Bộ trưởng Chu Ngọc Anh: Chủ động nắm bắt cơ hội và ứng phó trong CMCN4.0
Trong làn sóng “những ai muốn thành công đều cần tận dụng lợi thế của CMCN 4.0”, như nhận định của Chủ tịch WEF ASEAN Klaus Schwab, đối với Việt Nam và ASEAN, Bộ trưởng KH&CN Chu Ngọc Anh cũng cho rằng, xác định cơ hội và thách thức trong bối cảnh cuộc CMCN 4.0 là con đường nhanh và hiệu quả để lựa chọn những giải pháp quốc gia tạo bước phát triển đột phá, rút ngắn khoảng cách về trình độ phát triển với các nước trên thế giới.
GS Klaus Schwab nhận định cuộc CMCN4.0 sẽ định nghĩa lại thế giới. Ảnh: Ngũ Hiệp.
Đó là những phát biểu chính khơi mở Diễn đàn mở: “ASEAN 4.0 cho tất cả? Làm thế nào để các doanh nghiệp khởi nghiệp có thể tranh thủ các cơ hội trong Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư”, sự kiện quan trọng đầu tiên trong khuôn khổ Hội nghị Diễn đàn Kinh tế thế giới về ASEAN (WEF ASEAN) 2018.
Cuộc cách mạng định hình lại thế giới
Phát biểu mở màn sự kiện, Chủ tịch WEF, GS. Klaus Schwab cho rằng so với cuộc Cách mạng Công nghiệp lần thứ Ba, CMCN 4.0 toàn diện hơn, với những công nghệ mới như trí thông minh nhân tạo, mạng lưới vạn vật kết nối, robot… “sẽ định hình lại phương cách sản xuất, hình thức tiêu thụ, cách thức chúng ta giao tiếp, thậm chí là cách chúng ta sống…” Là một trong những nhà kinh tế học đi tiên phong, dành nhiều thời gian nghiên cứu về CMCN4.0, ông khẳng định, “CMCN 4.0 sẽ ảnh hưởng tới không chỉ cách con người làm việc như thế nào, mà còn định nghĩa lại xem chúng ta là ai”.
Đặc điểm nổi bật của cuộc CMCN 4.0 này là tốc độ – có những công nghệ mà vài năm trước tưởng chừng như bất khả thi, thì chỉ vài năm sau đã trở thành hiện thực. Do đó, theo ông, những ai muốn thành công trong tương lai cần tận dụng lợi thế đến từ cuộc CMCN 4.0. Mà yếu tố quan trọng nhất để chuẩn bị cho cuộc cách mạng này là xây dựng một xã hội cởi mở, chào đón sự thay đổi, đồng thời chuẩn bị kỹ càng cho những gì sắp tới.
Bộ trưởng Bộ KH&CN Chu Ngọc Anh cho biết, Chính phủ Việt Nam đã chủ động tăng cường năng lực tiếp cận CMCN4.0. Ảnh: Ngũ Hiệp.
Chủ động ứng phó với các tác động
Đồng tình với GS Klaus Schwab, Bộ trưởng Bộ Chu Ngọc Anh cho rằng, khi CMCN4.0 đang làm thay đổi sâu sắc đời sống xã hội, thì chúng ta cũng chứng kiến xu hướng tăng cường hợp tác, liên kết kinh tế quốc tế dựa trên sự phát triển của KH&CN và đổi mới sáng tạo. Trong bối cảnh đó, “đối với Việt Nam cũng như các nước ASEAN, việc tiếp cận tầm nhìn chiến lược, xác định cơ hội và thách thức trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư là con đường nhanh và hiệu quả để lựa chọn những định hướng, giải pháp quốc gia tạo bước phát triển đột phá, rút ngắn khoảng cách về trình độ phát triển với các nước trên thế giới. Ở đó, cũng tạo ra cơ hội cho giới trẻ ASEAN phát huy năng lực trí tuệ, sáng tạo để biến thách thức thành thời cơ, chuyển hóa ý tưởng thành sản phẩm và gặt hái thành công trong quá trình khởi nghiệp đổi mới sáng tạo”, Bộ trưởng Chu Ngọc Anh nói.
Ông cũng cho biết, để chuẩn bị cho cuộc CMCN.40, thời gian vừa qua, Chính phủ Việt Nam đã chủ động tăng cường năng lực tiếp cận cuộc cách mạng lần thứ tư. Chính phủ Việt Nam đang xây dựng Chiến lược khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo tầm nhìn đến năm 2035; kịch bản cách mạng công nghiệp lần thứ tư cho Việt Nam. Việt Nam đã xác định doanh nghiệp, trong đó có doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, là đối tượng trung tâm của nền kinh tế; KH&CN và đổi mới sáng tạo là động lực phục vụ tăng trưởng kinh tế và phát triển bền vững. Đến nay, Việt Nam đã cơ bản hình thành, phát triển được hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia, bước đầu thu hút được một số nguồn lực phát triển trong nước và quốc tế; đã thiết lập một số hành động dựa trên tiềm lực quốc gia để nắm bắt cơ hội và chủ động ứng phó với các tác động của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư.
Trong quá trình xây dựng và triển khai các chiến lược, kế hoạch hành động của mình, Việt Nam luôn mong muốn được hợp tác và đồng hành cùng với WEF và các nước ASEAN, sẵn sàng kết nối các doanh nghiệp, các nguồn lực về khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo trong nước với mạng lưới hỗ trợ đổi mới sáng tạo trong toàn ASEAN và trên toàn thế giới.
Ông đề xuất Hội nghị WEF ASEAN 2018 tập trung thảo luận những ý tưởng, sáng kiến nhằm thúc đẩy hợp tác giữa các nước ASEAN và các đối tác toàn cầu để đưa khu vực Đông Nam Á thực sự trở thành trung tâm khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, chủ động kiến tạo, làm chủ và khai thác hiệu quả các thành tựu của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư góp phần xây dựng nền kinh tế, xã hội các quốc gia ASEAN ngày càng trở nên thông minh, hiệu quả hơn.
Nguồn tin: Lê Tuyết, Trung tâm truyền thông KH&CN.