10 sự kiện KH&CN của Việt Nam năm 2011

Chiều 23/12, tại trụ sở Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (VUSTA) ở Hà Nội, Câu lạc bộ Nhà báo KH&CN đã công bố kết quả cuộc bình chọn 10 sự kiện KH&CN nổi bật trong nước năm 2011.

Hơn 40 nhà báo thuộc các cơ quan truyền thông của trung ương và địa phương viết về lĩnh vực KH&CN đã tham gia bình chọn với mục đích ghi nhận và tôn vinh những cống hiến của các nhà khoa học, tập thể các nhà khoa học đối với sự phát triển kinh tế – xã hội của đất nước trong năm qua. Hoạt động này đã được tiến hành thường niên kể từ năm 2008.

10 sự kiện nổi bật của năm nay gồm:

1. Đề án “Quá trình hình thành và phát triển vùng đất Nam Bộ”

Đề án do GS.VS Phan Huy Lê làm chủ nhiệm, Hội Khoa học lịch sử Việt Nam là cơ quan chủ trì, được triển khai từ cuối năm 2007, nghiên cứu điều kiện tự nhiên, quá trình lịch sử và các đặc trưng kinh tế, xã hội, văn hóa vùng đất Nam Bộ từ cội nguồn đến ngày nay.

Đề án bao gồm 11 đề tài, kết quả đã xác lập được các vấn đề có tính phương pháp luận trong tiếp cận nghiên cứu vùng đất Nam Bộ, làm rõ quá trình lịch sử, các đặc trưng kinh tế, xã hội, văn hóa và thiết chế quản lý phục vụ các nhiệm vụ phát triển, bảo đảm an ninh quốc phòng ở vùng đất Nam Bộ, xây dựng cơ sở khoa học làm rõ và khẳng định cơ sở pháp lý chủ quyền lãnh thổ của Việt Nam ở vùng đất Nam Bộ phù hợp với thông lệ quốc tế.

2. Quỹ Đổi mới công nghệ quốc gia

Ngày 5/8, Thủ tướng Chính phủ ký quyết định thành lập Quỹ Đổi mới công nghệ quốc gia. Trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế, việc tăng cường tiềm lực công nghệ, năng lực cạnh tranh cho các doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp nhỏ và vừa là hết sức cần thiết. Tuy nhiên, để thực hiện các cam kết quốc tế, Nhà nước sẽ không tiếp tục trợ giúp tài chính trực tiếp cho các doanh nghiệp. Bởi vậy, việc thành lập Quỹ Đổi mới công nghệ quốc gia là hết sức cần thiết.

Với vốn điều lệ 1.000 tỷ đồng được cấp từ ngân sách Nhà nước về hoạt động KHCH, Quỹ Đổi mới công nghệ quốc gia là tổ chức tài chính Nhà nước, hoạt động không mục đích vì lợi nhuận, có chức năng cho vay ưu đãi cho các tổ chức, cá nhân và doanh nghiệp thực hiện nghiên cứu, chuyển giao, đổi mới và hoàn thiện công nghệ.

Quỹ được sử dụng đến 50% vốn ngân sách Nhà nước cấp để thực hiện hỗ trợ lãi suất vay, cho vay ưu đãi, bảo lãnh để vay vốn. Sau khi hoàn thành việc xây dựng quy chế hoạt động, quỹ sẽ tập trung hỗ trợ dưới nhiều hình thức cho hơn 300 doanh nghiệp KH&CN.

3. Dự án Thiết kế và chế tạo chip, thẻ, đầu đọc RFID

Ngày 24/11, Bộ trưởng Bộ KH&CN Nguyễn Quân công bố Dự án “Thiết kế và chế tạo chip, thẻ, đầu đọc RFID và xây dựng hệ thống ứng dụng” được đầu tư 145,7 tỷ đồng. Trong đó, 124,8 tỷ đồng là từ ngân sách, phần còn lại là đóng góp của Tổng công ty Công nghiệp Sài Gòn. Đây là khoản đầu tư nhất từ trước đến nay dành cho một dự án KH&CN.

Dự án nói trên thiết kế và sản xuất chip xử lý 32 bit theo công Nghệ RFID (Radio Frequency Identìication- Nhận dạng bằng sóng radio) và UHF thành sản phẩm hàng hóa để ứng dụng trong các lĩnh vực có liên quan đến thông tin cá nhân như chứng minh thư nhân dân điện tử, thẻ ra vào, kiểm soát chất lượng hàng hóa… Chủ dự án là Trường ĐH Quốc gia TP Hồ Chí Minh, thời gian thực hiện trong vòng 4 năm.

