Bức tranh đại dịch vẫn còn rất phức tạp

Trong khi nhiều nước đang lo làn sóng dịch bệnh thứ hai quay trở lại thì nhiều nước vẫn chưa qua được làn sóng thứ nhất. Bức tranh đại dịch vẫn còn rất phức tạp.


Xét nghiệm corona ở một bệnh viện tại New-Dehli. Nguồn: Manish Swarup / AP.

Số người bị lây nhiễm virus corona trên thế giới luôn đạt kỷ lục mới. Phải mất bốn tháng từ lúc khởi phát cho đến ngày 20 tháng 5, thế giới mới có 5 triệu người bị lây nhiễm virus corona nhưng chỉ năm tuần rưỡi sau đó, tức là cuối tháng 6 vừa rồi đã có thêm 5 triệu người bị nhiễm bệnh mới. Giữa tháng tư, số ca tử vong do virus corona lên đến đỉnh điểm và sau đó giảm rõ rệt, nhưng từ cuối tháng năm tình hình lại đảo ngược – hiện nay mỗi ngày số ca tử vong đã lên đến trên 4.500.

Trong khi ở các nước Châu Âu “làn sóng thứ nhất” lắng xuống và người ta quan tâm lo lắng chuẩn bị cho “làn sóng thứ hai” thì ở một số nơi mới bắt đầu chịu tác động thực sự của “làn sóng thứ nhất”. Đại dịch khởi phát từ Trung quốc đã sang châu Âu, chuyển sang Hoa kỳ, sau đó sang Ấn độ và Nga, rồi tiếp tục lan sang Mỹ La tinh. Tại Nam Phi và các nước vùng Vịnh, số ca nhiễm bệnh và tử vong cũng rất đáng lo ngại, trái ngược với tình hình ở một số nước châu Á. Tất cả những điều này cho thấy, không có một hình ảnh chung về diễn biến của dịch.

Chiến lược ở các nước cũng rất khác nhau:

Hôm thứ hai vừa qua, ở Paris bảo tàng Louvre đã được mở cửa trở lại và số khách tham quan hàng ngày bị khống chế dưới mức 10.000 người, trong khi đó ở Delhi người ta khai trương bệnh viện dã chiến Corona với 10.000 giường ở trong một nhà nguyện. Kazakhstan là nước đầu tiên trên thế giới ra lệnh phong toả cả nước lần thứ hai (Lockdown) – còn Kenya tuyên bố mở lại các đường bay quốc nội và quốc tế từ ngày 15/7 và 1/8.

Tại các nước phát triển, nhiều nơi đã nới lỏng các lệnh giãn cách xã hội do lo sợ nền kinh tế sẽ bị sụp đổ và điều này thể hiện rõ nhất ở Hoa kỳ, tại đây số ca lây nhiễm lại tăng vọt, số người bị thất nghiệp giảm.

Còn tại các nước nghèo hoặc đang phát triển vấn đề y tế, sức khoẻ được chú trọng mặc dù tình hình kinh tế ở đây đáng lo ngại hơn nhiều. Việc thực hiện các biện pháp phòng dịch quá nghiêm ngặt cũng khiến hàng triệu người lâm vào tình trạng đói nghèo, điều này có thể nhìn thấy rõ ở Brazil và Ấn Độ. 

Theo tổ chức phi chính phủ Tầm nhìn thế giới thì 55% dân số thế giới không được tiếp cận với hệ thống an sinh xã hội đầy đủ. Đối với họ, lockdowns có nghĩa là giảm sút rõ rệt nguồn thu nhập, lâm vào tình trạng nợ nần, phải bán tài sản, phải nhịn ăn tiêu, trẻ con cũng buộc phải lao động kiếm sống. Theo điều tra của một nhóm công tác của Liên hợp quốc thì thu nhập bình quân của các hộ nghèo ở Bangla¬desh đã giảm mạnh do thi hành các biện pháp phòng chống dịch, trong khi mức sống của họ vốn dĩ đã rất thấp. 

Theo Chương trình Lương thực thế giới (WFP), số người cần trợ giúp lương thực sẽ tăng gấp đôi, lên tới 250 triệu người. Tạp chí Lancet cảnh báo về nguy cơ năm nay sẽ có thêm 1,15 triệu trẻ em sẽ bị thiếu đói. Tổ chức “Welthungerhilfe” của Đức cho rằng “chắc chắn cuộc khủng hoảng y tế sẽ xẩy ra sau cuộc khủng hoảng về lương thực”.

Xuân Hoài lược dịch
https://taz.de/Corona-haelt-die-Welt-im-Griff/!5694163/

 

Tác giả

(Visited 8 times, 1 visits today)