Bước phát triển mới trong hợp tác khoa học giữa Việt Nam – Australia

Những ngày cuối tháng sáu vừa qua, Bộ trưởng Nguyễn Quân và đoàn công tác của Bộ KH&CN đã đến Canberra, Thủ đô của Australia, thăm và làm việc với Trung tâm KH&CN Questacon, một số nhà quản lý của Bộ Khoa học và Nghiên cứu, và ký kết Hiệp định hợp tác về KH&CN giữa Chính phủ hai nước.

Truyền cảm hứng say mê khoa học

Đó là chức năng của Questacon, nơi Bộ trưởng và đoàn công tác đến tìm hiểu mô hình hoạt động ngay sau khi đến Canberra. Theo GS Graham Durant, Giám đốc Trung tâm, trong thời đại thông tin cập nhật 24 giờ, với quá nhiều vấn đề ở tầm quốc gia và toàn cầu khiến người ta phải quan tâm lo lắng thì việc nâng cao ý thức hiểu biết về khoa học cho cộng đồng, để họ có thể thích ứng với một thế giới luôn thay đổi; đồng thời tận dụng được những thành tựu KH&CN nhằm mang lại lợi ích cho bản thân và đất nước là một nhiệm vụ quan trọng hơn bao giờ hết của Questacon.

Triết lý trong hoạt động của Trung tâm là thực hành triển lãm với trình diễn khoa học thường xuyên thay đổi gắn với các sự kiện có ý nghĩa như trưng bày về Nam Cực nhân kỷ niệm 130 năm người đầu tiên đặt chân đến Nam Cực, về mô hình tim nhân ngày Vanlentine… Các nhà truyền thông khoa học nhiệt huyết và tài năng đã thực hiện nhiều thí nghiệm khoa học được tiến hành hết sức chi tiết, sống động, kết hợp với âm thanh, ánh sáng và màn hình 3D giúp người xem có cái nhìn sâu sắc hơn quá trình diễn biến của các hiện tượng khoa học, dễ dàng hiểu được bản chất, quy luật tự nhiên, từ đó khích lệ tư duy đổi mới sáng tạo và kỹ năng công nghệ của thế hệ trẻ. Ngoài những trải nghiệm về KH&CN, khách tham quan có thể cùng với các chuyên gia truyền thông thực hiện các thí nghiệm lý thú, chia sẻ hiểu biết và những niềm vui, nụ cười. Có thể nói Questacon không chỉ là nơi giáo dục công nghệ có hiệu quả nhất mà còn là một địa điểm du lịch hấp dẫn của Canberra.

Sau buổi tham quan, Bộ trưởng Nguyễn Quân đã chứng kiến lễ ký kết hợp tác giữa Questacon và Trung tâm Truyền thông KH&CN của Bộ KH&CN Việt Nam.

Nông nghiệp, đất và nước – trọng tâm chiến lược KH&CN Australia

Chiều 25.6, Bộ trưởng Nguyễn Quân đã có buổi trao đổi với bà Patricia Kelly, Bí thư Bộ Khoa học và Nghiên cứu cùng một số đồng nghiệp của Australia về Chiến lược nghiên cứu của Australia và những lĩnh vực hợp tác KH&CN giữa hai nước.

Theo GS Ian Young, khoa học trưởng của Australia cho biết giữa tháng Sáu vừa qua, Chính phủ Australia đã xác định một số lĩnh vực ưu tiên trong chiến lược KH&CN, trọng tâm là nông nghiệp, quản lý nguồn nước và đất trong bối cảnh biến đổi khí hậu nhằm bảo đảm an ninh lương thực. Australia mong muốn được hợp tác với một số nước, đặc biệt là Việt Nam, một đất nước có những đặc điểm khá tương đồng về khí hậu, theo hướng nghiên cứu ưu tiên này. Về quản lý khoa học ông cho biết, ngân sách dành cho khoa học của Australia là 30 tỷ AUD/năm, trong đó 1/3 là ngân sách Chính phủ, chủ yếu dành cho nghiên cứu; 2/3 do doanh nghiệp tư nhân đóng góp tập trung vào những lĩnh vực phát triển công nghệ như công nghệ thông tin, khai khoáng, y tế. Việc phân bổ ngân sách dành cho nghiên cứu khoa học dựa trên năng lực cạnh tranh của các đại học, viện nghiên cứu thông qua các dự án và được thẩm định bởi một số hội đồng nghiên cứu quốc gia như Hội đồng nghiên cứu Y học, Trung tâm Nghiên cứu Australia, Hiệp hội Nghiên cứu nông nghiệp (nơi tập trung hầu hết các đề tài nghiên cứu được thực hiện bởi đại học và các doanh nghiệp nông nghiệp). Ngoài ra, ngân sách còn được dành một phần để hỗ trợ cho nghiên cứu của sinh viên các trường đại học, các cơ quan nghiên cứu của Chính phủ như các trung tâm nghiên cứu hạt nhân, các viện nghiên cứu về địa chất và đo lường… Việc quản lý và cấp kinh phí dành cho nghiên cứu thông qua Quỹ nghiên cứu KH&CN Quốc gia (RDC) và được ưu tiên dành cho các chương trình nghiên cứu dài hạn từ ba đến năm năm với mục tiêu cho ra đời những sản phẩm có tính cạnh tranh cao.

