Báo cáo Phụ nữ, Công việc và Luật pháp 2024 của WB: Việt Nam có điểm số cao hơn các nước cùng khu vực
Điều này có nghĩa Việt Nam đã tương đối đảm bảo quy định luật pháp liên quan đến môi trường làm việc của nữ giới.
Mặc dù còn thấp hơn các nước phát triển nhưng với điểm số 85.0 trên thang điểm 100, Việt Nam cao hơn phần lớn các nước xung quanh như Trung Quốc: 65.0, Thái Lan: 60.0, Lào: 72.5, Singapore: 65.0, Campuchia: 55.0, Philippines: 70.0… cũng như nhiều nước có cùng trình độ phát triển kinh tế.
Báo cáo Phụ nữ, Công việc và Luật pháp 2024 của Worldbank, đo lường mức độ tác động của luật pháp và các quy định đến cơ hội làm việc của phụ nữ theo thang điểm từ 0 đến 100, trong đó 100 nghĩa là quyền bình đẳng về mặt pháp lý cho nam giới và phụ nữ ngang nhau. Báo cáo đánh giá 190 nước, dựa trên 10 chỉ số thành phần, xoay quanh những quy định của luật pháp có tác động tới phụ nữ kể từ khi bắt đầu, phát triển và kết thúc sự nghiệp của mình, gồm: Tính an toàn, Tính di động, Nơi làm việc, Trả lương, Hôn nhân, Làm cha mẹ, Chăm sóc trẻ, Khởi nghiệp, Tài sản và Lương hưu. So với các năm trước đó chỉ đánh giá dựa trên tám chỉ số thành phần, năm 2024, báo cáo mới bổ sung thêm hai chỉ số thành phần là Tính an toàn và Chăm sóc trẻ.
Việc thêm các chỉ tiêu mới này góp phần đánh giá chính xác hơn những quy định pháp luật liên quan đến các vấn đề đặc thù của phụ nữ như lao động không được trả lương trong việc chăm sóc, việc đảm bảo an toàn cho phụ nữ tránh khỏi bạo lực. Việc mở rộng phạm vi phân tích, đo lường thêm các chỉ số mới này cho thấy, trung bình phụ nữ chỉ được hưởng 64% sự bảo vệ pháp lý mà nam giới được hưởng – ít hơn nhiều so với ước tính trước đây là 77%. Không có quốc gia nào, kể cả những nước giàu nhất, mang lại cơ hội bình đẳng thực sự cho nữ giới.
Báo cáo cũng cho thấy khoảng cách giới rộng hơn các nhận định trước đây. Rà soát các quy định ở các quốc gia cho thấy, về nguyên tắc trên giấy tờ, phụ nữ được hưởng khoảng 2/3 quyền so với nam giới. Nhưng việc thực thi còn kém hơn, các quốc gia đều chưa thực thi đầy đủ, trung bình các quốc gia mới thiết lập được khoảng 40% hệ thống cần thiết để thực hiện đầy đủ. Ví dụ, 98 nền kinh tế đã ban hành luật quy định trả lương bình đẳng cho phụ nữ. Tuy nhiên, chỉ có 35 nền kinh tế – ít hơn 1/5 số nước được đánh giá – áp dụng các biện pháp minh bạch về lương hoặc có cơ chế thực thi để giải quyết khoảng cách về lương. Vì thế, cùng một công việc có giá trị như nhau, trong khi nam giới được trả 1 USD thì nữ giới chỉ được trả 77 cent.
Các tính toán cũng cho thấy, phụ nữ dành trung bình nhiều hơn 2,4 giờ mỗi ngày cho công việc chăm sóc không được trả lương so với nam giới, phần lớn là chăm sóc trẻ em, nhưng chưa tới một nửa các quốc gia được khảo sát ban hành tiêu chuẩn chất lượng quản lý dịch vụ chăm sóc trẻ em.
Báo cáo cũng đánh giá, việc chấm dứt các quy định và những hành vi phân biệt đối xử cản trở nữ giới trong công việc cũng như khởi nghiệp có thể giúp tăng hơn 20% GDP toàn cầu trong thập niên tới (nghĩa là, tăng gấp đôi tốc độ tăng trưởng toàn cầu trong thập niên tới).
Trước các phát hiện đó, báo cáo đưa ra khuyến nghị cải thiện các luật liên quan đến an toàn, chăm sóc trẻ em và cơ hội kinh doanh; cải cách nhằm dỡ bỏ rào cản đối với công việc của phụ nữ; mở rộng chế độ thai sản và quy định nghỉ phép đối với nam giới có vợ sinh con…
Trước đây, đã có các ước lượng khác nhau về việc thúc đẩy bình đẳng giới có thể tạo tác động rất tích cực cho nền kinh tế. Chẳng hạn, với châu Á – Thái Bình Dương, ước lượng của McKinsey trong báo cáo “Sức mạnh của sự bình đẳng: thúc đẩy bình đẳng ở châu Á – Thái Bình Dương” từ cách đây 4 năm, đã cho thấy thúc đẩy bình đẳng của phụ nữ có thể làm tăng thêm 4,500 tỷ USD vào GDP hằng năm chung của khu vực vào năm 2025, tăng 12% so với quỹ đạo thông thường. Vì thúc đẩy bình đẳng giới có thể giải phóng tiềm năng kinh tế cho phụ nữ, giúp nhiều phụ nữ thoát nghèo hơn và củng cố tăng trưởng của khu vực. Tất cả các quốc gia đều được hưởng lợi từ việc thúc đẩy bình đẳng cho phụ nữ. □
Bài đăng Tia Sáng số 5/2024