Các nước Ấn Độ Dương thử nghiệm hệ thống cảnh báo sóng thần

Sau cuộc thử nghiệm toàn diện đầu tiên, các nước vùng Ấn Độ Dương cuối cùng khẳng định đã sẵn sàng kiểm soát hệ thống cảnh báo sóng thần, được xây dựng từ năm 2005.

Hôm 12/10/2011 vừa qua, 23 quốc gia vùng Ấn Độ Dương đã cùng tham gia cuộc thử nghiệm khả năng phản ứng trước sóng sần. Vào lúc 8.05 giờ địa phương, Cơ quan Khí tượng, Khí hậu, và Địa Vật lý tại Jakarta đã công bố tin về một cơn sóng thần giả định – được mô hình hóa theo trận sóng thần tràn vào Sumatra năm 2004 cướp đi mạng sống của 200 nghìn người – truyền tới các trạm đầu mối quanh khu vực Ấn Độ Dương. Các trạm này liền truyền đi thông điệp cảnh báo tới các cụm dân cư và trạm cấp cứu dọc bờ biển, trong đó có thông tin giả định rằng sóng thần đang đến, độ cao của sóng. 

Hệ thống Cảnh báo Sóng thần và Giảm trừ thiên tai Ấn Độ Dương (IOTWMS) – tương tự như hệ thống tương tự ở Thái Bình Dương – được thiết kế để kết hợp các chỉ số chấn động địa chất, mức cao của sóng biển, các bản đánh giá nguy cơ theo mô hình máy tính, và thông tin hậu cần để công bố và xử lý khi có cảnh báo kịp thời.

Cuộc thử nghiệm – trong đó có hoạt động sơ tán ở Ấn Độ và Malaysia – đã thành công, theo lời Tony Elliott, trưởng Nhóm Điều phối Liên Chính phủ cho IOTWMS tại Perth ở Úc. Một bản đánh giá đầy đủ các hoạt động, bao gồm xác định những nhược điểm và nút thắt cổ chai, sẽ được hoàn thành vào cuối tháng tới. 

Hệ thống này trị giá 100 triệu USD, được vận hành bởi Hawaii và Nhật kể từ 2005, và sẽ chạy song song với trung tâm Các nhà cung cấp Dịch vụ Sóng thần Khu vực (RTSPs) được lập ở Ấn Độ, Indonesia, và Úc, cho tới cuối năm 2012. Sau đó, RTSPs sẽ được giao kế thừa trọng trách.

Nhưng một số nước, bao gồm Somalia, Djibouti, Các Tiểu vương quốc Ả rập, và Nam Phi, vẫn chưa lập các trạm đầu mối quốc gia. Vì vậy, tại những nơi này, cảnh báo sóng thần có thể đến quá chậm để có thể cứu người, nhận định từ Hermann Fritz, một nhà nghiên cứu sóng thần tại trường Georgia Tech Savannah.

Cũng đáng quan ngại, theo Fritz, là tình hình ở Miến Điện. Tuy quốc gia này có kết nối với hệ thống cảnh báo, nhưng các cấp chính quyền ở đây thường thiếu hiệu quả trong việc đối phó với thiên tai – ví dụ như hồi tháng 5, 2008, cơn bão Nargis đã làm chết 140 nghìn người, trong khi trước đó chính quyền không hề phát đi cảnh báo hoặc lên phương án sơ tán.

 

Tác giả

(Visited 4 times, 1 visits today)