Ba nhà khoa học nữ nhận học bổng L’Oréal-Unesco

L’Oréal Việt Nam đã trao học bổng khoa học L’Oréal- Unesco “Vì sự phát triển của phụ nữ trong khoa học” năm 2012 cho 3 nhà khoa học nữ trẻ tại Hà Nội vào ngày 19/10.

Hội đồng khoa học của L’Oreal-Unesco đã cân nhắc và chọn ra 3 đề án trong số 27 đề án khoa học mang tính cạnh tranh và được đánh giá cao, 3 học bổng (trị giá 200.000.000 đồng/ học bổng) dành cho các nhà khoa học:

TS. Hà Phương Thư, Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam với đề tài nghiên cứu “Quy trình chế tạo và đánh giá hiệu quả của hệ dẫn thuốc hướng đích cấu trúc nano lên tế bào ung thư”. Hướng nghiên cứu của chị tập trung vào những loại vật liệu tiên tiến và có thể tiếp tục nghiên cứu sâu. Đặc biệt kết quả nghiên cứu có thể dẫn đến việc chế tạo được hệ dẫn thuốc nano đa chức năng nhằm làm tăng hiệu quả tác động đối với tế bào ung thư, làm giảm lượng thuốc sử dụng và tập trung vào vị trí khối u, tránh tác động lên tế bào lành.

TS. Nguyễn Thị Vân Trang, Viện Vệ sinh dịch tễ với đề tài “Nghiên cứu chế tạo kháng thể đặc hiệu một số genotype của norovirus và ứng dụng kỹ thuật Elisa phát hiện kháng nguyên virus này” đã được hội đồng bình chọn dựa trên tính cấp thiết cao và kết quả nghiên cứu có thể dẫn đến việc tạo ra vắc xin phòng tiêu chảy thế hệ mới.

Trên thế giới, norovirus là tác nhân của hơn 50% các vụ dịch tiêu chảy, ở Việt Nam norovirus là tác nhân quan trọng gây nên tiêu chảy ở trẻ em, chỉ sau rotavirus. Đây là đề tài nghiên cứu cơ bản với tính cấp thiết cao trong bối cảnh dịch bệnh tiêu chảy ở Việt Nam xảy ra ngày càng nhiều nhưng phần lớn không phát hiện được nguyên nhân do thiếu sinh phẩm chẩn đoán và sử dụng tại chỗ. TS Nguyễn Thị Vân Trang đã đưa ra 2 mục tiêu là chế tạo kháng thể đặc hiệu 2 genotype của norovirus hiện đang lưu hành chủ yếu ở Việt Nam và phát triển kỹ thuật Elisa phát hiện norovirus sử dụng 2 loại kháng thể này. Kết quả của nghiên cứu sẽ là tiền đề cho việc phát triển bộ sinh phẩm chẩn đoán norovirus tại chỗ, giúp bác sĩ lâm sàng đưa ra phương pháp điều trị thích hợp.


Toàn cảnh buổi trao học bổng

Nghiên cứu “mô hình nuôi trồng vi tảo tạo nguồn sinh khối ứng dụng trong sản xuất nhiên liệu sinh học” của TS Nguyễn Thị Thanh Xuân, Đại học Bách Khoa Đà Nẵng là đề tài thứ ba được hội đồng trao giải. Nghiên cứu này có ý nghĩa thực tế rất lớn trong việc tìm kiếm một nguồn nguyên liệu bền vững, thân thiện với môi trường để sản xuất biodiesel trong điều kiện Việt Nam và thế giới. Đề tài của chị chỉ ra một hướng mới trong việc xử lý nước thải giàu chất hữu cơ dinh dưỡng bằng việc nuôi trồng vi tảo; xây dựng mô hình nuôi trồng vi tảo phù hợp với quy mô sản xuất. Đặc biệt, tác giả còn hướng đến việc nuôi trồng vi tảo tại các trang trại chăn nuôi, là nơi có nguồn nước thải, phụ phẩm giàu chất hữu cơ cũng như tận dụng nguồn CO2 từ việc sử dụng khí biogas.

Đề tài này sẽ làm tiền đề, mở ra triển vọng làm chủ được công nghệ nuôi trồng đủ sinh khối tảo, chuyển hóa thành công sinh khối tảo thành diesel sinh học có chất lượng tốt, từ đó định hướng tiềm năng và những thách thức cho việc đầu tư sản xuất diesel sinh học từ tảo trên quy mô lớn nhằm mục đích thương mại hóa sản phẩm này.

Đây là năm thứ tư liên tiếp L’Oreal – Unesco trao học bổng này cho các nhà khoa học nữ trẻ ở Việt Nam. Bắt đầu từ năm 2009, đến nay, đã có 12 tiến sĩ nữ được trao tặng học bổng với tổng trị giá lên tới 1,8 tỉ đổng cho các đề án nghiên cứu có tính triển vọng và mang tính ứng dụng cao.

Theo bà Nguyễn Ngọc Tuyết Trinh, Giám Đốc Truyền Thông và Đối Ngoại của công ty L’Oreal tại Việt Nam, trong thời gian tới, học bổng này sẽ mở rộng ra cả đối tượng các nhà khoa học trẻ đang làm nghiên cứu sinh. Bởi thực tế, từ trước tới nay ít khi các nghiên cứu sinh nhận được học bổng và cũng gặp khá nhiều khó khăn về kinh phí khi tiến hành nghiên cứu.

Giải thưởng “L’Oreal – Unesco Vì sự phát triển phụ nữ trong khoa học” do Quỹ hỗ trợ cộng đồng của tập đoàn L’Oreal tài trợ, Quỹ được thành lập từ năm 2007 với mục đích hỗ trợ cộng đồng trong 3 lĩnh vực: Khuyến học, nuôi dưỡng các nghiên cứ khoa học và ổn định cuộc sống cho những phụ nữ đang trong tình cảnh khó khăn.

Tác giả

(Visited 1 times, 1 visits today)