Chỉ số khoảng cách giới toàn cầu: Việt Nam đứng thứ 83/146 quốc gia

Chỉ số khoảng cách giới toàn cầu của Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) năm 2022 chỉ ra, Việt Nam đứng thứ 83 trong 146 quốc gia được xếp hạng về bình đẳng giới, tăng 4 bậc so với năm 2021.

Để đo lường vấn đề bình đẳng giới, kể từ năm 2006 WEF đã đưa ra báo cáo Khoảng cách Giới toàn cầu, đánh giá, đo lường khoảng cách giữa nam giới và nữ giới dựa vào bốn chỉ số chính: Sự tham gia và Cơ hội trong lĩnh vực kinh tế (Economic Participation and Opportunity), Trình độ học vấn (Educational Attainment), Sức khỏe và sự sống còn (Health and Survival) và Trao quyền về chính trị (Political Empowerment). Thang điểm được tính từ 0 đến 1 (càng cao thì càng thu hẹp khoảng cách giới, tiến dần tới đóng lại được khoảng cách giới).

Bỏ phiếu bầu tại Đại hội đại biểu phụ nữ toàn quốc lần thứ XIII nhiệm kỳ 2022 – 2027. Ảnh: baodantoc

Bốn chỉ số này lại được cấu thành từ các chỉ số con nhỏ hơn (tổng cộng có 14 chỉ số con), ví dụ như Tỷ lệ số đại biểu nữ trong Quốc hội trên số đại biểu nam, số nữ bộ trưởng (thuộc chỉ số Phân quyền chính trị). Các chỉ số con này có thể do WEF trực tiếp tiến hành lấy dữ liệu hoặc lấy lại dữ liệu từ báo cáo của các tổ chức nghiên cứu/phi chính phủ uy tín khác như UNESCO, tổ chức Lao động quốc tế ILO trong năm hoặc ở năm gần nhất mà dữ liệu sẵn có.

Trong bốn chỉ số chính, Việt Nam có chỉ số Cơ hội trong lĩnh vực kinh tế được xếp thứ 31, cho thấy phụ nữ Việt Nam có cơ hội tham gia các hoạt động kinh tế tốt (mặc dù có sự suy giảm so với vị trí 26 vào năm 2021). Trong đó, tỉ lệ công nhân có trình độ kỹ thuật và chuyên môn sâu đứng đầu. Bức tranh lao động tương tự cũng được phản ánh trong báo cáo khác, chẳng hạn báo cáo “Giới và thị trường lao động ở Việt Nam” (Báo cáo phân tích dựa trên số liệu Điều tra Lao động – Việc làm) của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) cho thấy tỷ lệ tham gia thị trường lao động của phụ nữ Việt Nam ở mức cao đáng kể. Năm 2019, 70,9% phụ nữ Việt Nam trong độ tuổi lao động tham gia lực lượng lao động, trong khi tỷ lệ toàn cầu là 47,2%, và tỷ lệ ở Châu Á – Thái Bình Dương thậm chí còn thấp hơn, ở mức 43,9%.

Tuy nhiên, ở các chỉ số về Sức khoẻ và sự sống còn và Trao quyền về chính trị thì Việt Nam có vị trí thấp hơn hẳn, lần lượt là 141 và 106. Chỉ số về tỉ lệ nữ đại biểu quốc hội đã đạt vị trí 51 nhưng chỉ số về nữ bộ trưởng vẫn chỉ ở vị trí 140.

Nhiều năm nay, các cơ quan quản lý ở Việt Nam cũng đã đặt quyết tâm cao để cải thiện thể chế pháp luật về bình đẳng giới trong chính trị. Theo Nghị quyết 28/NQ-CP ban hành Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2021 – 2030, Việt Nam chỉ còn 3 năm nữa để đạt mục tiêu 60% cơ quan Nhà nước và chính quyền địa phương có lãnh đạo chủ chốt là nữ vào năm 2025 và 35% đại diện của phụ nữ trong Quốc hội vào năm 2030.

Nhìn chung, Báo cáo đánh giá, cần132 năm nữa để thu hẹp khoảng cách giới toàn cầu. Con số này đã được thu hẹp dần so với mức 136 năm của năm 2021. Báo cáo cũng chỉ ra rằng chưa có quốc gia nào đạt được bình đẳng giới đầy đủ, và các quốc gia đứng đầu về bình đẳng giới như Phần Lan, Na Uy, Thụy Điển, Ireland, Đức…đã thu hẹp khoảng cách giới ở mức 80%.

Khi các cuộc khủng hoảng đang gia tăng, phụ nữ và trẻ em gái nói chung, lực lượng lao động nữ càng phải gánh chịu thêm thiệt thòi thì nguy cơ bình đẳng giới trên toàn cầu sẽ ngày càng gia tăng. Trong số các chỉ số con, nhóm chỉ số về việc trao quyền chính trị cho phụ nữ vẫn là nhóm vấn đề ít được cải thiện nhất, năm nay và các năm trước đều chỉ đạt 22%.

Tác giả

(Visited 46 times, 1 visits today)