Cần hình thành Cơ quan pháp quy hạt nhân quốc gia

Nhân kỷ niệm 10 năm ngày thành lập Cục An toàn bức xạ và hạt nhân (ATBXHN), Cục ATBXHN- Bộ KH&CN phối hợp với Sở KH&CN Hải Phòng tổ chức Hội nghị Tổng kết 10 năm công tác quản lý nhà nước về an toàn bức xạ và hạt nhân, Hội nghị Pháp quy hạt nhân toàn quốc lần thứ nhất và Hội nghị Cán bộ phụ trách an toàn bức xạ tại Đồ Sơn, trong 2 ngày 18 và 19/7/2013.

Tham dự hội nghị có Bộ trưởng Bộ KH&CN Nguyễn Quân, Phó Chủ tịch thường trực TP Hải Phòng Đan Đức Hiệp và trên 300 đại biểu và đại diện các cơ quan của Bộ KH&CN, các Bộ, ngành liên quan, đại diện các sở KH&CN Hải Phòng và của các tỉnh, thành phố và gần 100 cơ sở bức xạ điển hình trong cả nước. Trên 50 đại biểu đại diện Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA), các công ty nước ngoài trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử tại Việt Nam và đại diện cơ quan pháp quy hạt nhân, các tổ chức hỗ trợ kỹ thuật của các nước Nga, Nhật Bản, Hoa Kỳ, Thái Lan, Bungari… những tổ chức, cơ quan có mối quan hệ hợp tác hiệu quả với Cục ATBXHN cùng tham dự Hội nghị.

Mục đích của Hội nghị nhằm tổng kết 10 năm công tác quản lý nhà nước về ATBXHN; trao đổi kinh nghiệm và kết quả nghiên cứu, hỗ trợ kỹ thuật phục vụ quản lý nhà nước về ATBXHN; đề xuất các nhiệm vụ nghiên cứu và xây dựng chương trình phát triển năng lực hỗ trợ kỹ thuật phục vụ quản lý nhà nước về ATBXHN và phổ biến các văn bản quy phạm pháp luật trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử. Cũng tại Hội nghị này một vấn đề rất quan trọng trong Chương trình phát triển ĐHN của nước ta, là pháp quy hạt nhân đã được bàn thảo với 5 chủ đề: An toàn trong lựa chọn địa điểm xây dựng nhà máy ĐHN; nâng cao năng lực thẩm định an toàn hạt nhân; an toàn bức xạ, ứng phó sự cố và phóng xạ môi trường; an ninh và thanh sát hạt nhân; và đào tạo phát triển nguồn nhân lực. Theo ông Vương Hữu Tấn, Cục trưởng Cục ATBX, tất cả các nước đặc biệt là các nước có ĐHN đều đặt vị trí, thẩm quyền rất cao đối với Cơ quan pháp quy hạt nhân quốc gia (ban hành văn bản pháp quy, cấp phép, thanh tra, xử lý vi phạm, quan hệ quốc tế). Việt Nam đã bắt đầu khởi động chương trình ĐHN với các nhiệm vụ rất quan trọng của Cơ quan pháp quy hạt nhân quốc gia thuộc Bộ KH&CN, do vậy việc xây dựng đề án nâng cấp Cục ATBXHN thành Cơ quan pháp quy hạt nhân quốc gia phù hợp với mô hình tổ chức quản lý an toàn, an ninh và thanh sát hạt nhân của các nước là cần thiết nhằm nâng cao vị trí, vai trò, trách nhiệm và năng lực của cơ quan quản lý nhà nước về an toàn, an ninh và thanh sát hạt nhân của Bộ KH&CN đã được quy định trong Luật NLNT, đáp ứng yêu cầu phục vụ phát triển ứng dụng năng lượng nguyên tử nói chung và xây dựng nhà máy ĐHN và Trung tâm KH&CN hạt nhân nói riêng.

Phát biểu tại Hội nghị, Bộ trưởng Nguyễn Quân đánh giá cao những thành tựu mà Cục ATBXHN đạt được sau 10 năm xây dựng và phát triển đã hình thành hệ thống quản lý nhà nước về ATBX thống nhất từ trung ương đến địa phương; xây dựng và ban hành một số lượng khá lớn các văn bản pháp luật, quy phạm liên quan tới an toàn và bức xạ hạt nhân phục vụ đắc lực cho chủ trương phát triển và ứng dụng năng lượng hạt nhân vì mục đích hòa bình của Đảng và Nhà nước, thực hiện cam kết của Chính phủ ủng hộ Sáng kiến toàn cầu chống khủng bố hạt nhân và tích cực đóng góp vào nỗ lực chung của cộng đồng quốc tế trong việc giải trừ và không phổ biến vũ khí hạt nhân. Tính độc lập và năng lực chuyên môn của Cục ATBX đã được các cơ quan năng lượng nguyên tử quốc tế IAEA đánh giá cao; đồng thời theo Bộ trưởng  trong thời gian tới, Cục ATBXHN cần tập trung vào hai nhiệm vụ chính: hoàn thiện hệ thống văn bản pháp luật, tiêu chuẩn quy phạm kỹ thuật về an toàn, an ninh, thanh sát hạt nhân và tăng cường tiềm lực về mọi mặt, bảo đảm xây dựng Cục ngày càng vững mạnh, hoàn thành tốt trọng trách của mình.

Tác giả

(Visited 3 times, 1 visits today)