thay đổi ô tô trở nên phổ biến. Tương tự, cuộc cách mạng công nghiệp lần ba sử dụng thiết bị điện tử và công nghệ thông tin, tự động hóa sản xuất lại tiếp tục xô đổ những vàng son của các phương tiện giao tiếp, truyền thông và sản xuất truyền thống. Bộ mặt của thị trường và xã hội cũng thay đổi nhanh chóng với sự đổi mới của công nghệ.
Bây giờ, cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư tập trung vào việc phát triển khả năng cảm nhận, nhận thức và ra quyết định bằng máy tính, bên cạnh các thành tựu phát triển khả năng thao tác vi mô bằng máy giống như con người. Điều này tiếp tục làm giảm vai trò, thậm chí không còn yêu cầu sự hiện diện của con người trong một số quy trình sản xuất, phá vỡ và tái định hình lại cấu trúc xã hội và ngành công nghiệp toàn cầu. Sự xung đột giữa quá khứ và tương lai từ những phát minh như vậy đã và đang thử thách chúng ta như trong suốt các cuộc cách mạng công nghiệp được Schumpeter mô tả tinh tế qua lý thuyết “Cuộc hủy diệt mang tính sáng tạo” (Creative Destruction).
Điểm mới của cuộc hủy diệt này không chỉ là sự thay đổi mang tính sâu rộng ngay từ ban đầu như các phát minh trong cuộc cách mạng công nghiệp lần 1 và 2 mang lại. Theo Christensen, loại “công nghệ đột phá” (disruptive technology) có thể bắt đầu như một vết nứt nhỏ trên thị phần và mở rộng thành sự thống trị thế giới như những thành tựu trong cuộc cách mạng lần 3 và 4 đang diễn ra, ví dụ như cách mà điện thoại thông minh tích hợp hàng loạt các chức năng hiện đại để phù hợp với nhu cầu đa dụng của người tiêu dùng đã “tiêu diệt” ít nhất mười thiết bị khác như điện thoại di động truyền thống, máy nghe nhạc MP3, máy ảnh kỹ thuật số, máy ghi âm, hỗ trợ danh bạ điện thoại,… Đặc biệt, trí tuệ nhân tạo (AI) và dữ liệu lớn là lĩnh vực công nghệ đột phá tạo ra sự chuyển đổi ở nhiều cấp độ, sâu rộng đến từng cá nhân, chính là bộ mặt của quá trình chuyển đổi kỹ thuật số đặt ra những thách thức đáng kể cho các nhà hoạch định chính sách trong giáo dục, tài chính, lao động và các lĩnh vực khác.
Cải cách khung pháp lý để giải quyết các mối quan hệ xã hội liên quan đến các công nghệ đột phá trở nên quan trọng. Tuy nhiên, việc thiết kế khung pháp lý đủ khả năng điều tiết các tác động của công nghệ và cân đối với lợi ích của xã hội, tạo điều kiện thuận lợi cho thương mại trong khi vẫn đảm bảo khả năng thụ hưởng công nghệ đột phá là điều không hề dễ dàng. Điều này là thách thức lớn cho những nhà hoạch định chính sách và làm luật trong thời đại hiện nay, như việc phải cùng lúc giải nhiều mặt trong một khối rubic.
… đến cuộc hủy diệt mang tính sáng tạo đối với pháp luật
Công nghệ đột phá không chỉ mang đến cuộc hủy diệt mang tính sáng tạo cho nền kinh tế, cấu trúc xã hội, mà còn cho cả hệ thống pháp luật. Thứ nhất, việc hình thành và phổ biến công nghệ mới sẽ diễn ra ngày càng nhanh chóng. Làn sóng hủy diệt mang tính sáng tạo trong cuộc Cách mạng Công nghiệp lần thứ nhất diễn ra trong khoảng 110 năm, lần thứ hai trong khoảng 50 năm, lần thứ ba trong 30 năm và lần thứ tư được dự đoán trên dưới 25 năm. Như vậy, nếu tính tròn tuổi thọ của con người là 100 năm, chúng ta có thể đối mặt với khoảng 4 đến 5 cuộc hủy diệt như thế trong đời. Hàng hóa và dịch vụ vật chất có thể sẽ được số hóa, dẫn đến sự phá vỡ hàng loạt những khái niệm, định nghĩa của thế giới mà chúng ta từng biết. Điều này đặt ra nhiều thách thức lớn lao cho việc duy trì hệ thống pháp luật ổn định nhưng vẫn vì sự phát triển của xã hội.
