Bao nhiêu ngôn ngữ là đủ?

Từ nhiều năm nay, hai nhà khoa học Victor Ginsburgh và Shlomo Weber đã chuyên tâm nghiên cứu về hệ quả kinh tế của sự thống nhất cũng như sự nhiễu loạn về ngôn ngữ - và họ đã tính toán để làm rõ Liên minh Châu Âu cần có bao nhiêu ngôn ngữ là hợp lý.

Hàng trăm năm nay con người trên trái đất ao ước nếu có chung một ngôn ngữ thì sẽ thuận tiện biết bao. Từ lâu mọi người đã tìm cách khắc phục sự nhiễu loạn về ngôn ngữ. Bác sỹ nhãn khoa người Ba Lan Ludwik Lejzer Zamenhof đã phát minh ra ngôn ngữ nhân tạo Esperanto với mong muốn giúp càng nhiều người học được ngôn ngữ chung này càng tốt nhưng không thực sự thành công, đến nay trên thế giới cũng chỉ có khoảng 5 triệu người sử dụng ngôn ngữ nhân tạo này. Ngay tổ chức Liên Hiệp Quốc cũng không thể thỏa thuận nổi về một ngôn ngữ hành chính chung. Liên minh Châu Âu thậm chí công nhận tới 23 ngôn ngữ của từng nước thành viên là ngôn ngữ chính thức.

Hai nhà khoa học Victor Ginsburgh và Shlomo Weber-một người là chuyên gia về toán kinh tế vốn có tiếng mẹ đẻ là tiếng Suaheli, đã làm việc nhiều năm tại Brüssel, còn người kia khi còn nhỏ chỉ nói tiếng Nga nay giảng dạy tại Dallas và Mátcơva, cho rằng giải pháp tốt nhất có lẽ là đi tìm sự trung dung. Từ nhiều năm nay cả hai nhà khoa học này đã chuyên tâm nghiên cứu về hệ quả kinh tế của sự thống nhất và sự nhiễu loạn về ngôn ngữ – và họ đã tính toán để làm rõ Liên minh Châu Âu cần có bao nhiêu ngôn ngữ là hợp lý.

Thực tế nhiều ngôn ngữ quá thì không tốt, bởi sẽ gây ra sự lãng phí tiền của. Việc có 6909 ngôn ngữ hiện được sử dụng trên thế giới đã hạn chế đáng kể sự hiểu biết lẫn nhau của con người.

Điều này đặc biệt nghiêm trọng đối với một số quốc gia nghèo ở Châu Phi. Tansania có 129 ngôn ngữ, Kamerun 279 và Nigeria có tới 527. Tình trạng này hạn chế sự thịnh vượng của châu Phi như thế nào đã được hai nhà kinh tế phát triển William Easterly và Ross Levine đề cập qua con số thống kê tăng trưởng bình quân trong thời gian từ 1960 đến 1990 của các nước châu Phi mỗi năm chậm hơn 3,5 điểm % so với các nước nghèo ở Đông Á. Easterly và Levine cho rằng trong số đó thì 1,4 điểm % là do nguyên nhân nhiễu loạn ngôn ngữ.

Những người không cùng một ngôn ngữ thì ít giao du với nhau

Hai nhà khoa học Ginsburgh và Weber cho hay, ngay ở Châu Âu sự đa dạng về ngôn ngữ cũng hạn chế sự hiểu biết lẫn nhau, sự thịnh vượng và gây ra lãng phí tiền của, ví dụ như phim phải lồng tiếng, sách phải dịch và qua đó còn làm mất đi phần nào sự duyên dáng ban đầu của chúng. Những người không nói chung cùng một ngôn ngữ thường ít khi làm ăn, trao đổi với nhau. Hiện nay nhiều người Hy Lạp, Tây Ban Nha hay Italia rất muốn đến Đức kiếm việc làm nhưng do ngôn ngữ bất đồng nên điều này là không thể.

Chỉ có một bộ phận nhỏ tham gia học thêm các khóa ngoại ngữ. Cho dù không phải vì mục đích dịch chuyển cuộc sống song biết thêm một ngoại ngữ mang lại lợi ích không nhỏ. Thí dụ nếu một người sống tại một quốc gia Châu Âu thạo tiếng Anh thì lương của họ tăng bình quân từ 5% đến 15%. Tuy nhiên hai nhà nghiên cứu cũng cho thấy sự thống nhất ngôn ngữ không phải là tất cả. Thường ngôn ngữ dễ làm người ta ngộ nhận về sự hiểu biết lẫn nhau, thí dụ người Anh và người Mỹ đôi khi nghĩ về những điều khác nhau nhưng lại dùng cùng một từ. Đối với luận đề sáng như ban ngày này hai tác giả lại không có số liệu để minh chứng mà chỉ trích dẫn một câu nói của triết gia Bertrand Russell: “thật là không may cho tình hữu nghị Anh – Mỹ, khi người ta xuất phát từ một ngôn ngữ chung.”

Các tác giả đã chỉ ra rằng sự đa dạng về văn hóa và đa ngôn ngữ có thể làm cho sự thịnh vượng tăng lên. Ginsburgh và Weber qua các nghiên cứu cho thấy những doanh nghiệp có lợi nhuận cao hơn khi trong doanh nghiệp có nhiều người sử dụng nhiều ngôn ngữ khác nhau cùng làm việc. Về tổng thể điều này vẫn đúng ở một quy mô lớn hơn, chí ít nó đã diễn ở các nền dân chủ phát triển: thí dụ San Francisco, nơi làm ăn rất phát đạt, có một số lượng ngôn ngữ như ở Pakistan. Tuy nhiên Silicon Valley không phải là một trường hợp cá biệt. Một cuộc điều tra ở 12 thành phố lớn của Mỹ cho thấy: ở đâu có nhiều ngôn ngữ khác nhau, ở đó lương cao hơn – có trường hợp cá biệt cao hơn từ 30 đến 40%.

Nhận thức này dẫn đến câu hỏi trong cơ quan hành chính EU cần có bao nhiêu ngôn ngữ là hợp lý. Quá nhiều ngôn ngữ thì tốn kém không ít. Mỗi năm người ta phải chi trên 1 tỷ Euro riêng cho khâu dịch các văn bản, tài liệu sử dụng trong bộ máy hành chính của cơ quan này. Ai muốn đăng ký bản quyền EU phải dịch ra tất cả các ngôn ngữ của EU, riêng khoản này ngốn khoảng 13.600 Euro- tương đương khoản tiền đăng ký bản quyền ở Mỹ cho thời hạn 20 năm. Tuy nhiên nếu loại bỏ một ngôn ngữ nào đó ra khỏi ngôn ngữ chung của EU thì sẽ có một số công dân EU bị loại trừ do không thể tiếp xúc với chính quyền EU vì rào cản ngôn ngữ.

Ginsburgh và Weber, trên cơ sở tính đến trình độ ngoại ngữ, quan niệm của người dân ở các nước thành viên đối với một ngôn ngữ chung của EU (70% dân Ba lan tán thành nhưng trong khi đó ở Bungari lại chỉ có 34% ủng hộ), đã đề xuất đến một nhóm gồm 6 ngôn ngữ hành chính của EU, đó là: tiếng Anh, Pháp, Đức, Italia, Tây Ban Nha và Ba Lan. Vì hai tác giả là những nhà kinh tế nên họ kiến nghị áp dụng cơ chế phân chia khoản tiền tiết kiệm trong khâu dịch thuật cho các nước bị thiệt thòi.

 

Tác giả

(Visited 2 times, 1 visits today)