Cần theo sát thực tiễn KH&CN ở các địa phương

Trong bối cảnh chính sách quản lý KH&CN chuyển hướng sang lấy doanh nghiệp làm trọng tâm, thực tiễn trong nghiên cứu, quản lý KH&CN ở các địa phương có nhiều biến đổi theo hướng năng động hơn, liên kết với các doanh nghiệp tốt hơn nhưng đồng thời cũng sẽ lộ diện nhiều vướng mắc. Do vậy, các cơ quan chức năng của Bộ cần theo sát thực tiễn KH&CN ở các địa phương.


Bộ trưởng Bộ KH&CN Chu Ngọc Anh phát biểu tại Hội nghị. Ảnh: Trung tâm Truyền thông KH&CN/ Loan Lê.

Đó là ý kiến chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ KH&CN Chu Ngọc Anh trong Hội nghị giám đốc Sở KH&CN năm 2017 do Bộ KH&CN tổ chức vào ngày 15/4 vừa qua. Hội nghị do lãnh đạo Bộ KH&CN chủ trì, có sự tham gia của lãnh đạo 63 Sở KH&CN các tỉnh, thành trong cả nước.

Đại diện các Sở KH&CN địa phương đã chia sẻ thẳng thắn những vướng mắc và đề xuất sửa đổi bổ sung các quy định thuộc lĩnh vực tổ chức và cán bộ KH&CN, tập trung vào các vấn đề: rà soát để sửa đổi, bổ sung Thông tư liên tịch số 29/2014/TTLT-BKHCN-BNV ngày 15/10/2014; sớm ban hành văn bản hướng dẫn cơ chế tài chính thực hiện Nghị định số 54/2016/NĐ-CP ngày 14/6/2016 của Chính phủ “Quy định chế độ tự chủ của tổ chức KH&CN công lập” để có căn cứ triển khai; bổ sung, chỉnh sửa Thông tư liên tịch số 121/2014/TTLT-BTC-BKH&CN.

Nhiều đại biểu cũng đề xuất Bộ KH&CN cần sớm có những điều chỉnh, sửa đổi về hoạt động của Quỹ Phát triển KH&CN địa phương. Bởi vì thực tế triển khai hoạt động của Quỹ Phát triển KH&CN ở các địa phương rất khác nhau. Mặc dù một số tỉnh thành như Thái Nguyên, Hà Tĩnh đã đưa mô hình Quỹ Phát triển KH&CN địa phương vào thực hiện được trong 2 – 3 năm qua “rất trơn tru, phát huy được ưu thế của cơ chế tài chính của quỹ là ‘thoát ly’ được chu kỳ thời gian lập, thẩm định, quyết toán tài chính chặt chẽ vào cuối năm và phải ‘chuyển nguồn’ ngân sách nếu không chi hết tiền”, nhưng ở nhiều nơi, việc triển khai quỹ còn nhiều vướng mắc. Đơn cử như Quỹ Phát triển KH&CN Hà Nội “có tới 100 tỉ nhưng chưa thể triển khai tài trợ do vẫn cần có thêm quy định và hướng dẫn về cơ chế tài chính của quỹ”. Các tỉnh nghèo như Sơn La không chỉ “vướng mắc trong xây dựng các tiêu chuẩn xét duyệt đề tài ở Quỹ Phát triển KH&CN Sơn La mà còn không biết lấy tiền ở đâu cho hoạt động của Quỹ”, theo ông Phạm Quang An, giám đốc Sở KH&CN Sơn La. Từ đó, ông đề xuất, “Bộ KH&CN nên khảo sát để biết hiệu quả thực sự, vướng mắc của tất cả các quỹ phát triển KH&CN ở những địa phương có đặc thù khác nhau”.

Trong lĩnh vực đầu tư tăng cường tiềm lực KH&CN, Hội nghị cũng đã nhận được một số ý kiến thảo luận, chủ yếu tập trung vào những nội dung: Xây dựng bộ tiêu chí và có hướng dẫn để phân bổ kinh phí đầu tư phát triển KH&CN, trong đó xác định cụ thể lĩnh vực KH&CN, đảm bảo sử dụng nguồn kinh phí đầu tư phát triển KH&CN đúng và hiệu quả;…

Phát biểu tại Hội nghị, Bộ trưởng Chu Ngọc Anh đánh giá cao những kết quả hoạt động KH&CN trong cả nước thời gian qua. Các Sở KH&CN đã thể hiện trách nhiệm tham mưu cho lãnh đạo các tỉnh về các hoạt động KH&CN, gắn với nhiệm vụ kinh tế xã hội ở các địa phương. Đồng thời, hoạt động KH&CN đã nhận được sự quan tâm lớn của lãnh đạo các địa phương, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động KH&CN phát triển.

Trước những kiến nghị, đề xuất của lãnh đạo các Sở KH&CN địa phương, Bộ trưởng Chu Ngọc Anh khẳng định, Bộ sẽ tiếp tục rà soát, xây dựng lộ trình để trình xem xét sửa đổi các Luật có liên quan đến KH&CN do Bộ chủ trì, đóng góp ý kiến đối với các Luật khác có nội dung tác động đến hoạt động KH&CN để đảm bảo tính đồng bộ trong hệ thống Luật.

Theo Bộ trưởng, các Sở KH&CN địa phương cần tập trung cao độ cho dịch chuyển chính sách lấy doanh nghiệp làm trọng tâm trong ưu tiên của hoạt động KH&CN, ưu tiên giải quyết một số vấn đề thiết thực cho kinh tế xã hội: Đẩy mạnh công tác nghiên cứu ứng dụng, đặc biệt là trong phát triển nông nghiệp an toàn, nông nghiệp công nghệ cao, thích ứng với biến đổi khí hậu; Xây dựng các nhiệm vụ KH&CN liên kết giữa các địa phương để cùng phát triển các sản phẩm có thế mạnh, chủ lực của Vùng theo chuỗi giá trị; Ưu tiên những nhiệm vụ có tính chất liên tỉnh, liên vùng, liên ngành; sát cánh hơn cùng với doanh nghiệp tạo lập liên kết 4 nhà “nhà nước, nhà khoa học, nhà doanh nghiệp, nhà nông”.

Bộ trưởng nhấn mạnh, vì thực tiễn KH&CN địa phương luôn có nhiều đổi mới, sáng tạo nên các cơ quan trực thuộc bộ cần theo sát, đồng hành, sát cánh cùng các địa phương để  tháo gỡ những khó khăn, hạn chế, đồng thời khai thác thế mạnh của từng đề địa phương trong hoạt động KH&CN nhằm thúc đẩy hoạt động KH&CN mạnh mẽ hơn trong thời gian tới.

Tác giả

(Visited 1 times, 1 visits today)