Buổi gặp mặt của những trí thức “không biết lối về già”
Theo lời những chủ nhà của Tia Sáng, Nguyên Ngọc là “người nhà”. Bởi thế, cuộc hội ngộ của gia đình Tia Sáng nhân dịp sinh nhật lần thứ 80 của nhà văn, nhà văn hoá Nguyên Ngọc tại Café Sách Trung Nguyên sáng nay, 07/09, sau khi ông đã được bạn bè mừng sinh nhật ở Tây Nguyên, ở Quảng Nam, vẫn mang lại cho những người tham dự nhiều cảm xúc.
Cho nên, điều đặc biệt ở buổi lễ sinh nhật này là chuyện chung được nói đến nhiều hơn chuyện riêng, những kỉ niệm như được gói lại và vấn đề chung thì thành dấu hỏi lớn, và do đó, dường như những thất bại trong nỗ lực đổi mới của Nguyên Ngọc được đề cập nhiều hơn những thành công.
Giáo sư Hoàng Tuỵ nhìn Nguyên Ngọc, không phải như một học trò, mà như một tri kỉ trong các nỗ lực phản biện xã hội, đã phác lại hành trình của hai người bạn từ những háo hức buổi đầu theo Cách mạng tới những va vấp, những tuyệt vọng, những trải nghiệm bi kịch chung riêng, những nỗ lực phản biện về cấu trúc xã hội và chính sách giáo dục không đem lại kết quả… Có một chia sẻ gây nhiều đồng cảm: “Không may là chúng tôi đã đánh giá quá thấp những khó khăn đẻ ra từ môi trường xã hội, từ hệ thống quản lý, những điều có thể làm nản lòng bất cứ ai.”
Giáo sư Huệ Chi gọi Nguyên Ngọc là một chiến sĩ, không phải vì ông đã kinh qua những năm tháng chiến tranh gian khổ, mà vì ông luôn là chiến sĩ trong cuộc chiến chống lại cái ác, cái xấu nhưng đồng thời cũng gọi Nguyên Ngọc là một “cây xà nu thất bại”, khi những gì đang diễn ra với đời sống người dân, với văn hoá Tây Nguyên mà ông gắn bó dường như đi ngược lại với sự lao tâm khổ tứ của ông.
Nhà nghiên cứu Lại Nguyên Ân “bổ sung” vào danh sách những nỗ lực thất bại của Nguyên Ngọc bằng câu chuyện về tờ Văn nghệ thời đổi mới, từ một cơ quan ngôn luận của chính phủ thời chiến thành một diễn đàn văn chương độc lập nổi tiếng bốn phương nay chỉ còn là một biểu tượng của quá khứ không trở lại.
Những đồng vọng của những người trước kẻ sau, khuyến khích của bà Nguyễn Thị Bình, những chia sẻ của nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên, nhà giáo Phạm Toàn và nhiều tiếng nói khác, không chỉ là sự ghi nhận với cá nhân Nguyên Ngọc, mà thực sự là một cách khơi gợi những điều cần làm, những điều cần nghĩ, những điều còn cần nhiều can đảm, nhiều trí lực tập họp để thực hiện.
Nhưng điều xúc động, có thể đặc biệt với những người trẻ, là những người trí thức, dẫu đã ở tuổi lão thành, vẫn có thể trẻ trung không ngờ, trong cách họ còn nuôi dưỡng khát vọng và không buông xuôi. Những người tham dự cuộc gặp gỡ này, dù đã biết hay chưa biết những điều Nguyên Ngọc làm, hay chỉ biết về Nguyên Ngọc như một huyền thoại, hẳn đều xúc động bởi sự chân thành gan ruột của giọng nói, cách nói, của từ ngữ ông dùng bày tỏ. Những câu ngắn gọn nhưng đáng nhớ của ông xoay quanh một chữ “dân” có lẽ cần được hiểu thấu đáo hơn, mà những gì ghi lại đây, có thể không chính xác được từng lời. Ông nói, “Tôi nghĩ tất cả những chân lý tôi mường tượng được, nhận thức được là do dân dạy cho mình.” Ông nói, “Về tắm rửa trong dân, đó là bài học lớn nhất, niềm biết ơn lớn nhất.” Và khi ông không nghĩ mình 80 tuổi, khi ông còn muốn làm việc ít nhất 10 năm nữa, khi ông nói ra hai việc ông muốn làm, là làm thật tốt trường Phan Chu Trinh và viết lại cuộc đời mình, thì đó cũng là cách ông thực hiện thái độ sống mà ông nói ông học từ tổ tiên là Nguyễn Công Trứ “lên voi xuống chó mà không nản, sống cho đàng hoàng với đời.”
Nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên dành cho Nguyên Ngọc chữ “đi” đa nghĩa, có thể diễn giải rằng, “đi” hàm nghĩa một phiêu lưu – của những người mở đường, những người tìm đường, những người kiên nghị trên một con đường của mình, dẫu đơn độc, dẫu mịt mù, không bao giờ là vô nghĩa.