Bốn con sông nội đô Hà Nội ô nhiễm nặng nước thải sinh hoạt

Hệ thống sông nội đô của Hà Nội từ lâu đã được biết đến là vô cùng ô nhiễm, nhưng chúng ô nhiễm những gì?

Công nhân môi trường đô thị đang làm sạch sông Tô Lịch vào năm 1/9/2015. Nguồn: Shutterstock

Nghiên cứu mới của nhóm các nhà khoa học ở Viện Hóa học hợp chất thiên nhiên, Viện Cơ học, Viện Công nghệ môi trường, ĐH Khoa học và công nghệ Hà Nội (Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam) và đồng nghiệp tại ĐH Điện lực, ĐH Công nghiệp cho chúng ta thấy một phần nhỏ bức tranh này.

Hệ thống sông ngòi đô thị đóng nhiều vai trò quan trọng như cung cấp nước cho nhiều mục đích sử dụng, lưu trữ nước mưa, ngăn lụt, nơi cư ngụ của động, thực vật. Dẫu vậy, ở nhiều đô thị hiện đại, các hệ thống sông lại rơi vào tình trạng ô nhiễm, làm nhân lên nguy cơ rủi ro nhiễm bệnh cho cư dân. Tương tự, với tình trạng đô thị hóa ngày một gia tăng, môi trường Hà Nội chịu tác động rất lớn từ các hoạt động của con người, trong đó có chất lượng sông hồ. Bốn con sông này bị ô nhiễm nặng khi phải đón nhận số lượng lớn nước thải chưa qua xử lý. Một số công trình từng nghiên cứu về các biến môi trường khác nhau như kim loại nặng hay các hợp chất hữu cơ. Tuy nhiên, vẫn còn ít nghiên cứu về tình trạng ô nhiễm vi sinh của bốn con sông. Đây là lý do họ tập trung vào đánh giá ô nhiễm vi sinh vật liên quan đến chất thải ở nước mặt để góp phần đem lại cơ sở khoa học cho biện pháp quản lý và bảo vệ hệ thống sông nội đô Hà Nội tốt hơn.   

Để thực hiện nghiên cứu này, các nhà nghiên cứu đã tiến hành lấy mẫu nước mặt thượng nguồn và hạ nguồn sông Tô Lịch, Lừ, Sét và Kim Ngưu vào mùa khô (tháng 2, tháng 3/2020 và tháng 4/2022) và mùa mưa (tháng 9, 10/2020 và tháng 6/2022). Họ tập trung vào coliform – loại vi khuẩn phổ biến với số lượng lớn trong phân của động vật máu nóng thường được tìm thấy trong môi trường nước, đất và trên thảm thực vật – như một chỉ số về chất lượng vệ sinh của thực phẩm và nước. 

Phân tích hàm lượng tổng coliform (TC) mà mật độ Escherichia coli (EC) – vi khuẩn thường gặp ở đoạn dưới ống tiêu hóa của các sinh vật máu nóng, họ nhận thấy cả bốn con sông vào mùa khô đều có giá trị cao còn về mùa mưa, ô nhiễm trên sông còn có thể trầm trọng hơn do có sự tích hợp ô nhiễm của chất thải trồng trọt, chăn nuôi, tuy nhiên do bị nước mưa pha loãng nên mật độ coliform đều suy giảm. Mặt khác, nồng độ EC cho thấy ô nhiễm vi sinh là do chất thải sinh hoạt. 

Hàm lượng TC trên bốn con sông ở thời điểm lấy mẫu cao hơn so với hàm lượng năm 2015 nhưng tương đương với một số sông, kênh rạch ở TPHCM hoặc ở Sóc Trăng, nơi nước thải ảnh hưởng rất lớn đến nước sông. Tuy nhiên, mật độ EC của Hà Nội lại thấp hơn đáng kể so với các sông ngòi nhiều nơi khác như Dhaleshwari (Bangladesh), Yamuna (Ấn Độ) nhưng lại cao hơn đáng kể so với dòng chảy qua Bắc Cạn, nơi mật độ dân cư đô thị ở mức thấp.

Cùng với đó, họ phát hiện ra nồng độ amoni cũng cao hơn vào mùa khô, phản ánh nguồn ô nhiễm là chất thải sinh hoạt, góp phần củng cố thêm chỉ dấu ô nhiễm chất thải từ người và các động vật máu nóng trong sông nội đô Hà Nội. “Kết quả của chúng tôi tương đồng với những hệ thống sông khác như ở đô thị Dublin, Ireland hay Nhũ Sơn, Trung Quốc”, họ viết trong công bố.   

Thông thường, để giảm thiểu tổng lượng coliform và mật độ E. coli, người ta thúc đẩy hàm lượng ô xy hòa tan trong nước (dissolved oxygen DO). Phân tích của các nhà nghiên cứu cho thấy, số lượng nước thải sinh hoạt cao đáng kể sẽ dẫn đến việc thiếu oxy hòa tan do sự phân giải của các vật chất hữu cơ. Và do nhiệt độ nước luôn từ khoảng 20oC đến 30,8oC trong thời kỳ lấy mẫu, vi khuẩn chỉ thị ô nhiễm phân (FIB) có thể tăng trưởng trong các sông nội đô Hà Nội. 

Tất cả các giá trị này đều vượt quá giá trị cho phép của TCVN dành cho chất lượng nước mặt. Đây là một chỉ dấu về nguy cơ rủi ro tiềm năng với sức khỏe công cộng. 

Kết quả được nêu cụ thể trong bài báo “Faecal contamination and its relationship with some environmental variables of four urban rivers in inner Hanoi city, Vietnam”, xuất bản trên tạp chí  Vietnam Journal of Earth Sciences (VAST). 


Tin đăng Tia Sáng số 21/2024

 

Tác giả

(Visited 278 times, 1 visits today)