Cạn ba tuần buna

Người thanh niên đứng lặng yên trong một góc tối. Thực ra thì trong con ngõ góc nào cũng tối, nhưng giờ mưa lất phất nên trên những chỗ lầy lội mặt nước còn nhá nhem được một tí ánh đèn từ ngoài lộ hắt vào. Người thanh niên đứng lặng yên trong một góc tối, tức là một góc khô. Anh cao gầy, hai con mắt thật to trũng trên khuôn mặt của người quanh năm ăn không đầy bụng, long lanh cái nhìn sáng lạ kỳ của những người đang đói. Anh lưng tựa vào tường và trên người quấn chéo một chiếc mền len, ngoài 20 có lẽ nhưng gần 40 cũng có thể, một người già trước tuổi, co ro dưới cái lạnh về đêm của cao nguyên 2.000 mét nhưng vẫn hiên ngang sa mạc dáng đứng Afar.

 

Bảy giờ đêm là lúc các hàng quán tấp nập, ngoài đường cách đây 20 thước là các cửa hiệu xanh đỏ, con lộ mênh mông và tối sầm vệt ngang vệt dọc những ánh đèn xe khách Volkswagen, lơ xe vươn người ra khỏi thành cửa sổ hét to tên những tuyến đường cho khách tụ tập đang đứng đợi. Học sinh đã về nhà hết từ lúc chiều chưa xuống, giờ là nhân viên hết ca, nam nữ công tư sở lốm đốm ở dưới các cột đèn. Lát nữa, khi yên tĩnh hẳn, khi con đường bắt đầu trầm xuống, sẽ mới xuất hiện le lét những cô gái dậy thì không nhà và lưu lạc từ quê ngơ ngác mời chào[1].

Tôi ngồi trên xe và nhìn người thanh niên quấn mền trong khi đợi anh tài ra phố hỏi thăm địa chỉ. Tôi mặc áo gió ngồi hút thuốc, tay trên thành cửa và anh cách đó ba thước không nói năng gì. Anh tài trở lại, tay cầm di động và cái cổng sắt ở cách đầu xe vài bước mở lịch kịch nặng nề, Ayanna tôi nhận ra nhờ mái tóc xoăn dài và dáng cao bên cạnh mấy cô bé. A mặc váy ngắn đi phố nhưng bên dưới nàng mang thêm một cặp vớ đùi dầy bằng len hồng, A đi dép rón rén, hai tay ôm người ở dưới ngực nhìn dáo dác tìm tôi ở cổng. Tôi ra khỏi xe, người thanh niên không nhìn theo, không quay người và không cử động, việc gì mà phải tốn calori, đôi mắt thật to chỉ nhích một thoáng lang thang và trở về cố định.

Căn nhà của A nằm trong góc một cái sân lót gạch vây quanh bốn phía bởi năm hay là sáu hộ chúc đầu vào, có thể gọi là một « xóm » rất nhỏ an ninh và biệt lập, ngay cả ánh điện trong các nhà cũng không hắt ra được đến bên ngoài những bức tường cao. Mấy cô bé hàng xóm này cũng là người cùng quê ở Gonder, A bảo. Cả cái sân đầm ấm, chung nhau một cái chảo vệ tinh khổng lồ cỡ hai mét đường kính chiếm gần như trọn một góc mái, truyền hình bên trong các hộ cửa mở chớp nháy VH1, MTV. Bước lên hai bước cao mới đến bậc thềm, các hộ này vào mùa lũ chắc cũng không bị lụt, đó là tôi đoán thế chứ chẳng hiểu Addis Ababa có bao giờ tắc cống hay là vỡ đê,  trước giờ tôi chỉ nghe nói đến Ethiopia gặp phải hạn hán nhưng biết đâu được, thiên tai có khi như công tử Bạc Liêu, đi một cặp, đã có Hắc công tử lại có cả Bạch. Điều chắc chắn là đất nước này có một mùa mưa.

