Bệnh sốt rét là hiểm họa ở Việt Nam cách đây 7.000 năm

Một nghiên cứu khảo cổ sinh học mới đây do PGS.TS Nguyễn Lân Cường, TS Nguyễn Thị Mai Hương, TS Trịnh Hoàng Hiệp… (Viện Khảo cổ học, Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam) cùng các đồng nghiệp quốc tế đã đề xuất một cách giải thích mới về sốt rét, căn bệnh được cho là đã đe dọa dân cư Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam, từ hơn 7.000 năm trước, sớm hơn thời điểm con người bắt đầu làm nông nghiệp.


Cán bộ y tế xã Yên Thuận (Hàm Yên, Tuyên Quang) tuyên truyền về phòng, chống sốt rét cho người dân. Nguồn: Báo Tuyên Quang

Tác giả chính của nghiên cứu, TS Melandri Vlok thuộc Khoa Giải phẫu, Đại học Otago, cho biết nhóm nghiên cứu đã công bố phát hiện này trên tạp chí Scientific Reports. Nghiên cứu có thể sẽ làm thay đổi hiểu biết của chúng ta về mối quan hệ giữa con người với sốt rét, một trong những căn bệnh nguy hiểm nhất thế giới. “Nghiên cứu này cung cấp nền tảng kiến thức mới về sự tiến hóa của bệnh sốt rét trong lịch sử loài người. Đây là một thành tựu tuyệt vời của cả nhóm”, TS Vlok chia sẻ. 

Dù sốt rét không xuất hiện trong các hồ sơ khảo cổ, nhưng căn bệnh này đã thay đổi lịch sử tiến hóa của các nhóm người, gây ra những hậu quả có thể kiểm chứng trong các bộ xương thời tiền sử. Một số đột biến gene nhất định có thể dẫn đến sự di truyền bệnh tan máu bẩm sinh (Thalassemia) ở mức độ nhẹ – khác với mức độ thông thường của nó, đây được xem là một phản ứng thích ứng với căn bệnh sốt rét ở những vùng này. 

Ngược dòng quá khứ, các gene gây bệnh sốt rét ngày càng phổ biến ở khu vực Đông Nam Á và Thái Bình Dương, nơi nó vẫn là một mối đe dọa cho đến hiện tại, nhưng đến nay các nhà khoa học vẫn chưa xác định được chính xác nguồn gốc của căn bệnh này. Nghiên cứu này đã xác định được bệnh tan máu bẩm sinh tại một địa điểm khảo cổ thời săn bắn hái lượm cổ đại của Việt Nam, có niên đại khoảng 7.000 năm trước – sớm hơn thời kỳ các nhóm người trong khu vực chuyển sang làm nông nghiệp hàng nghìn năm. 

Ở một số nơi trên thế giới, hoạt động đốt phá rừng làm nương rẫy trong nông nghiệp sẽ tạo ra những vũng nước đọng, thu hút loài muỗi mang bệnh sốt rét. Nhưng ở Đông Nam Á, những con muỗi này là các ‘cư dân’ phổ biến trong rừng, lây truyền bệnh cho con người từ rất lâu trước khi họ bắt đầu làm nông nghiệp.

Nghiên cứu về sự thích nghi tiến hóa của người săn bắt – hái lượm và người nông dân đối với bệnh sốt rét thông qua bệnh tan máu bẩm sinh từ 7.000 năm trước ở Đông Nam Á, là kết quả của những nỗ lực trong nhiều năm điều tra của nhóm các nhà nghiên cứu gồm các nhà khoa học từ Đại học Otago, Đại học Quốc gia Úc (ANU), Đại học James Cook, Viện Khảo cổ học Việt Nam và Đại học Y Sapporo do GS Marc Oxenham (hiện đang làm việc tại Đại học Aberdeen) đứng đầu.

Đây là nghiên cứu đầu tiên về vấn đề này sử dụng kỹ thuật kính hiển vi điện tử để quan sát những thay đổi trong bộ xương nhằm xác định bệnh tan máu bẩm sinh. Vào năm 2015, GS Hallie Buckley của Đại học Otago nhận thấy những thay đổi trong xương của người săn bắt – hái lượm, điều này khiến bà nghi ngờ rằng bệnh tan máu bẩm sinh chính là nguyên nhân. Nhưng vì chất lượng bảo quản mẫu vật quá kém nên bà không thể khẳng định chắc chắn sự nghi ngờ của mình. GS Buckley đã liên hệ với TS Justyna Miszkiewicz – một chuyên gia về xương dưới kính hiển vi thuộc ANU – đến để kiểm chứng. Dưới kính hiển vi, các mẫu vật cổ ở Việt Nam đã cho thấy bằng chứng về độ xốp bất thường, phản ánh biến chứng về xương ngày nay ở bệnh nhân tan máu bẩm sinh. 

Đồng thời, TS Vlok đã phát hiện ra những thay đổi trong xương được khai quật tại Mán Bạc, một địa điểm làm nông nghiệp có niên đại 4000 năm, nay thuộc huyện Yên Mô, tỉnh Ninh Bình, gần Cồn Cổ Ngựa, một địa điểm săn bắn – hái lượm có niên đại 7000 năm, nay thuộc huyện Hà Trung, tỉnh Thanh Hóa. Nghiên cứu kết hợp này cho thấy một lịch sử lâu dài về những thay đổi trong quá trình tiến hóa của con người trước căn bệnh sốt rét ở Đông Nam Á, và nó vẫn tiếp tục cho đến ngày nay. 
“Vào khoảnh khắc các mảnh ghép của bức tranh được ghép lại với nhau, chúng tôi đã vô cùng kinh ngạc khi nhận ra rằng bệnh sốt rét đã xuất hiện và trở thành một mối nguy với các nhóm người từ cách đây rất lâu rồi, và sớm hơn rất nhiều so với những gì chúng ta từng biết”, TS Vlok cho biết. □

Anh Thư dịch
Nguồn: https://phys.org/news/2021-03-malaria-devastating-humans-earlier.html

Tác giả

(Visited 3 times, 1 visits today)