Bắt đầu cuối tuần tại Lebanon

Hôm nay là ngày thứ sáu, tôi đến đón con tôi ra khỏi nội trú vào cuối tuần. Đây là lần đầu tôi đến trường, S. cũng mới vừa vào học có ba tuần lễ. Đây là lần đầu S. xa nhà, trọ học một mình, lại sinh nhật thứ 17, tôi gật gà đường xa để đến đón một week-end.

Ngôi trường rất đẹp, thật sự ra, trên mươi kiến trúc tôi chẳng biết, cái cổ truyền thế kỷ thứ 19, cái vào cuối thập niên 60 thế kỷ 20, nằm soải giữa những rừng thông. Nhìn xuống dưới ở xa là thành phố chập chùng và đột nhiên, mênh mông biển.

Thị trấn miền núi này cũng rất đẹp, khiến vợ tôi nảy ra ý định mua nhà. Tôi chưa thấy vợ tôi có ý định mua nhà nghỉ mát ở đâu, ngoại trừ ở Bora-Bora (Tahiti, Thái Bình Dương thuộc Pháp); nhưng Bora-Bora là một ước muốn, không phải là một dự kiến, dù có xa vời. Tôi thì thực tế, muốn mua nhà ở Carazo, Nicaragua cho hợp túi tiền và kinh tế. Căn nhà đó nằm sát ngay bãi biển ở một làng chài chết tiệt, và giá rẻ hơn (nhiều) là nếu nằm sát ngay bãi biển ở một làng chài Phan Thiết. Tất nhiên là sẽ vắng mùi nước mắm thân thương, nhưng tiền nào của nấy. Ngôi làng này chưa có đường nhựa trải và cả vùng trong  chu vi vài mươi dặm chỉ có được một cái nhà trọ độc nhất xếp hàng nghe đâu là 3 sao với hồ bơi thiếu chlore và quán ăn, thì, hải sản. Nhưng nhà có nước nóng nước lạnh, điện và đường dây phone cố định sắp sửa được kéo đến, tôi chỉ việc bưng một cái chảo vệ tinh là upload-download được Internet. Vườn thì mở ra ngay trên bãi cát bạch kim và nước một màu xanh long lánh. R., đứa con thứ của tôi, đã bảo, cái chái nằm mắc võng này, bố có thể mở tiệm phở.

Tôi bảo đúng rồi, có phở bò, có phở gà, chưa có phở cá. Tôi bắc võng, nhìn ra Thái Bình Dương vạn dặm, bên kia bờ tít mù và xa thẳm là đâu đó Vũng Tàu.

Nhưng giờ thì vợ tôi lại muốn mua nhà trên núi. Thì ở đây cũng gần biển vậy, đập vào mắt tưởng chừng với tới, 10 cây số đường chim bay và 30 cây số ngoằn ngoèo đường núi, 45 phút xe con nếu không tắc đường vào dịp cuối tuần. Thì ở đây đẹp thật, không đẹp hoành tráng như vịnh Cook ở Moorea, không đẹp bình dị như chỗ sông Trà Khúc đổ ra biển ở Quảng Ngãi, có lẽ đẹp như con đường từ Bản Môn Điếm đến Khai Thành ở Bắc Triều Tiên, nơi đã làm R., vốn hờ hững với cảnh vật đã phải thốt “Đây đẹp nhất thế giới.”

Tôi không đồng ý với những thứ nhất nhì, nhưng Brummama thì rất đẹp.