Đơn cử, khái niệm “hàng hóa ảo” đã xuất hiện từ những trò chơi điện tử từ khoảng 1980, trở nên sôi động hơn trên thị trường game online của những năm 2000, chính thức đặt dấu mốc về khả năng thương mại khi Zynga là công ty đầu tiên kinh doanh hàng hóa ảo lên sàn chứng khoán Hoa Kỳ vào năm 2010 nhưng hiện nay Hoa Kỳ và Liên minh châu Âu chỉ mới đang triển khai dự án hợp tác thiết lập các quy định và nguyên tắc pháp lý điều chỉnh các giao dịch trong nền kinh tế số. Về mặt pháp luật thương mại quốc tế, các nhà soạn thảo Công ước Viên 1980 về Hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế mà Việt Nam cũng là thành viên vẫn trung thành với cách giải thích khái niệm hàng hóa truyền thống là những vật thể có khả năng chuyển giao được (“intangible physical objects”) suốt hơn 40 năm qua. Những cuộc thảo luận gần đây về việc thay đổi cách tiếp cận vẫn còn đang tiếp diễn.
Ngay cả khi pháp luật được cập nhật, bổ sung những khái niệm, nguyên tắc điều chỉnh phù hợp với nhu cầu của thực tiễn, việc đảm bảo sức sống đủ ổn định của luật trước vòng đời công nghệ ngày càng ngắn và dễ bị thay thế là một nhiệm vụ không hề dễ dàng cho các nhà lập pháp. Hãy tưởng tượng tình huống một văn bản luật được ban hành ra chỉ tồn tại vài năm đến khi công nghệ, khái niệm được ghi nhận không còn thịnh hành trên thực tế. Điều này cũng gây ra nhiều rắc rối không kém trường hợp các quy định pháp lý già cỗi cố gắng tồn tại và dần trở nên bên lề trước những biến động của xã hội.
Thứ hai, bản chất của các vấn đề pháp lý phát sinh khi bối cảnh công nghệ kỹ thuật và thị trường thay đổi ngày càng trở nên đa dạng và phức tạp hơn. Các khung pháp lý về quyền sở hữu trí tuệ, thương mại điện tử, viễn thông và quyền riêng tư trên môi trường mạng internet được định hình dần trong suốt cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ ba, thể hiện ảnh hưởng sâu rộng hơn của các mối quan hệ pháp luật trước sự tiến hóa của công nghệ vào thời kỳ này. Tuy nhiên, các vấn đề pháp lý phát sinh trong diễn biến của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư còn buộc nhà lập pháp phải xem xét lại các học thuyết pháp lý hay kỹ thuật lập pháp nhằm giải quyết vấn đề trong bối cảnh mới.
Về vấn đề lựa chọn kỹ thuật lập pháp phù hợp, cụ thể, luật pháp quốc gia và quốc tế hiện nay chưa công nhận AI là một chủ thể của pháp luật. AI không có tư cách pháp nhân và do đó không thể chịu trách nhiệm cá nhân về các thiệt hại xảy ra. Tuy nhiên, khi AI ngày càng có nhiều vai trò trong xã hội, nhiều ý kiến cho rằng pháp luật cần phải điều chỉnh. Nhưng điều chỉnh thế nào vẫn còn là một vấn đề tranh cãi. Một số ý kiến cho rằng thay vì cấp tư cách pháp nhân cho AI, pháp luật chỉ cần thêm trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng dựa trên lỗi cố ý hoặc vô ý đối với những người liên quan đến hệ thống này (ví dụ như với thiệt hại do ô tô tự hành gây ra). Dù vậy, một số ý kiến khác lại cho rằng, cần một định chế riêng biệt và toàn diện dành cho AI vì vấn đề phát sinh sẽ phức tạp hơn nhiều, đặc biệt là khi hệ thống này ngày càng tự chủ. Tuy nhiên ý kiến này cũng vấp phải sự phản đối khi những điều khoản chặt chẽ và cứng nhắc có thể ức chế cả những đổi mới có lợi cho xã hội của công nghệ vẫn chưa trưởng thành này.
