Ba đợt bùng phát COVID: Trợ cấp xã hội của Việt Nam thấp hơn nhiều nước trong khu vực
Trong ba đợt bùng phát dịch trước tháng 4/2021, dù cho đã có nỗ lực mở rộng phạm vi trợ giúp, tăng số đợt trợ cấp xã hội cho những hộ gia đình chịu tổn thương trong thời gian bùng phát dịch COVID thì mức chi của Việt Nam vẫn thấp hơn nhiều nước trong khu vực, theo Báo cáo “Tác động phân phối của chính sách tài khóa ứng phó COVID-19 đến các hộ gia đình, đặc biệt là ở thành phố Đà Nẵng” của World Bank mới công bố.
Người dân TP. HCM nhận trợ cấp trong năm 2020. Ảnh: Nhân dân.
Trong hơn một thập kỷ trước COVID, nhìn chung hệ thống trợ giúp xã hội của Việt Nam đã mở rộng được một số nhóm dễ bị tổn thương và các nhóm nghèo cùng cực nhưng mức chi của hệ thống còn tương đối ít, mức hỗ trợ còn thấp và phạm vi bao phủ còn hạn chế. Đặc biệt là khả năng ứng phó với khủng hoảng còn hạn chế do lực lượng lao động phi chính thức lớn. Năm 2019, chỉ có 26,5% lực lượng lao động tham gia bảo hiểm xã hội, và phần lớn số còn lại nằm ngoài hệ thống bảo trợ xã hội.
Vì thế, khi đối diện với cuộc khủng hoảng COVID, Chính phủ phải nhanh chóng ứng phó bằng việc thông qua nghị quyết hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch COVID-19 với độ bao phủ rộng chưa từng có, cách thức chi trả hỗ trợ nhanh, giảm thủ tục hành chính tài chính hơn nhiều so với trước đây. Tuy nhiên, đó mới là so với chính chúng ta, còn so với khu vực và thế giới, những hỗ trợ của Việt Nam rất khiêm tốn.
Báo cáo phân tích, trước khi đại dịch bùng phát, Việt Nam có tỷ lệ người dân nhận trợ giúp xã hội ở mức 21.5%, thấp hơn nhiều so với 63.5% ở Malaysia và 71% ở Thái Lan. Còn trong đại dịch, tỷ lệ người dân được bổ sung vào nhóm thụ hưởng mới cũng thấp, chỉ ở mức 9.4%. Chính vì vậy, tổng số người thụ hưởng trợ giúp xã hội trong ba giai đoạn bùng phát dịch COVID-19 là 30.9% dân số, đứng thứ ba từ dưới lên trong khu vực, cao hơn Trung Quốc và Campuchia.
Mức chi của Việt Nam cho trợ giúp xã hội liên quan đến COVID-19 cũng thấp hơn so với các quốc gia khác trong khu vực. Trước khi dịch bệnh bùng phát, Việt Nam mức trung bình – đứng thứ năm về tỷ lệ chi trợ giúp xã hội trên GDP. Việt Nam chi khoảng 0,09% GDP để hỗ trợ tăng thêm cho các nhóm bảo trợ từ trước đó, chỉ cao hơn Indonesia trong số các quốc gia có hỗ trợ tăng thêm. Việt Nam cũng chi thêm 0,11% GDP để trợ giúp xã hội cho các nhóm cần hỗ trợ mới (người lao động khu vực phi chính thức), thấp hơn nhiều quốc gia có mở rộng trợ giúp xã hội cho đối tượng mới, và thấp hơn hẳn so với mức chi 0,67% tăng thêm của Indonesia hay 0.40% của Thái Lan. Do cả chi hỗ trợ tăng thêm cho nhóm cũ và chi cho các nhóm mới ở mức thấp, nên tổng chi cho trợ giúp xã hội của Việt Nam chỉ ở mức 0,86% GDP, thuộc hàng thấp nhất trong khu vực và thấp hơn nhiều so với mức tổng 4,2% của Mông Cổ, 3% của Thái Lan và 2,1% của Philippines.
Chưa kể, các nước khác thực hiện việc bổ sung nhóm cần hỗ trợ mới hiệu quả hơn do cơ chế xác định đối tượng và chi trả dễ tiếp cận hơn. Campuchia và Indonesia sử dụng danh sách đã có về đối tượng thụ hưởng tiềm năng để mở rộng phạm vi. Indonesia cũng xây dựng chương trình hỗ trợ mới sử dụng cả hình thức đăng ký bằng giấy và đăng ký trực tuyến. Malaysia và Thái Lan tạo ra các chương trình mới tạm thời, đăng ký tham gia trực tuyến và kiểm tra chéo với các cơ sở dữ liệu đã có (ví dụ dữ liệu bảo hiểm xã hội). Campuchia sử dụng các nhà cung cấp dịch vụ tiền di động lớn nhất trong nước để thực hiện việc chi trả.
Báo cáo khuyến nghị trong bối cảnh COVID vẫn còn có tác động kéo dài, Việt Nam cần phân tích định kỳ về khủng hoảng kinh tế tác động đến các nhóm và các lĩnh vực khác nhau; tăng mức hỗ trợ và chi trả hiệu quả bằng việc đăng ký trực tuyến, chuyển khoản; về dài hạn cần có hệ thống đăng ký xã hội có khả năng hỗ trợ việc đăng ký và xác định điều kiện tham gia nhiều chương trình khác nhau – có thể là nền tảng cho mạng lưới cung cấp các dịch vụ an sinh xã hội tích hợp.