Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt: Tháo gỡ vướng mắc tài chính và thúc đẩy liên kết trường, viện bằng cơ chế, chính sách mới

Trong hai phiên chất vấn và trả lời chất vấn Quốc hội, diễn ra vào ngày 7 và 8/11/2023, trước câu hỏi của các đại biểu Quốc hội về sự gắn kết giữa nghiên cứu khoa học của các trường, viện với nhu cầu của địa phương, thúc đẩy chuyển giao công nghệ cho doanh nghiệp cũng như việc giảm thiểu chứng từ, hóa đơn của nhà khoa học khi thực hiện các nhiệm vụ KH&CN do nhà nước tài trợ, Bộ trưởng Bộ KH&CN Huỳnh Thành Đạt cho rằng, Bộ KH&CN đang phối hợp với Bộ Tài chính và các cơ quan có liên quan để soạn thảo những văn bản mới để góp phần tháo gỡ vướng mắc cũng như ban hành đề án Phát triển thị trường KH&CN.

Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt trả lời chất vấn trước Quốc hội. Ảnh: QH

Với một thực tiễn sống động ở các địa phương đang cần những giải pháp KH&CN phục vụ phát triển kinh tế xã hội nhưng nhiều giải pháp chưa chuyển giao được hoặc chưa hoàn thiện, đại biểu Tạ Minh Tâm (Đoàn ĐBQH tỉnh Tiền Giang) đã đề nghị Bộ trưởng Bộ KH&CN nêu các giải pháp trọng tâm để tạo đột phá, thúc đẩy phát triển KH&CN, đẩy mạnh nghiên cứu ứng dụng theo tinh thần của Chính phủ khi xây dựng dự thảo Nghị quyết phát triển kinh tế xã hội năm 2024. 

Tâm tư của các đại biểu Quốc hội cũng là điều mà Bộ KH&CN nỗ lực xây dựng từng bước trong nhiều năm qua, “làm thế nào gắn kết nghiên cứu và ứng dụng, làm thế nào để có được sự gắn kết giữa nghiên cứu khoa học của các trường gắn với nhu cầu của địa phương. Chúng tôi cũng đã có nêu một chủ trương là tất cả các nhiệm vụ KH&CN có tính ứng dụng đều phải có sự tham gia của đội ngũ ở các trường phối hợp với địa phương để cùng giải quyết những vấn đề gắn liền với những yêu cầu của địa phương”, Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt giải đáp, đồng thời cho biết, đã tham khảo kinh nghiệm quốc tế về các mô hình gắn kết. Ông nói, “Ở các quốc gia phát triển, việc liên kết viện, trường với doanh nghiệp triển khai rất hiệu quả, ví dụ ở Hà Lan đã có mô hình tạo điều kiện cho ba nhà phát huy năng lực của mình, trong đó chính quyền tạo môi trường, tạo hệ sinh thái gắn kết còn nhà trường là nơi nghiên cứu và để doanh nghiệp là nơi thực hiện các đổi mới sáng tạo”. 

Việc gắn kết trường viện với doanh nghiệp và địa phương, thúc đẩy chuyển giao công nghệ cũng là mối quan tâm của các đại biểu Lê Minh Nam (Đoàn ĐBQG Hậu Giang), Nguyễn Thị Hồng Hạnh (Đoàn ĐBQH TP. HCM). Trước những câu hỏi đặt ra, Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt cho rằng, “các nội dung đại biểu góp ý cũng là những trăn trở của Bộ KH&CN trong thời gian qua về liên kết viện, trường. Vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị 25 về phát triển thị trường KH&CN đồng bộ, hiện đại và hội nhập. Đây là một cơ sở quan trọng để sắp tới đây, chúng tôi sẽ ban hành một đề án Phát triển thị trường KH&CN trước hết ở ba địa phương Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng và các địa phương có yêu cầu. Đây sẽ tạo điều kiện để có sự gắn kết chặt chẽ hơn nữa giữa viện, trường với thị trường”.

Về vấn đề cắt giảm thủ tục hành chính, hóa đơn và chứng từ thanh quyết toán trong khi thực hiện các đề tài, nhiệm vụ KH&CN do ngân sách nhà nước đầu tư của các nhà khoa học mà đại biểu Trần Kim Yến (Đoàn ĐBQH TP. HCM) nêu, Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt chia sẻ, “Bộ KH&CN đang phối hợp với Bộ Tài chính nghiên cứu sửa đổi Thông tư liên tịch số 27/2015 quy định về khoán chi thực hiện nhiệm vụ KH&CN sử dụng ngân sách nhà nước, đồng thời kiến nghị Chính phủ sửa đổi Nghị định 95/2014/NĐ-CP quy định về đầu tư và cơ chế tài chính liên quan đến nhiệm vụ KH&CN, đề xuất các quan điểm nhằm giải quyết căn cốt các nội dung này trong quá trình sửa đổi Luật KH&CN và sẽ trình Quốc hội trong thời gian tới. Bộ cũng đang rà soát đơn giản hóa các thủ tục hành chính, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý các nhiệm vụ KH&CN quốc gia để bảo đảm sự công khai, minh bạch”. 

Thanh Nhàn

(Bài đăng trên báo Khoa học và Phát triển số 45)

Tác giả

(Visited 3 times, 1 visits today)