Cần nhân rộng quy trình xét duyệt của Giải thưởng Tạ Quang Bửu
Với những công trình nghiên cứu đạt tầm quốc tế, hai nhà khoa học, PGS. TS Nguyễn Sum (Khoa Toán, Đại học Quy Nhơn), GS. TS Phan Thanh Sơn Nam (Khoa Kỹ thuật hóa học, Đại học Bách khoa Tp.HCM, ĐH Quốc gia Tp.HCM) đã được trao tặng Giải thưởng Tạ Quang Bửu 2017 của Bộ KH&CN.
Phó thủ tướng Vũ Đức Đam và Bộ trưởng Bộ KH&CN Chu Ngọc Anh trao giải thưởng cho PGS. TS Nguyễn Sum, GS. TS Phan Thanh Sơn Nam. Ảnh: VGP/Tuấn Minh
Lễ trao giải thưởng Tạ Quang Bửu diễn ra vào sáng ngày 18/5/2017 tại Hà Nội. Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam; Bộ trưởng Bộ KH&CN Chu Ngọc Anh; Chủ nhiệm Ủy ban KH, CN và Môi trường của Quốc hội Phan Xuân Dũng đã tới dự.
Mong muốn nhân rộng cách đầu tư cho khoa học theo quy chế quỹ
Hai nhà khoa học đạt giải năm nay, PGS. TS Nguyễn Sum và GS. TS Phan Thanh Sơn Nam đều bước lên bục nhận giải với những suy nghĩ và trăn trở từ chính những công việc hàng ngày và những khó khăn mà mình đã nếm trải.
Phó giáo sư Nguyễn Sum nhấn mạnh đến vai trò của Quỹ Nafosted đối với những người làm nghiên cứu cơ bản như ông, “nhờ sự tài trợ của Quỹ với cơ chế xét duyệt minh bạch, dân chủ và công bằng, cùng với việc đánh giá khắt khe và yêu cầu cao đối với chất lượng của các sản phẩm nên đã giúp cho tôi cũng như các đồng nghiệp thực hiện việc nghiên cứu nghiêm túc nhất”. Chính sự đổi mới trong phương thức tài trợ cho nghiên cứu cơ bản là một trong những động lực giúp ông “trở lại mạnh mẽ với việc nghiên cứu khoa học sau một thời gian dài làm công tác quản lý”.
Việc Bộ KH&CN nỗ lực “mở đường” cho nghiên cứu khoa học cơ bản đã khuyến khích các nhà khoa học phát huy tinh thần đổi mới sáng tạo trong nghiên cứu, góp phần thúc đẩy số lượng công bố ISI của khoa học Việt Nam. Tuy nhiên, trong xã hội hiện nay vẫn tồn tại suy nghĩ là cần ưu tiên đầu tư cho khoa học ứng dụng hơn. Với tư cách là người làm nghiên cứu nhiều năm bám nghề, giáo sư Phan Thanh Sơn Nam đã nêu lên những suy nghĩ của anh về mối quan hệ giữa khoa học cơ bản và khoa học ứng dụng. Anh cho rằng, dù nghiên cứu ứng dụng là quan trọng nhưng “chắc chắn nghiên cứu cơ bản là tối quan trọng, có sứ mệnh sáng tạo ra những tri thức mới cho nhân loại. Phải có một nền khoa học học cơ bản vững chắc mới đủ sức nâng khoa học ứng dụng lên một tầm cao mới”. Vì thế, việc đầu tư cho khoa học cơ bản là điều hết sức cần thiết với Việt Nam hiện nay.
Lấy ví dụ về bản thân mình, giáo sư Phan Thanh Sơn Nam cho biết anh đã từng chán nản khi gặp nhiều khó khăn trong thời gian đầu trở về Việt Nam vào năm 2006 bởi khi đó, chưa có nhiều chính sách đầu tư thiết thực cho nghiên cứu cơ bản. Chỉ đến khi có sự ra đời của Quỹ Nafosted cũng như sự quan tâm đầu tư của cơ quan chủ quản, bốn năm sau anh mới có cơ hội “sống lại niềm đam mê” nghiên cứu của mình.
Tuy nhiên anh nhận thấy, hiện tại khoa học Việt Nam vẫn còn có một số tồn tại như việc đầu tư cho khoa học theo quy chế quỹ vẫn còn chưa được nhân rộng tới nhiều cấp, nhiều ngành; cơ chế tài chính, thủ tục hành chính trong quản lý đề tài nghiên cứu khoa học vẫn còn rườm rà; việc đánh giá hiệu quả hoạt động của các nhà khoa học, nhóm nghiên cứu, tổ chức nghiên cứu khoa học vẫn chưa theo đúng chuẩn mực quốc tế. Những tồn tại này là những nguyên nhân khiến chưa khuyến khích được sự sáng tạo của nhà khoa học cũng như chưa phát huy được sức vươn lên của khoa học Việt Nam.
