Bất đồng “ngôn ngữ” giữa ngân hàng và doanh nghiệp nhỏ và vừa
Vì sao hơn một nửa các doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) của Việt Nam không thể tiếp cận vốn ngân hàng?
Trong diễn đàn “Giải pháp thúc đẩy các nguồn vốn cho DNNVV” do Báo Diễn đàn Doanh nghiệp tổ chức gần đây, anh Nguyễn Thành Lâm, chủ một trang trại trồng bưởi Diễn ở Bắc Từ Liêm cho biết, mặc dù là một trong năm người có dự án đã được thẩm định bởi Đoàn Thanh Niên, UBND xã và sở Kế hoạch & Đầu tư để đề xuất vay vốn một tỉ đồng lên Ngân hàng chính sách. Tuy nhiên, ngân hàng không đồng ý cho anh vay bởi anh không có tài sản đảm bảo (cây và nhà kính của anh không được tính là tài sản đảm bảo).
Ở Việt Nam 60% DNNVV hiện nay chưa tiếp cận được nguồn vốn từ hệ thống các ngân hàng, theo TS. Vũ Tiến Lộc – Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) mặc dù những người chủ dự án đa phần là những người trẻ, sinh viên rất cần bệ đỡ nguồn vốn. Điều này tại càng khó khăn với các doanh nghiệp nông nghiệp khi không có nhà xưởng, thiết bị để thế chấp.
Giải thích cho tình trạng này, TS. Vũ Tiến Lộc cho rằng một trong những lí do quan trọng là do các thiết chế tài chính của ngân hàng “chưa chấp nhận rủi ro”, “cho vay bằng hình thức thế chấp tài sản vẫn chiếm lớn, cho vay căn cứ vào sản xuất kinh doanh chưa trở thành cơ chế, chưa trở thành văn hoá tín dụng ở nước ta. Vậy làm sao thúc đẩy khởi nghiệp sáng tạo?”
Ông Vũ Tiến Lộc phát biểu tại hội nghị
Tuy nhiên, việc tiếp cận vốn không chỉ nằm ở phía ngân hàng mà còn nằm ở cả khối doanh nghiệp. Trên thực tế, đã có một số ít ngân hàng thay đổi “khẩu vị rủi ro”. Bà Trần Thu Trang – Phó giám đốc Trung tâm Khách hàng DNVVN, Ngân hàng Viettinbank xác định doanh nghiệp vừa và nhỏ là khách hàng chiến lược: “Vietinbank đã nhận thức rõ được vai trò của DNNVV trong nền kinh tế và trong chiến lược phát triển của mình, vì vậy Vietinbank đã xây dựng giải pháp toàn diện cho các DNNVV khó khăn mà doanh nghiệp gặp phải”. Bà Trang chia sẻ Vietinbank đã thay đổi “khẩu vị rủi ro” từ cho vay có tài sản đảm bảo sang cho vay có một phần tài sản đảm bảo và cả cho vay không có tài sản đảm bảo, cùng với đó là các chương trình sản phẩm phù hợp với nguồn vốn tư nhân, gia đình thường thấy ở doanh nghiệp vừa và nhỏ. Cùng chung quan điểm này, ông Cấn Văn Lực – chuyên viên kinh tế trưởng BIDV cho biết ngân hàng này rất mong muốn có khách hàng DNNVV tốt với các dự án khả thi. Nhưng dường như cả hai ngân hàng này vẫn “chật vật” tìm những doanh nghiệp phù hợp với “khẩu vị mới”.
Bà Nguyễn Thị Hiền – Phó Viện trưởng Viện chiến lược Ngân hàng) cho rằng doanh nghiệp SMEs nếu không có tài sản thế chấp thì cần có sự minh bạch về tài chính, tổ chức, có kế hoạch kinh doanh rõ ràng.
Rào cản lớn nhất giữa DNNVV và ngân hàng, theo TS. Vũ Đình Ánh – chuyên gia tài chính, là doanh nghiệp không có “ngôn ngữ” tài chính và tiền tệ mà mới chỉ quan tâm việc sản xuất cái gì, cho ai; trong khi ngân hàng lại cần báo cáo, kế hoạch tài chính, quản lý dòng tiền. Dựa vào tình hình công bố lãi “đậm” nửa đầu 2018 của các Ngân hàng thương mại, với nhiều ngân hàng công bố lãi nghìn tỷ, kết quả khả quan trên mọi mặt hoạt động từ huy động vốn, tăng trưởng tín dụng, chất lượng tín dụng, kinh doanh dịch vụ… ông cho rằng Ngân hàng thương mại hiện nay không cần DNNVV và hướng giải quyết nằm ở các doanh nghiệp; DNNVV muốn tiếp cận vốn ngân hàng cần trang bị “ngôn ngữ” và tư duy tài chính, nếu không vấn đề nguồn vốn sẽ tiếp tục bế tắc.