Năm 1973 Ethiopia gặp phải một trận đói làm cho lừng danh thế giới, năm 1984 lại chết thêm vài trăm ngàn, khiến tên của quốc gia này gắn liền với hình ảnh những đứa bé bụng ỏng và mắt lồi. Chế độ, gia tài thực dân và tàn dư phong kiến, chiến tranh và thời tiết chia nhau các phần trách nhiệm. Lần chót gần nhất là mới đây thôi, năm 2004, chính quyền gõ cửa toàn cầu xin thực viện 140 triệu USD mà chỉ nhận được có 37, khiến ngay tại các trại tị nạn của Liên Hiệp Quốc khẩu phần mỗi ngày được hạ xuống 1.500 calori trong khi dưới 1.900 calori được chính tổ chức này coi là tình trạng đói kém.

Để so sánh, quỹ sở thú Thành phố Los Angeles vào năm 2008, dự định trang chỉnh lại chuồng voi cho thoáng mát và mấy con voi khỏi cuồng chân là 52 triệu USD (cho nên mới có thành ngữ ‘theo voi ăn bã mía’?) Trong trường hợp Ethiopia là ăn bã ngô, bã tef, bã ngũ cốc và trước khi lên án chế độ hiện hành của Thủ tướng Meles Zenawi thì phải biết đây là một chính quyền thân Hoa Kỳ. Trước khi lên án chính quyền thân Hoa Kỳ này thì phải biết, đây là một chính quyền theo Mác xít chủ nghĩa, xuất thân từ Mặt trận Nhân dân Giải phóng Tigray (TPLF). Vậy thì chỉ còn có yếu tố thời tiết nhưng trước khi trách ông trời thì phải biết, 2004 là một năm tương đối nhiều mưa và được mùa, số ngũ cốc sản xuất dư dùng cho cả nước.

Theo Jean Ziegler, phúc trình viên đặc biệt của LHQ về quyền thực phẩm (2000-2008) thì số ngũ cốc dư thừa này nằm mục nát ở khu vực sản xuất trong khi những vùng khác thiếu ăn[2]. Ethiopia diện tích hơn 1 triệu km vuông, gấp ba lần Việt Nam trong khi hệ thống cầu đường rất sơ sài. Chương trình Thực phẩm Thế giới (PAM) có thể mua của nông dân địa phương và giúp chuyên chở đến những khu vực đói kém, lợi cả hai đầu, đầu tiêu thụ địa phương cũng như đầu sản xuất địa phương. Nhưng thế thì đơn giản quá, đây là quên mất đầu… Hoa Kỳ.

Năm 2004, 60% số ngũ cốc được phân phối tại Ethiopia là gốc Mỹ, được chính quyền Mỹ mua lại từ thặng dư của nông dân Mỹ với giá cao (tức là một hình thức tài trợ) và riêng phần PAM chuyên chở từ cảng Djibouti đến nơi phân phát tổn phí là 140 USD/tấn. Tại Ethiopia, giá thành của một tấn bắp là 70 USD và giá thị trường là 23 USD. Tóm lại là nông dân Ethiopia càng sản xuất nhiều thì càng lỗ và không bán đi đâu được. Nông dân Mỹ có sản xuất thừa thì vào những dịp ‘may’ thế này được Chính phủ Mỹ mua giúp cho, đóng vào bao USAID có hình hai bàn tay thân hữu siết chặt, và chở đến tận trại tị nạn mà phát chẩn.

 


Ở nhiều nơi càphê là một trong những cây trồng chủ lực ở Ethiopia đã giúp xóa đói một phần dân số quốc gia châu Phi này.