Cần minh bạch trong quản lý khoa học
Lắng nghe chia sẻ của các nhà khoa học, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng cần phải có những cách làm hữu hiệu để việc đầu tư cho khoa học đạt hiệu quả cao hơn. Đề cập tới quy trình xét duyệt minh bạch và công bằng của Hội đồng Giải thưởng Tạ Quang Bửu, Phó Thủ tướng đề nghị cần lan tỏa cách làm của giải thưởng này trong các hoạt động quản lý khoa học và phân bổ ngân sách đầu tư cho khoa học, “một trong những điều đó là chúng ta phải công khai minh bạch tất cả các khâu”. Ông nhắc lại đến yêu cầu đã nêu với Bộ KH&CN từ những năm trước là cần công khai minh bạch từ lúc ra đề tài, cho đến quá trình thực hiện đề tài cho đến các ý kiến phản biện, kết quả đạt được. Kết quả của việc công khai và minh bạch trong quản lý khoa học là chia sẻ, phổ biến những kết quả nghiên cứu tốt trong cộng đồng xã hội, trong các doanh nghiệp, còn với trường hợp đề tài không tốt, không thiết thực thì cộng đồng cũng có thể cùng nhận biết, đánh giá. Có làm như vậy, nhận thức chung về xã hội về KH&CN cũng như tác động của khoa học đối với đời sống kinh tế, xã hội mới ngày càng gia tăng.
Cũng đề cập đến vai trò của KH&CN đối với sự phát triển của đất nước, Phó thủ tướng cho rằng, nhiệm vụ của các cấp quản lý khoa học và các nhà khoa học là phổ biến những kiến thức KHCN cần thiết để cho cuộc sống của những người dân bình thường tốt đẹp hơn, công việc hàng ngày có hiệu quả cao hơn thông qua những công cụ mà KH&CN sáng tạo ra. Ông cho rằng, nhiều công cụ ứng dụng từ các công trình nghiên cứu khoa học đỉnh cao đã phát huy sức mạnh trong cuộc sống, ví dụ “trí tuệ nhân tạo nghe rất cao siêu nhưng một trong những ứng dụng [của trí tuệ nhân tạo] là xử lý giọng nói đã được ứng dụng… Bây giờ anh em khoa học trẻ đã làm ra ứng dụng như chỉ bằng giọng nói trên chiếc điện thoại thông minh là có thể hỏi đường… tới đây nếu chúng ta làm được thì ngoài các kiến thức xung quanh như giữ gìn sức khỏe, trồng cây gì, canh tác trồng trọt như thế nào thì tốt biết bao nhiêu”.
Theo Phó thủ tướng Vũ Đức Đam, một trong những cơ hội của Bộ KH&CN cũng như cộng đồng các nhà khoa học Việt Nam trong thời gian tới là thực hiện đề án “Hệ Tri thức Việt số hóa”, mới được Chính phủ phê duyệt. Việc khai thác hiệu quả những thành tựu, tri thức, đưa chúng phục vụ cho cuộc sống hàng ngày của người dân sẽ là nhiệm vụ của các nhà khoa học Việt Nam.
Giữ vững tiêu chí lựa chọn là “trao cho các nhà khoa học đang tích cực hoạt động khoa học và đóng vai trò chủ chốt trong một công trình khoa học duy nhất được công bố trong vòng năm năm gần đây” và công bằng và bình đẳng trong xét duyệt như phát biểu của GS. TS Đinh Dũng, Phó chủ tịch Hội đồng Giải thưởng, Giải thưởng Tạ Quang Bửu 2017 được trao cho hai nhà khoa học có công trình nghiên cứu xuất sắc trong lĩnh vực khoa học tự nhiên và kỹ thuật: PGS. TS Nguyễn Sum với công trình “On the Peterson hit problem” xuất bản năm 2015 trên tạp chí Advances in Mathematics và GS. TS Phan Thanh Sơn Nam với công trình “Propargylamine synthesis via sequential methylation and C-H functionalization of N-methylanilines and terminal alkynes under metal-organic-framework Cu2(BDC)2(DABCO) catalysis” xuất bản trên tạp chí Journal of Catalysis.
GS. TS Đinh Dũng nhận xét, đây đều là những công trình ở tầm quốc tế và được thực hiện hoàn toàn tại Việt Nam, “điều này chứng tỏ nghiên cứu cơ bản trong lĩnh vực khoa học tự nhiên ở nước ta đang tiến nhanh trên con đường để đạt trình độ quốc tế”.