AI còn mang đến sự hủy diệt mang tính sáng tạo đối với những khái niệm pháp lý truyền thống. Điển hình là những khái niệm và nguyên tắc điều chỉnh của pháp luật cạnh tranh. Về cơ bản, pháp luật cạnh tranh cấm lạm dụng sự thống trị thị trường. Trong thời kì công nghệ, các nền tảng trực tuyến lớn kiểm soát những bộ dữ liệu lớn mang lại cho họ lợi thế cạnh tranh, từ đó có thể dẫn tới sự độc quyền về dữ liệu. Tuy nhiên, làm sao để xác định doanh nghiệp này đang bóp méo thị trường không hề đơn giản. Phương thức đánh giá của các cơ quan quản lý trước đây trong việc xác định thị trường liên quan, xem xét bằng chứng lịch sử kinh doanh, giao dịch…hoặc rất khó, hoặc đã tỏ ra lỗi thời.
Thứ ba, các xung đột lợi ích giữa những bên liên quan trong quá trình phát triển, giữa quyền cá nhân và lợi ích công cộng trong quá trình ứng dụng công nghệ đột phá đòi hỏi xây dựng các thiết chế pháp lý mới. Cụ thể, trong vụ kiện Mutnick v. Clearview AI vào năm 2020, nguyên đơn là David Mutnick cáo buộc thuật toán đằng sau hệ thống nhận dạng khuôn mặt AI của công ty Clearview được huấn luyện bằng một cơ sở dữ liệu gồm 3 triệu bức ảnh lấy từ mạng xã hội và nền tảng internet khác, trong khi những cá nhân này không đủ hiểu biết và không đồng ý cho Clearview tiếp cận và sử dụng dữ liệu của họ. Hơn thế nữa, Clearview còn thu được lợi nhuận từ việc bán cơ sở dữ liệu này cho hơn 600 cơ quan thực thi pháp luật cũng như các tổ chức tư nhân khác. Trước đó, Google cũng phải đối mặt với đơn kiện tập thể trong vụ Dinerstein v. Google vào năm 2019, khi các nguyên đơn cáo buộc công ty này đã truy cập bất hợp pháp vào hàng trăm nghìn hồ sơ y tế của bệnh nhân để “huấn luyện” các thuật toán chẩn đoán và tìm kiếm học máy (machine learning), nhằm tìm cách cấp bằng sáng chế và thương mại hóa một dịch vụ y tế có thu phí. Các vụ kiện này cũng đặt ra bài toán cho các nhà làm luật cân đối giữa các vế của phương trình về bảo đảm quyền con người, đặc biệt là quyền riêng tư, với khả năng thương mại và thúc đẩy sáng tạo cho doanh nghiệp công nghệ, giữa quyền cá nhân với lợi ích công cộng.
Thứ tư, nhà làm luật cũng cần xác định hệ quả chính sách – pháp luật từ các sự kiện liên quan đến sự ra đời của một loại công nghệ đột phá mới. Airbnb là một điển hình. Để kinh doanh cho thuê bất động sản thông qua ứng dụng Airbnb, ngày càng nhiều người tìm mua nhà ở trong các khu dân cư đô thị, do đó có thể làm biến động giá cả thị trường bất động sản, gây ra tình trạng đầu cơ và thiếu nhà ở những khu vực này.
Vì vậy, các nhà hoạch định chính sách và lập pháp một mặt cần tập trung vào những quyền trong không gian kỹ thuật số, mặt khác cũng phải phát triển các khuôn khổ công nghệ và pháp lý để đảm bảo mọi chủ thể được bảo đảm quyền lợi, hạn chế các tác động tiêu cực trong môi trường trực tuyến và ngoại tuyến như nhau.