 

Nói cách khác, con xin ông đi qua bà đi lại 10 đồng mua 10 ổ bánh mì, nhà đông con mà các cháu nó không có gì trong bụng. Bà không cho 10 đồng mà cho 3. Nhưng thay vì đi mua được 3 ổ để ăn tạm thì phải đến nhà bà mà mua lại cái bánh ngọt tao còn dư trong tủ lạnh ! Thế là ăn mày không có đòi mà lại được ăn xôi gấc, còn muốn gì. Thì là tiền của Mỹ cho, không chịu thì đói, không chịu thì chết và không chịu thì thôi. Thiếu thì ông cho mày vay, để mày còn ‘phát triển’. Nhưng vay thì phải trả, năm 2006, quỹ để trả nợ nước ngoài của Ethiopia là 167 triệu USD, 12% của tổng sản lượng quốc gia[3]. Trả hết tình tôi, còn nợ không thôi và đói vẫn hoàn đói.

Nhưng ở đây ai có đói là anh thanh niên Afar quấn mền ở ngoài cổng, chứ không là phải tôi. Tôi tưởng là đến đây để rủ A đi ăn tối nhưng A đã bắt đầu nấu nướng ở nhà trong khi đợi. Căn hộ của A khoảng chừng 50 mét diện tích, một phòng khách, một phòng ngủ và khu vực bếp-nhà tắm-vệ sinh kiểu như ở Việt Nam, tuy là kiểu Việt Nam trung lưu. Phòng khách bị ghế sa-lông chiếm mất ba mặt, có thể ngồi đến mươi người, chừa lại chỗ cho một cái tủ trưng bày, và bày TV to đùng đang phát một buổi trình diễn thời trang ở đâu đó Milan. Trang trí căn phòng nói chung theo kiểu trưởng giả quốc gia đang phát triển, mấy cái giải phủ bàn thêu, ảnh kỷ niệm bày trong khung, hai ba chai rượu quý phía phần trên tủ, gu nội thất của chủ nhân có phần đi sau gu phục sức của nàng hai ba thập niên là ít. Đây là điều vẫn không ngớt làm tôi ngạc nhiên, một người con gái 23 tuổi, dáng dấp và ngoại y Soho, nội y thì cũng Tribeca chứ sao nghĩa là phù hợp, nhưng nội thất lại là một bà đứng tuổi tỉnh lẻ. Ờ thì đây là Addis Ababa, ‘Sừng’ Phi châu.

Tôi hỏi với vào trong bếp,‘Đây có truyền hình địa phương không’ trong khi A đang xào nấu thơm lừng (nhưng chắc cũng không bay ra được tới anh thanh niên ngoài cổng, mà có bay ra được đến tận anh thì vẫn còn cái cổng, lại bằng sắt cẩn thận tức là để chặn anh chứ không phải là để chặn mùi hương). A chạy ra đổi kênh cho tôi, có chứ sao không, Ethiopia có 1 kênh truyền hình địa phương. Tôi ngồi xem một phim bộ đồng quê có cây mít và nhà ngói. Anh trai làng hình như là ve vãn cô hái mơ hái ổi và gặp sự chống đối của gia đình, ông cụ chăn dê lại nói ra nói vào làm cho rối việc. Thì cũng thấy thân quen, chỉ khác chăng chút xíu là các nhân vật này, anh trai, cô gái, ông già, gia đình… người nào da cũng đen! A dọn cơm ra, ngồi bên cạnh gác đùi, bảo mời anh dùng một mình đi, em ăn rồi và con bé thì đã đi ngủ, lát nữa hãy vào xem.

Đứa bé ngoài đời thì cũng như trên ảnh, to đầy chắc nịch và lớn hơn là cái tuổi hai năm. Nó nằm ngủ ngon lành trong cái nôi cao cấp đặt bên giường của mẹ, phải nhìn kỹ thì mới thấy đường nét Phi châu chứ nước da thì trắng bóc Tô Châu. Tôi hỏi có ảnh của người bố không cho tôi xem mặt, A trợn mắt, vất đi hết rồi, đừng có mà nhắc tới ! Năm A lên 19, có người con gái buông tóc thề (xoăn tít) ở quán ăn của bà chị, đêm về e ấp chuyện vu quy thì anh chàng Anh Quốc này xà xuống và rước đi. Nếu như Singapore, Đài Loan, Hàn Quốc rước về làm vợ thì đã phước nhưng A được rước đi là để làm thứ thất âm thầm tại chỗ, người Phi Châu gọi là Deuxième Bureau (Phòng Nhì). Ông chồng hờ và ‘old africa hand’ này đã có một bà giá thú hẳn hoi để ở London.

