Chú trọng ứng dụng và phát triển các công nghệ tiên tiến

Trong giai đoạn 2016 - 2020, Chương trình KH&CN cấp quốc gia "KH&CN phục vụ phát triển kinh tế - xã hội Tây Nguyên trong liên kết vùng và hội nhập quốc tế" sẽ tập trung vào việc thực hiện 5 nội dung nghiên cứu, trong đó chú trọng đến việc ứng dụng và phát triển các công nghệ tiên tiến đã có của giai đoạn 2011-2015 vào sản xuất nông, lâm nghiệp và dịch vụ ở vùng đất này.


Trưng bày sản phẩm từ đề tài nghiên cứu của Chương trình giai đoạn 2011-2015

Theo quyết định số 965/QĐ-BKHCN, Chương trình “KH&CN phục vụ phát triển kinh tế – xã hội Tây Nguyên trong liên kết vùng và hội nhập quốc tế” trong giai đoạn mới 2016-2020 sẽ tiếp tục triển khai thực hiện những kết quả nghiên cứu đã hoàn thành ở giai đoạn 2011-2015, vốn được các hội đồng nghiệm thu đánh giá tốt và có nhiều khả năng ứng dụng,  nhân rộng trong sản xuất nông, lâm nghiệp và dịch vụ và hứa hẹn đem lại những hiệu quả kinh tế, xã hội cao tại Tây Nguyên, cụ thể như sau:

– Nghiên cứu ứng dụng và phát triển công nghệ sinh hóa, hóa dược phục vụ sản xuất thuốc đông dược, thực phẩm chức năng, thuốc chữa bệnh trên cơ sở các kết quả nghiên cứu và các bài thuốc dân tộc, tri thức bản địa và nguồn dược liệu phong phú được phát hiện ở Tây Nguyên.

– Hoàn thiện, ứng dụng và chuyển giao công nghệ chế biến khoáng sản: bùn đỏ từ sản xuất alumin để sử dụng làm vật liệu xây dựng không nung; bentonit để sản xuất thức ăn gia súc, phân bón.

– Hoàn thiện ứng dụng và chuyển giao công nghệ sinh học thụ tinh nhân tạo, nuôi cấy phôi (bò cao sản, heo rừng Tây Nguyên), nuôi cấy mô và phát triển công nghệ sinh học tiên tiến phục vụ phát triển nông nghiệp, lâm nghiệp công nghệ cao, bảo tồn các loại các loài động thực vật quý hiếm, chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp tại các vùng sinh thái đặc thù.

– Hoàn thiện ứng dụng các chế phẩm có nguồn gốc sinh học phục vụ sản xuất nông lâm nghiệp: phân bón (NPK nhả chậm, phân bón hữu cơ sinh học POLYFA –TN3), chất giữ ẩm (AMS1), thuốc trừ sâu (Anisaf – SH 1) và các sản phẩm đặc thù khác của Tây Nguyên.

– Hoàn thiện ứng dụng và chuyển giao công nghệ thông tin tự động hóa tưới tiêu, giám sát môi trường nông nghiệp, cập nhật và khai thác cơ sở dữ liệu, Atlas điện tử Tây Nguyên phục vụ quản lý và phát triển kinh tế xã hội.

– Hoàn thiện ứng dụng công nghệ năng lượng mặt trời, năng lượng gió trong phục vụ đời sống sinh hoạt.

– Nghiên cứu phát triển và ứng dụng chuyển giao công nghệ sau thu hoạch, chế biến các sản phẩm sâu các sản phẩm chủ lực, thức ăn đại gia súc (cỏ, ngô, đậu đỗ, hướng dương…) tại Tây Nguyên.

Bên cạnh đó, Chương trình còn tập trung vào 3 nội dung nghiên cứu khác: Nghiên cứu các giải pháp KH&CN cho liên kết vùng và hội nhập kinh tế quốc tế: Xác định lĩnh vực, sản phẩm. chính sách, cơ chế, giải pháp tổ chức thực hiện liên kết vùng và ngành hiệu quả với các tỉnh Nam Trung Bộ cũng như hội nhập kinh tế quốc tế theo thế mạnh của Tây Nguyên trong cộng đồng ASEAN và tham gia TTP; Giải pháp quản lý tổng hợp tài nguyên thiên nhiên và bảo tồn các hệ sinh thái đặc thù Tây Nguyên; Cung cấp các giải pháp phát huy nguồn nội lực KH&CN tại Tây Nguyên.

Khi thực hiện các nội dung nghiên cứu này, Chương trình “KH&CN phục vụ phát triển kinh tế – xã hội Tây Nguyên trong liên kết vùng và hội nhập quốc tế” hướng đến ba dạng sản phẩm. Theo tiêu chuẩn đã định, sản phẩm dạng I bao gồm sản phẩm hoàn thiện phục vụ sản xuất thử nghiệm và thương mại hóa (phân hữu cơ, phân vi sinh, chế phẩm sinh – hóa học, phôi và tinh động vật, con giống, cây giống); hệ thống dây chuyền, thiết bị sản xuất thức ăn gia súc, phân vi sinh, phân hữu cơ; hệ thống tự động hóa trong nông nghiệp (tưới thông minh, giám sát môi trường); hệ thống thiết bị bổ sung, lưu giữ nước dưới đất; quan trắc, giám sát các thông số môi trường. Sản phẩm dạng II gồm: các quy trình công nghệ hoàn thiện trong sản xuất thử nghiệm: phân vi sinh hữu cơ, các chế phẩm sinh – hóa học; các quy trình bổ sung, lưu giữ nguồn nước, tưới tiêu tiết kiệm; các quy trình sản xuất vật liệu (vật liệu xây dựng không nung, vật liệu cách âm, cách nhiệt); các hồ sơ thiết kế dây chuyền công nghệ, hệ thống cơ sở dữ liệu; các nhóm giải pháp khoa học công nghệ về quản lý tài nguyên, môi trường, thiên tai; các nhóm giải pháp chính sách, cơ chế về liên kết vùng, hội nhập kinh tế quốc tế, sử dụng hợp lý tài nguyên (đất, nước, rừng, khoáng sản). Sản phẩm dạng III gồm: báo cáo tổng kết; sách chuyên khảo; các công bố trong nước, quốc tế, tài liệu tập huấn; các kết quả đào tạo sau đại học; các kết quả đào tạo kỹ thuật trong chuyển giao công nghệ; đăng ký bảo hộ sở hữu trí tuệ.

Tác giả

(Visited 2 times, 1 visits today)