Các chương trình KC: Nghiên cứu thành công nhiều công nghệ tiềm năng
Theo Văn phòng Các chương trình trọng điểm cấp Nhà nước (Các chương trình KC), giai đoạn 2011-2015, có khoảng 80 công nghệ đã được nghiên cứu thành công ở các mức độ khác nhau, trong đó nhiều kết quả đạt trình độ của các nước tiên tiến trên thế giới.
Các bác sỹ Bệnh viện Nội tiết trung ương tiến hành phẫu thuật tuyến giáp bằng phương pháp nội soi cho bệnh nhân
Theo hội nghị Tổng kết các chương trình KC mới đây, trong giai đoạn 2011-2015 đã có gần 200 công nghệ, quy trình kỹ thuật tiên tiến trên thế giới được nghiên cứu và đến nay các nhà khoa học Việt Nam đã làm chủ được một số kỹ thuật, quy trình trong lĩnh vực y học như: kỹ thuật phẫu thuật nội soi trong điều trị một số bệnh lý tuyến giáp; quy trình ghép khối thận – tụy từ người chết não; quy trình phẫu thuật nội soi qua ngã tự nhiên (trực tràng và âm đạo) điều trị ung thư đại tràng và trực tràng; công nghệ gắn kháng thể đơn dòng với 2 đồng vị phóng xạ I131 và Y90… Trong đó, kỹ thuật phẫu thuật nội soi trong điều trị một số bệnh lý tuyến giáp đã được nhóm nghiên cứu thực hiện trình diễn tại các trường đại học của Thái Lan, Philippinnes, Indonesia, Malaysia, Ấn Độ trước nhiều giáo sư và phẫu thuật viên các nước này.
Ngoài ra, hàng loạt các kỹ thuật và công nghệ tiên tiến trong một số lĩnh vực khác đã được nghiên cứu thành công, hứa hẹn sẽ được phổ biến rộng rãi như: quy trình sản xuất các kháng thể đơn dòng ở quy mô phòng thí nghiệm; giống ngô chuyển gen chịu hạn; giống đậu tương chuyển gene kháng thuốc diệt cỏ; công nghệ đốt than trộn của than trong nước (khó cháy) với than nhập khẩu dễ cháy… Thí dụ, với 44 tỷ đồng Nhà nước đầu tư cho 6 nhiệm vụ thuộc chương trình KC.06/11-15, 8 giống lúa thơm năng suất cao ra đời, được trồng trên 100.000ha, giúp người dân thu thêm 50.000 tấn thóc – tương đương 325 tỷ đồng. Trong khi đó, chỉ tính riêng Nhà máy nhiệt điện Ninh Bình, trong gần một năm áp dụng công nghệ đốt than trộn của than trong nước (khó cháy) với than nhập khẩu dễ cháy, đã tiết kiệm được khoảng 640 tấn than – tương đương 12 tỷ đồng, trong khi kinh phí cho đề tài là khoảng 6,6 tỷ đồng. Đó là chưa tính lợi ích về môi trường do lượng xỉ thải ra ít khi hiệu suất cháy tăng lên. “Nếu sử dụng công nghệ mới thì với nhu cầu hiện tại, các nhà máy nhiệt điện đốt than của Việt Nam có thể tiết kiệm mỗi năm ít nhất 450.000 tấn than – tương đương 800 tỷ đồng” – TS Nguyễn Thiện Thành – Giám đốc Văn phòng các chương trình nhấn mạnh.
Giai đoạn 2011-2015, các chương trình tạo ra 157 quy trình hoàn thiện; hoàn thiện và đưa vào sản xuất 65 mẫu máy móc. Các đề tài cũng tạo ra 321 vật liệu mới và thương mại hóa được 73 sản phẩm… Có 400 tiến sỹ và 900 thạc sỹ tốt nghiệp thông qua việc thực hiện các đề tài, dự án. Có 160 bài báo khoa học được đăng trên các tạp chí quốc tế và trên 200 bài được trình bày trong các hội nghị quốc tế.