Con mẹ đó già, A hùng hổ như đó là một tội ác không thể tha thứ, con mẹ đó đã 49 tuổi ! Chàng thì mới ngót ngét có 50 và họ đã có với nhau một cậu ấm lên 10. Chuyện làm ăn xa của chàng, lúc đi lúc về, bắt buộc phải có ngày vỡ lở, và A nhận được một cú điện thoại viễn liên. Tiền mày tiêu là tiền của tao, bà ‘lão’ người Angola này cho nàng biết, và từ đây tao cấm tiệt ! Lúc đó kết quả của cuộc tình vụng trộm và đang nằm thù lù trong nôi trước mặt tôi này đã hơn một tuổi và biết gọi Ba mỗi khi ông từ miền băng tuyết trở về với quà sắm tại Harrod’s vào mùa hạ giá.

Vậy là từ đó chim đa đa nó đậu cành xa và thân cò lặn lội của A thì đậu phải cành mềm. A đi kiện, tìm luật sư buộc bố đứa bé phải công nhận, lúc đầu nghe đâu là tốn kém liên lục địa và hai quốc gia nhưng sau khi nghe tỏ ngọn ngành và hoàn cảnh, luật sư mủi lòng (?) mà chịu nhận giúp nàng với giá 1/3. A bảo, em không cần gì cho em, nhưng đứa bé phải có cha và cha nó phải có bổn phận cấp dưỡng. Về phần này, phụ nữ Ethiopia có vẻ ý thức hơn là phụ nữ Việt, hay chí ít là cô A này cũng ý thức hơn là vợ bé hay vợ cả của các nhà văn nhà thơ ta. Tôi hỏi cho chắc, thì đứa bé là lựa chọn của người cha, và cuộc sống đầm ấm cho đến khi chính thất của chàng cất tiếng. Ông này bèn cầm tay A và cầm tay con thút thít rồi gạt nước mắt trở về Anh Quốc, nghe đâu là giờ ở một mình vì con mẹ Luanda đã đuổi ông ra khỏi nhà. Tàn một đời trai phiêu lưu thám hiểm từ Tây sang Đông, từ cao nguyên đến rừng già, từ Angola đến  Ethiopia, để từ nay mỗi ngày cầm ô đi tàu điện.

A bảo, London thì em có ở chơi rồi một vài tháng, chán kinh hoàng và tôi gật đầu đồng ý. Nếu A không thích ăn cơm Ấn Độ thì chẳng có gì mà lại phải lưu luyến thành phố đã mù sương nhưng không có thác Pren này.

A dọn về căn hộ ở đây, 150 USD một tháng. Bàn ghế là nàng tự mua sắm lấy, bộ sa-lông này là mất 500 đấy. Ngoài nàng ra còn có một chị giữ em, cũng ở cùng quê với lại A. Có lẽ tối đến chị trải mền ra ngủ trong phòng khách vì buồng ngủ chỉ có một cái giường và khu vực bếp cũng là phòng tắm, nhưng dù sao nằm dưới đất cũng còn đỡ hơn là quấn mền đứng ngoài cổng như anh thanh niên miền sa mạc. Tôi không thấy tỏ mặt chị này, một thiếu phụ có lẽ hơn A năm bảy tuổi, chắc là đã có gia đình ở Gonder nhưng ở Gonder thì cạp đất mà ăn. Miền quê Ethiopia, con gái 13 hay 15 đã gả chồng, ở tuổi cô này có khi trời đã cho bảy tám lần sinh nở và cho nuôi được bốn đứa hay ba. Cô ta ngồi gầm mặt dưới sàn mà nấu càfé cho tôi uống, mà nấu càfé ở đất nước này là cả một nghệ thuật hay là một đạo.


