Bốn đơn vị tài trợ KH&CN tổng kết năm

Năm 2016, hàng trăm đề xuất nghiên cứu KH&CN và dự án đổi mới sáng tạo đã được NAFOSTED, IPP, FIRST và NATIF thẩm định và tài trợ.

Ngày 29/12/1016, tại Hà Nội, bốn đơn vị, bao gồm Quỹ Phát triển KH&CN quốc gia (NAFOSTED), Dự án FIRST, Dự án IPP và Quỹ Đổi mới công nghệ quốc gia (NATIF), đã có buổi báo cáo tổng kết hoạt động năm 2016 và phương hướng năm 2017.

Đến dự buổi tổng kết có Thứ trưởng bộ KH&CN Trần Quốc Khánh và Chủ tịch Hội đồng Chính sách KH&CN quốc gia, Chủ tịch Hội đồng quản lý Quỹ NATIF Hoàng Văn Phong.

Quỹ Phát triển KH&CN Quốc gia (NAFOSTED)

Quỹ Phát triển KH&CN Quốc gia có chức năng chính là tài trợ, cho vay, bảo lãnh vốn vay, cấp kinh phí để thực hiện nhiệm vụ KH&CN; hỗ trợ hoạt động nâng cao năng lực KH&CN quốc gia.

Trong năm 2016, Quỹ tài trợ cho hơn 1.000 nhà khoa học, còn tính từ khi thành lập đến nay, con số này là 8.000. Cũng từ năm 2016, Quỹ thực hiện tiếp nhận hồ sơ hai lần mỗi năm.

Ngoài ra, Quỹ đã đạt được những kết quả:

– Tạo dựng môi trường nghiên cứu thuận lợi cho các nhà khoa học, thúc đẩy cạnh tranh lành mạnh trong lĩnh vực KH&CN; ghi nhận những đóng góp của các nhà khoa học và tạo động lực nghiên cứu cho họ, trong đó có việc Tổ chức giải thưởng Tạ Quang Bửu.

– Hỗ trợ nâng cao năng suất KH&CN quốc gia với việc tài trợ số lượng nhiệm vụ KH&CN lớn, kết quả và sản phẩm khoa học vượt trội. Quỹ thực hiện tài trợ trên 300 nhiệm vụ KH&CN mỗi năm, giải quyết các vấn đề khoa học, thực tiễn.

– Ước tính, từ các đề tài do Quỹ tài trợ, đã có 802 bài đăng trên tạp chí thuộc danh mục ISI trong năm 2016; số lượng các bài đăng được duy trì ổn định trong giai đoạn từ 2014 trở lại đây.

– Góp phần giải quyết các vấn đề KH&CN quan trọng, cấp thiết; đổi mới cơ chế quản lí hoạt động KH&CN; thúc đẩy hợp tác quốc tế trong quản lí và nghiên cứu KH&CN; thu hút nguồn lực quốc tế giải quyết vấn đề của Việt Nam.

Chương trình đối tác đổi mới sáng tạo Việt Nam – Phần Lan – giai đoạn 2 (IPP2)

Đây là chương trình hợp tác phát triển giữa hai chính phủ Việt Nam và Phần Lan, thực hiện trong bốn năm (2014-2018) với tổng ngân sách 11 triệu Euro (trong đó chính phủ Phần Lan tài trợ 9,9 triệu Euro). Chương trình gồm ba cấu phần chính: Phát triển môi trường thể chế và xây dựng năng lực về đổi mới sáng tạo; thiết lập quan hệ đối tác đổi mới sáng tạo; thúc đẩy các dự án khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, triển khai hoạt động cầu nối cho hợp tác Phần Lan-Việt Nam. Đến hết năm 2016, cả ba cấu phần này đã đạt được những kết quả như sau:

