Chất thải nhựa từ châu Âu sang Việt Nam chưa được giám sát chặt chẽ
Bất chấp các quy định nghiêm ngặt của EU về tái chế nhựa, đường đi của chất thải nhựa được vận chuyển từ EU đến Việt Nam lại không được giám sát chặt chẽ. Một tỷ lệ lớn nhựa xuất khẩu của châu Âu không thể tái chế và bị thải ra ngoài tự nhiên.
Các nước châu Âu thường xuất khẩu khoảng một nửa số chất thải nhựa của họ sang một số quốc gia ở Nam bán cầu, trong đó có Việt Nam. TS. Kaustubh Thapa (Đại học Utrecht, Hà Lan), PGS. TS Nguyễn Hồng Quân, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển Kinh tế Tuần hoàn (ĐHQG-HCM) cùng các đồng nghiệp đã đến thôn Minh Khai (hay còn gọi là làng Khoai, thị trấn Như Quỳnh, Văn Lâm, Hưng Yên), làng nghề tái chế nhựa lớn nhất Việt Nam, để truy vết con đường tái chế nhựa xuyên lục địa này.
Theo nhóm nghiên cứu, tại đây có 870 hộ gia đình tái chế khoảng 500–600 tấn chất thải nhựa mỗi ngày để kiếm sống. Hầu hết quá trình tái chế diễn ra ở khu vực trước sân nhà của họ. Chỉ một số ít hộ gia đình làm việc trực tiếp với các nhà sản xuất trong nước để tiếp cận và tái chế rác thải sinh hoạt sạch, trong khi những hộ gia đình khác không có nguồn cung cấp phế liệu nhựa sạch trong nước ổn định, mà phải dựa vào phế liệu nhập khẩu, thường không có giấy phép và thông qua các mạng lưới không chính thức.
Hầu hết các hộ gia đình tái chế ở làng nghề Minh Khai đều thích xử lý chất thải nhựa Nhật Bản vì họ thấy nó sạch hơn và tốn ít công sức hơn để xử lý. Người dân cho biết họ không cần rửa phế liệu nhựa của Nhật để tái chế. Mặt khác, phế liệu từ châu Âu ít được ưa chuộng và bẩn hơn, trong khi phế liệu của Mỹ bị coi là loại phế liệu bẩn nhất.
“Chúng tôi quan sát thấy mọi người nấu nướng, ăn uống và sinh hoạt trong cơ sở tái chế, giữa làn khói độc hại của nhựa nóng chảy. Trẻ em mặc sức chơi đùa trong môi trường ngột ngạt này”. TS. Thapa, trưởng nhóm nghiên cứu, kể lại. Theo nghiên cứu, mỗi ngày người dân đổ 7 triệu lít nước thải độc hại vào sông, suối của làng. “Mặc dù việc buôn bán chất thải như vậy mang lại lợi nhuận cho một số người dân, nhưng việc chuyển trách nhiệm quản lý rác thải của nhà sản xuất sang các ngôi làng như vậy sẽ gây hại cho người dân, cộng đồng và môi trường”.
Dựa trên ước tính nghiên cứu, 15–25% phế liệu nhập khẩu tại ngôi làng này không thể tái chế được. Người tái chế sẽ cân nhắc giá trị của phế liệu để quyết định chuyển chúng cho người thu gom rác khác hoặc thải ra môi trường. Không khí đầy khói từ quá trình nấu chảy nhựa và nước thải chưa qua xử lý từ quá trình tái chế có thể gây hại cho sức khỏe con người và môi trường sống.
Các nhà khoa học đã công bố các phát hiện của mình trong bài báo “Towards a Just Circular Economy Transition: the Case of European Plastic Waste Trade to Vietnam for Recycling” được đăng tải trên tạp chí Circular Economy and Sustainability. Nghiên cứu này đã hé lộ thực tế tại các trung tâm tái chế ở miền Nam bán cầu. “Người tiêu dùng châu Âu nỗ lực phân loại rác tái chế, tuy nhiên chúng ta có thể thấy rõ rằng những nỗ lực của họ, một phần nào đó, là vô ích”, TS Thapa nhận định. “Việc chỉ chăm chăm tập trung để tăng tỷ lệ tái chế ở EU mà không giải quyết một cách có hệ thống các tác hại liên quan đến con người và môi trường trong toàn bộ chuỗi giá trị là việc làm thiếu bền vững.”
EU đã xuất khẩu chất thải nhựa sang những nước như Indonesia, Philippines, Thái Lan và Việt Nam – vốn có năng lực tái chế thấp hơn EU. “Việc vận chuyển chất thải nhựa đến các điểm đến có quy định ít nghiêm ngặt hơn so với ở EU và không đủ cơ sở hạ tầng để xử lý chất thải nhựa (trong nước lẫn nhập khẩu) là một vấn đề cần lưu ý về mặt sinh thái xã hội và đạo đức”, nhóm nghiên cứu nhấn mạnh trong công bố. “Xuất khẩu chất thải nhựa mà không xem xét đến tác động của nó đối với các quốc gia tiếp nhận là một biện pháp quản lý rác thải không bền vững”.□
Hà Trang tổng hợp
Bài đăng Tia Sáng số 4/2024