Các nhà máy xử lý nước thải Việt Nam chưa được thiết kế để loại vi nhựa
Hạt vi nhựa từ lâu đã được xem là thủ phạm gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe của hệ sinh thái và quần thể sinh vật. Không khí, dòng chảy mặt, và nước thải từ các nhà máy xử lý nước thải là những nguồn khuếch tán quan trọng. Đặc biệt, các nhà máy xử lý nước thải là nơi tiếp nhận các hạt vi nhựa trên mặt đất trước khi chúng xâm nhập vào hệ thống thủy sinh tự nhiên.
Đã có nhiều nghiên cứu được tiến hành ở các nước phát triển nhằm phác họa sự đa dạng, hình thái và tính chất của vi nhựa trong nước thải, đồng thời đánh giá hiệu quả loại bỏ vi nhựa khỏi nước thải của từng bước xử lý trong nhà máy. Tuy nhiên, hiện có rất ít nghiên cứu làm rõ số phận của vi nhựa trong nhà máy xử lý nước thải ở các nước đang phát triển, cũng như khả năng tái sử dụng nước cho mục đích nông nghiệp hoặc sinh hoạt.
Đó là lý do thúc đẩy PGS. TS. Nguyễn Phước Dân, TS. Kiều Lê Thủy Chung, ThS. Lê Thị Minh Tâm và các đồng nghiệp thuộc Trung tâm châu Á Nghiên cứu về Nước – CARE (trường Đại học Bách khoa TP.HCM, ĐHQG-HCM) tiến hành đánh giá hiệu quả loại bỏ vi hạt nhựa của một số nhà máy xử lý nước thải ở Việt Nam. Nhóm nghiên cứu đã công bố kết quả trong bài báo “Evaluation of microplastic removal efficiency of wastewater-treatment plants in a developing country, Vietnam” trên tạp chí Environmental Technology & Innovation.
Theo nhóm nghiên cứu, Việt Nam đang phải đối mặt với tình trạng ô nhiễm nước nghiêm trọng chủ yếu do nước thải có nguồn gốc từ các hoạt động sinh hoạt, công nghiệp và nông nghiệp chưa qua xử lý. 45 nhà máy xử lý nước thải tập trung hiện nay mới chỉ xử lý được khoảng 12,5% tổng lượng nước thải sinh hoạt phát sinh tại các đô thị Việt Nam
Các nhà máy thường tập trung vào việc loại bỏ chất hữu cơ, chất dinh dưỡng và mầm bệnh trong nước. Họ xử lý sơ bộ bằng cách sử dụng giá đỡ hoặc màn chắn, sau đó là các quy trình bùn hoạt tính, chẳng hạn như bùn hoạt tính truyền thống (CAS), bể bùn hoạt tính từng mẻ (SBR) và mương oxy hóa (OD). Những nhà máy này không được thiết kế để loại bỏ vi nhựa khỏi nước thải và cho đến nay, các tiêu chuẩn chất lượng nước thải của Việt Nam vẫn chưa tính đến các giá trị giới hạn về nồng độ vi nhựa. Vào năm ngoái, PGS.TS Đỗ Văn Mạnh (Viện Công nghệ Môi trường, Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam) đã ước tính hiệu suất loại bỏ hạt vi nhựa ở ba nhà máy xử lý nước thải tập trung tại TP. Đà Nẵng và nhận thấy hiệu suất chỉ ở mức thấp (22-25%).
Để kiểm chứng điều này, PGS. TS. Nguyễn Phước Dân đã xem xét ba nhà máy xử lý nước thải sinh hoạt, gồm nhà máy ở Bình Hưng (Bình Chánh, TP.HCM), Thuận An, Dĩ An (Bình Dương) và Đà Lạt (Lâm Đồng). Họ dự định đánh giá nồng độ và hình thái của vi nhựa trong dòng nước vào, các bước xử lý khác nhau của nhà máy; xem xét hiệu quả giữ lại vi nhựa ở từng giai đoạn của quá trình xử lý; xác định mối tương quan giữa các thông số hóa lý và nồng độ vi nhựa; và ước tính lượng vi nhựa thải ra môi trường nước từ mỗi nhà máy xử lý nước thải.
Kết quả cho thấy các quy trình vật lý và sinh học được áp dụng trong bốn nhà máy đều không thể loại bỏ hoàn toàn vi nhựa trong nước thải. Mặc dù công nghệ được sử dụng trong các nhà máy xử lý nước thải được nghiên cứu không hiện đại bằng nhà máy ở các nước phát triển, nhưng hệ số về hiệu quả giữ lại vi nhựa và lượng vi nhựa thải ra hằng ngày lại tương đương với các nhà máy xử lý nước thải khác trên toàn thế giới. Tuy nhiên, các nhà khoa học thừa nhận rằng nghiên cứu vẫn chưa tính đến các loại vi nhựa có kích thước nhỏ hơn – loại nhựa hiện diện nhiều nhất. Trong tương lai, các nhà khoa học cần xem xét các hạt có kích thước nhỏ, và cũng phân tích dòng chảy vi nhựa trong quá trình keo tụ, lắng và huyền phù xuyên suốt quá trình xử lý nước thải.
Đây là nghiên cứu đầu tiên xem xét mức độ đa dạng và hình thái vi nhựa trong các giai đoạn xử lý khác nhau ở các nhà máy xử lý nước thải ở Việt Nam. Những kết quả đạt được sẽ là cơ sở để các nhà quản lý và kỹ sư nhà máy xác định hiệu quả công nghệ, đặc biệt ở từng bước xử lý và nỗ lực tối ưu hóa nó. Đồng thời, nghiên cứu cũng là lời gợi ý để các nhà hoạch định chính sách cân nhắc việc đưa hạt vi nhựa vào danh sách chất ô nhiễm ưu tiên được theo dõi trong các nhà máy xử lý nước thải. □