Anh hỗ trợ VN trong công nghệ nông nghiệp và y học

Viện Hàn lâm Kỹ thuật Hoàng gia Anh (Royal Academy of Engineering) và Cục Phát triển thị trường và doanh nghiệp KH&CN, Bộ KH&CN Việt Nam mới đây đã ký biên bản ghi nhớ về thực hiện chương trình “Hỗ trợ thương mại hóa kết quả nghiên cứu khoa học”. Đây là điều kiện để quỹ Newton Fund về đổi mới sáng tạo được triển khai ở Việt Nam.

Newton Fund là quỹ được thành lập nhằm hỗ trợ các quốc gia đang phát triển trong lĩnh vực KH&CN và đổi mới sáng tạo. Ngân sách hằng năm của Newton Fund là 75 triệu bảng Anh (khoảng 115 triệu USD). Các chương trình của Newton Fund đã khởi động từ cuối tháng 1 năm 2015 và hỗ trợ 15 quốc gia (trong đó có năm nước Đông Nam Á). Quỹ này hỗ trợ ba hoạt động chính bao gồm: đào tạo (thông qua các học bổng nghiên cứu ngắn hạn); nghiên cứu (hợp tác nghiên cứu giữa hai quốc gia); chuyển giao cùng triển khai các kết quả nghiên cứu.

Theo GS. Robin Grimes, Trưởng cố vấn khoa học của Đại sứ quán Anh, Newton Fund hiện ưu tiên hỗ trợ hai lĩnh vực chính là công nghệ nông nghiệp (Agritech) và  y học (Medical). Trong lĩnh vực nông nghiệp, họ mong muốn có thể mở rộng sự hợp tác sang các nước khác trong khu vực như Thái Lan và Indonesia.

Hiện tại, Newton Fund cùng với Quỹ phát triển Khoa học và Công nghệ Quốc gia Nafosted đang kêu gọi và lựa chọn 14 Tiến sĩ (trong cả lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn và khoa học kỹ  thuật) tham gia vào một khóa tập huấn dự kiến kéo dài tám ngày, dưới sự hướng dẫn của Viện Hàn lâm Kỹ thuật Hoàng gia Anh.

GS. Robin Grimes cho rằng sự hợp tác nghiên cứu khoa học giữa hai quốc gia không nhất thiết đòi hỏi một trình độ tương đương. Để minh chứng cho điều này, ông đưa ra mối liên kết giữa Anh và Đức trong nghiên cứu tế bào nhiên liệu (fuel cell – pin nhiên liệu biến đổi năng lượng hóa học trực tiếp thành năng lượng điện) vào những năm 1950. Khi đó, nền khoa học Đức đang trong giai đoạn khủng hoảng toàn diện, sự hợp tác nghiên cứu giữa các viện của Đức và Anh diễn ra theo cách: Anh nghiên cứu lý thuyết và Đức thực hiện các thí nghiệm thực tế. Đồng thời, họ cũng chia sẻ phòng thí nghiệm và các thiết bị nghiên cứu. Họ giữ mối quan hệ hợp tác thân thiết như vậy trong suốt bốn thế hệ và tới nay, Anh và Đức là hai quốc gia đi đầu trong nghiên cứu tế bào nhiên liệu trên thế giới. Chính phủ Anh cũng muốn hỗ trợ khoa học Việt Nam theo hướng này bằng việc cung cấp học bổng để các nhà khoa học Việt Nam tới Anh để học tập và hợp tác nghiên cứu.

Tác giả

(Visited 1 times, 1 visits today)