Buổi hoàng hôn của những thần tượng

Hay làm cách nào triết lý với cây búa – Friedrich Nietzsche, Nguyễn Hữu Hiệu (dịch) - NXB Văn học – 2006.

1. Năm 1888 trong cuộc đời và tư tưởng Nietzsche
Mặt trời lên cao đỉnh rồi bùng vỡ trong Van Gogh trong năm 1888. Đó cũng chính là thời kỳ sáng tạo dữ dội nhất của ông. Bóng tối lưỡng lự đã bị lùa ra khỏi tranh. Bàn tay trở nên chính xác một cách tàn bạo. Nét cọ tung hoành như sấm sét. Màu sắc lóe sáng trong tâm trí đã bắt đầu hôn ám. Nhưng trong buổi hoàng hôn của tâm thức đó, viễn tượng đã kết hợp một cách kỳ diệu với thực tại. Ngày 21 tháng 4 năm sau, Van Gogh viết cho em: “Điều an ủi anh đôi chút là anh bắt đầu coi sự điên cuồng như một chứng bệnh, giống như những bệnh tật khác, trong khi đó, ngay cả trong những cơn khủng hoảng, anh thấy dường như tất cả những gì anh tưởng tượng trước kia đều là thực tại cả”. Và ông lăn xả vào công việc, vẽ từ sáng tới tối. Người ta kể lại rằng những người bạn đồng phòng với ông khi đi ra thấy ông đang vẽ một tấm tranh, vài giờ sau trở vào đã thấy ông vẽ một tấm tranh khác. Ông làm việc như kẻ bị quỷ ám, “j’ai une fureur sourde de travail plus que jamais” (tháng 9 năm 1889). Ông không thể ra khỏi hội họa, nghĩa là ra khỏi thực tại, làm mồi cho điên cuồng và phiền não. “Trong tất cả mọi trường hợp, tìm cách trung thành với sự thực có lẽ là một phương thuốc để chống lại bệnh tật đang làm anh lo âu” (thư cho Théo, ngày 12 tháng 2 năm 1890). Có lẽ Vincent Van Gogh linh cảm thấy rằng phần ánh sáng dành cho ông sắp hết và ông phải tận dụng nó, nhìn lần cuối cùng trong ánh sáng viễn tượng những thực tại đã bị thói quen giả dối chôn vùi. Trường hợp Nietzsche cũng tương tự như vậy. Năm 1888 là cực điểm sáng suốt và sáng tạo của Nietzsche, đồng thời cũng là cực độ của đau khổ và cô đơn của ông. Ngày 12 tháng 2 năm 1888, Nietzsche viết cho bá tước Seydlitz: “Bây giờ tôi cô đơn, cô đơn một cách phi lý; trong cuộc chiến tàn khốc và âm thầm mà tôi theo đuổi (dưới uy thế đảo hoán mọi giá trị) chống lại tất cả những gì đã được mọi người tôn sùng và quý trọng từ xưa tới nay, chính tôi đã trở thành một cái u hồn cốc mà không hay…” Trong tình cảnh đó ông chỉ cầu xin một điều: “sự thanh bình, quên lãng, sự khoan dung của mặt trời và của mùa thu cho một cái gì đang muốn chín tới, cho sự chứng thực và biện minh của toàn thể con người tôi…” (Thư cho Paul Dessen, ngày 3 tháng giêng năm 1888). Kết quả là năm tác phẩm cuối cùng, chín muồi nhất, mãnh liệt nhất của Nietzsche hoàn thành trong năm này: Trường hợp Wagner, Hoàng hôn của những thần tượng, Kẻ chống Chúa, Nietzsche chống Wagner, Ecce Homo và Tụng ca Dionysos.
Quả thực năm 1888 là cực điểm của cuộc đời và tư tưởng Nietzsche. Trước hết nó là cao độ của một thập niên đầy sáng tạo khởi đầu từ 1878 với Phàm phu, quá đỗi phàm phu, tác phẩm đầu tiên mà trong đó chan hòa ánh sáng thiên tài, kế đó Ý kiến tương hợp và châm ngôn (1879), Lữ khách và bóng hình mình (1880), Bình minh (1881), Tri thức hân hoan (1882 – bổ túc thêm năm 1887), Zarathustra đã nói như thế (1883 – 1885), Phi Thiện Ác (1886) và Phổ hệ luân lý (1887). Song song những tác phẩm trên, trong thập niên này Nietzsche còn đưa ra nhiều tư tưởng dũng mãnh quanh chủ đề Ý chí hùng dũng. Sang năm 1888, Nietzsche bỏ Ý chí hùng dũng và thay thế bằng Cuộc đảo hoán mọi giá trị, trong đó Kẻ chống Chúa là tác phẩm mở đầu.
 

