25 năm Viện Khoa học vật liệu
25 năm sau ngày thành lập, Viện Khoa học vật liệu (KHVL) đã trở thành một trong những viện nghiên cứu hàng đầu Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam về công bố quốc tế và có những gắn bó chặt chẽ với doanh nghiệp. Trong lễ kỷ niệm 25 năm thành lập diễn ra vào ngày 12/6/2018, Viện đã vinh dự đón nhận bằng khen của Thủ tướng chính phủ.
PGS.TS.Phan Văn Kiệm, Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ cho Viện KHVL. Nguồn: Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam.
Được hình thành từ 5 phân viện tại Hà Nội và 2 phân viện tại Nha Trang, TPHCM vào năm 1993, tập thể Viện KHVL đã xác định, nghiên cứu cơ bản phải đi kèm với công bố quốc tế. Vì thế, ngay một vài năm sau, Viện KHVL (tên gọi ban đầu là Trung tâm Khoa học tự nhiên quốc gia) đã bắt đầu có những bài báo quốc tế đầu tiên về vật liệu bán dẫn, vật liệu từ tính và siêu dẫn, quang học chất rắn, laser bán dẫn… trên các tạp chí quốc tế có uy tín. Những thành tích ban đầu này là cơ sở để vào giai đoạn 2010-2008, Viện KHVL xác định những hướng nghiên cứu về KH&CN tiên tiến và có nhiều tiềm năng ứng dụng trong đời sống xã hội, kinh tế trong các lĩnh vực vật liệu và linh kiện điện tử; vật liệu, linh kiện quang học, quang điện tử và quang tử; vật liệu và công nghệ nano; vật liệu kim loại và vật liệu tổ hợp; nguyên tố hiếm, vật liệu đất hiếm; vật liệu có tính năng đặc biệt; vật liệu xúc tác, vật liệu bảo vệ chống ăn mòn; vật liệu y sinh…
Với sự đầu tư của nhà nước, đặc biệt thông qua việc thành lập Phòng thí nghiệm trọng điểm quốc gia về vậ liệu và linh kiện điện tử với tổng kinh phí gần 55 tỷ đồng (2003-2008) tại Viện KHVL, Viện đã sở hữu một hệ thống cơ sở vật chất khá hiện đại phục vụ các hoạt động nghiên cứu và ứng dụng. Khi Phòng thí nghiệm trọng điểm quốc gia này chính thức đi vào hoạt động, số lượng công bố quốc tế của Viện đã tăng lên gấp đôi, ví dụ giai đoạn 2013-2017 trên 400 bài báo. Bên cạnh việc tăng cường về số lượng công bố, các nhà nghiên cứu của Viện cũng hướng dần đến mục tiêu nâng cao chất lượng công bố. Do đó trong vòng 5 năm trở lại đây, nhiều công trình của Viện KHVL đã được xuất bản trên nhiều tạp chí uy tín như Nature Communications, Physics Review Letters, Applied Catalysis B: Environmental, ASC Applied Materials& Interfaces… Nhận xét về công việc nghiên cứu tại Viện, TS Đỗ Tiến Dũng – Giám đốc Quỹ Nafosted cho rằng, phổ nghiên cứu của Viện rất rộng, liên quan đến nhiều lĩnh vực khoa học, số lượng đề tài do các cán bộ của Viện làm chủ nhiệm và được Quỹ tài trợ chiếm tỷ lệ khá lớn so với nhiều đơn vị nghiên cứu khác, trung bình từ 10 đến 15 đề tài, một số nhà khoa học xuất sắc của Viện còn tham gia Hội đồng khoa học ngành của Quỹ hoặc làm phản biện.
Từ những kết quả nghiên cứu cơ bản, Viện KHVL còn có nhiều sản phẩm công nghệ và ứng dụng trong thực tế, ví dụ phổ kế huỳnh quang tia X dùng trong phân tích vàng bạc, hỗ trợ đô kiểm và phân tích công nghệ để cải thiện chất lượng đèn huỳnh quang Rạng Đông, hệ phức hợp nano FGC để sản xuất sản phẩm CumarGold Kare trong phòng ngừa, hỗ trợ điều trị ung bướu, vật liệu anod sử dụng trong công nghiệp đóng tàu, bảo vệ cầu cảng… Đặc biệt Trung tâm Đánh giá sai hỏng vật liệu (COMFA) tham gia thực hiện nhiều dự án với nhiều nhà máy nhiệt điện, chế tạo… Theo báo cáo của Viện tại lễ kỷ niệm, nhiều hợp đồng hỗ trợ và chuyển giao cho doanh nghiệp đem lại hơn 10 tỷ đồng hằng năm. Đại diện cho Công ty cổ phần bóng đèn phích nước Rạng Đông, một trong những doanh nghiệp hợp tác nhiều năm với Viện, ông Đoàn Thăng – chủ tịch công ty, đã nói về hiệu quả hợp tác với các nhà nghiên cứu của Viện kể từ năm 2006 đến nay, không chỉ giúp giải quyết những vấn đề trong sản xuất mà còn giúp đào tạo được một đội ngũ kỹ sư có khả năng thực hiện được một số ý tưởng đề xuất của Viện, qua đó giúp công ty vượt qua những khó khăn về chuyển đổi công nghệ ngành chiếu sáng.
Tại lễ kỷ niệm, Viện KHVL đã trao thưởng cho các cán bộ nghiên cứu trẻ có nhiều thành tích trong nghiên cứu và ứng dụng, trong đó giải nhất thuộc về TS. Bùi Hùng Thắng với sản phẩm mô đun tản nhiệt đèn Led.