Càfé xuất xứ từ Ethiopia mà ra chứ không phải là từ Buôn Mê Thuột. Từ vùng Kaffa, thức uống này được người Ả Rạp yêu mến và phổ biến đi khắp thế giới, vì thế đâu cũng gọi là tên của vùng này, dù có trại đi thành koffie hay là kahwa. Chỉ tại đây, để khỏi lẫn với tên tỉnh cho nên gọi là buna và tên gì thì đến ngày nay vẫn là lợi tức chính của quốc gia, mặc dù số lượng sản xuất đã thua xa Việt Nam hay là Brazil, Trung Mỹ. Xuất cảng thì không bằng ai nhưng còn lại là tập quán, số tiêu thụ tại đây theo đầu người cao gấp 5 lần tại nước ta. Người Ethiopia ai cũng uống càfé cả, ông già bà lão, đàn ông đàn bà, trẻ con người lớn, chẳng cứ phải là văn nhân, tài tử hay những kẻ nhớ đào, lặng yên nghe trong hồn từng giọt đắng tí tách nhỏ thương đau.

Thương đau là chỉ từ tháng 10 sang tháng 11 2008, giá thị trường quốc tế của Arabica mất đi 17%. Nếu với doanh gia Tây Nguyên Việt Nam, giá Robusta có sụt ngần ấy chỉ cần tắt bớt một cánh quạt của chuyên cơ vừa mới tậu thì với một gia đình khai thác vài ba sào ở Ethiopia đây là chuyện phải nhịn ăn một bữa trong ngày.

 

Một người dân Ehtiopia nhận bột ngũ cốc cứu trợ

Từ 2000 đến 2003, theo Oxfam, giá càfé từ 3 USD/ký xuống còn có 0,86 USD. Tổng số xuất cảng trên thế giới năm 1990 trị giá là 11 tỉ và tổng số bán cho người tiêu dùng là 30 tỉ. Đến năm 2004, tổng số xuất cảng là 5,5 tỉ và số bán ra cho người tiêu dùng là 70 ! Giữa hai con số mua vào và bán ra này là năm công ty làm mưa gió thị trường, tôi không muốn nói đến Hoàng Anh Kontum hay là Trung Nguyên Gia Lai mà Nestlé, Sara Lee, Procter and Gamble, Tchibo và Kraft. Ngũ hổ tướng này quyết định vận mạng của 25 triệu hộ trồng trọt trên thế giới, chẳng phải riêng gì ở tại Ethiopia. Năm nay trẻ con Guatemala đứa nào đi học đứa nào đi mót củi, trẻ con Việt Nam đứa nào chân không đứa nào có dép, trẻ con Brazil đứa nào ở nhà với mẹ cha đứa nào lên thành phố móc túi, bán dạo. Hiện tượng này tên gọi mỹ miều là Kinh tế Toàn cầu và thằng móc túi, con mót củi và đứa chân không là những kẻ bị hội nhập hay là bị WTO bỏ qua.

Hội nhập với thế giới, nếu là người trồng càfé, nhiều lúc muốn cũng không được. Theo phát biểu của giám đốc ngành nông phẩm của Nestlé, « trên số 25 triệu hộ này, 10 triệu hộ phải chấp nhận biến mất ». Không hiểu đây có phải nhờ đến nhà ảo thuật David Copperfield hay không. Năm 2.000, giá một bịch 60 kg Arabica tại Ethiopia là 670 bir (67 USD). Năm 2004, giá này là 150 bir[4].  Hội nhập với thế giới kiểu này, vậy chắc là không cần đến các nhà ảo thuật, chỉ cần ‘các sức mạnh khách quan của thị trường toàn cầu’ là cũng mất, 10 phần chết 7.