Năm 1888 còn có nghĩa cực điểm trong cuộc đời và tư tưởng Nietzsche ở chỗ toàn bộ tác phẩm viết trong năm này là những cuộc duyệt xét và toát lược lại toàn thể những chủ đề triết lý của ông và của hai ngàn năm triết học Tây – phương trong ánh sáng chói lòa cuối cùng của tâm thức, ở một cao độ buốt giá, bằng một bút pháp sắc bén, cô đọng. Sau đó là bóng tối và yên lặng hoàn toàn. Đầu tháng giêng năm 1889 tinh anh ông vỗ cánh bay cao, và ông không viết thêm một dòng nào nữa, mặc dầu thể phách còn ngồi lại mười năm nữa, tới tháng 8 năm 1900.

2. Buổi hoàng hôn của những thần tượng
Tac phẩm Buổi hoàng hôn của những thần tượng hay làm cách nào người ta triết lý với cây búa? (Gotzen – Dammerung, oder: Wie man mit dem Hammer philosophiert?) được viết trong khoảng thời gian từ cuối tháng 6 tới đầu tháng 9 năm 1888 và được đem ấn hành vào cuối tháng 10 cùng năm. Mới đầu tác phẩm mang tựa đề Sự nhàn rỗi của một tâm lý gia hay Những giờ nhàn cư của một tâm lý gia (Mussiggang eines Psychologen). Nhưng sau đó, theo lời yêu cầu của Peter Gast, một cao đồ trung thành của Nietzsche, đòi ông phải tìm một tựa đề “huy hoàng” hơn cho tác phẩm, Nietzsche nhượng bộ, phỏng theo nhan đề vở “Hoàng hôn của những thần thánh (Gotter d#mmerung) của Wagner, đặt lại là Hoàng hôn của những thần tượng (Golzen D#mmerung).
Thần thoại Bắc Âu kể rằng tất cả mọi thần thánh đều có ngày tàn mạt, ngày họ tan biến vào hư vô. Đó là buổi hoàng hôn của thần thánh. Richard Wagner đã mượn thần thoại này để dựng vở kịch thứ tư trong bộ tứ ca bộ kịch (tétralogie) của ông. Nietzsche thay đổi tựa đề và cả ý nghĩa. “Thần tượng” là biểu tượng Nietzsche dùng để chỉ chân lý. “Buổi hoàng hôn của những thần tượng” có nghĩa là sự sụp đổ của mọi chân lý.
Không có một thực tại, một ý tưởng, một lý tưởng, một chân lý, một “thần tượng” nào tác phẩm này không đụng chạm tới. Từ những chân lý vĩnh cửu đến những chân lý giá trị mới mẻ. “Một cơn gió lớn thổi qua rặng cây… và trái chín rụng rơi tơi tả: những chân lý” (Ecce Homo). Nhưng những cái người ta có thể lượm trong tay chẳng có gì ngọt ngào. Vì đó chỉ là những trái thối hư, thực phẩm vô vị đã hết dưỡng chất của hai ngàn năm qua cần phải liệng bỏ. Tất cả mọi chân lý đều nhạt phai và phải xóa đi, mọi thần tượng đều hết thiêng liêng và phải tiêu diệt. Duy chỉ có cuộc đời là vĩnh cửu. Tất cả mọi hiểu biết đều sai lầm, mọi luân lý đều độc hại. Duy chỉ có bản năng là tốt lành.
Đây là cuộc tuyên chiến vĩ đại. Đây là cuộc mổ xẻ tàn nhẫn lý trí, luân lý, tâm lý học lòng ái quốc, vị tha, tình nhân loại… Đây là cuộc lột mặt nạ không tiếc thương những nhân vật, “những thần tượng” tượng trưng cho những chân lý, những giá trị cũ: Socrate Platon, thiện ác, đẹp xấu… và những “thần tượng” tượng trưng cho những chân lý giá trị mới: Renan, Rousseau, Sainte – Beuve, G. Eliot, George Sand, Schopenhauer, Comte, Kant, Schiller, Zola, Victor Hugo, Listz, Carlyle, nghệ thuật vị nghệ thuật, dân chủ, tiến bộ…
Trên tất cả, chúng ta tìm thấy trong tác phẩm này những tư tưởng hữu thể học quan trọng nhất của Nietzsche. Đúng hơn, chúng ta thấy những diễn dịch về những vấn đề cốt yếu từ quan điểm biến dịch siêu hình của ông dựa trên phương trình căn bản cũng là tiền đề của ông – là: hữu thể học truyền thống coi là “hữu thể chân thực” (Wahren – Sein) cái thực ra chỉ là một ảo tưởng, một ảo tưởng có tất cả đặc tính của phi thể (Nicht – Sein) và vô thể (Nichts) và chối bỏ, coi như “phi hữu” và phi thực cái thực ra là hữu thể đích thực và hữu thể duy nhất. Cái từ xưa tới nay, người ta coi là hiện thể đích thực, thực ra chỉ là mộng huyễn bào ảnh, trong khi cái từ xưa tới nay người ta coi là mộng huyễn bào ảnh lại chính là hiện thể chân thực. Cái từ xưa tới nay được coi là “hữu thể” (Sein) đối nghịch với biến dịch không có, trong khi chỉ có cái biến dịch hiện hữu mà thôi. Không có “hữu thể” siêu thời gian và không gian cũng như không có tâm linh giới, linh tượng giới (le monde des Idées) hay thế giới của những ý tưởng vĩnh cửu mà chỉ có thế giới khả giác (monde sensible), hiện hữu trong không gian thời gian. Không có thế giới tự nội (monde ensoi), mà chỉ có thế giới