Xe qua khách sạn Bellevue Palace, giờ đã tân trang bóng loáng, xứng đáng với từ “Phủ” hay là “Cung” ở trong tên gọi. Tôi kể lại với S., năm 1982 tại khách sạn này, là nơi tôi gặp người lính Israel đầu tiên. Đó là một anh nhảy dù, thuộc sắc tộc Druze, đứng xếp hàng trật tự sau tôi để mua bánh mì thịt ngay trước cửa ở dưới đường. Anh đeo Galil nòng ngắn và báng xếp, cho nên có muốn giành chỗ để mua trước thì tôi cũng nhường. Chỉ một ngày trước đó, trước khi tôi vượt tuyến, bạn bè tôi còn vờn các anh này ở cửa ngõ Tây Beirut và trong hai tuần liền, tôi lập cập mà rủa thầm mẹ cha địa pháo, không pháo và hải pháo Israel. Mới mấy hôm thôi, thoáng thấy bóng một chiếc trực thăng ở khu vực trung tâm phố cổ (là lằn ranh giới tuyến), dù chỉ là trực thăng vận tải chứ chẳng phải trực thăng võ trang mà tôi đã lặng cả người, nhấc chân lên không nổi để mà còn chạy. Giờ thì nhảy dù ác ôn đeo súng lại đứng ngay ở sau lưng! Nhưng ở đây, anh hiền lành, một nông dân ngây ngô cho dù mũ đỏ và cũng như tôi, thích ăn shawarma và kebob nướng kẹp trong bánh pita. Tôi nấn ná, thấy anh mua 5, 7 ổ cho các bạn đang ngồi đằng kia hút thuốc trên thiết giáp. Là lực lượng chiếm đóng, nhưng anh sòng phẳng, trả bằng tiền Lira địa phương đàng hoàng chứ không phải là Shekel. Đã có ngưng bắn, và Brummama ở cách xa mặt trận, một nơi an lành cho những người tị nạn có phương tiện thanh toán tiền khách sạn. Tôi định bắt chuyện làm quen nhưng nhớ đến vợ tôi có bảo, anh xuống đó mà mua đồ ăn mang lên, em không muốn nhìn mặt mấy thằng xâm lược. Xâm lược thì cũng là người, vào lúc đó tôi không thấy họ khát máu chỉ thấy nhảy dù tùng thiết khát… nước ngọt, anh này còn mang theo lủng lẳng một túi nước cam ga Miranda. Tôi đành liếc anh một cái thân thiện tuy tai tôi còn văng vẳng tiếng hú của bà mẹ Palestine mất con, cô bé tuổi 14 hay 15 người Shia, cầm một cái bọc quần áo hớt hải ở cửa ngõ Beirut, chúng nó chiếm Tyr rồi, chúng nó chiếm Saida rồi, giờ gia đình em tứ tán không biết là sống chết còn ai.

Tôi hỏi S., trong trường ra sao, có bị bạn bè nào trêu chọc. S. nói mọi người đều tốt cả, có ba đứa tối hay vào phòng con ngồi lên giường và hát “S. Do! S. Do! S. Do!” Tôi hỏi mấy thằng đó người gì, S. bảo, người Syria. Tôi nói, 50% vấn đề ở đất nước này là do người Syria gây ra và 50% còn lại là do người Israel. Theo Karl Deutsch, thì một quốc gia là một nhóm người được đoàn kết bởi sai lầm chung về cha ông và nguồn gốc, đồng thời chia xẻ chung sự chẳng ưa các các dân tộc láng giềng.

Nhưng cũng có đứa giúp con làm bài tập tiếng Ả rập vì con sai be bét, thằng đó người Saudi. Tôi nhắc lại, thì con cũng người Saudi và chính gốc Mecca. Nhưng ở đây, S. chỉ thấy nó là người Việt. S. khoe hôm tựu trường, thầy Lý Hoá giới thiệu nó với cả lớp là “Các em may mắn mới có được một bạn học người Việt Nam vì đất nước đó trong chiến tranh đã mất mát rất nhiều nhân mạng.” S. cũng may mắn có được cả một lớp học bạn người Lebanon, trong 15 năm chiến tranh ở đây nếu tính theo tỷ lệ dân số, đã mất mát nhiều hơn là 30 năm chiến tranh Việt Nam.

Xe xuống núi, ngang qua một chỗ đang chữa đường lở lói, bác tài bảo “Abu S.”, nơi này là chỗ đánh  bom chết Gebran Tueni (tháng 12, 2005). Ông Tueni này là nhà báo nổi tiếng và đại biểu Ki tô chống Syria. “Abu S.” là tôi, theo kiểu gọi của người Ả rập, “Bố thằng Tèo,” phụ nữ thì là Oum gì đó, “Bu thằng Tí.” Kiểu gọi này tôi vẫn chưa quen, mỗi lần nghe, tôi vẫn chưa tự hình dung ra chính mình mà thấy một anh nào đó bụng to và râu ria lởm chởm đang ngồi hút điếu cày narguile. Năm 1979, tôi được thấy dấu vết còn mới của xe bom hạ sát Ali Hasan Salameh, lãnh tụ Palestine và nổi tiếng nhờ cô vợ Hoa hậu Hoàn vũ (1971) người Lebanon. Nhưng năm 1979, tôi chưa là Abu gì hết.

