Các hệ sinh thái biển suy thoái do bị khai thác quá mức
Các hệ sinh thái biển đóng một vai trò quan trọng đối với sự phát triển kinh tế, văn hóa, du lịch và môi trường của Việt Nam. Tuy nhiên, hiện nay các hệ sinh thái này đang bị suy thoái nhanh chóng do sự khai thác quá mức của con người, ô nhiễm môi trường và biến đổi khí hậu.
Trong bối cảnh đó, Việt Nam cần tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật về quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường biển, trong đó cần có chế tài xử phạt đủ mạnh để xử lý, ngăn chặn những hành vi vi phạm pháp luật, gây tổn hại đến môi trường biển
Đó là kết luận được PGS.TS Phạm Quý Giang (trường Đại học Hạ Long) và TS. Rajendra Khanal (Viện Công nghệ Tokyo, Nhật Bản) đưa ra trong bài báo “What next for marine ecosystem management in Vietnam: assessment of coastal economy, climate change, and policy implication” được đăng tải trên Environmental Research Communications.
Các nhà khoa học đã xem xét các tài liệu về hệ sinh thái biển, kinh tế ven biển, san hô và các chính sách của chính phủ về quản lý môi trường biển tại Việt Nam. Họ cũng thực hiện một số cuộc khảo sát tại Quảng Ninh, Nha Trang, Vũng Tàu, Quảng Ngãi nhằm đánh giá hiện trạng các hệ sinh thái biển ven bờ, đặc biệt là các rạn san hô. Theo đó, nhóm nghiên cứu nhận thấy tình trạng phân mảnh, suy thoái, mất môi trường sống, đánh bắt – khai thác quá mức, biến đổi khí hậu và ô nhiễm – đặc biệt là rác thải biển, là mối đe dọa đối với sức khỏe đại dương của Việt Nam.
Hệ quả là các rạn san hô ở Việt Nam đang bị suy thoái và số lượng san hô giảm mạnh. Theo báo cáo “Hiện trạng môi trường quốc gia giai đoạn 2016-2020” của Bộ TN&MT, diện tích thảm cỏ biển từ Quảng Ninh đến Hà Tiên ước tính giảm khoảng 40-60%; diện tích rừng ngập mặn giảm khoảng 70%; khoảng 11% diện tích các rạn san hô đã bị phá hủy hoàn toàn, không có khả năng tự phục hồi. Ở một số khu vực như Cát Bà, Hạ Long, Quảng Nam, thảm cỏ biển gần như không có cơ hội phục hồi tự nhiên do bị ảnh hưởng nặng nề từ hoạt động du lịch, nuôi trồng thủy sản. Trong khi đó, diện tích rạn san hô bị mất tập trung chủ yếu ở các khu vực có người sinh sống như Vịnh Hạ Long, các tỉnh ven biển miền Trung và một số đảo có người ở thuộc quần đảo Trường Sa, có nhiều khu vực mất hơn 30% độ che phủ san hô. “Hiện nay, mặc dù Việt Nam đã trồng và phục hồi san hô ngoài tự nhiên thành công nhưng diện tích phục hồi vẫn còn rất thấp”, nhóm nghiên cứu nhận định.
Cho đến nay, các nhà nghiên cứu đã ghi nhận khoảng 100 loài sinh vật biển ở Việt Nam có nguy cơ bị đe dọa do khai thác, đánh bắt quá mức. Đây là những loài quý hiếm đã được đưa vào Sách đỏ Việt Nam và Sách đỏ IUCN và cần được bảo vệ. Nghiên cứu cho thấy hơn 80% cá ở vùng biển ven bờ và xa bờ của Việt Nam đã bị khai thác, trong đó có tới 25% cá bị khai thác quá mức hoặc cạn kiệt, và nhiều loài sinh vật biển khác có nguy cơ tuyệt chủng.
Đến nay, Việt Nam đã ban hành nhiều văn bản quy phạm pháp luật quy định việc bảo vệ, sử dụng hợp lý tài nguyên và kiểm soát ô nhiễm, tạo cơ sở pháp lý quan trọng cho hoạt động bảo vệ môi trường biển nói chung và bảo vệ hệ sinh thái biển nói riêng. Ví dụ, bất kỳ tổ chức hoặc cá nhân nào có hành vi gây ô nhiễm, cạn kiệt tài nguyên thiên nhiên và suy thoái đa dạng sinh học biển đều phải bị xử lý theo pháp luật và phải chịu trách nhiệm khắc phục, phục hồi và bồi thường thiệt hại. Nội dung nguyên tắc đã được ghi lại tại Điều 63 Hiến pháp 2013.
Theo nhóm nghiên cứu, mặc dù Việt Nam đã xây dựng hệ thống văn bản pháp luật, ban hành chiến lược liên quan đến biển và triển khai nhiều hoạt động hợp tác quốc tế liên quan đến tài nguyên và môi trường biển; song nhìn chung, nhóm nghiên cứu cho rằng Việt Nam cần tăng cường giám sát chặt chẽ quá trình thực hiện luật. “Tình trạng suy thoái hệ sinh thái biển hiện nay hàm ý rằng Việt Nam thiếu cơ chế pháp lý hiệu quả để kiểm soát các hoạt động gây ảnh hưởng đến thiên nhiên, ảnh hưởng đến môi trường biển. Chế tài xử phạt chưa phù hợp, chưa đủ mạnh để trừng trị, ngăn chặn hành vi vi phạm.”
Bên cạnh đề xuất về hệ thống pháp luật, nhóm cũng đưa ra một số khuyến nghị cho Việt Nam như mở rộng hợp tác quốc tế trong quản lý, nghiên cứu tài nguyên, môi trường biển và hải đảo; thực hiện chương trình điều tra cơ bản tài nguyên và môi trường biển để từ đó xây dựng hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu về biển và tài nguyên, môi trường quốc gia. □
Bài đăng Tia Sáng số 9/2024