hiển lộ (monde des apparences). Không có thế giới “khác” mà chỉ có thế giới “này”, thế giới chân thực, duy nhất, linh động mà nguyên động lực là ý chí hùng dũng. Không có thế giới nào “khác”. Tất cả những ý nghĩ, khát vọng về một thế giới “khác” chỉ là cách trả thù cuộc đời “bằng sự lạm dụng ảo tưởng” về một cuộc đời “tốt đẹp hơn”. Sự chia thế giới ra làm một thế giới “tự nội” và một thế giới “bề ngoài” là dấu hiệu của sự suy đồi – một triệu chứng của sa đọa. “Sự kiện người nghệ sĩ đặt bề ngoài lên trên thực tại không phải là một vấn nạn chống lại mệnh đề này. Bởi “bề ngoài” ở đây cũng có nghĩa là thực tại nữa, nhưng mà là dưới một hình thức lựa chọn, kiên cường hóa, sửa sai… Người nghệ sĩ bi tráng không bi thảm, – hắn gật đầu nói ừ trước tất cả những gì còn hồ nghi và khủng khiếp của cuộc đời, hắn là kẻ theo Dionysos”.
Chương quan trọng nhất và cũng là trọng tâm của tác phẩm là chương “Lý trí trong triết học”. Trước đó là “Vấn đề Socrate”, sau đó là “Luân lý như một cái gì phản tự nhiên”. Trước kia, Nietzsche lên án khoa học, triết học vì chúng bị đầu độc bởi luân lý. Bây giờ Nietzsche lên án luân lý, triết học, khoa học bởi chúng bị đầu độc bởi lý trí, hay đúng hơn bởi những sự lầm lẫn lớn lao của lý luận. Những triết gia lầm lẫn lấy hậu quả làm nguyên nhân, nguyên nhân làm hậu quả. Nietzsche bài bác gắt gao phương trình quái gở và bệnh hoạn này của Socrate: lý trí = đức hạnh = hạnh phúc, Socrate, Platon là những triệu chứng suy đồi. Thế nào là suy đồi (décadence)? “Bị bắt buộc phải chiến đấu chống lại bản năng đó là định thức của suy đồi, khi cuộc đời hướng thượng, hạnh phúc và bản năng là một”. Tất cả mọi sự tốt lành đều thuộc bản năng. Alles Gute ist Instinkt. Nietzsche coi như có bổn phận chống lại quan niệm cho Thượng Đế = thế giới khác của “hữu thể chân thực”. Vì quan niệm như thế, người ta bắt buộc phải coi rẻ những thực tại trần gian mà giác quan chứng nghiệm, khi coi chúng là hiển thể (Schein) không thực thể, và đi đến chỗ khước từ cuộc sống nhục cảm, lành mạnh, coi như “tội lỗi”. Theo Nietzsche, với Thượng Đế, người ta đặt thành tuyệt đối thể một hữu thể tưởng tượng, phi thời gian bên trên những thực tại trần gian, những cái duy nhất có thực thể trong dòng biến dịch. Một Thượng Đế, nếu được quan niệm như thế, sẽ làm nền tảng cho một thứ luân lý vô cùng nguy hại cho con người và cuộc đời. Đó là một hữu thể học luân lý hóa hay một luân lý hữu thể học hóa. Cần phải giải phóng hiện thể khỏi thứ hữu thể học hay luân lý này. Đó là một nhiệm vụ nặng nề mà Nietzsche gọi là cuộc “đảo hoán mọi giá trị”. Đó là công việc của người nghệ sĩ bi tráng, kẻ nói “ừ” trước tất cả mọi hồ nghi và khủng khiếp. Người nghệ sĩ bi tráng chọc thủng hiển thể để đạt tới thực thể một cách can đảm. Hắn dám chấp nhận cái chết của Thượng Đế và dám đập “bằng cây búa” tất cả những chân lý cắm rễ sâu xa nhất trong lòng đời và dám đốn ngã những thần tượng được tôn kính của truyền thống, và thừa can đảm để gây nên những “âm thanh trống rỗng” của buổi chiều tà. Đi vào “hoàng hôn của những thần tượng” và đương đầu với “đêm tối của Hư Vô chủ nghĩa” là những sứ mệnh lịch sử của nghệ sĩ bi tráng cũng như của tất cả những tinh thần tự do không chấp nhận làm rêu mốc bám trên những bậc thềm, những bờ tường nứt nẻ của những miếu đường hoang vắng nữa. Nếu “hoàng hôn của những thần tượng” có nghĩa là sự lạm phát của mọi chân lý, mọi giá trị thiết định lấy “thế giới chân thực” bên ngoài trần gian, bên kia đời sống làm bản vị, coi những kẻ bạc nhược sa đọa là những kẻ làm giấy bạc, coi đền thờ là những ngân hàng và Thượng Đế là kẻ chế tài thì “đêm tối của Hư Vô chủ nghĩa” chính là sự phá giá của tất cả những chân lý, những giá trị đó. Cả hai đều là những giai đoạn tất yếu và cần phải vượt qua của lịch sử. Chân lý, trần gian, cuộc đời sẽ và chỉ thuộc về những kẻ chân thực, dám đốt đi những bản di chúc hứa hẹn huy hoàng nhưng giả dối và giả tạo như tấm ngân phiếu không tiền bảo chứng, những kẻ sau khi buông rời cây búa phá hủy còn có đủ sức mạnh cầm tay cầy khai phá cánh đồng khả thể, khơi mở dòng đời, tạo dựng đời sống trong dòng hồn nhiên của biến dịch.