Lúc dùng bữa trưa ở Mounir, vợ tôi đã nhắn qua điện thoại từ Cali là anh đừng cho bác tài uống bia, đường xuống núi còn kinh hoàng hơn là lúc lên. Nhưng tôi vừa nghe vậy thì ông đã gọi nhà hàng, còn nhắn gửi lời chào Madame trên máy (tôi nghe vợ tôi được gọi là Madame cũng thấy lạ như là tôi được gọi là Abu S. vậy). Tôi nói người Hồi uống bia là văn minh, đất nước em không phải như người ta tưởng, phụ nữ thì hở rốn và ngậm thuốc ngoài phố, chưa nói đến các Bar đồng tính và các bệnh viện hết giường nằm vì còn đang bận bơm silicon. Mã số bưu điện của Beirut là 90010 (Beverly Hills), ờ thì thỉnh thoảng cũng phải để cho máy bay (Israel) oanh tạc hay người ta (Syria) bom xe một tí để mà còn bản sắc dân tộc chứ.

Rốt cuộc, xe tôi xuống núi an toàn, một chai Almaza hơn một tiếng về trước không đủ làm cho tay lái của bác tài xiêu vẹo và cũng không có ai oanh tạc hay là đánh bom xe. Đánh bom xe thì còn có thể có chứ oanh tạc thì không hề, đây là miền núi Ki tô vô can trong những lục đục giữa Shia miền Nam của Hebzbollah và Israel. Lúc cao điểm nhất trong trận chiến Hè 2006, Israel cũng chỉ đánh có một vựa trái cây ở khu vực Ki tô bởi vì gần biên giới Syria, chắc là lại theo một tin tình báo nông nghiệp nào đó và sát hại 43 người lao động sắc tộc Kurd sang đó để hái mơ. Vả lại chiến tranh chẳng phải là chuyện S. để ý đến, hoạ chăng là chiến tranh ảo của game Metal Gear Solid hay là chiến tranh giữa các hành tinh của nhà Lucas Arts.

Ngày hôm nay, một hôm thứ sáu, là ngày dân cư Beirut đi lên núi cuối tuần nên xe cộ vắng, chiều của chúng tôi lại là chiều ngược lại nên tuyến này chúng tôi qua cái vèo. “Hướng tiến quân ngược chiều chạy loạn,” không có những gia đình gồng gánh, mẹ đội thau, con ôm chậu và đằng sau họ không có những cột khói ngút trời. Giờ là hoà bình, hoà bình tạm thời vì chỉ mới hai năm trước phía Tây nam thành phố đã được không quân Israel chăm sóc kỹ lưỡng nhưng nhà cửa đã được Hebzbollah xây dựng lại chớp nháy trong khi ở phía này, Achrafieh Ki tô vẫn còn, tuy hiếm hoi, những vết đạn của tiền 1990 nằm lỗ chỗ đợi một lớp vôi mới.

 

Đúng ba mươi năm trước là lần đầu tôi đặt chân đến đây, vào thời điểm gọi là “Những cuộc chiến con”, khi còn có mặt đầy đủ hơn 60 vệ binh của bằng ấy các phe phái và các lãnh chúa bé tí với vài trăm, vài mươi tay súng giành giật nhau từng khu phố, con đường. Beirut ngày đó sừng sững hai cao ốc đối diện, Murr và Holiday Inn, từ tầng 20 bên này bắn súng không giật B10 sang tầng 15 của bên kia. Tháp Murr đen xì ngoài phía cảng thì tôi không có đến nhưng khách sạn Holiday Inn tôi còn nhớ, phía mặt đường tức là phần bên dưới vẫn còn sạch sẽ, nhờ được những nhà chung quanh che chở, chỉ khi nào ngước nhìn lên những tầng cao lộ liễu mới thấy tan hoang. Hai cao ốc hơi bị sập này phải đợi đến hết chiến tranh mới bị hòa bình phá sập hoàn toàn, và bây giờ có một Holiday Inn mới trong thành phố, tuy khiêm tốn hơn và chỉ có sáu bảy tầng.

Tôi nói với bác tài, chở tôi đến Tarik-Jedidi.

