83% sinh viên ra trường thiếu kỹ năng sống
 Thống kê của Viện Nghiên khoa học Giáo dục Việt Nam cho thấy có 37% sinh viên ra trường không tìm được việc làm do yếu và thiếu các yếu tố kỹ năng thực hành xã hội, 83% bị các nhà tuyển dụng đánh giá thiếu các kỹ năng sống.
Theo bà Dung, hầu hết các doanh nghiệp tuyển dụng đều than phiền về một số hạn chế của sinh viên sau khi ra trường về kỹ năng soạn thảo văn bản (kể cả hồ sơ xin việc), kỹ năng giao tiếp, tinh thần tự lập, khả năng vận dụng lý thuyết vào thực tiễn, kỹ năng lập kế hoạch,…
Đề cập đến vai trò và tính hiệu quả của kỹ năng mềm, cũng như phê phán những quan điểm tuyệt đối hóa vai trò của chỉ số thông minh IQ trong nhiều năm qua, ông Đinh Tuấn Vũ (Trung tâm đào tạo kỹ năng sống và hỗ trợ giáo dục) truyền đạt thông điệp qua câu chuyện vui:
“Có một cậu sinh viên tên là IQ, cậu là một sinh viên giỏi và thông minh. Cậu luôn có điểm số cao ở hầu hết các môn học và là người đứng đầu trong các kỳ thi. Tuy vậy tính cách của IQ rất khác thường, cậu tự cao, khó gần, cậu không thích chuyện cười, cậu chẳng ưa hài hước. Cậu rất nhiều ý tưởng nhưng chỉ âm thầm tự biết, chẳng chia sẻ với ai. Khi ra trường IQ được nhiều công ty mời chào làm việc nhưng hoặc ngay từ các cuộc phỏng vấn cậu đã bị loại,hoặc cậu chỉ làm được dăm ba tháng rồi lại nghỉ bởi “không ai hiểu hết ý cậu, không nơi nào biết sử dụng tài năng” như lời cậu nói. Đã dăm bảy năm kể từ khi ra trường, IQ vẫn nay đây mai đó và chưa chỗ làm việc nào thỏa mãn mong muốn của cậu.
Trái với IQ, thời còn đi học EQ không phải là sinh viên giỏi, gia đình lại đông anh em và rất nghèo. Tuy nhiên với tính cách hòa đồng, tốt bụng hay quan tâm giúp đỡ người khác lại sẵn sàng cầu thị, học hỏi nên cậu rất được bạn bè quý mến và tin yêu. Khi ra trường, EQ không có nhiều lời mời phỏng vấn như IQ nhưng kết quả cậu cũng đã tìm được một công việc yêu thích. Hiện tại, với vị trí trưởng phòng, được ban lãnh đạo công ty tin cậy, đồng nghiệp và khách hàng quý mến, EQ đang có một tương lai sáng sủa”.
Đưa ra một kết luận mang tính khái quát về sự cần thiết của kỹ năng mềm đối với đời sống một con người, Tiến sĩ Nguyễn Thụy Anh cho rằng: “Với một đứa trẻ, để có thể sống được, sống mạnh khỏe, an toàn, lành mạnh, ta cần chú ý đến 3 khía cạnh chính của các tập hợp các hành vi tích cực. Đó là: tự phục vụ bản thân, tức là khả năng tự lập; chung sống hòa hợp, đồng thuận với cộng đồng, có trách nhiệm với cộng đồng, phục vụ cộng đồng và tuân thủ các thỏa thuận và quy ước chung; khả năng ứng phó và tự bảo vệ và hỗ trợ người khác trước những tình huống bất ngờ, nguy hiểm”.