3. Song luận
Sự thức tỉnh của nhân loại bắt đầu với song luận này: “Hoặc chúng ta phá hủy sự sùng bái của chúng ta hoặc chúng ta phá hủy chính chúng ta” (Der Will zur Macht, III). Chúng ta đã phải trả giá khá đắt những “chân lý” thiêng liêng, những sai lầm in physiologicis (Ibid, II) Nietzsche tự coi như bổn phận việc “sửa soạn cho nhân loại một giây phút tuyệt vời trở về chính mình, một buổi giữa ngọ rực rỡ để quay về quá khứ và đưa mắt nhìn về tương lai, để rũ khỏi ách đô hộ của tình cờ và của những giáo sĩ và đặt câu hỏi tại sao và thế nào trong toàn bộ của nó lần thứ nhất, bổn phận này thiết yếu bắt nguồn từ lòng xác tín rằng nhân loại tự mình đã không đi theo đúng chính đạo, đã không được điều động bởi một thần tính mà trái lại đã để bị lôi cuốn và chế ngự với một bản năng tiêu cực, hư hỏng, bởi bản năng suy đồi mà nhân loại đặt lên hàng những giá trị tối thiêng liêng” (Ecce homo, III, 2), vì thế “sự khôn ngoan xuất hiện trên trái đất này từ xưa tới nay như một con quạ khoang bị hấp dẫn bởi mùi “tử khí”, hay cũng có thể nói như một con cú vọ chuyên soi mói những khía cạnh đen tối cuộc đời và thốt lên những tiếng bi ai. Đó là sự khôn ngoan của tinh thần nặng nề, tìm sự giải thoát bằng cách tiêu diệt ý chí sống. Nietzsche gây chiến chống lại chủ trương tiêu cực mệt mỏi đó. Kết quả của nỗ lực bền bỉ, can đảm, cứng cỏi, âm thầm này là sự hân hoan hay “tri thức hân hoan” theo ngôn ngữ Nietzsche. “Kẻ nào trèo lên núi cao, kẻ ấy tự cười mọi bi kịch giả tạo hay có thực”. Trên bàn thờ những giá trị mới, tiếng cười chiến thắng đã thay thế tiếng thở dài đầu hàng. “Tôi đã phong thánh tiếng cười, hỡi những con người siêu đẳng, hãy học cười!”. Bằng tiếng cười hồn nhiên giòn giã, chúng ta quét sạch mọi thần tượng trang trọng đăm chiêu và đón chào một thế giới tinh khôi rực rỡ.

Nguyễn Hữu Hiệu

Tác giả

(Visited 13 times, 1 visits today)