Bất bình đẳng đa chiều: Ngày một khoét sâu khoảng cách giàu nghèo

Những năm gần đây, Việt Nam có kết quả giảm nghèo rất ấn tượng nhưng đó mới chỉ là kết quả thuần túy dựa vào đo lường thu nhập, tài sản mà chưa tính đến các yếu tố đa chiều như y tế, giáo dục và sự tham gia của người dân vào quá trình ra quyết định chính sách. Vì vậy nghiên cứu bất bình đẳng đa chiều đầu tiên ở Việt Nam, do Viện Nghiên cứu phát triển Mekong và Oxfam thực hiện đã sử dụng khung bất bình đẳng đa chiều (MIF) để đánh giá bất bình đẳng trong phúc lợi cá nhân.


Trẻ em dân tộc thiểu số thường được đầu tư cho giáo dục thấp hơn hẳn so với trẻ em người Kinh. 

Nghiên cứu chỉ ra, đúng là tỉ lệ nghèo đang trên đà giảm nhưng thành tựu đạt được chủ yếu rơi vào các dân tộc đa số (Kinh, Hoa), còn lại các nhóm dân tộc thiểu số (DTTS) đang bị bỏ rất xa, khi tỷ lệ nghèo của DTTS cao hơn dân tộc Kinh gấp 15 lần: 45% người thuộc nhóm DTTS vẫn sống trong nghèo đói. Thậm chí, có vùng “nghèo lõi”, như các dân tộc Hmông, La Hủ, Mảng, Lô Lô có tỷ lệ nghèo cao nhất – lên tới khoảng 80%.

Không chỉ có thiệt thòi về mặt thu nhập, những nhóm ở dưới đáy bao giờ cũng phải chịu các bất bình đẳng khác về thể chất và tinh thần khiến họ khó vươn lên. Điều dễ nhìn thấy nhất là tỉ lệ tử vong ở trẻ dưới một tuổi và tuổi thọ trung bình. Chẳng hạn, Tây Nguyên, vùng có nhiều dân tộc thiểu số nghèo nhất có tỉ lệ tử vong ở trẻ dưới một tuổi cao gấp ba lần so với khu vực phát triển là Đông Nam Bộ và tuổi thọ trung bình ở Tây Nguyên luôn thấp hơn ba năm so với mặt bằng chung của người Việt Nam và ít hơn sáu năm nếu so với một người dân ở vùng Đông Nam Bộ. Thậm chí, các nhóm nghèo và trình độ giáo dục thấp còn luôn có tỉ lệ khuyết tật cao hơn hẳn so với các nhóm còn lại. Nghiên cứu cho thấy nhóm không bằng cấp có tỷ lệ người khuyết tật cao nhất (25%), gấp 7 lần nhóm sở hữu bằng trung học, cao đẳng, đại học hoặc trên đại học. Tương tự, nhóm 20% dân số nghèo nhất có tỷ lệ người khuyết tật cao gấp gần 4 lần nhóm 20% dân số giàu nhất. 
Những sự chênh lệch này không đơn thuần là rủi ro rơi vào các nhóm này mà còn phản ánh một số nguyên nhân có liên quan tới các chính sách hiện nay. Không phải ngẫu nhiên mà người dân các khu vực này gặp nhiều vấn đề về sức khỏe như vậy. Vì họ thường không được tiếp cận với các dịch vụ y tế cơ bản, chẳng hạn những điều kiện tối thiểu như tiếp cận nước sạch và công trình vệ sinh cải tiến hiện vẫn là một thách thức lớn đối với nhóm DTTS và hộ nông thôn, khu vực vùng sâu vùng xa. Nghiên cứu cho thấy, trong khi gần một nửa hộ gia đình dân tộc Kinh có nước máy thì chỉ có 13% hộ DTTS tiếp cận được nguồn nước này. Các nhóm nghèo và ở xa xôi thường cũng không có điều kiện khám chữa bệnh thường xuyên. Chẳng hạn, số lần khám bệnh trung bình hàng năm của một người Kinh có thể cao hơn tới 18 lần so với một người Hmông. Việc tiếp cận cơ sở y tế có chất lượng tiếp tục có sự chênh lệch giữa những nhóm có điều kiện kinh tế-xã hội khác nhau. Và mức chi tiêu hàng năm cho y tế của một người Kinh có thể gấp tới 15 lần một người Hmông. 
Về lâu dài, các nhóm ở dưới đáy càng khó có điều kiện thoát nghèo bởi vì họ đang gặp nhiều khó khăn trong việc tiếp cận giáo dục, đặc biệt là giáo dục trình độ cao. Trẻ em DTTS, trẻ sinh sống ở khu vực Trung du và miền núi phía Bắc, đồng bằng sông Cửu Long và Tây Nguyên, và trẻ thuộc hộ nghèo có thành tích học tập kém hơn hẳn trẻ dân tộc Kinh, trẻ sống ở đồng bằng sông Hồng và trẻ thuộc những hộ gia đình giàu có. Hơn nữa, nghiên cứu cũng thấy mối tương quan rõ ràng giữa điểm số của trẻ và điều kiện kinh tế của gia đình. Chi tiêu cho giáo dục giữa các nhóm thiểu số và đa số cũng rất cách biệt: Chi tiêu cho giáo dục của một học sinh người Kinh gấp bốn lần một học sinh DTTS. 
Từ những bằng chứng cho thấy rõ sự chênh lệch dai dẳng giữa các nhóm giàu/ nghèo, thiểu số và đa số như vậy, nghiên cứu kiến nghị, để giảm bớt tình trạng bất bình đẳng, nhà nước cần thiết kế những chương trình chính sách đặc thù cho các nhóm yếu thế chịu tác động của bất bình đẳng xã hội, cần xem xét những nhu cầu và năng lực tiếp cận đặc thù của những nhóm này. □
 

Tác giả

(Visited 39 times, 1 visits today)