Nhìn chung, trước những biến động mà công nghệ mới đột phá mang lại, quy định pháp luật sẽ phần nào mang tính ứng phó, nhưng bản thân các thực tiễn làm cơ sở xây dựng khung pháp lý lại cũng chẳng ổn định lâu dài, khó lường trước và đôi khi bị ảnh hưởng bởi ý thức hệ. Do vậy, các nhà lập pháp và hoạch định chính sách không lường trước được hết các hệ quả tiêu cực mà một công nghệ mới mang lại để thiết kế pháp luật điều chỉnh, vì vậy có tâm lý dè chừng, đôi khi đánh giá quá cao tác động của công nghệ so với ảnh hưởng thực tế mà nó mang lại. Tâm thế này sẽ khiến xu hướng lập pháp trở nên quá chặt chẽ và ngày càng tách rời, thậm chí không tạo điều kiện cho sự phát triển công nghệ trên của thị trường, cũng như cản trở khả năng tiếp cận của người dùng. Ở chiều ngược lại, việc chỉ xác lập những nguyên tắc chung sẽ tạo thuận lợi cho sự tự điều tiết của thị trường và khả năng tái cấu trúc của xã hội, nhưng để lại nhiều lỗ hổng pháp lý mà các chủ thể nắm giữ tài nguyên và thông tin tốt hơn như những công ty công nghệ sẽ có hành vi lạm dụng, ảnh hưởng tiêu cực đến quyền lợi hợp pháp của các bên liên quan, thậm chí đi ngược lại với lợi ích công mà Nhà nước cần bảo vệ. Hiện tượng này còn được gọi là mặt trái của chủ nghĩa tư bản công nghệ (technology capitalism).
Cách tiếp cận “xây dựng sáng tạo” và “quy định thông minh”
Khi làn sóng công nghệ kéo đến, pháp luật các thời kỳ cũng phải thay đổi để tạo điều kiện cho sự phát triển khoa học kỹ thuật nhưng vẫn bảo vệ các quyền và lợi ích hợp pháp của các chủ thể liên quan. Để đối phó với sự hủy diệt mang tính sáng tạo mà Schumpeter mô tả, pháp luật thời đại mới nên được xây dựng dựa trên tinh thần “xây dựng sáng tạo”, bằng cách thiết kế các “quy định thông minh” (“smart regulation”). Theo Gunningham và Sinclair, thuộc tính “thông minh” của quy định thể hiện qua việc chúng được thiết kế để đạt được mục tiêu dự kiến một cách hiệu quả, linh hoạt và tối ưu nguồn lực nhằm cân bằng lợi ích công cộng với phát triển kinh tế và công nghệ. Do vậy, loại quy định này dựa trên phương pháp tiếp cận đa chủ thể (regulatory pluralism) để xây dựng các bộ nguyên tắc và cơ chế hợp tác chung theo các ảnh hưởng và tương tác pháp lý của những bên liên quan, thay vì được thiết kể để quản lý và bắt buộc thi hành từ trên xuống theo cách truyền thống vốn cũng yêu cầu xây dựng một lực lượng bảo đảm thực thi với chi phí cao.
Cần hướng đến việc kiến tạo thêm các cơ chế mở cho việc thảo luận chính sách, khuyến khích các bên chủ động thiết kế nguyên tắc hành động, tuân thủ và thực thi dựa trên nền tảng pháp lý sẵn có.
Hình thức đầu tiên là các điều luật khuyến khích các bên liên quan tự điều chỉnh (self-regulation), yêu cầu thiết lập và tuân thủ nguyên tắc hành động, tập trung vào kết quả cuối cùng mà các bên hướng tới. Bảy nguyên tắc bảo vệ dữ liệu cá nhân được nêu trong Quy định bảo vệ dữ liệu chung (GDPR) của Liên minh châu Âu (EU) là một ví dụ điển hình. Theo đó, các bên thu thập, xử lý và quản lý dữ liệu phải đảm bảo tính hợp pháp, công bằng, minh bạch; giới hạn về thời gian, mục đích sử dụng và loại dữ liệu; đảm bảo độ chính xác, toàn vẹn, bảo mật; cũng như chịu trách nhiệm giải trình chứng minh sự tuân thủ quy định. Điều này thúc đẩy các công ty công nghệ xây dựng nên bộ quy tắc áp dụng trong ngành và trong nội bộ để định hướng hoạt động theo yêu cầu của pháp luật, cũng như thiết lập thỏa thuận với người dùng và khách hàng phù hợp với mục tiêu quy định.