Về phát triển môi trường thể chế và xây dựng năng lực đổi mới sáng tạo, IPP2 đã hỗ trợ các chuyên gia quốc tế và các trao đổi học thuật phục vụ soạn thảo các chính sách lớn của Việt Nam về đổi mới sáng tạo và chuyển giao công nghệ trong đó có Luật Chuyển giao công nghệ. Triển khai hoạt động hợp tác với các trường đại học để đưa Chương trình đào tạo khung về đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp vào giảng dạy ở các trường, giúp hình thành hệ sinh thái đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp trong khuôn viên các trường đại học. Hiện nay đã có 11 trường đại học được chọn lựa đại diện cho ba miền Bắc, Trung, Nam để thực hiện chương trình này.

Trong cấu phần thúc đẩy quan hệ đối tác đổi mới sáng tạo, IPP2 đã triển khai hoạt động cầu nối hợp tác song phương giữa Việt Nam và Phần Lan; hỗ trợ các nhà hoạch định chính sách và doanh nghiệp khởi nghiệp tham gia sự kiện SLUSH – với gian hàng đầu tiên của Việt Nam, từ đó tiến hành ý tưởng tổ chức Ngày hội TECHFEST tại Việt Nam; khởi tạo sáng kiến hợp tác khu vực ASEAN về hệ sinh thái đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp.

Với cấu phần hỗ trợ khởi nghiệp và hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, IPP2 tài trợ cho hai nhóm đối tượng chủ yếu là doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo có tiềm năng tăng trưởng cao, có sản phẩm, dịch vụ vươn ra thị trường quốc tế; và đơn vị cung cấp dịch vụ hỗ trợ khởi nghiệp. IPP2 hỗ trợ tài trợ kinh phí theo hai giai đoạn kèm hỗ trợ mềm (tư vấn, đào tạo) qua Chương trình tăng tốc đổi mới sáng tạo và đã lựa chọn được 22 dự án tiềm năng. Các dự án này, theo tính toán sơ bộ, đã tạo ra 480 việc làm, tổng doanh thu bán sản phẩm, dịch vụ đạt hơn 432 nghìn đô la Mĩ.

Dự kiến trong năm 2017, chương trình IPP2 sẽ tập trung cho giai đoạn kết thúc và chuyển giao một cách bền vững các kết quả, kinh nghiệm và mô hình hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo cho các đối tác Việt Nam.

Dự án Đẩy mạnh đổi mới sáng tạo thông qua nghiên cứu, khoa học và công nghệ -FIRST

Đây là dự án ODA đầu tiên của Bộ KH&CN với mục tiêu hỗ trợ KH&CN và thúc đẩy đổi mới sáng tạo thông qua ba hoạt động: thiết kế và thí điểm các chính sách mới để cải thiện khung chính sách quốc gia về KH&CN; nâng cao năng lực cho các tổ chức KH&CN công lập theo định hướng liên kết chặt chẽ với các doanh nghiệp và đáp ứng các nhu cầu của thị trường; thúc đẩy đổi mới công nghệ trong các doanh nghiệp hỗ trợ xây dựng liên kết chặt chẽ hơn giữa cung và cầu của KH&CN đối với thị trường.

Trong năm 2016, Dự án FIRST đã đạt được những kết quả:

– Hoàn thành đợt xét duyệt đầu tiên và cam kết tài trợ cho 12 dự án xuất sắc nhất (trong số gần 200 đề xuất tài trợ thuộc năm lĩnh vực: công nghệ thông tin-truyền thông, công nghệ sinh học và nông nghiệp, cơ khí tự động hóa, vật liệu và dịch vụ công) với tổng số tiền là 11 triệu đô la Mĩ.

– Từ tháng 8/2016, Dự án đã kêu gọi đợt tài trợ lần hai trong năm lĩnh vực như đợt một và mở rộng ra một số lĩnh vực KH&CN khác. Đợt kêu gọi tài trợ thứ hai đã nhận được tổng số 131 hồ sơ, trong đó có 93 hồ sơ đề xuất tài trợ cho các chuyên gia giỏi nước ngoài; 21 hồ sơ đề xuất tài trợ cho các tổ chức KH&CN công lập, 20 hồ sơ đề xuất cho các nhóm liên kết.