Mùa hè năm 1982, cuộc nội chiến lằng nhằng giữa các đảng phái, sắc tộc, tôn giáo Lebanon thôi không còn bé bỏng nữa mà vụt lớn như một thiếu nữ dậy thì. Israel đẩy quân vào đến cửa thủ đô, quyết định làm sạch các phong trào giải phóng Palestine đang nương náu ở bên kia biên giới. Mới nghe thì thấy chiến dịch “Hòa bình ở Galilée” này rất là hợp lý vì du kích Palestine quấy phá mỗi ngày nên Israel phải ra tay tự vệ và xâm lấn các căn cứ kháng chiến đặt tại Lebanon. Nhưng giờ xin đặt câu hỏi với thí sinh hoa hậu nhé, tại sao lại có du kích PalestineLebanon? Thưa tại vì đất nước họ là Palestine đã bị Israel chiếm đóng và tống cổ họ ra ngoài, chứ thực ra có ai muốn sang hàng xóm mà tá túc để thỉnh thoảng bắn vài quả tên lửa về nhà cũ của mình cho đỡ nhớ. Chiến dịch “Hòa bình ở Galilée” hùng dũng, dồn liên quân Palestine-Phong trào quốc gia Lebanon vào phía Tây Beirut, trong khi đồng minh của Israel là các lực luợng Ki tô Lebanon hữu khuynh trấn mặt phía Đông.

Đây là những ngày hỗn loạn, chủ tịch PLO là ông Arafat chưa đến nỗi phải cạo râu như là Tào Tháo nhưng mỗi ngày mỗi đổi chỗ ở, lẫn mình trong các hộ dân cư. Một bận ông đến một căn nhà tập thể tại Tarik-Jedidi để qua đêm. Cơ quan tình báo giỏi nhất thế giới biết được và khi trời sắp sáng, máy bay Israel đánh căn nhà này bằng một quả bom khôn loại nặng ký, làm sập cả năm tầng. Đây là tôi nghe nói thế, chẳng hiểu Israel có thật sự cố ý, vì giết Arafat thì sau này lấy ai ra mà nhận giải Nobel hòa bình với lại Thủ tướng Begin đây? Quả bom này và vị lãnh tụ không có duyên, ông Arafat đã chuyển đi nơi khác nhưng nếu không chết ông thì rốt cục cũng vẫn chết người.

Tôi đến đó khi trời đã sáng, cứu thương của dân phòng đang tay không đào bới gạch vữa ngổn ngang. Khi nghe tiếng gào của một phụ nữ thấy xác chồng xác con hay là xác cha xác mẹ gì đó thì tôi bỏ ra một góc, nói với vợ tôi là từ giờ trở đi tôi thề sẽ chỉ chụp hình người mẫu áo tắm, đàn bà khỏa thân để cho mát con mắt chứ những cảnh như trên tôi chán lắm, chẳng muốn nhìn. Đó là 26 năm về trước và lời thề độc này, tức là dí ông kính vào đàn bà dạng háng, tôi vẫn chưa được toại nguyện hoàn toàn.

26 năm đối với S. là thuộc thời tiền sử. Giờ S. ngồi ngủ gật gà ở băng sau. “Thằng này cứ lên xe là ngủ, đường lên núi cũng ngủ mà đường xuống núi cũng ngủ”, bác tài nói. Tôi lay S. dậy, cả thành phố này từ 26 năm nay, chỉ có tòa nhà bị đánh bom này vẫn được duy trì ở trạng thái cũ. Người chủ miếng đất ở Kuwait từ đó vẫn không xây dựng lại, bỏ mặc đó để trơ gan cùng tuế nguyệt. TD là một khu bình dân gia cư và buôn bán, kiểu như là khu vực chợ Tân Định, lúc nhúc xe và các cửa hàng bắt đầu lên đèn. Đây có khác khu trung tâm phố hay là đại lộ Hamra, phụ nữ bắt đầu thấy quấn khăn che tóc lác đác, có người khăn đen nhưng cũng có khăn màu mè đủ kiểu như là đi dự thi Duyên dáng Lebanon. Phía dưới bên kia là Dahieh, do Hezbollah âm thầm kiểm soát không kèn không trống, không bích chương biểu ngữ dán tường nhưng vẫn hết sức là đắc lực. Tôi kéo S. ra khỏi xe để nó được xem di tích này, khung trời kỷ niệm của bố mẹ.

