Biến đổi khí hậu tác động tiêu cực đến thị trường dệt may

Nắng nóng cực độ và lũ lụt đang đe dọa các trung tâm may mặc quốc tế quan trọng, trong đó bốn quốc gia quan trọng đóng vai trò công xưởng may mặc đang phải đối mặt với nguy cơ mất 1 triệu việc làm và giảm nguồn thu khoảng 65 tỷ USD vào năm 2030, theo hai báo cáo mới do Viện Lao động toàn cầu (GLI), Cornell và Schroders, một công ty quản lý tài sản đa quốc gia, công bố ngày 13/9 vừa qua.


Các báo cáo với tiêu đề “Vùng đất cao hơn?” đã phân tích cách người lao động và ngành may mặc ứng phó với biến đổi khí hậu. 

Báo cáo đầu tiên tập trung vào phân tích 32 trung tâm sản xuất hàng may mặc dễ bị ảnh hưởng bởi nắng nóng và lũ lụt do biến đổi khí hậu còn báo cáo thứ hai tập trung vào sáu thương hiệu ở các quốc gia sản xuất hàng may mặc lớn là Việt Nam, Bangladesh, Campuchia, Pakistan, bốn quốc gia đang là trung tâm sản xuất, tập trung tới 10.000 nhà máy may mặc và giày dép, sử dụng 10,6 triệu công nhân.

Các phân tích từ các báo cáo, dựa trên các mô hình khí hậu dự báo tác động của nắng nóng và lũ lụt cho thấy Việt Nam, Bangladesh, Campuchia, Pakistan đang sản xuất 18% kim ngạch xuất khẩu hàng may mặc toàn cầu, sẽ giảm 22% nguồn thu từ xuất khẩu hàng may mặc vào năm 2030 (tương đương với mất 65 tỷ USD), cùng với việc mất tới gần 1 triệu việc làm mới, do tăng trưởng chậm hơn.

Với các kịch bản biến đổi khí hậu gia tăng, đến năm 2050, nguồn thu từ dệt may của bốn quốc gia có thể giảm đến giảm 68,8% và mất 8,6 triệu việc làm.

Báo cáo cũng cảnh báo xu hướng các thương hiệu thời trang và nhà bán lẻ chuyển nguồn cung ứng ra khỏi khu vực dễ bị ảnh hưởng bởi khí hậu. Nhìn chung, sau khi phân tích tác động của biến đổi khí hậu đến các nhà sản xuất may mặc, các báo cáo đánh giá có các xu hướng chính: Một là năng suất sản xuất bị ảnh hưởng do biến đổi khí hậu mà sẽ không có biện pháp nào khả thi để ứng phó; hai là các thương hiệu có thể sẽ điều chỉnh cơ sở vật chất để giảm bớt tác động của nắng nóng và lũ lụt; ba là di chuyển địa điểm sản xuất đến các khu vực ít bị ảnh hưởng hơn trong các quốc gia hiện đang cung ứng dịch vụ; cuối cùng là có thể di chuyển địa điểm sản xuất sang hẳn các quốc gia trong khu vực khác ít chịu rủi ro do biến đổi khí hậu. 

Sản xuất dệt may là nguyên nhân gây ra khoảng 20% lượng ô nhiễm nước sạch toàn cầu từ quá trình nhuộm và hoàn thiện sản phẩm, phát thải 10% tổng lượng khí thải carbon toàn cầu. Tuy nhiên, dù hứa hẹn sẽ giảm thiểu tác động đến môi trường (như sử dụng vải tái chế và giảm sử dụng nước) nhưng hầu hết ngành dệt may lại bỏ qua những tác động của biến đổi khí hậu đến chính người lao động, cộng đồng và các ngành sản xuất hàng may mặc trên thế giới.

Jason Judd, Giám đốc điều hành của GLI cho biết báo cáo này tập trung vào phân tích những rủi ro trong thời trang vẫn chưa được giảm thiểu. “Sức khỏe và thu nhập của người lao động sẽ còn bị đe dọa nghiêm trọng hơn và ngành công nghiệp này sẽ phải đối mặt với những tổn thất lâu dài”. 

Báo cáo đã đưa ra những khuyến nghị cho các nước sản xuất hàng may mặc lớn, bao gồm xây dựng các chính sách nghỉ phép có lương (người lao động nghỉ phép và vẫn được trả lương theo quy định trong hợp đồng), cho phép người lao động có quyền từ chối làm công việc khi thấy rõ có nguy cơ xảy ra tai nạn lao động, có quyền được nghỉ ngơi và uống nước; cũng như tiến hành các biện pháp cần thiết khác giúp bảo vệ người lao động. 

Bên cạnh đó, nhà quản lý cần bổ sung các thỏa thuận ràng buộc, thúc đẩy quan hệ hợp tác giữa các thương hiệu, nhà sản xuất, người sử dụng lao động, công đoàn và chính phủ để tìm ra phương án giải quyết trong bối cảnh nắng nóng và lũ lụt.

Angus Bauer, người đứng đầu bộ phận nghiên cứu đầu tư bền vững tại Schroders, cho biết báo cáo là lời cảnh báo đến các quốc gia, rằng họ cần phải hành động ngay từ bây giờ. “Các nhà đầu tư phải bắt đầu hợp tác với các công ty may mặc và các bên liên quan để đo lường và giải quyết tác động của biến đổi khí hậu đối với người lao động và mô hình kinh doanh”, Bauer nói. □

  Bảo Như – Hà Trang 

Tác giả

(Visited 38 times, 1 visits today)