Bầu cử Mỹ và sự thay đổi tương quan quyền lực nhà nước – đại chúng
“Hiện tượng” Donald Trump - một người theo chủ nghĩa dân túy, kỳ lạ, có nhiều scandal - trở thành ứng viên tổng thống trong mùa bầu cử 2016 ở Mỹ là một trong những biểu hiện cho thấy tương quan quyền lực giữa nhà nước và đại chúng đang thay đổi.
Từ trái qua: Ông Vũ Tú Thành, GS. TS Nguyễn Đăng Dung và MC – ông Nguyễn Cảnh Bình (Chủ tịch HĐQT Công ty CP Sách Alpha)
Đó là một trong những phân tích chính của các diễn giả, ông Vũ Tú Thành (Phó giám đốc điều hành khu vực ASEAN của Hội đồng kinh doanh Mỹ – ASEAN), GS.TS Nguyễn Đăng Dung (Nguyên Trưởng Bộ môn Luật hành chính hiến pháp, khoa Luật, ĐH Quốc gia Hà Nội) tại buổi nói chuyện “Từ Hiến pháp đến bầu cử, chính sách và nền chính trị Hoa Kỳ” do Tia Sáng kết hợp với Alphabooks tổ chức chiều 5/11 tại Hà Nội.
Ông Vũ Tú Thành lý giải nguyên nhân trực tiếp khiến Donald Trump nhận được sự ủng hộ của đông đảo người dân. Theo ông, trong suốt lịch sử bầu cử ở Mỹ, có nhiều cử tri bị gạt ra bên lề và luôn cảm thấy không được giới chính trị lắng nghe. Còn Donald Trump lại “thẳng thắn một cách không giữ kẽ”, “gãi đúng chỗ ngứa” khi nói đúng tâm tư nguyện vọng của những cử tri đó.
Mặt khác, theo ông Vũ Tú Thành, nguyên nhân sâu xa dẫn tới điều đó, là vì sự thay đổi của tương quan quyền lực giữa nhà nước và đại chúng ở nước Mỹ và trên quy mô toàn cầu. Từ sau Chiến tranh thế giới thứ hai, uy tín của quyền lực nhà nước đang bị suy giảm mạnh. Khoảng cách giữa giới nắm quyền lực nhà nước và đại chúng ngày càng bị thu hẹp do tương tác qua mạng xã hội, việc minh bạch công khai nhiều “sự thật” về các vấn đề của giới cầm quyền càng khiến người dân chán nản nhà nước… Thậm chí, xu hướng chống lại nhà nước ngày càng phổ biến, có thể thấy rõ điều đó qua các sự kiện như Brexit ở Anh hoặc ngay tại Philippines và các nước Đông Nam Á khác. Trong bối cảnh đó, những người càng đi ngược lại với chuẩn mực của một chính khách thông thường, nói thẳng, nói thật sẽ nhận được sự ủng hộ của đông đảo đại chúng.
Ngoài ra, ông Vũ Tú Thành và GS.TS Nguyễn Đăng Dung cũng giải đáp những thắc mắc của nhiều cử tọa xung quanh việc các ứng viên tổng thống Mỹ phản đối hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương TPP và nước Mỹ sẽ có thái độ như thế nào với hiệp định này trong tương lai. Theo GS.TS Nguyễn Đăng Dung, không cần phải lo lắng khi Donald Trump hoặc ứng viên khác phản đối các hiệp định thương mại tự do, vì “nước Mỹ có cả một hệ thống chặt chẽ để kiềm chế và không cho phép tổng thống thực hiện những điều bất hợp lý”. Còn ông Vũ Tú Thành cho rằng, “Tự do thương mại là cuộc chơi của các tập đoàn đa quốc gia chứ không phải của chính trị. Nước Mỹ mạnh được là vì họ viết ra luật chơi cho kinh tế toàn cầu, và các sáng kiến về tự do thương mại toàn cầu đều là do Mỹ viết luật chơi. Mỹ chưa bao giờ không thông qua một hiệp định thương mại tự do mà họ đề xuất”.
Trong buổi nói chuyện này, các diễn giả cũng đã giới thiệu nguồn gốc của Hiến pháp Mỹ và hệ thống bầu cử Tổng thống (Đại cử tri, hệ thống lưỡng Đảng, bầu cử sơ bộ, các bang chiến trường…); chiến lược tranh cử của các ứng viên tổng thống, Donald Trump – Đảng Cộng hòa và Hillary Clinton – Đảng Dân chủ và giải đáp nhiều thắc mắc khác của cử toạ xung quanh tác động của cuộc bầu cử đến kinh tế chính trị trên thế giới và Việt Nam.