70% gia đình thu nhập thấp không đủ sức chi trả cho chế độ ăn lành mạnh
Một nghiên cứu của các nhà khoa học ĐH Y dược TP.HCM, ĐH Hà Nội, Viện Dinh dưỡng Quốc gia, ĐH Wageningen (Hà Lan), ĐH Harvard (Mỹ) cho thấy, trong giai đoạn 2016 đến 2020, chế độ ăn lành mạnh giá rẻ nhất có thể phù hợp với mức chi trả của các hộ gia đình thu nhập cao và trung bình nhưng 70% hộ gia đình thu nhập thấp thì không.
Nhóm nghiên cứu cho biết, chất lượng ăn kém dinh dưỡng liên quan đến tỉ lệ bệnh tật và tử vong trên khắp thế giới do không ăn đủ thực phẩm lành mạnh và ăn quá nhiều thực phẩm không lành mạnh. Chi phí và khả năng chấp nhận của chế độ ăn lành mạnh là một trong những động lực quan trọng thúc đẩy sự lựa chọn thực phẩm, chất lượng thực phẩm và dinh dưỡng thu được, đồng thời thuộc nhóm những thách thức lớn nhất của an ninh lương thực. Ngày càng có bằng chứng cho thấy một chế độ ăn lành mạnh đắt đỏ hơn nhiều so với một chế độ ăn thiếu lành mạnh.
Các chi phí cao của thực phẩm giàu dinh dưỡng, giàu protein có thể ảnh hưởng trực tiếp đến quyết định mua của người tiêu dùng, đặc biệt là người nghèo thường có xu hướng nhạy cảm hơn về giá thực phẩm và tác động của giá cả thực phẩm đến nhu cầu thực phẩm thường có ảnh hưởng nhiều nhất đối với những người nghèo nhất. Hệ quả là họ thường phải đối mặt với nhiều rào cản khi hướng đến các chế độ ăn lành mạnh có thể chấp nhận được và cải thiện chế độ dinh dưỡng.
Do đó, nghiên cứu này được thực hiện để làm rõ ba vấn đề (1) so sánh sự khác biệt về chi phí theo nhóm thực phẩm và theo vùng; (2) kiểm tra chi phí theo mùa của chế độ ăn lành mạnh; (3) đánh giá khả năng chi trả phù hợp với chế độ ăn lành mạnh ở Việt Nam. Nhóm nghiên cứu sử dụng dữ liệu giá 176 loại thực phẩm trong Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) hằng tháng ở 63 tỉnh thành từ tháng 1/2016 đến tháng 12/2020 để đánh giá chi phí cho chế độ ăn lành mạnh và khả năng chấp nhận theo thời gian; dữ liệu khảo sát mức sống của hộ gia đình Việt Nam để tính toán mức chi tiêu và thu nhập bình quân đầu người theo ngày; chỉ số chi phí chế độ ăn lành mạnh (CoHD) để ước tính chi phí thấp nhất của chế độ ăn lành mạnh và so sánh sự khác biệt giữa các nhóm thực phẩm, vùng và theo mùa.
Kết quả cho thấy, để đạt được khuyến nghị dinh dưỡng lành mạnh giai đoạn 2016–2020 thì chi phí tối thiểu sẽ vào khoảng 3,08 USD/người/ngày. So với mức chi phí toàn cầu thì chi phí cho chế độ ăn lành mạnh của Việt Nam đắt hơn mức chuẩn nghèo quốc tế cập nhật 2,15 USD và mức chuẩn nghèo của Việt Nam 2,99 USD. Về tổng thể, khả năng chấp thuận chế độ ăn lành mạnh đã được cải thiện khi chỉ còn xấp xỉ 10 % trong năm 2020 không đủ sức chi trả chế độ ăn lành mạnh. Điều này chỉ dấu chi phí và khả năng chi trả không hẳn là rào cản chính. Chế độ ăn lành mạnh theo khuyến nghị có thể dễ được các hộ gia đình thu nhập cao và trung bình đạt được song lại là thách thức lớn hơn với người nghèo bởi số người không đủ khả năng chi trả cho chế độ ăn lành mạnh trong số hộ có thu nhập thấp lên tới 70%, nơi chi phí cho chế độ ăn này chiếm xấp xỉ 70% thu nhập. Với tình trạng này thì họ không thể theo đuổi một chế độ ăn lành mạnh.
Chi phí và khả năng chi trả cho chế độ ăn lành mạnh khác nhau đáng kể giữa các vùng, do đặc điểm kinh tế xã hội và chi tiêu cho thực phẩm giữa các vùng đều khác nhau. Trung du và miền núi phía Bắc có khả năng chi trả thấp nhất do tình trạng nghèo đói nhưng hai vùng có thu nhập cao, đô thị hóa cao, các hệ thống vận chuyển thực phẩm sẵn sàng là miền Nam và đồng bằng sông Hồng có sức chi trả cao hơn.
Mặc dù nhận thấy vẫn còn nhiều giới hạn trong nghiên cứu nhưng các nhà khoa học cho rằng những dữ liệu thu được có thể gợi ý về chính sách với các biện pháp hoàn thiện hệ thống thực phẩm địa phương để giảm thiểu chi phí, hỗ trợ cho mọi hộ gia đình đạt được các chế độ ăn lành mạnh hơn, đặc biệt với hộ thu nhập thấp.
Kết quả được nêu chi tiết trong bài báo “Cost and affordability of healthy diets in Vietnam”, xuất bản trên tạp chí Public Health Nutrition.□
Bài đăng Tia Sáng số 23/2024