– Đã triển khai nhanh việc xây dựng ngân hàng dữ liệu quốc gia về KH&CN, và đổi mới sáng tạo; hỗ trợ các hoạt động của Bộ; đưa hoạt động cam kết giải ngân về đúng tiến độ.

Tuy nhiên, dự án vẫn gặp nhiều khó khăn trong quá trình triển khai như thiếu nhân lực, thủ tục còn nhiều hạn chế, gây ảnh hưởng tới các khoản tài trợ yêu cầu tiến độ thời gian; khác biệt giữa cơ chế trong nước và các quy định của Ngân hàng Thế giới ở một số nội dung thực hiện trong dự án.

Dự kiến, năm 2017, Dự án sẽ hoàn chỉnh cơ sở pháp lí cho tái cấu trúc, kí kết hợp đồng tài trợ vòng 2, tổ chức kêu gọi tài trợ vòng 3, triển khai và giám sát các dự án đã nhận tài trợ.

Quỹ Đổi mới Công nghệ Quốc gia (NATIF)

Quỹ Đổi mới Công nghệ Quốc gia thực hiện việc cho vay ưu đãi, hỗ trợ lãi suất vay, bảo lãnh để vay vốn, hỗ trợ vốn cho các tổ chức, cá nhân và doanh nghiệp thực hiện nghiên cứu, chuyển giao, đổi mới và hoàn thiện công nghệ.

Năm 2016, đã xem xét 149 dự án tập trung ở các lĩnh vực công nghiệp (82), nông nghiệp (55), y dược (9) và các dự án khác (3); xem xét 89 đề tài, hoạt động tập trung vào các lĩnh vực kỹ thuật và công nghệ (48), khoa học nông nghiệp (32), khoa học y dược (6) và lĩnh vực khác (3).

Trong năm 2017, Quỹ sẽ đẩy nhanh tiến độ xét duyệt các nhiệm vụ; xây dựng, tổng hợp dữ liệu công nghệ, dữ liệu chuyên gia phục vụ quá trình xét chọn và quản lí thực hiện nhiệm vụ; tổ chức xét chọn, kiểm tra các doanh nghiệp, nhiệm vụ xin tài trợ từ quỹ và đánh giá quá trình thực hiện.

Góp ý với các quỹ tại lễ tổng kết, Thứ trưởng Trần Quốc Khánh cho rằng, với dự án FIRST, cần hoàn thiện cơ sở pháp lí, thủ tục để có thể tái cơ cấu; chương trình IPP2 cần chú ý vấn đề chuyển giao bền vững (đối tượng nhận chuyển giao, kết quả chuyển giao); Quỹ NAFOSTED cần xây dựng định hướng nghiên cứu rõ hơn, bám sát vào kế hoạch phát triển, bố trí nguồn lực, trong tài trợ cần định hướng dự kiến trong từng lĩnh vực cụ thể; Quỹ NATIF cần hoàn thiện văn bản quản lí, rà soát quy trình; đẩy mạnh việc xét duyệt, phê duyệt nhiệm vụ sao cho đóng góp được vào mục tiêu tốc độ đổi mới công nghệ 15% hằng năm.

Cũng theo ông, hiện nay, việc hợp tác với nước ngoài trong hỗ trợ vốn ODA đã chuyển sang hình thức đôi bên cùng có lợi, lấy doanh nghiệp làm trung tâm, nên hướng sắp tới của các quỹ ngoài việc hỗ trợ cho các tổ chức, viện nghiên cứu, trường đại học, thì cần tập trung hỗ trợ cho các doanh nghiệp để cùng phối hợp với nước ngoài hoàn thiện công nghệ.

 

 

 

Tác giả

(Visited 3 times, 1 visits today)