Cách thứ hai, các bên liên quan được mời gọi thảo luận và xây dựng khuôn khổ chung tạo điều kiện cho sự phối hợp thực hiện. Đây là phương pháp cùng điều chỉnh (co-regulation), tiêu biểu như các cơ quan nhà nước và công ty công nghệ cùng hợp tác xây dựng bộ tiêu chuẩn về quyền riêng tư và bảo mật dữ liệu để thống nhất áp dụng. Điển hình cho cách tiếp cận này là bộ tiêu chuẩn của Hoa Kỳ và EU về chuyển giao dữ liệu xuyên biên giới từ EU sang Hoa Kỳ (Privacy Shield Framework) vào năm 2016 và sau này là Trans-Atlantic Data Privacy Framework vào năm 2020. Đây là sản phẩm của cơ quan nhà nước hai bên và các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực công nghệ dữ liệu, và được thay đổi, phát triển theo từng thời kỳ.
Từ đó, có thể thấy quy định thông minh kiến tạo quá trình ra quyết định được định hướng, mang tính mở nhưng đảm bảo các lựa chọn có sự tương thích cao, ít xung đột lợi ích để hợp tác thực thi lâu dài. Bên cạnh đó, một quy định đủ “thông minh” cũng là sự kết hợp tối ưu giữa những công cụ pháp luật và cách thức làm luật của thời kỳ 1.0, 2.0 và 3.0. Cụ thể, các nhà lập pháp trước tiên cần trả lời được ba câu hỏi cơ bản “cái gì”, “khi nào” và “thế nào” . Câu hỏi “cái gì” liên quan đến việc xác định công nghệ đột phá phải được quy định hoặc yêu cầu cải cách quy định. Câu hỏi “khi nào” yêu cầu làm rõ thời điểm cần can thiệp bằng quy định pháp luật, nhằm đảm bảo rằng biện pháp này không được thực hiện quá sớm để tránh cản trở sự phát triển của khoa học kỹ thuật, nhưng cũng không thể quá trễ khi vấn đề xã hội phát sinh do thiếu vắng nguồn cung pháp luật và từ đó làm chậm quá trình phát triển công nghệ. Câu hỏi “thế nào” yêu cầu xem xét hình thức và nội dung của quy định cần được ban hành, ví dụ như sự đổi mới công nghệ có nên được khuyến khích, cấm đoán hoặc hạn chế theo một cách nào đó không? Những nguyên tắc nào nên được thông qua để đạt được mục tiêu quy định này? Khung pháp lý hiện tại liệu có đầy đủ chưa hay cần đến một sự đổi mới có lợi hơn cho các bên liên quan? Đối với các công nghệ đột phá trên môi trường mạng, quy định cũng nên đảm bảo đạt được mục tiêu tương đương trong môi trường trực tuyến lẫn ngoại tuyến. Một quy định pháp luật tốt là khi nó chỉ tập trung vào các hành vi và kết quả mong muốn, chứ không phải chỉ cố gắng điều chỉnh loại công nghệ được ứng dụng.