4. Giáo sư Hoàng Tụy nhận giải thưởng về tối ưu toàn cục

Với nghiên cứu mang tính tiên phong và đóng góp cơ bản cho ngành Tối ưu Toàn cục, GS.Hoàng Tụy đã trở thành người đầu tiên nhận Giải thưởng Constantin Caratheodory của Hội Tối ưu Toàn cục Quốc tế.

Giải thưởng Constantin Caratheodory của Hội Tối ưu Toàn cục Quốc tế được trao hai năm một lần cho cá nhân hoặc nhóm nghiên cứu có những đóng góp quan trọng cho các ngành lý thuyết, thuật toán, hay các ứng dụng của tối ưu toàn cục.

Giải thưởng được thành lập bởi Hội Tối ưu Toàn cục Quốc tế vào năm 2011, và được trao tại Đại hội đồng Thế giới lần thứ hai về Tối ưu Toàn cục, tổ chức ở Channia, Hi Lạp hồi tháng 7 năm nay.

Giải thưởng lấy theo tên nhà toán học Constantin Caratheodory, được trao cho các công trình nổi bật phản ánh những đóng góp có giá trị lâu bền theo thời gian. Các tiêu chí bao gồm sự xuất sắc trong khoa học, tính sáng tạo, quan trọng, hàm súc, và có tính ảnh hưởng.

Giáo sư Hoàng Tụy sinh năm 1927, là tiến sĩ toán học nổi tiếng trong các lĩnh vực nghiên cứu hàm thực, lý thuyết tối ưu, giải tích lồi, toán kinh tế. Ông từng là Viện trưởng Viện Toán học, giáo sư thỉnh giảng của nhiều đại học trên thế giới.

5. Lò phản ứng hạt nhân Đà Lạt được khởi động trở lại bởi chính các nhà khoa học Việt Nam

Trong gần 50 năm qua, lò phản ứng hạt nhân Đà Lạt đã thực hiện ba lần khởi động. Lần đầu tiên vào năm 1963, lần thứ hai vào năm 1984, lần khởi động ngày 30/10/2011 vừa qua là lần thứ ba. Từ thời điểm này, hoạt động của lò phản ứng được duy trì bằng toàn bộ các bó nhiên liệu giàu thấp chứa hàm lượng U-235 dưới 20%.

Đây là sự kiện đáng ghi nhớ, đánh dấu một trong những điếm mốc quan trọng trên con đường phát triển của ngành năng lượng nguyên tử Việt Nam: Lần đầu tiên đội ngũ chỉ gồm những kỹ sư Việt Nam đã khởi động thành công lò phản ứng hạt nhân.

6. Đăng cai Hội nghị Bộ trưởng KH&CN ASEAN

Từ ngày 21 đến 26/11/2011, Việt Nam đăng cai tổ chức và chủ trì Hội nghị Bộ trưởng KH&CN ASEAN lần thứ 14 (AMMST-14) và Hội nghị Ủy ban Khoa học và Công nghệ ASEAN lần thứ 62 (COST-62) tại TP Hồ Chí Minh.

Hội nghị thảo luận các vần đề nhằm tăng cường hơn nữa hợp tác về KH&CN trong khu vực ASEAN vào năm 2015 dựa trên ba trụ cột: Cộng đồng chính trị- an ninh (APSC), cộng đồng kinh tế (AEC) và cộng đồng văn hóa xã hội (ACSC).

Đây là lần đầu tiên Việt Nam đăng cai tổ chức Hội nghị Bộ trưởng KH&CN ASEAN.

7. Hạ thủy giàn khoan tự nâng 90m nước

Ngày 10/9, tại Khu cảng Dầu khí Vũng Tàu, Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam đã tổ chức hạ thủy và gắn biển công trình giàn khoan tự nâng 90m nước, đưa Việt Nam trở thành một trong ba nước Châu Á và một trong 10 nước chế tạo được giàn khoan tự nâng đạt tiêu chuẩn quốc tế mà trước đây Việt Nam phải nhập khẩu.

Giàn khoan tự nâng 90m nước là công trình cơ khí trọng điểm Quốc gia lần đầu tiên được chế tạo tại Việt Nam do Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) làm chủ đầu tư và Công ty Cổ phần Chế tạo Giàn khoan Dầu khí (PV Shipyard) là đơn vị thành viên của PVN làm tổng thầu.

