Bộ trưởng KH&CN chúc mừng các tác giả có công bố trên tạp chí vật lý quốc tế uy tín

Bộ trưởng Bộ KH&CN Chu Ngọc Anh gửi thư chúc mừng ba nhà khoa học mới công bố trên tạp chí vật lý quốc tế uy tín có hệ số ảnh hưởng 7.6 và được Viện RIKEN (Nhật Bản) đánh giá là một đột phá lớn trong việc hiểu biết các tính chất thống kê của hạt nhân.

PGS.TS Nguyễn Quang Hưng (ngoài cùng bên phải), tác giả liên hệ của công bố, và nhóm nghiên cứu vật lý hạt nhân trường ĐH Duy Tân. Nguồn: ĐH Duy Tân

Công trình “Mô tả vi mô đồng thời mật độ mức hạt nhân và các hàm lực bức xạ” (Simultaneous microscopic description of nuclear level densities and radiative strength functions) của ba nhà khoa học: PGS.TS Nguyễn Quang Hưng (Viện Nghiên cứu và Phát triển CNC, ĐH Duy Tân, Đà Nẵng), TS Nguyễn Đình Đăng (Viện nghiên cứu Vật lý và hóa học Nhật Bản RIKEN), và ThS Lê Thị Quỳnh Hương (Khoa KHTN&CN, ĐH Khánh Hòa) thực hiện mới được xuất bản trên tạp chí Physical Review Letters vào ngày 9/1/2017, trong đó PGS.TS Nguyễn Quang Hưng là tác giả liên hệ1.

Xuất hiện lần đầu tiên vào tháng 7/1958, tạp chí Physical Review Letters của Hội Vật lý Mỹ (American Physical Society) xuất bản 52 kỳ/năm và được xếp vào danh sách những tạp chí có uy tín hàng đầu trong ngành vật lý với chỉ số ảnh hưởng IF là 7.645 (số liệu năm 2015). Vì vậy, có công bố được đăng tải trên tạp chí Physical Review Letters là vinh dự đối với các nhà khoa học.

Trong công trình này, ba tác giả đã đề xuất “phương pháp cho phép mô tả đồng thời cả mật độ mức (level density) và hàm lực bức xạ gamma trong hạt nhân (radiative gamma-ray strength function) – một vấn đề nan giải mà từ trước tới giờ người ta chỉ có thể mô tả bằng các mô hình hiện tượng luận riêng rẽ, dùng các tham số được điều chỉnh (parameter fitting) theo năng lượng phổ gamma và nhiệt độ”. TS. Nguyễn Đình Đăng giải thích, “phương pháp của chúng tôi kết hợp lời giải chính xác của kết cặp hạt nhân (exact pairing solutions) – một trong những nội dung trong luận văn tiến sỹ của Nguyễn Quang Hưng – với mô hình vi mô phân rã phonon (phonon damping model) do Nguyễn Đình Đăng và A. Arima đề xuất năm 1998. Nhờ cách tiếp cận này, chúng tôi đã giải quyết được vấn đề trên một cách nhất quán mà không cần đưa thêm một tham số mới nào”2.

Ngay sau khi công bố được xuất bản, Viện RIKEN, nơi TS. Nguyễn Đình Đăng công tác, đã ra thông cáo báo chí “Bước tiến lớn trong mô tả hai đại lượng nền tảng của các hạt nhân nóng” 3, đánh giá công trình là “một đột phá lớn bằng việc lần đầu tiên đề xuất một cách tiếp cận thống nhất và nhất quán có khả năng mô tả đồng thời hai đại lượng quan trọng trong việc hiểu biết các tính chất thống kê của hạt nhân – đó là mật độ mức và xác suất phát xạ tia gamma từ các hạt nhân nóng, đóng vai trò cơ sở trong việc tổng hợp các nguyên tố trong vũ trụ”.

Thông cáo cũng trích dẫn lời diễn giải của hai tác giả về công trình: “Sự phù hợp tốt giữa các tiên đoán của cách tiếp cận này và các số liệu thực nghiệm chỉ ra rằng việc dùng các lời giải chính xác của kết cặp hạt nhân là thực sự rất quan trọng trong việc mô tả nhất quán cả mật độ mức và hàm lực phóng xạ tại các năng lượng kích tích và năng lượng tia gamma thấp và trung bình,” – TS. Nguyễn Quang Hưng; và “Cách tiếp cận của chúng tôi cho thấy sự phụ thuộc nhiệt độ của hình dạng cộng hưởng khổng lồ lưỡng cực là cốt yếu trong việc mô tả đúng đắn xác suất phát xạ gamma tại các năng lượng thấp của tia gamma. Đích tiếp theo sẽ là phát triển một lý thuyết nhất quán dựa trên kết cặp chính xác và cấu trúc vi mô của các trạng thái dao động để nghiên cứu các kích thích tập thể trong hạt nhân.” – TS. Nguyễn Đình Đăng.

Nhân dịp này, Bộ trưởng Bộ KH&CN Chu Ngọc Anh đã gửi thư chúc mừng các nhà khoa học. Ông khẳng định, đây là công trình nghiên cứu đầu tiên trong lĩnh vực khoa học hạt nhân do tác giả là người Việt Nam thực hiện ở trong nước được công bố trên tạp chí vật lý quốc tế uy tín và mang “ý nghĩa đặc biệt đối với nghiên cứu vật lý hạt nhân ở Việt Nam, là niềm tự hào cho khoa học cơ bản nước nhà”.

———————————————————-

  1. http://journals.aps.org/prl/abstract/10.1103/PhysRevLett.118.022502
  2. https://nguyendinhdang.wordpress.com/2016/12/18/yes-yes-yes/
  3. https://nguyendinhdang.wordpress.com/2017/02/15/buoc-tien-lon-trong-mo-ta-hai-dai-luong-nen-tang-cua-cac-hat-nhan-nong

 

Tác giả

(Visited 4 times, 1 visits today)