Cuối cùng, thay vì quan niệm pháp luật là nhằm đảm bảo sự tuân thủ của hành vi con người nhằm thực hiện vai trò quản lý và thực thi, định hướng của việc thiết kế pháp luật thời đại mới là “công nghệ có thể là giải pháp cho các vấn đề pháp lý”. Cụ thể, đối với những trường hợp quy định không hiệu quả/không thúc đẩy sự tuân thủ của đối tượng áp dụng, quá trình giám sát thực thi bỏ sót các trường hợp không tuân thủ, hay việc thực thi không nhất quán, thì các giải pháp công nghệ mới có thể hỗ trợ và hướng dẫn quá trình ra quyết định thực thi quy định. Phương thức giải quyết tranh chấp ngoài tòa án trực tuyến (ODR) dựa trên nền tảng blockchain không những đưa ra những khái niệm mới về thượng tôn pháp luật, tiếp cận công lý trong kỷ nguyên số, mà còn tỏ ra ưu việt hơn cơ chế hòa giải truyền thống về mặt khuyến khích đàm phán và thực thi. Một thỏa thuận được mã hóa trong hợp đồng thông minh có thể tự động thực thi mà không thể hủy ngang, do đó không cần đến sự hỗ trợ hay quản lý bởi một cơ quan tập trung nào. Bằng cách này, blockchain có thể tự xử lý theo thỏa thuận ban đầu, làm giảm những hành vi mang tính cơ hội của các tác nhân và đảm bảo sự chắc chắn về mặt pháp lý – vốn không được giải quyết hiệu quả trong các hệ thống truyền thống. Các biện pháp công nghệ được sử dụng bởi cả chủ thể công và tư, từ tòa án, trọng tài, lực lượng cảnh sát, cơ quan quản lý nhà nước đến các tập đoàn BigTech, ngân hàng và công ty bảo hiểm. Vì vậy, những cuộc thảo luận diễn ra đa chiều hơn, minh bạch hơn và mở rộng đến nhiều bên liên quan hơn, mang đến vị thế win-win cho tất cả các bên trong khi can thiệp bằng quy định pháp luật của nhà nước được giảm thiểu để không vô tình bóp méo môi trường phát triển công nghệ. Các cơ quan quản lý cần có những đánh giá phù hợp để chấp nhận tính linh hoạt, cởi mở và đột phá với những ý tưởng và cơ chế hợp tác, thi hành mới mà công nghệ mang lại.
Nhìn chung, trong bối cảnh hiện nay, cần có các biện pháp được xây dựng dựa trên các quy định toàn diện nhưng linh hoạt, cởi mở, cho phép sự tham gia và sáng tạo của các bên liên quan. Việt Nam đã và đang đón nhận tác động của làn sóng công nghệ đột phá hiện đại để tìm kiếm tư duy lập pháp phù hợp. Nghị quyết về “Một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư” do Bộ Chính trị ban hành vào ngày 27/9/2019 thừa nhận tính cấp thiết của việc kiến tạo khung pháp lý hiệu quả trong thời kỳ chuyển đổi số, hoàn thiện các quy định sẵn có trong khi xây dựng cơ chế quản lý phù hợp và khung thể chế thử nghiệm. Việc hoàn thiện này không chỉ nên được hiểu là ban hành thêm quy định điều chỉnh chặt chẽ, chi tiết hơn cho quan hệ xã hội mới phát sinh, mà cần hướng đến việc kiến tạo thêm các cơ chế mở cho việc thảo luận chính sách, khuyến khích các bên chủ động thiết kế nguyên tắc hành động, tuân thủ và thực thi dựa trên nền tảng pháp lý sẵn có. Nhà lập pháp trong thời đại mới không chỉ nên đóng khung vai trò của mình là người cung cấp các quy định pháp luật đáp ứng yêu cầu cấp thiết của xã hội suốt mọi thời kỳ, mà cần uyển chuyển đổi vai theo từng giai đoạn thành người kiến tạo cơ chế hợp tác thực thi của nhiều thành phần trong xã hội và điều phối dựa trên những nguyên tắc sẵn có. □
——
Chú thích
1 Fenwick, Mark D.; Kaal, Wulf A. Ph.D.; and Vermeulen, Erik P.M. “Regulation Tomorrow: What Happens When Technology Is Faster than the Law?,” American University Business Law Review, Vol. 6, No. 3.
2 Dorothy Neufeld, Technology Long Waves: The History of Innovation Cycles, https://www.visualcapitalist.com/the-history-of-innovation-cycles/.
3 Smith, Bradford, “The Third Industrial Revolution: Law and Policy for the Internet (Volume 282)”, in: Collected Courses of the Hague Academy of International Law.
4 Gunningham, N. and Sinclair, D. (2018) Regulatory Theory: Foundations and applications. Cambridge University Press, Cambridge.
5 Alberto Alemanno et al., Conclusions, Better Business Regulation In A Risk Society.
6 Lyria Bennett Moses, Agents of Change: How the Law ‘Copes’ with Techno logical Change, 20 GRIFFITH L. REV. 763, 768-69 (2011).