Giàn khoan tự nâng 90m nước với trọng lượng lên tới 12 ngàn tấn, chân dài 145m và hoạt động ở độ sâu 90m nước, chiều sâu khoan đến 6,1 km. Đặc biệt Giàn khoan này có thể chịu sức gió tương đương bão cấp 12, trên cấp 12 và hoạt động tốt trong thời tiết khắc nghiệt. Công trình đã được cơ quan Đăng kiểm Hàng hải Hoa Kỳ cấp giấy chứng nhận theo tiêu chuẩn quốc tế.

8. Thiết bị chụp cắt lớp điện toán công nghiệp

Trung tâm Ứng dụng Kỹ thuật Hạt nhân trong công nghiệp (Viện Năng lượng Nguyên tử Việt Nam, Bộ KH&CN) đã chế tạo thành công Thiết bị chụp cắt lớp điện toán công nghiệp (GORBIT), có chức năng phục vụ kiểm tra các đường ống dẫn.

Đây là thiết bị  có cấu hình 1 nguồn – 1 đầu dò hoạt động theo nguyên lý của thế hệ thứ nhất kèm theo phần mềm dựng ảnh được xây dựng trên cơ sở 3 thuật toán tái tạo hình ảnh khác nhau: chiếu ngược có lọc, lặp đại số và tối đa hóa kỳ vọng.

Thiết bị có thiết kế nhỏ gọn, linh hoạt, có thể thay đổi kích thước tuỳ theo từng đối tượng cần nghiên cứu. Đặc điểm này rất có ích cho việc chụp cắt lớp các đường ống dẫn có kích thước khác nhau trong việc xác định mức độ ăn mòn thành đường ống, mức độ đóng cặn, tắc nghẽn trong quá trình vận hành và phục vụ các nhu cầu về nghiên cứu, ứng dụng trong các lĩnh vực công nghiệp, kiểm tra, kiểm định, kiểm soát hàng hóa và an ninh. Hình ảnh thu được từ thiết bị GORBIT khá nhanh chóng, có chất lượng cao nhờ đặc trưng của thiết bị và chất lượng của phần mềm tái tạo hình ảnh. Ngoài chức năng chụp cắt lớp các đường ống, thiết bị còn có thể ứng dụng để chụp cắt lớp nhiều đối tượng đa dạng khác, như các thiết bị công nghiệp có kích thước nhỏ, vật đúc, thân cây gỗ, cột công trình xây dựng, v.v…

Mỗi chiếc máy giá hơn 8.300 USD.

Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế IAEA đã quyết định mua 6 máy và chuyển tới 6 nước Bangladesh, Myanmar, Sri Lanka, Philippines, Pakistan và Thái Lan, đồng thời giao cho Trung tâm mở lớp chuyển giao công nghệ cho cán bộ kỹ thuật của 6 nước tiếp nhận máy.

9. Vận hành dây chuyền sản xuất thiết bị điện tử viễn thông hiện đại nhất Đông Nam Á

Trung tâm sản xuất Điện tử Viettel vừa chính thức đưa vào vận hành dây chuyền sản xuất thiết bị điện tử viễn thông có công nghệ hiện đại nhất khu vực Đông Nam Á.

Dây chuyền có tổng giá trị đầu tư hơn 200 tỷ đồng, công xuất thiết kế đạt tới 5 triệu USB 3G/năm, hoặc 3 triệu máy điện thoại di động, hoặc 900 ngìn máy tính/năm với chất lượng sản phẩm đáp ứng những tiêu chuẩn quốc tế cao nhất. Dây chuyền này hoàn toàn do Việt Nam xây dựng cấu hình, lựa chọn, lắp đặt, và vận hành.

10. Phẫu thuật nội soi cắt khối tá – tụy tại Bệnh viện 103

Tháng 10/2011, các bác sĩ Khoa Ngoại Bụng (B2) – Bệnh viện 103 (Hà Nội) đã phẫu thuật nội soi thành công cắt khối tá – tụy. Đây là loại phẫu thuật khó nhất, phức tạp nhất trong các phẫu thuật ở ổ bụng.

Thành công của ca phẫu thuật không chỉ chứng minh tính hiệu quả và an toàn của phẫu thuật nội soi ổ bụng mà còn mở ra khả năng ứng dụng rộng rãi của phương pháp nói trên, kể cả đối với những trường hợp bệnh lý phức tạp.

 

Tác giả

(Visited 5 times, 1 visits today)