Càfé ở Ethiopia là một đạo. Nước sôi phải ba lần, khách uống phải ba chén, ngón tay chỉ trời chỉ đất gì đó như là người Mông Cổ trước khi được mời uống rượu, nhưng người nấu càfé thì tôi thấy được phép ngồi chồm hổm dạng hai chân mà quạt than. Chị này, đối với cô chủ dùng lotion của The Body Shop để tắm thì chẳng có gì để nói, và cho dù cả hai có cùng một đầu đình mà sắn quần lên để tát nước thì A vẫn ăn đứt cả phần dáng, phần nhan sắc lẫn phần bẹn. Phải nói, vì tôi say đắm chuyện tình trạng kinh tế mà lơ là và không tả đến người. A có đen cách mấy, có kém nước da thì vẫn ngang ngửa với lại người mẫu hay hoa hậu nhan nhản trên các tờ báo Việt, phần môi, mũi, mắt, phần ngực, phần đùi và khỏi cần nói là ăn đứt phần mông. Bên cạnh một hương trời như vậy thì chị người ở có phần khiêm tốn hơn, không nói về bậc thang xã hội.

Lúc nãy, khi tôi vào phòng vệ sinh đứng đái với cái cửa không đóng được và chỉ có một nửa phên phập phòng tôi đã ngại, vì chị ngồi án ngay trước với thau giặt đồ. A mới chỉ sắm ghế sa-lông, chưa có sắm máy giặt Miele. Cho nên chị ở ngồi giặt đồ chứ không đứng tắm trong một góc bếp. Đâm ra tôi lộ liễu chứ không phải là chị và tôi ngại. Chẳng như là A rất hồn nhiên, kéo vớ đùi lẫn G-string xuống và vén váy lên, đứng trung bình tấn (dáng đứng Amhara) mà tồ tồ vào bồn trong khi nhoẻn miệng rất là duyên. Nhưng cái duyên của chị ở là một cái duyên khác, một cái duyên ngầm sùi li ti bong bóng và sắp sửa sôi sục (theo tôi tưởng tượng) mặc dù A và chị cùng chia sẻ một cái hương xa của hồ-nước-Tana-lung-linh-nguồn-gốc-giòng-Nile-Xanh-huyền-bí.

Cái duyên của chị là cái duyên thầm lặng, cái duyên cam chịu tuy vẫn có gì kiêu hãnh ở bên trong. Người nước này, ăn mày cũng hiên ngang như Từ Hải, có chết đói thì vẫn chết… đứng. Ethiopia có bốn ngàn năm văn hiến, có tích từ Triều đại Thứ tư của Ai Cập (thế kỷ 26 và 25 trước Công nguyên), chí ít cũng là từ ngày nữ hoàng Sheba miền Punt đến nguấy đít[5] trước Solomon hoàng đế (thế kỷ thứ 10 trước Công nguyên). Thời tiền sử đã có Lucy (Australopithicus afarensis tức là australopithicus miền Afar, 3 hay là 4 triệu tuổi) và thời cận đại là nước đầu tiên thuộc thế giới thứ ba đánh bại quân của một nước Âu châu, chặn đứng thực dân xâm luợc khi thế kỷ 20 chưa bắt đầu[6]. Trận Adwa năm 1896 làm người Âu sững sờ. Đạo quân da đen của Menelik Đệ nhị đại phá 15.000 quân Ý, hạ sát 7.000 và bắt sống 3.000. Trên số bốn thiếu tướng chỉ huy các lữ đoàn, một bị bắt, hai tử trận và một bị thương. Phải đợi 10 năm sau, hạm đội Nhật Bản mới đánh bại hải quân Nga tại Tsushima và mới trên 10 năm trước đó, Henri Rivière hạ thành Nam Định với 500 lính thủy đánh bộ mà thiệt hại chỉ là 4 binh sĩ bị thương, sau khi đã chiếm Hà Nội với ngoài ba trăm tay súng.

Ngày 1 tháng 3 năm 1896 là ngày trẻ con Ethiopia nào cũng thuộc lòng, ngay cả những đứa không được đến trường, những đứa sán lải, những đứa phù thủng, những đứa mắt tóet, những đứa thiếu ăn và những đứa suy dinh dưỡng. Chỉ có những đứa chết sớm trước khi lên 5 tuổi là khỏi phải ăn mừng.