Ký kết hợp tác KH&CN

Quan hệ hợp tác về KH&CN giữa Việt Nam và Australia được thiết lập từ năm 1992 trên cơ sở Bản ghi nhớ cấp Chính phủ về hợp tác KH&CN giữa đại diện Chính phủ hai nước. Qua hơn 20 năm, hợp tác KH&CN giữa Việt Nam và Australia đã phát triển cả về bề rộng lẫn chiều sâu, đem lại những kết quả tốt đẹp trong lĩnh vực nông nghiệp, y tế và đào tạo nguồn nhân lực (2.000 cán bộ khoa học của Việt Nam đã được đào tạo đại học và sau đại học bằng học bổng của Chính phủ, viện nghiên cứu, trường đại học của Australia). Để nâng cao cơ sở pháp lý cho việc hợp tác về KH&CN giữa hai nước, năm 2008, trong chuyến thăm Australia của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, lãnh đạo cơ quan khoa học giữa hai nước đã thống nhất nâng cấp Bản ghi nhớ năm 1992 thành Hiệp định cấp Chính phủ. Qua bốn vòng đàm phán, với tám dự thảo được xây dựng, Hiệp định hợp tác về KH&CN đã được Chính phủ hai bên thống nhất.

Ngày 26/6/2013, tại Nhà Quốc hội Australia, Bộ trưởng Nguyễn Quân đại diện cho Chính phủ Việt Nam và Ngài Thượng nghị sĩ Don Farrell, Bộ trưởng phụ trách về Khoa học và Nghiên cứu, thay mặt Chính phủ Australia ký kết Hiệp định hợp tác KH&CN giữa hai nước trong các lĩnh vực xây dựng và thực hiện các chương trình, dự án nghiên cứu và triển khai chung; trao đổi thông tin khoa học và công nghệ; trao đổi các nhà khoa học và chuyên gia kỹ thuật tham gia các chương trình và dự án hợp tác; tổ chức hội nghị, hội thảo và tập huấn khoa học về các chuyên đề mà các bên cùng quan tâm; và các hình thức hợp tác khác mà các bên có thể thỏa thuận.

Để thực hiện chương trình hợp tác này, theo Hiệp định, hai bên sẽ thành lập một Ủy ban hỗn hợp Australia – Việt Nam về Hợp tác Khoa học và Công nghệ nhằm thảo luận và rà soát các vấn đề quan trọng trong lĩnh vực khoa học và công nghệ, đặc biệt là những vấn đề liên quan đến mối quan hệ khoa học và công nghệ tổng thể giữa hai bên; rà soát tiến độ triển khai các lĩnh vực hợp tác đã được thống nhất trong khuôn khổ Hiệp định này và đưa ra các khuyến nghị liên quan nhằm thúc đẩy hợp tác.

Phát biểu tại lễ ký kết, Bộ trưởng Nguyễn Quân bày tỏ tin tưởng Hiệp định sẽ tạo môi trường thuận lợi cho nhà khoa học hai nước triển khai có hiệu quả các chương trình hợp tác góp phần tích cực cho sự phát triển kinh tế – xã hội, đồng thời thắt chặt thêm mối quan hệ hữu nghị tốt đẹp giữa hai nước.

Sau lễ ký kết Hiệp định hợp tác, Bộ trưởng Nguyễn Quân cùng đoàn công tác đã được mời tham quan Nhà Quốc hội Australia, một trong những công trình kiến trúc hiện đại nổi tiếng thế giới do kiến trúc sư Burley Griffin thiết kế. Nơi đây, không chỉ là nơi làm việc của các nghị sĩ, thành viên Chính phủ mà còn là một trong những công trình lịch sử văn hóa với nhiều gian trưng bày các phù điêu, tượng nghệ thuật của các thổ dân, họa sĩ đương đại cùng chân dung các nhân vật lịch sử của Australia như Thủ tướng, danh nhân văn hóa…

              

Tác giả

(Visited 3 times, 1 visits today)