Ngôi nhà bị đánh thì vẫn còn, một bãi đất trống rong rêu trong khi những căn được chừa thì lại đã biến mất, hay đúng hơn là đã biến dạng. Beirut đang tiến vào thời kỳ văn minh mặt tiền để hòa nhập với…Việt Nam? Tầng trệt trên phố trước đây là các hộ gia cư giờ đua nhau buôn bán xanh đỏ. Bác tài, vệ binh Sunni vào thời chiến vẫn còn những ám ảnh cũ khi thấy tôi cầm máy ảnh “Đây không phải là khu vực của mình”. Ông thật ra cũng không phải là lo xa, mới đây còn đụng độ võ trang giữa các phe trên phố, nên giờ người lạ đi lạc và chụp hình thì bị bắt giữ và tra hỏi cũng nên. Đêm đã xuống, tôi kéo S. đi thăm rất nhanh, trong năm mười phút lóe lên vài ánh flash. “No good, no good” bác tài lẩm bẩm, chúng tôi lên xe trở lại rồi ông vẫn chưa an tâm cho đến khi trở về khu vực mà ông cho là của “phe ta” cách đó có mấy con đường.

Khó vượt hay đúng hơn là chậm vượt và làm giao thông gián đoạn là những khúc đường bắt xe chạy chữ chi, đầu này và đầu kia án một cái thiết giáp. Đây là những khu vực an ninh cao cấp, công sở, đồn binh hay là đơn giản, nơi ngụ của các nhân vật VIP phải lo cho tính mạng. Một phần là nhà cửa (thường xuyên bỏ trống) của các Vương Saudi hay vùng Vịnh sang đây thư giãn và hưởng thụ vài ngày những thứ mà họ nghiêm khắc cấm tại xứ họ cầm quyền. Nhưng họ có mặt hay là không trong những căn hộ này thì ngoài đường xe vẫn phải chạy chậm khiến vợ tôi đã có bận chì chiết “Quân đội gì mà chỉ lo gác nhà ông lớn, đến lúc Israel xâm lăng sao không thấy xuống mà gác tuyến miền Nam!”

Phụ nữ mà chì chiết thì… kinh lắm, nhưng trong trường hợp này vợ tôi vẫn còn rộng lượng. Khi Hebzbollah vừa rồi ra oai trong hai ngày đã kiểm soát cả khu vực Hồi Sunni, đóng quân quanh nhà lãnh tụ Hariri trong khi quân đội biến đâu  mất khiến họ phải lịch sự mà mời quân đội trở lại giữ an ninh. Kể thì cũng tội cho biểu tượng của quốc gia thống nhất này. Quân đội là gồm đủ thành phần nhưng nếu có nội chiến trở lại thì chỉ trong một ngày các đơn vị sẽ tan rã theo chiều hướng giáo phái và đảng phái. Tôi lấy thí dụ cái thiết giáp đang lù lù bên bờ biển ở Verdum trong khi chiều lại lẳng lặng nhuộm tím Địa Trung đây. Anh tài xế thiết giáp người Shia sẽ lái nó về một hướng, xạ thủ đại liên người Sunni ngồi trên pháo tháp sẽ nổ súng về một hướng khác và Trưởng xa Ki tô Maronite sẽ nhảy xuống để đi bộ về một hướng thứ ba. Ai cũng biết thế cho nên ở nơi khác nếu chiến tranh bùng bổ thì người ta lo bảo vệ và di tản em bé, người già; ở Lebanon, mọi người cuống cuồng lo di tản và bảo vệ quân đội quốc gia vì nó là cái sẽ vỡ tan đầu tiên sau phát súng thứ ba. Biểu tượng bao giờ cũng có cái giá của nó và cái giá của Quân đội Quốc gia tại Lebanon là cản trở lưu thông.

Tôi hỏi S. có muốn đi ăn phở tại Intercontinental Phoenicia nhưng ở đầu máy trả lời là nhà hàng Indochine (Vietnamese French Cuisine) tiệm ăn Việt Nam duy nhất ở Lebanon đã đóng cửa, thay thế bởi nhà hàng Wok-Wok Trung Quốc. Giờ còn L’Éléphant Bleu cơm Thái tại khách sạn StarRocks hay là trên Hamra “chiều hướng” một nhà hàng Á đông (Asian Fusion) mới có mặt và mang tên Chopsticks. S. rất lơ là chuyện ăn uống, tôi phải khích là chắc ngon ngang với lại Panda Express ở Mỹ.

Ở Hamra, mình đi bộ ra được, tôi nói với S., đỡ phải bị thiết giáp cản đường.

Tác giả

(Visited 1 times, 1 visits today)