Tôi uống đủ ba tuần buna trong khi nghe A đấu tố người đàn ông bội bạc và bà vợ ác bá của chàng, lúc thì môi A trề ra lúc thì mũi A hứ. A trao duyên trong bốn năm nhầm một kỹ sư dầu khí, không thấy A kể ai đã dậy cho một cô bé tỉnh lẻ biết phân biệt giữa eau de parfumeau de toilette chẳng hạn, mà chỉ thấy tòan là chất ngất hận thù. Nàng càng kể thì càng cau mày như là Bao Tự mà tôi thì không có sẵn lụa để mà xé cho nàng cười, với lại tôi bắt đầu hơi sợ, từ Bao Tự rười rượi đến Đắc Kỷ ho gà cũng chẳng có mấy xa, sợ chứ sao không. Chị người ở tôi thấy bắt đầu quyến rũ, chí ít là cũng dễ mến, đại diện cho một Ethiopia không phải là giai cấp, nhất me Tây, nhì Lãnh đạo thầy ký.

Tôi nhớ đến một cô Amhara giúp việc nhà ở mãi Beirut xa xôi, rửa chén mà thông minh hơn là nhà chủ, lau những bồn cầu với dáng dấp nữ hòang. Tôi nghĩ đến những cô gái vị thành niên lấp ló ở cửa sau những quán rượu bình dân quanh khách sạn Tatu, tụt quần lót bẩn trên những tấm phản gỗ đổi lấy 3 USD tức là mấy bữa trứng gà tương ớt. Tôi thấy anh thanh niên đôi mắt sáng cái sáng đáng sợ của những người bụng đói đứng dưới mưa ở ngòai cổng. Tôi không biết nói với A cách nào là nếu tối nay tôi ngủ lại thì cho tôi ngủ ở trong …phòng khách.

Cạn ba tuần buna là đủ phép, tôi không biết nói với A  cách nào đây, tôi liếc chị người ở và tôi đứng dậy.

 



[1] Nghe đâu có 60.000 trẻ em vô gia cư lang thang tại Addis Ababa (con số UNICEF).  Đến tuổi 15 hay 17, có mỗi một cái lưng, con trai thì còng xuống đánh giày còn con gái thì ngả ra làm đĩ.

[2] Các con số trong bài này, ở đây cũng như bên dưới, theo Jean Ziegler, « L’Empire de la honte », Fayard, ấn bản có cập nhật Paris 2008, do ông trích dẫn từ nhiều nguồn.

[3] Quỹ giáo dục chiếm có 6% của tổng sản lượng, quỹ quốc phòng 3%.

[4] Ethiopia sản xuất chủ yếu là Arabica. Gía Arabica trước đây cao hơn Robusta nhiều, lấy chất lượng làm đầu. Robusta chất lượng thì kém nhưng vì rê nên các CT nói trên, nắm 45% của sản xuất trên thế giới, chuyển qua pha trộn ngày càng nhiều phần Robusta. Dùng Robusta nhiều hơn tức là Robusta trở thành được ưa chuộng và theo luật cung cầu gía Robusta tăng lên trong khi gía Arabica xuống thảm hại. Nông dân sản xuất Arabica cả ngàn năm truyền thống, không phải một ngày mà đổi giống sang trồng ngay được Robusta để cho các con còn có sữa…Nestlé.

[5] Đây là nói bừa, chứ không hiểu vào thời đó vũ điệu Niiko nổi tiếng của khu vực đã có chưa.

[6] Có thể kể thêm trường hợp của Toussaint Louverture, lãnh tụ của nô lệ da màu nổi loạn tại Haiti và đánh bại các lực luợng đế quốc Anh, Pháp lẫn Tây Ban Nha 100 năm trước đó (1797).

Tác giả

(Visited 4 times, 1 visits today)