Bàn giải pháp phát triển các sản phẩm tự nhiên

Nằm trong top các quốc gia đứng đầu thế giới về đa dạng sinh học, Việt Nam rất cần thúc đẩy nghiên cứu và phát triển các sản phẩm tự nhiên. Hội nghị quốc gia về nghiên cứu và phát triển các sản phẩm tự nhiên lần thứ 8 vào ngày 25/11/2023 vừa qua đã bàn về tiềm năng ứng dụng KH&CN và các công nghệ quản lý chuỗi cung ứng sản phẩm tự nhiên.

Toàn cảnh Hội nghị quốc gia về nghiên cứu và phát triển các sản phẩm tự nhiên lần thứ 8.

Hiện nay, ứng dụng KH&CN trong bảo tồn, khai thác và phát triển dược liệu tự nhiên đã được đẩy mạnh, bảo tồn được nguồn gen tại 7 vùng sinh thái, lưu trữ tới 1.531 nguồn gen thuộc 884 loài cây thuốc. Nhiều công trình nghiên cứu tập trung về thảo dược, phát hiện các loài mới, xác định tên khoa học, nghiên cứu phân lập và xác định cấu trúc phân tử các hoạt chất. Nhưng với tài nguyên lên tới 5.100 cây thuốc (gồm cả các loài nấm, tảo) và kho tàng tri thức bản địa phong phú mang bản sắc từng dân tộc, vùng miền của 1 trong 13 quốc gia hàng đầu thế giới về đa dạng sinh học, Việt Nam vẫn còn rất nhiều dư địa chưa nghiên cứu và khai thác hết.

Trong bối cảnh các dòng sản phẩm từ thiên nhiên ngày càng được ưa chuộng trên thị trường thì việc thúc đẩy ứng dụng các tiến bộ KH&CN để phát triển sản phẩm tự nhiên ngày càng quan trọng. Đến nay, đã có hàng nghìn cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm chức năng, tỉ lệ sản phẩm sản xuất trong nước chiếm khoảng 65-70% thị trường, theo PGS.TS. Nguyễn Thanh Phong, Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế.

Điều đó cũng đặt ra yêu cầu kiểm soát chất lượng, có quy trình quản lý chuỗi sản phẩm. Nhìn dưới góc độ tiêu chuẩn cho sản phẩm, GS.TS. Phạm Quốc Long, Tổng Thư ký Hội khoa học các Sản phẩm thiên nhiên Việt Nam (VNPS) cho rằng, cần ban hành bộ tiêu chuẩn theo các cấp độ về “sản phẩm thiên nhiên”; đồng thời cần có một hệ thống nhất quán để quản lý, chứng nhận, công nhận chất lượng, nguồn gốc các sản phẩm lưu hành trên thị trường và phải có sự chấp thuận của các cơ quan chứng nhận đuợc ủy quyền.

Ban Tổ chức Hội thảo trao Giấy chứng nhận sản phẩm tự nhiên cho một số sản phẩm.

Để khắc phục tình trạng hiện nay có nhiều doanh nghiệp tự công bố sản phẩm, hoặc công bố chất lượng và độ an toàn cao hơn thực tế; quảng cáo sai sự thật, quảng cáo quá công dụng của sản phẩm, gây hiểu nhầm với thuốc chữa bệnh, sử dụng hình ảnh, uy tín của các cơ sở y tế, bác sĩ để quảng cáo sản phẩm, đặc biệt trên mạng xã hội… theo PGS.TS Nguyễn Thanh Phong, thời gian tới cần tiếp tục hoàn thiện chính sách, vừa đảm bảo thông thoáng cho doanh nghiệp nhưng vẫn đảm bảo sức khỏe người tiêu dùng; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm các vi phạm.

Về truy xuất nguồn gốc, ThS. Nguyễn Thế Tiệp, Phó Viện trưởng Viện Kỹ thuật chống hàng giả và gian lận thương mại cho biết, trong bối cảnh trên thị trường có rất nhiều đơn vị cung cấp giải pháp truy xuất nguồn gốc thì rất cần một nền tảng quản lý dữ liệu dùng chung và hệ sinh thái công nghệ quản lý chuỗi cung ứng, minh bạch thông tin, chống gian lận thương mại và kết nối cung cầu.

Hạnh Nguyên

(Visited 9 times, 1 visits today)